Chi nhánh có tư cách pháp nhân không?

Chi nhánh có tư cách pháp nhân không - là thắc mắc của khá nhiều người, cùng tìm hiểu về vấn đề này qua bài viết sau.

1. Chi nhánh có tư cách pháp nhân không?

Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp và không có tư cách pháp nhân.

Theo khoản 1 Điều 44 Luật Doanh nghiệp 2020 thì chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ/một phần chức năng của doanh nghiệp, bao gồm cả chức năng đại diện theo ủy quyền.

Một tổ chức có tư cách pháp nhân khi đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 74 Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13:

- Ðược thành lập hợp pháp: Tổ chức phải được thành lập theo đúng trình tự, thủ tục tương ứng do pháp luật quy định cho loại hình tổ chức đó.

- Có cơ cấu tổ chức: Có cơ quan điều hành, tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan điều hành của pháp nhân được quy định trong điều lệ của pháp nhân/trong quyết định thành lập pháp nhân. Pháp nhân có cơ quan khác theo quyết định của pháp nhân/theo quy định của pháp luật.

- Có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó: Tài sản của tổ chức phải hoàn toàn biệt lập, tách biệt với tài riêng của thành viên hoặc tài sản của cơ quan sáng lập tổ chức.

Sự độc lập về tài sản của tổ chức thể hiện ở chế độ quản lý, kiểm soát và cơ chế thực hiện quyền làm chủ của tổ chức đối với tài sản của mình.

- Nhân danh mình tham gia các quan hệ pháp luật một cách độc lập: Tổ chức bằng các điều kiện và khả năng tài sản của mình, với tư cách pháp lí của chính mình để thực hiện các quyền và nghĩa vụ cũng như gánh chịu trách nhiệm dân sự phát sinh từ đó.

Theo đó, chi nhánh chỉ là một đơn vị thuộc của một doanh nghiệp và chỉ đáp ứng yêu cầu là được thành lập hợp pháp, có con dấu riêng, có tổ chức của bộ máy đầy đủ. Còn yếu tố độc lập về tài sản thì chi nhánh chưa đáp ứng được và cũng không thể tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình, do đó, chi nhánh không phải là pháp nhân.

Bản chất chi nhánh được thành lập nhằm thay mặt doanh nghiệp thực hiện một (hoặc một vài) chức năng của doanh nghiệp tại các địa phương doanh nghiệp không đặt trụ sở chính.

Chi nhánh có tư cách pháp nhân không
Chi nhánh có tư cách pháp nhân không? (Ảnh minh họa)

2. Chi nhánh có con dấu riêng không?

Khi thành lập chi nhánh thì doanh nghiệp có quyền tự quyết định việc chi nhánh đó có sử dụng con dấu hay không tùy thuộc vào nhu cầu hoạt động.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 43 Luật Doanh nghiệp năm 2020:

Doanh nghiệp quyết định loại dấu, số lượng, hình thức và nội dung dấu của doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện và đơn vị khác của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, hiện nay cũng chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định bắt buộc chi nhánh phải có con dấu riêng.

Do đó, trong quá trình hoạt động thì chi nhánh không bắt buộc phải có con dấu riêng. Song thực tế các chi nhánh của doanh nghiệp hiện nay đa phần đều sử dụng con dấu riêng để thuận tiện trong các hoạt động của doanh nghiệp nói chung và chi nhánh nói riêng.

3. Chi nhánh có được ký hợp đồng không?

Như đã nêu ở trên, chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, không có tư cách pháp nhân nên không thể nhân danh chính mình ký hợp đồng được. Tuy nhiên, người đại diện theo pháp luật của công ty có thể lập ủy quyền cho người đứng đầu chi nhánh làm đại diện theo ủy quyền của công ty, nhân danh công ty ký kết hợp đồng.

Được ủy quyền cho Giám đốc chi nhánh ký hợp đồng
Được ủy quyền cho Giám đốc chi nhánh ký hợp đồng (Ảnh minh họa)

Khoản 5 Điều 84 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:

Người đứng đầu chi nhánh, văn phòng đại diện thực hiện nhiệm vụ theo ủy quyền của pháp nhân trong phạm vi và thời hạn được ủy quyền.

Theo đó, người đứng đầu chi nhánh, văn phòng đại diện không đương nhiên có quyền đại diện cho chi nhánh ký kết hợp đồng mà quyền này chỉ phát sinh khi có ủy quyền của người đại diện theo pháp luật của công ty. Phạm vi và thời hạn ủy quyền là do người đại diện theo pháp luật của công ty quyết định.

Xem thêm: Chi nhánh, văn phòng đại diện có được ký kết hợp đồng không?

Trên đây là các quy định giải đáp cho vấn đề chi nhánh có tư cách pháp nhân không. Nếu có thắc mắc liên quan, vui lòng gọi ngay đến số 0938.36.1919 .

Đánh giá bài viết:
(1 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Mẫu đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá

Mẫu đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá

Mẫu đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá

Để được kinh doanh dịch vụ thẩm định giá, doanh nghiệp cần thực hiện thủ tục xin cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh. Vậy doanh nghiệp cần sử dụng mẫu đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá nào theo quy định hiện hành?