Các lĩnh vực được áp dụng thủ tục đầu tư đặc biệt theo Nghị định 19
Nghị định 19/2025/NĐ-CP quy định chi tiết về thủ tục đầu tư đặc biệt quy định tại Điều 36a của Luật Đầu tư, được sửa đổi, bổ sung tại khoản 8 Điều 2 của Luật số 57/2024/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu;
Thủ tục đầu tư đặc biệt là quy định mới, mang tính đột phá, áp dụng đối với dự án đầu tư thuộc lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, công nghệ cao... tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế.
Theo Điều 2 Nghị định 19/2025/NĐ-CP, lĩnh vực áp dụng thủ tục đầu tư đặc biệt gồm:
- Lĩnh vực áp dụng thủ tục đầu tư đặc biệt thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 36a của Luật Đầu tư, gồm:
Đầu tư xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D); đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp mạch tích hợp bán dẫn, công nghệ thiết kế, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử tích hợp (IC), điện tử linh hoạt (PE), chip, vật liệu bán dẫn;
Đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển, sản xuất sản phẩm thuộc danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Lưu ý: Mục tiêu hoạt động của dự án đầu tư áp dụng thủ tục đầu tư đặc biệt theo Nghị định này phải thuộc lĩnh vực quy định tại khoản này.
- Dự án đầu tư tại khu công nghệ cao phải đáp ứng các nguyên tắc, tiêu chí đối với dự án thực hiện hoạt động công nghệ cao theo Luật Công nghệ cao và quy định của Chính phủ về khu công nghệ cao.
Kể từ thời điểm Luật số 57/2024/QH15 có hiệu lực thi hành từ ngày 15/01/2025, nhà đầu tư đề xuất thực hiện dự án đầu tư đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 36a có thể đăng ký đầu tư theo quy định mới.
Bên cạnh đó, theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 6 của Luật số 57/2024/QH14 thủ tục đầu tư đặc biệt cũng được áp dụng đối với các dự án đang hoạt động thuộc lĩnh vực được áp dụng thủ tục đầu tư đặc biệt quy định tại khoản 8 Điều 2 của Luật này.

Như vậy, kể từ ngày 15/01/2025, các dự án công nghệ cao đang hoạt động, nếu đáp ứng điều kiện theo quy định của Điều 36a cũng có thể lựa chọn áp dụng thủ tục đầu tư đặc biệt để rút ngắn thời gian triển khai thực hiện dự án.
Vì vậy việc quy định chi tiết để hướng dẫn thực hiện được Điều 36a, bảo đảm tính khả thi trong việc thực hiện quy định mới về thủ tục đầu tư đặc biệt, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Hồ sơ đăng ký cấp Giấy chứng nhận đăng ký theo thủ tục đầu tư đặc biệt gồm những gì?
Căn cứ Điều 3 Nghị định 19/2025/NĐ-CP quy định thủ tục đăng ký cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
Theo đó, hồ sơ đăng ký cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đặc biệt gồm những giấy tờ sau:
(i) Văn bản đề nghị.
(ii) Tài liệu về tư cách pháp lý của nhà đầu tư.
(iii) Tài liệu chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư gồm ít nhất một trong các tài liệu sau:
Báo cáo tài chính 02 năm gần nhất của nhà đầu tư
Cam kết hỗ trợ tài chính của công ty mẹ.
Cam kết hỗ trợ tài chính của tổ chức tài chính.
Bảo lãnh về năng lực tài chính của nhà đầu tư.
Tài liệu khác chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư.
(iv) Đề xuất dự án đầu tư gồm các nội dung chủ yếu sau:
Nhà đầu tư hoặc hình thức lựa chọn nhà đầu tư, mục tiêu đầu tư, quy mô đầu tư, vốn đầu tư và phương án huy động vốn, địa điểm, thời hạn, tiến độ thực hiện.
Thông tin về hiện trạng sử dụng đất tại địa điểm thực hiện dự án và đề xuất nhu cầu sử dụng đất (nếu có).
Nhu cầu về lao động, đề xuất hưởng ưu đãi đầu tư, tác động, hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án, đánh giá sơ bộ tác động môi trường (nếu có).
Trường hợp pháp luật về xây dựng quy định lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi thì nhà đầu tư được nộp báo cáo nghiên cứu tiền khả thi thay cho đề xuất dự án đầu tư.
Trường hợp dự án đầu tư không đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thì nộp bản sao giấy tờ về quyền sử dụng đất hoặc tài liệu khác xác định quyền sử dụng địa điểm để thực hiện dự án đầu tư.
(v) Hợp đồng BCC đối với dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC.
(vi) Tài liệu khác liên quan đến dự án đầu tư.
(vii) Cam kết của nhà đầu tư tại văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư gồm các nội dung sau:
Các điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật có liên quan theo quy định của pháp luật về xây dựng, bảo vệ môi trường, phòng cháy, chữa cháy.
Đánh giá sơ bộ sự phù hợp của dự án với điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật có liên quan theo quy định của pháp luật về xây dựng, bảo vệ môi trường, phòng cháy, chữa cháy.
Cam kết về việc đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật có liên quan theo quy định của pháp luật về xây dựng, bảo vệ môi trường, phòng cháy, chữa cháy.
- Cam kết không thực hiện các hành vi bị cấm theo quy định của pháp luật về xây dựng, bảo vệ môi trường, phòng cháy, chữa cháy.
Trên đây là nội dung về các lĩnh vực được áp dụng thủ tục đầu tư đặc biệt theo Nghị định 19.