Hướng dẫn doanh nghiệp làm báo cáo công tác bảo vệ môi trường

Báo cáo công tác bảo vệ môi trường là bản báo cáo trình bày các hoạt động và kết quả của doanh nghiệp trong việc bảo vệ và cải thiện môi trường. Vậy báo cáo này được thực hiện như thế nào? Cùng xem hướng dẫn sau đây.

1. Lập báo cáo công tác bảo vệ môi trường như thế nào?

Căn cứ khoản 1 và khoản 3 Điều 66 Thông tư 02/2022/TT-BTNMT, việc lập báo cáo công tác bảo vệ môi trường được thực hiện như sau:

1.1. Hình thức thể hiện báo cáo

Doanh nghiệp có thể lập báo cáo công tác bảo vệ môi trường dưới một trong 02 hình thức sau:

(1) Báo cáo bằng văn bản giấy:

Doanh nghiệp chuẩn bị cáo cáo bằng bản giấy phải có chữ ký của người có thẩm quyền, đóng dấu của đơn vị và bản điện tử (file.doc). Các biểu mẫu tổng hợp số liệu kèm theo báo cáo phải được đóng dấu giáp lai.

(2) Báo cáo bằng văn bản điện tử:

Thực hiện theo thể thức định dạng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định hoặc được số hóa từ văn bản giấy, có chữ ký điện tử của người có thẩm quyền và đóng dấu điện tử của đơn vị.

1.2. Nội dung báo cáo

Trường hợp 1: Chủ dự án đầu tư, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc đối tượng phải có giấy phép môi trường lập báo cáo công tác bảo vệ môi trường theo Mẫu số 05.A Phụ lục VI Thông tư 02/2022/TT-BTNMT.

Cụ thể, các đối tượng phải lập mẫu này bao gồm:

-  Dự án đầu tư nhóm I, nhóm II và nhóm III có phát sinh nước thải, bụi, khí thải xả ra môi trường phải được xử lý hoặc phát sinh chất thải nguy hại phải được quản lý theo quy định về quản lý chất thải khi đi vào vận hành chính thức.

- Dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp hoạt động trước ngày 01/01/2022 có tiêu chí về môi trường như đối tượng nêu trên.

(Căn cứ: Điều 39 Luật Bảo vệ môi trường 2020)

Trường hợp 2: Chủ dự án đầu tư, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc đối tượng phải đăng ký môi trường lập báo cáo công tác bảo vệ môi trường theo Mẫu số 05.B Phụ lục VI Thông tư 02/2022/TT-BTNMT.

Cụ thể, các đối tượng phải lập mẫu này bao gồm:

- Dự án đầu tư có phát sinh chất thải không thuộc đối tượng phải có giấy phép môi trường;

- Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoạt động trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành có phát sinh chất thải không thuộc đối tượng phải có giấy phép môi trường.

(Căn cứ: Khoản 1 Điều 49 Luật Bảo vệ môi trường 2020)

Trường hợp 3: Chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung hoặc cụm công nghiệp lập báo cáo công tác bảo vệ môi trường theo Mẫu số 06 Phụ lục VI Thông tư 02/2022/TT-BTNMT.

Dù thực hiện theo mẫu nào thì nội dung của báo cáo công tác bảo vệ môi trường vẫn phải đảm bảo những nội dung chính sau đây:

- Kết quả hoạt động của các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường đối với chất thải;

- Kết quả khắc phục các yêu cầu về bảo vệ môi trường của cơ quan thanh tra, kiểm tra và cơ quan nhà nước có thẩm quyền (nếu có);

- Kết quả quan trắc và giám sát môi trường định kỳ, quan trắc tự động, liên tục;

- Công tác quản lý chất thải rắn, quản lý chất thải nguy hại;

- Công tác quản lý phế liệu nhập khẩu (nếu có);

- Hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường (nếu có);

- Các kết quả, hoạt động, biện pháp bảo vệ môi trường khác.

Số liệu báo cáo công tác bảo vệ môi trường được thống kê từ ngày 01/01 đến hết ngày 31/12 của năm báo cáo.

