1. Giấy phép viễn thông là gì?
Theo Điều 33 Luật Viễn thông 2023, giấy phép viễn thông bao gồm giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông và giấy phép nghiệp vụ viễn thông, cụ thể:
- Giấy phép viễn thông bao gồm giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông và giấy phép nghiệp vụ viễn thông.
- Giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông bao gồm:
Giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông có hạ tầng mạng có thời hạn không quá 15 năm được cấp cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ có hạ tầng mạng;
Giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông không có hạ tầng mạng có thời hạn không quá 10 năm được cấp cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không có hạ tầng mạng.
- Giấy phép nghiệp vụ viễn thông bao gồm:
Giấy phép lắp đặt cáp viễn thông trên biển có thời hạn không quá 25 năm được cấp cho tổ chức lắp đặt cáp viễn thông trên biển cập bờ hoặc đi qua vùng biển Việt Nam;
Giấy phép thiết lập mạng viễn thông dùng riêng có thời hạn không quá 10 năm được cấp cho tổ chức thiết lập mạng viễn thông dùng riêng;
Giấy phép thử nghiệm mạng và dịch vụ viễn thông có thời hạn không quá 02 năm được cấp cho doanh nghiệp viễn thông thử nghiệm mạng và dịch vụ viễn thông;
Giấy phép thiết lập mạng viễn thông có thời hạn không quá 10 năm được cấp cho đài phát thanh quốc gia, đài truyền hình quốc gia thuộc Chính phủ.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện việc cấp, gia hạn, cấp lại, sửa đổi, bổ sung, thu hồi giấy phép viễn thông, yêu cầu chấm dứt hoạt động cung cấp dịch vụ viễn thông.
2. Các trường hợp thu hồi giấy phép viễn thông từ 24/12/2024
Căn cứ Điều 48 Nghị định 163/2024/NĐ-CP, giấy phép viễn thông sẽ bị thu hồi khi thuộc các trường hợp quy định tại điểm a, b, c và h khoản 1 Điều 40 Luật Viễn thông.
Theo đó, Điều 40 Luật Viễn thông 2023 quy định tổ chức, doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép viễn thông đã được cấp nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Lợi dụng hoạt động viễn thông nhằm chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
- Có hành vi gian dối hoặc cung cấp thông tin giả mạo để được cấp giấy phép viễn thông.
- Thực hiện không đúng với nội dung giấy phép viễn thông được cấp và gây hậu quả nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác.
- Không triển khai đầy đủ trên thực tế cam kết triển khai mạng viễn thông hoặc không cung cấp dịch vụ viễn thông ra thị trường sau thời hạn 02 năm kể từ ngày được cấp giấy phép.
(trừ trường hợp bất khả kháng hoặc trường hợp quy định tại điểm g khoản 1 Điều 40 Luật Viễn thông 2023)
- Ngừng kinh doanh dịch vụ viễn thông theo giấy phép viễn thông được cấp 01 năm liên tục mà không thông báo cho Bộ Thông tin và Truyền thông;
- Tự nguyện hoàn trả giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông;
- Bị thu hồi toàn bộ tài nguyên tần số vô tuyến điện đã được cấp nếu trong thời hạn 12 tháng kể từ khi quyền sử dụng tần số vô tuyến điện bị thu hồi mà không sửa đổi, bổ sung, cấp lại giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông.
Tuy nhiên, tùy từng trường hợp sẽ thực hiện thủ tục thu hồi giấy phép viễn thông theo quy định, cụ thể:
(i) Thủ tục thu hồi giấy phép viễn thông quy định tại điểm a, b, c và h khoản 1 Điều 40 Luật Viễn thông
Bước 1.Tiếp nhận thông báo
Cơ quan cấp phép viễn thông tiếp nhận quyết định, xác nhận của quan nhà nước có thẩm quyền về các vi phạm về viễn thông của doanh nghiệp.
Bước 2. Ban hành quyết định
Cơ quan cấp phép viễn thông ban hành quyết định thu hồi giấy phép viễn thông, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký cung cấp dịch vụ viễn thông theo thẩm quyền.
(ii) Thủ tục thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông quy định tại điểm d và điểm đ khoản 1 Điều 40 Luật Viễn thông
Bước 1. Giải trình
Bộ Thông tin và Truyền thông thông báo về hành vi vi phạm của doanh nghiệp và yêu cầu doanh nghiệp giải trình.
Bước 2. Ban hành quyết định
Cơ quan cấp phép viễn thông quyết định thu hồi giấy phép viễn thông như sau:
Sau 15 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn hẹn trong thông báo mà doanh nghiệp không có văn bản giải trình, chứng minh
Doanh nghiệp không khắc phục được hành vi vi phạm sau 1 năm kể từ ngày vi phạm không triển khai đầy đủ trên thực tế cam kết triển khai mạng viễn thông và bị xử lý vi phạm theo pháp luật.
Không thực hiện thủ tục sửa đổi, bổ sung, cấp lại giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông trong thời hạn 12 tháng kể từ khi có quyết định thu hồi.
3. Trách nhiệm của doanh nghiệp sau khi bị thu hồi giấy phép viễn thông
Theo khoản 3 Điều 48 Nghị định 163/2024/NĐ-CP, doanh nghiệp viễn thông bị thu hồi giấy phép có trách nhiệm hoàn thành đầy đủ các nghĩa vụ tài chính tính đến thời điểm quyết định thu hồi giấy phép có hiệu lực.
Trường hợp bị thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông khi có thuê bao đang sử dụng dịch vụ, doanh nghiệp viễn thông có trách nhiệm thực hiện bảo đảm quyền lợi người sử dụng như sau:
- Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng dịch vụ viễn thông theo hợp đồng sử dụng dịch vụ viễn thông đã giao kết và của các bên liên quan.
- Bảo đảm chuyển người sử dụng dịch vụ sang sử dụng dịch vụ viễn thông tương ứng của doanh nghiệp viễn thông khác hoặc thỏa thuận bồi thường cho người sử dụng dịch vụ.