Sáng chế được pháp luật bảo hộ dưới hình thức cấp văn bằng. Khi tiến hành nộp đơn đăng ký sáng chế, ngoài việc chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, các cá nhân, tổ chức cũng cần phải biết cụ thể chi phí đăng ký sáng chế.
1. Điều kiện để được bảo hộ sáng chế là gì?
Theo quy định tại Điều 58 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sáng chế có thể được bảo hộ dưới hình thức cấp bằng độc quyền sáng chế hoặc cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích.
Để được bảo hộ dưới 01 trong hai hình thức trên, sáng chế phải đáp ứng được các điều kiện sau:
Điều kiện | |
Sáng chế được bảo hộ dưới hình thức cấp bằng độc quyền sáng chế | - Có tính mới. - Có trình độ sáng tạo. - Có khả năng áp dụng công nghiệp. |
Sáng chế được bảo hộ dưới hình thức cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích | - Có tính mới. - Có khả năng áp dụng công nghiệp. |
Theo quy định tại Điều 93 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành, bằng độc quyền sáng chế có hiệu lực từ ngày cấp và kéo dài đến hết 20 năm kể từ ngày nộp đơn; trong khi đó, bằng độc quyền giải pháp hữu ích chỉ có hiệu lực từ ngày cấp và kéo dài đến hết 10 năm kể từ ngày nộp đơn.
Xem thêm chi tiết điều kiện bảo hộ sáng chế.
2. Ai có quyền đăng ký bằng độc quyền sáng chế?
Điều 86 Luật Sở hữu trí tuệ đã quy định cụ thể những cá nhân, tổ chức sau đây có quyền đăng ký bảo hộ sáng chế:
- Tác giả tạo ra sáng chế bằng công sức và chi phí của mình.
- Tổ chức, cá nhân đầu tư kinh phí, phương tiện vật chất cho tác giả dưới hình thức giao việc, thuê việc, trừ trường hợp có thoả thuận khác và thỏa thuận đó không trái với quy định.
- Sáng chế được tạo ra do sử dụng cơ sở vật chất - kỹ thuật, kinh phí từ ngân sách nhà nước do Chính phủ quy định quyền đăng ký sáng chế.
- Trường hợp nhiều tổ chức, cá nhân cùng nhau tạo ra hoặc đầu tư để tạo ra sáng chế thì các tổ chức, cá nhân đó đều có quyền đăng ký và phải được tất cả các tổ chức, cá nhân đó đồng ý.
Ngoài ra, những cá nhân, tổ chức nêu trên cũng có quyền chuyển giao quyền đăng ký cho tổ chức, cá nhân khác dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản, kể cả trường hợp đã nộp đơn đăng ký.
3. Chi phí đăng ký sáng chế là bao nhiêu?
Theo quy định tại Thông tư 263/2016/TT-BTC, chi phí đăng ký và cấp văn bằng bảo hộ sáng chế được quy định như sau:
Danh mục phí, lệ phí | Mức thu |
Lệ phí nộp đơn | 150.000 đồng |
Lệ phí cấp văn bằng | 120.000 đồng |
Phí thẩm định đơn đăng ký sở hữu công nghiệp. Phí thẩm định hình thức bằng 20% mức thu, phí thẩm định nội dung bằng 80% mức thu | 900.000 đồng |
Phí thẩm định yêu cầu hưởng quyền ưu tiên (mỗi đơn/yêu cầu) | 600.000 đồng |
Phí thẩm định yêu cầu sửa đổi đơn đăng ký sở hữu công nghiệp (cho mỗi nội dung sửa đổi của mỗi đơn) | 160.000 đồng |
Phí thẩm định yêu cầu chuyển nhượng đơn (mỗi đơn đăng ký) | 160.000 đồng |
Phí thẩm định hồ sơ đơn đăng ký chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp (mỗi văn bằng bảo hộ) | 230.000 đồng |
Phí tra cứu thông tin nhằm phục vụ việc thẩm định, giải quyết khiếu nại và các công việc khác trong phạm vi trách nhiệm đối với sáng chế cho mỗi điểm độc lập của yêu cầu bảo hộ | 600.000 đồng |
Phí công bố thông tin về sở hữu công nghiệp | 120.000 đồng |
Phí đăng bạ thông tin về sở hữu công nghiệp | 120.000 đồng |
Phí sử dụng Văn bằng bảo hộ đối với sáng chế, giải pháp hữu ích cho mỗi điểm độc lập của yêu cầu bảo hộ cho mỗi năm: | - Năm thứ 1; Năm thứ 2: 300.000 đồng - Năm thứ 3; Năm thứ 4: 500.000 đồng - Năm thứ 5; Năm thứ 6: 800.000 đồng - Năm thứ 7; Năm thứ 8: 1.200.000 đồng - Năm thứ 9; Năm thứ 10: 1.800.000 đồng - Năm thứ 11 - Năm thứ 13: 2.500.000 đồng - Năm thứ 14 - Năm thứ 16: 3.300.000 đồng - Năm thứ 17 - Năm thứ 20: 4.200.000 đồng |
Phí kiểm tra sơ bộ về mặt hình thức đơn sáng chế quốc tế để nộp cho văn phòng quốc tế và cơ quan tra cứu quốc tế | 300.000 đồng |
Trên đây là các chi phí đăng ký sáng chế chính thức phải nộp cho Cục Sở hữu trí tuệ. Ngoài chi phí trên, nếu cá nhân, tổ chức không tự thực hiện thủ đăng ký sáng chế thì sẽ phải mất thêm phí “dịch vụ” khi thuê cá nhân, tổ chức khác thực hiện thay.