Chỉ dẫn địa lý: Điều kiện bảo hộ và mức phạt vi phạm

Việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý góp phần nâng cao giá trị hàng hóa, thúc đẩy sự phát triển về sản xuất hàng hóa tại các địa phương. Sau đây là tổng hợp các thông tin về chỉ dẫn địa lý theo quy định của pháp luật hiện hành.

1. Chỉ dẫn địa lý là gì?

Khoản 22 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 07/2022/QH15 (có hiệu lực từ 01/01/2023) giải thích, chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu chỉ nguồn gốc địa lý của sản phẩm đến từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc quốc gia cụ thể.

Chỉ dẫn địa lý đồng âm là các chỉ dẫn địa lý có cách phát âm hoặc cách viết trùng nhau.

Một số chỉ dẫn địa lý có thể kể đến như: Chè Tân Cương, Vải thiều Thanh Hà, nho Ninh Thuận, gốm Bát Tràng, lụa Vạn Phúc, nước mắm Phú Quốc...

Xem đầy đủ: Danh sách chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ ở Việt Nam

chi dan dia ly
Một số sản phẩm có chỉ dẫn địa lý (Ảnh minh họa)

2. Điều kiện bảo hộ chỉ dẫn địa lý

Việc được bảo hộ dưới hình thức chỉ dẫn địa lý không chỉ giúp bảo vệ danh tiếng, nâng cao giá trị cho sản phẩm, hàng hóa mà còn góp phần bảo tồn những giá trị tri thức truyền thống được tích lũy trong lịch sử của người dân địa phương.

Điều kiện để chỉ dẫn địa lý được bảo hộ quy định tại Điều 79 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi 2022 như sau:

- Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý phải có nguồn gốc địa lý từ địa phương, khu vực, vùng lãnh thổ hoặc quốc gia tương ứng với chỉ dẫn địa lý;

- Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có danh tiếng và chất lượng, đặc tính chủ yếu do điều kiện địa lý của địa phương, khu vực, vùng lãnh thổ hoặc quốc gia tương ứng với chỉ dẫn địa lý đó quyết định.

Chỉ dẫn địa lý đồng âm nếu đáp ứng điều kiện trên có thể được bảo hộ nếu chỉ dẫn địa lý đó trên thực tế được sử dụng theo cách thức không gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc địa lý của sản phẩm và bảo đảm nguyên tắc đối xử công bằng giữa các cá nhân, tổ chức sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý đó.

Lưu ý, các các đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa chỉ dẫn địa lý:
- Tên gọi, chỉ dẫn đã trở thành tên gọi chung của hàng hóa theo nhận thức của người tiêu dùng có liên quan trên lãnh thổ Việt Nam;

- Chỉ dẫn địa lý của nước ngoài mà tại nước đó không được bảo hộ, đã chấm dứt bảo hộ hoặc không còn được sử dụng;

- Chỉ dẫn địa lý bị trùng hoặc tương tự với một nhãn hiệu khác đang được bảo hộ hoặc đã được nộp theo đơn đăng ký nhãn hiệu, nếu sử dụng chỉ dẫn địa lý đó thì có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc thương mại của hàng hóa.

- Chỉ dẫn địa lý gây hiểu sai lệch cho người tiêu dùng về nguồn gốc địa lý thực của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý đó.

Xem chi tiết: Điều kiện bảo hộ chỉ dẫn địa lý mới nhất cần biết

3. Quyền đăng ký, sở hữu và sử dụng chỉ dẫn địa lý

3.1. Quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý

Điều 88 Luật Sở hữu trí tuệ 2009, sửa đổi 2022 quy định, quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý của Việt Nam thuộc về Nhà nước.

Trong đó, Nhà nước cho phép cá nhân, tổ chức sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, tổ chức tập thể đại diện cho các cá nhân, tổ chức đó hoặc cơ quan quản lý hành chính địa phương nơi có chỉ dẫn địa lý thực hiện quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý.

