1. Chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư trong khu công nghệ cao
Căn cứ Điều 12 Nghị định 10/2024/NĐ-CP quy định:
Điều 12. Chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đối với các dự án đầu tư vào khu công nghệ cao
1. Khu công nghệ cao là địa bàn ưu đãi đầu tư, được hưởng ưu đãi đầu tư áp dụng với địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật về đầu tư.
Theo Nghị định trên, doanh nghiệp đầu tư vào khu công nghệ cao sẽ được hưởng chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư như: thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, đất đai, tín dụng...
Các mức ưu đãi, hỗ trợ cụ thể sẽ được áp dụng theo quy định của pháp luật về đầu tư, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, đất đai, tín dụng và pháp luật có liên quan.
Ngoài ra, theo khoản 4 Điều này, các dự án đầu tư và các hoạt động tại khu công nghệ cao được hưởng một số quyền lợi đặc biệt, cụ thể:
Ưu tiên tham gia chương trình hỗ trợ đào tạo, tuyển dụng lao động; chương trình hỗ trợ hoạt động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao,...
Hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo.
Hỗ trợ vốn vay và các chương trình hỗ trợ khác của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương.
2. Chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng trong khu công nghệ cao
Điều 13 Nghị định 10/2024/NĐ-CP Chính phủ quy định nhà nước có cơ chế khuyến khích đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng kỹ thuật. Theo đó, các tổ chức, cá nhân có đủ kinh nghiệm, năng lực được nhà nước khuyến khích đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghệ cao.
Các dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng được hưởng các ưu đãi sau đây:
Miễn tiền thuê đất, tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng hoàn trả theo quy định về thu tiền thuê đất trong khu công nghệ cao.
Ưu tiên vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước.
Được thực hiện các hình thức huy động vốn hợp pháp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, pháp luật về tín dụng và quy định khác.
Các ưu đãi khác theo quy định của pháp luật về đầu tư, thuế, đất đai.
Ưu tiên tham gia các đề án, chương trình, dự án thí điểm phát triển đô thị thông minh
Các chính sách hỗ trợ khác theo quy định của pháp luật.
Ngoài những chính sách ưu đãi về thuế, nhà nước còn ưu tiên về khâu giải quyết thủ tục hành chính. Ban quản lý khu công nghệ cao có trách nhiệm ưu tiên giải quyết các thủ tục liên quan đến Chủ đầu tư hạ tầng và các dự án đầu tư trong khu vực dự án đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng.
Điều này sẽ đảm bảo thuận lợi cho việc thu hút đầu tư và các hoạt động khác của dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghệ cao.
3. Chính sách hỗ trợ người lao động trong khu công nghệ cao
Tại Điều 14 Nghị định 10/2024/NĐ-CP đã quy định các chính sách đối với người lao động làm việc trong khu công nghệ cao. Theo đó, nhà nước có nhiều dự án phát triển công trình hạ tầng xã hội xung quanh khu công nghệ cao nhằm đảm bảo kết nối giao thông thuận lợi, để phục vụ trực tiếp cho người lao động làm việc trong khu công nghệ cao.
Ngoài ra, Nhà nước vẫn khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng kinh doanh các công trình hạ tầng xã hội.
Cùng với đó, các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng phục vụ trực tiếp cho người lao động làm việc trong khu công nghệ cao được hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ theo quy định của pháp luật về xây dựng nhà ở xã hội và pháp luật có liên quan.
Cũng theo Điều 14 Nghị định 10/2024/NĐ-CP quy định các đối tượng được thuê, mua, thuê mua nhà ở, cơ sở lưu trú phục vụ người lao động trong khu công nghệ cao như sau:
Tổ chức là nhà đầu tư và cá nhân là chuyên gia, người lao động làm việc tại khu công nghệ cao được thuê nhà ở trong thời gian hoạt động, làm việc tại khu công nghệ cao.
Người lao động làm việc trong Ban quản lý khu công nghệ cao, chuyên gia và người lao động có hợp đồng lao động không xác định thời hạn với các nhà đầu tư tại khu công nghệ cao được ưu tiên xét mua nhà ở.
Trên đây là nội dung tham khảo về chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư trong khu công nghệ cao