Hướng dẫn thủ tục chuyển trụ sở hộ kinh doanh nhanh gọn

Trụ sở chính hộ kinh doanh có thể được thuê, mượn để đăng ký thành lập, vì vậy có thể thay đổi bất cứ lúc nào. Chủ hộ kinh doanh cần nắm rõ thủ tục chuyển trụ sở chính để tự mình thực hiện khi có sự thay đổi.


Theo khoản 2 Điều 86 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, mỗi hộ kinh doanh có thể hoạt động kinh doanh tại nhiều địa điểm nhưng phải chọn một địa điểm để đăng ký trụ sở hộ kinh doanh và phải thông báo cho Cơ quan quản lý thuế, cơ quan quản lý thị trường nơi tiến hành hoạt động kinh doanh đối với các địa điểm kinh doanh còn lại.

Như vậy, hộ kinh doanh có trụ sở chính và các địa điểm kinh doanh. Những địa điểm này đều có thể di chuyển theo nhu cầu của hộ kinh doanh

Chuyển trụ sở chính

1. Chuyển trụ sở hộ kinh doanh trong cùng quận/huyện/thị xã

Căn cứ khoản 2 Điều 90 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, khi thay đổi nội dung đăng ký hộ kinh doanh, hộ kinh doanh gửi hồ sơ thông báo thay đổi nội dung đăng ký hộ kinh doanh đến Bộ phận một cửa UBND cấp huyện nơi đặt trụ sở chính. Hồ sơ bao gồm các giấy tờ sau đây:

- Thông báo thay đổi nội dung đăng ký hộ kinh doanh do chủ hộ kinh doanh ký;

- Bản sao biên bản họp thành viên hộ gia đình về việc đăng ký thay đổi nội dung đăng ký hộ kinh doanh đối với trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh.

2. Chuyển trụ sở hộ kinh doanh khác quận/huyện/thị xã

Theo khoản 4 Điều 90 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, trường hợp hộ kinh doanh chuyển địa chỉ trụ sở sang quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh khác nơi hộ kinh doanh đã đăng ký, hộ kinh doanh gửi hồ sơ thông báo thay đổi địa chỉ đến Bộ phận một cửa UBND cấp huyện nơi dự định đặt trụ sở mới. Hồ sơ phải có bản sao các giấy tờ sau đây:

- Thông báo thay đổi nội dung đăng ký hộ kinh doanh do chủ hộ kinh doanh ký;

- Bản sao biên bản họp thành viên hộ gia đình về việc đăng ký thay đổi địa chỉ trụ sở đối với trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh;

- Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với chủ hộ kinh doanh, thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh trong trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh.

Lưu ý:

- Thời gian giải quyết: 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ

- Lệ phí giải quyết: Do HĐND cấp tỉnh quyết định (theo Thông tư 85/2019/TT-BTC). Thông thường, lệ phí giải quyết là 100.000 đồng/lần.

Xem chi tiết: Cần bao nhiêu vốn để thành lập hộ kinh doanh cá thể?

Thủ tục chuyển trụ sở chính cho hộ kinh doanh (Ảnh minh hoạ)

Chuyển địa điểm hộ kinh doanh

Khoản 1 Điều 86 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định, địa điểm kinh doanh của hộ kinh doanh là nơi hộ kinh doanh thực hiện hoạt động kinh doanh. Địa điểm kinh doanh phải khác trụ sở chính.

Theo quy định mới, từ 01/01/2021, hộ kinh doanh có thể mở nhiều địa điểm kinh doanh tại các địa bàn khác. Sau khi mở địa điểm kinh doanh, hộ kinh doanh phải thông báo với cơ quan quản lý thuế (cụ thể là cơ quan thuế tại phường, xã nơi đặt địa điểm) và cơ quan quản lý thị trường cấp quận/huyện.

Như vậy, việc chuyển địa điểm hộ kinh doanh sẽ không cần phải làm thủ tục thông báo lên cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện mà chỉ cần thông báo với cơ quan thuế tại nơi đặt địa điểm kinh doanh mới.


Bị phạt hành chính nếu không đăng ký chuyển trụ sở hộ kinh doanh

Theo Điều 43 Nghị định 50/2016/NĐ-CP, trường hợp hộ kinh doanh có sự thay đổi về trụ sở chính sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng - 01 triệu đồng. Ngoài ra, hộ kinh doanh sẽ bị áp dụng biện pháp bổ sung buộc làm thủ tục thông báo thay đổi nội dung đăng ký hộ kinh doanh.

Trường hợp chuyển địa điểm kinh doanh mà không thông báo với cơ quan thuế, hộ kinh doanh có thể bị xử phạt từ 03 - 05 triệu đồng (theo điểm d khoản Điều 41 Nghị định 50/2016/NĐ-CP).

Như vậy, thủ tục chuyển trụ sở chính cũng như địa điểm hộ kinh doanh tương đối đơn giản. Nếu có thắc mắc liên quan đến vấn đề này, độc giả vui lòng gọi đến tổng đài 1900.6192 để được hỗ trợ nhanh nhất.

>> Mỗi người được lập mấy hộ kinh doanh? Được thuê bao nhiêu lao động?

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Thủ tục thành lập khu công nghệ cao [mới nhất]

Việc thành lập khu công nghệ cao không chỉ đóng vai trò trong việc thúc đẩy phát triển ngành công nghệ, mà còn góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về thủ tục thành lập khu công nghệ cao.