Cá nhân, tổ chức thực hiện quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý không trở thành chủ sở hữu chỉ dẫn địa lý đó.
Cá nhân, tổ chức nước ngoài là chủ thể quyền đối với chỉ dẫn địa lý theo luật của nước xuất xứ có quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý đó tại Việt Nam.

3.2. Quyền sở hữu, sử dụng chỉ dẫn địa lý

Khoản 4 Điều 121 Luật Sở hữu trí tuệ 2009, sửa đổi 2022 nêu rõ, chủ sở hữu chỉ dẫn địa lý của Việt Nam là Nhà nước.

Nhà nước sẽ trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý cho cá nhân, tổ chức sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý tại địa phương tương ứng và đưa sản phẩm đó ra thị trường.

Nhà nước trực tiếp quản lý chỉ dẫn địa lý hoặc trao quyền quản lý cho tổ chức đại diện quyền lợi của tất cả các cá nhân, tổ chức được trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý.

Xem chi tiết: Quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý bao gồm những nội dung gì?

chi dan dia ly

4. Các hành vi xâm phạm chỉ dẫn địa lý và biện pháp xử lý

4.1. Các hành vi xâm phạm chỉ dẫn địa lý

Các hành vi bị coi là xâm phạm chỉ dẫn địa lý được quy định tại khoản 7 Điều 124 Luật Sở hữu trí tuệ bao gồm:

-  Sử dụng chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ cho sản phẩm xuất xứ từ khu vực mang chỉ dẫn địa lý nhưng sản phẩm đó lại không đáp ứng đủ tiêu chuẩn về chất lượng, tính chất đặc thù.

- Sử dụng chỉ dẫn địa lý được bảo hộ cho sản phẩm tương tự nhằm mục đích lợi dụng danh tiếng, uy tín của chỉ dẫn địa lý;

- Sử dụng bất kỳ dấu hiệu nào trùng/tương tự với chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ cho sản phẩm không có nguồn gốc từ khu vực mang chỉ dẫn địa lý đó, khiến cho người tiêu dùng hiểu lầm về nguồn gốc sản phẩm.

- Sử dụng chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ đối với rượu vang, rượu mạnh dùng cho rượu vang, rượu mạnh không có nguồn gốc xuất xứ từ khu vực tương ứng với chỉ dẫn địa lý đó, kể cả đã chỉ dẫn về nguồn gốc xuất xứ thật của hàng hoá hoặc chỉ dẫn địa lý sử dụng dưới dạng dịch nghĩa, phiên âm hoặc sử dụng kèm theo các từ như kiểu, loại, dạng, phỏng theo hoặc những từ tương tự.

4.2. Mức phạt với hành vi xâm phạm chỉ dẫn địa lý

Tùy vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, cá nhân, tổ chức có thể bị phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Mức phạt hành chính đối với hành vi sản xuất, nhập khẩu, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ để bán hàng hóa giả mạo chỉ dẫn địa Iý quy định tại Điều 12 Nghị định 99/2013/NĐ-CP, sửa đổi bởi Nghị định 126/2021/NĐ-CP giao động từ 04 - 250 triệu đồng.

Trường hợp truy cứu trách nhiệm hình sự, theo Điều 226 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung 2017, đối tượng nào cố ý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ tại Việt Nam sẽ bị phạt như sau:

  • Cá nhân có thể bị phạt tiền đến 01 tỷ đồng hoặc phạt tù đến 03 năm;

  • Pháp nhân có thể bị phạt tiền đến 05 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn đến 02 năm.

Xem chi tiêt: Điểm qua các hành vi xâm phạm chỉ dẫn địa lý và mức phạt

Nếu cần tư vấn về chỉ dẫn địa lý, quý khách hàng liên hệ ngay số 0938.36.1919  để được LuatVietnam hỗ trợ.

Đánh giá bài viết:
(1 đánh giá)
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục