Bổ sung ngành, nghề kinh doanh là một hình thức mở rộng quy mô sản xuất cho hộ kinh doanh. Dưới đây là hướng dẫn chi tiết thủ tục bổ sung ngành, nghề để giúp chủ hộ kinh doanh có thể tự mình thực hiện.
Hộ kinh doanh có được đăng ký nhiều ngành, nghề?
Khoản 1 Điều 89 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định như sau:
“ 1. Khi đăng ký thành lập, đăng ký thay đổi nội dung đăng ký hộ kinh doanh, hộ kinh doanh ghi ngành, nghề kinh doanh trên Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh, Thông báo thay đổi nội dung đăng ký hộ kinh doanh. Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện ghi nhận thông tin về ngành, nghề kinh doanh trên Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh.”
Khi đăng ký, thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh, chủ hộ kinh doanh phải lựa chọn trước ngành, nghề kinh doanh và ghi vào giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh.
Căn cứ khoản 2 Điều 89 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, hộ kinh doanh được quyền kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện kể từ khi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật và phải bảo đảm đáp ứng các điều kiện đó trong suốt quá trình hoạt động.
Theo quy định này, hộ kinh doanh có thể đăng ký những ngành, nghề mà pháp luật không cấm. Hiện nay, theo Điều 6 Luật Đầu tư 2020, cấm các hoạt động đầu tư kinh doanh sau đây:
- Kinh doanh các chất ma túy;
- Kinh doanh các loại hóa chất, khoáng vật quy định tại Phụ lục II của Luật này;
- Kinh doanh mẫu vật các loài thực vật, động vật hoang dã có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên quy định tại Phụ lục I của Công ước về buôn bán quốc tế các loài thực vật, động vật hoang dã nguy cấp; mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng, thủy sản nguy cấp, quý, hiếm Nhóm I có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên quy định tại Phụ lục III của Luật này;
- Kinh doanh mại dâm;
- Mua, bán người, mô, xác, bộ phận cơ thể người, bào thai người;
- Hoạt động kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính trên người;
- Kinh doanh pháo nổ;
- Kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
Về số lượng ngành, nghề đăng ký kinh doanh, hiện nay pháp luật không quy định cụ thể số lượng tối đa ngành, nghề được đăng ký. Hộ kinh doanh có thể đăng ký nhiều ngành, nghề, và những ngành nghề này sẽ được cơ quan đăng ký kinh doanh chấp thuận nếu đáp ứng được những điều kiện sau:
- Không phải là ngành, nghề kinh doanh bị cấm theo quy định của pháp luật;
- Có đủ điều kiện kinh doanh ngành, nghề đó (nghĩa là những ngành, nghề cần phải xin giấy phép con thì hộ kinh doanh phải thủ tục để được cấp giấy phép).
Như vậy, trong quá trình hoạt động, hộ kinh doanh có nhu cầu kinh doanh thêm các ngành, nghề ngoài danh mục đăng ký thì có thể thực hiện thủ tục bổ sung ngành, nghề và phải đáp ứng hai điều kiện trên.
Thủ tục bổ sung ngành, nghề cho kinh doanh (Ảnh minh hoạ)
Thủ tục bổ sung ngành, nghề cho hộ kinh doanh
Theo khoản 1 Điều 90 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, chủ hộ kinh doanh có trách nhiệm đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh với Cơ quan đăng ký kinh doanh trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày có thay đổi
Ngành, nghề kinh doanh là một trong những nội dung được trên Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh. Thủ tục bổ sung ngành, nghề kinh doanh được quy định cụ thể như sau:
* Chuẩn bị hồ sơ:
Căn cứ khoản 2 Điều 90 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, hồ sơ bổ sung ngành, nghề cho hộ kinh doanh bao gồm:
- Thông báo thay đổi nội dung đăng ký hộ kinh doanh do chủ hộ kinh doanh ký;
- Bản sao biên bản họp thành viên hộ gia đình về việc đăng ký thay đổi nội dung đăng ký hộ kinh doanh đối với trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh
- Văn bản uỷ quyền kèm giấy tờ pháp lý cá nhân đối với người nhận uỷ quyền thực hiện thủ tục thay đổi đăng ký hộ kinh doanh
* Nơi nộp hồ sơ:
Sau khi chuẩn bị các loại giấy tờ nêu trên, cá nhân hoặc người đại diện hộ gia đình đến nộp tại cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đặt trụ sở hộ kinh doanh. Cụ thể nộp tại Bộ phận một cửa (bộ phận dịch vụ công) thuộc UBND cấp huyện nơi đặt trụ sở hộ kinh doanh
* Thời gian làm thủ tục:
Trong 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện sẽ trao Giấy biên nhận và cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh.
Sau 03 ngày làm việc mà không nhận được Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh hoặc không nhận được thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ thì người đăng ký kinh doanh có quyền khiếu nại.
* Lệ phí giải quyết
Do HĐND cấp tỉnh quyết định (theo Thông tư 85/2019/TT-BTC). Thông thường, lệ phí giải quyết là 100.000 đồng/lần.
Như vậy, thủ tục bổ sung ngành, nghề cho hộ kinh doanh phải được thông báo lên cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện. Nếu có thắc mắc liên quan đến vấn đề này, độc giả vui lòng gọi đến tổng đài 1900.6192 để được hỗ trợ nhanh nhất.