Phạm vi chính sách thu hút nhà đầu tư thể thao văn hóa giáo dục của Hà Nội
Luật Thủ đô 2024 đã có nhiều sự thay đổi và bổ sung so với Luật Thủ đô 2012, đáng lưu ý nhất là nội dung mới có tính chất thu hút nhà đầu tư cho các dự án ở Hà Nội trong lĩnh vực giáo dục, thể thao - văn hoá nói chung.
Chính sách thu hút nhà đầu tư được thể hiện rõ nhất tại nội dung về ưu đãi đầu tư tại Điều 43 Luật Thủ đô 2024. Theo quy định này, giáo dục, thể thao - công nghiệp văn hoá nằm trong nhóm được hưởng ưu đãi. Cụ thể:
Với lĩnh vực thể thao - văn hoá, phạm vi được hưởng ưu đãi theo Luật Thủ đô 2024 với danh mục chi tiết sẽ do Ủy ban nhân dân Thành phố quyết định, bao gồm đầu tư mới đối với các ngành nghề sau:
Quảng cáo
Kiến trúc
Phần mềm và các trò chơi giải trí
Thủ công mỹ nghệ
Thiết kế
Điện ảnh
Xuất bản
Thời trang
Nghệ thuật biểu diễn
Mỹ thuật
Nhiếp ảnh và triển lãm
Truyền hình và phát thanh
Du lịch văn hóa
Văn hóa ẩm thực
Ngoài ra, đối với lĩnh vực giáo dục, phạm vi được hưởng ưu đãi theo Luật Thủ đô 2024 bao gồm đầu tư mới đối với các loại dự án đầu tư thành lập mới :
Cơ sở giáo dục mầm non
Cơ sở giáo dục chất lượng cao, cơ sở giáo dục có nhiều cấp học
Cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông tại các vùng khó khăn về kinh tế - xã hội
Cơ sở đào tạo người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn
Trong đó, khoản 5 Điều 3 của Luật Thủ đô 2024 đã quy định về cơ sở giáo dục chất lượng cao là các cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông đạt chuẩn quốc gia theo quy định của pháp luật về giáo dục và đạt các tiêu chí về cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, chương trình giảng dạy, phương pháp giảng dạy và dịch vụ giáo dục chất lượng cao theo quy định của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội.
Chính sách thu hút nhà đầu tư dự án thể thao - công nghiệp, văn hoá, giáo dục
Điều 41 Luật Thủ đô 2024 đã có điểm mới so với Luật Thủ đô 2012 đối với khai thác công trình, hạng mục công trình tài sản công hạ tầng văn hóa, thể thao.
Theo đó, nhà đầu tư và các doanh nghiệp có thể được sang nhượng quyền khai thác, quản lý các công trình, hạng mục công trình này trong một thời gian nhất định. Sự mở rộng phạm vi đầu tư này có thể được coi là một chính sách thu hút đầu tư cho lĩnh vực thể thao - công nghiệp văn hoá.
Các dự án đầu tư cho lĩnh vực thể thao - công nghiệp văn hoá còn có thể được hưởng chính sách hỗ trợ về vốn qua Điều 39 Luật Thủ đô 2024. Theo đó, các dự án này trên địa bàn Hà Nội sẽ có thể được áp dụng phương thức đối tác công tư (PPP).
Đồng thời, Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội được xem xét, quyết định việc tăng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP không quá 70% tổng mức đầu tư của dự án.
Chính sách này được áp dụng trong trường hợp chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng của loại dự án này chiếm tỷ trọng lớn hơn 50% tổng mức đầu tư của dự án và phương án tài chính sơ bộ của dự án PPP không đảm bảo khả năng hoàn vốn.
Chính sách thu hút nhà đầu tư đối với các lĩnh vực giáo dục, thể thao - công nghiệp văn hoá được thể hiện rõ ràng nhất tại khoản 2 Điều 43 Luật Thủ đô 2024 với những ưu đãi sau:
Được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước 10 năm và giảm 50% tiền thuê đất, thuê mặt nước cho thời gian còn lại.
Được áp dụng mức thuế suất 5% thuế thu nhập doanh nghiệp, trong đó, được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời gian 04 năm và giảm 50% số thuế thu nhập phải nộp trong 09 năm tiếp theo.
Thời gian miễn thuế, giảm thuế đối với thu nhập của doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư mới quy định tại khoản này được tính từ năm đầu tiên có thu nhập chịu thuế từ dự án đầu tư.
Trên đây là nội dung tham khảo về: Chính sách thu hút đầu tư thể thao văn hoá giáo dục của Hà Nội theo Luật Thủ đô 2024.