>> Nếu gặp khó khăn trong quá trình lập báo cáo, gọi ngay tổng đài 19006192 để được tư vấn chi tiết.

Báo cáo công tác bảo vệ môi trường gồm những nội dung gì? (Ảnh minh họa)

2. Hướng dẫn nộp báo cáo công tác bảo vệ môi trường

Thủ tục báo cáo công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ được thực hiện theo Điều 119 Luật Bảo vệ môi trường và Điều 66 Thông tư 02/2022/TT-BTNMT như sau:

Bước 1: Doanh nghiệp lập báo cáo công tác bảo vệ môi trường với số liệu thống kê từ ngày 01/01 đến ngày 31/12 của năm báo cáo.

Doanh nghiệp có thể lập báo cáo công tác bảo vệ môi trường dưới hình thức bản giấy hoặc bằng văn bản điện tử.

Bước 2: Doanh nghiệp nộp báo cáo công tác bảo vệ môi trường cho cơ quan có thẩm quyền:

* Hạn nộp báo cáo:

- Chủ dự án đầu tư, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nộp báo cáo công tác bảo vệ môi trường định kỳ hằng năm trước ngày 15/01 của năm tiếp theo.

- Chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung hoặc cụm công nghiệp nộp báo cáo công tác bảo vệ môi trường định kỳ hằng năm trước ngày 20/01 của năm tiếp theo.

* Nơi gửi báo cáo:

- Chủ dự án đầu tư, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ gửi báo cáo công tác bảo vệ môi trường đến các cơ quan sau:

  • Cơ quan cấp giấy phép môi trường (nếu thuộc đối tượng phải có giấy phép môi trường) hoặc cơ quan tiếp nhận đăng ký môi trường (nếu thuộc đối tượng phải đăng ký môi trường).
  • Sở Tài nguyên và Môi trường (nơi dự án đầu tư, cơ sở có hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ).
  • Ủy ban nhân dân cấp huyện.
  • Chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung hoặc cụm công nghiệp (đối với các cơ sở nằm trong khu kinh tế, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung hoặc cụm công nghiệp).

- Chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung gửi báo cáo công tác bảo vệ môi trường đến các cơ quan:

  • Cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh.
  • Cơ quan cấp giấy phép môi trường.
  • Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

- Chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp gửi báo cáo công tác bảo vệ môi trường đến các cơ quan:

  • Cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh.
  • Cơ quan cấp giấy phép môi trường.
  • Ủy ban nhân dân cấp huyện.

* Hình thức nộp báo cáo:

- Báo cáo bản giấy gửi theo một hình thức sau:

(1) Gửi, nhận trực tiếp.

(2) Gửi, nhận qua dịch vụ bưu chính.

(3) Gửi, nhận qua Fax.

(4) Phương thức khác theo quy định.

- Báo cáo bản điện tử gửi theo một hình thức sau:

(1) Gửi qua hệ thống thông tin môi trường các cấp hoặc hệ thống thông tin khác của địa phương.

(2) Gửi, nhận qua hệ thống thư điện tử.

(3) Phương thức khác theo quy định.

Bước 3: Doanh nghiệp nhận thông báo nộp báo cáo công tác bảo vệ môi trường thành công.

Báo cáo công tác bảo vệ môi trường nộp ở đâu? (Ảnh minh họa)

3. Báo cáo công tác bảo vệ môi trường có bắt buộc không?

khoản 1 Điều 119 Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 nêu rõ, chủ dự án đầu tư, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có trách nhiệm lập và gửi báo cáo công tác bảo vệ môi trường đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Do đó, việc nộp báo cáo công tác bảo vệ môi trường là yêu cầu bắt buộc đối với các doanh nghiệp có hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

Tuy nhiên, theo khoản 1 Điều 66 Thông tư 02/2022/TT-BTNMT, báo cáo công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ chỉ buộc thực hiện đối với các trường hợp sau đây:

- Chủ dự án đầu tư, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc đối tượng phải có giấy phép môi trường.

- Chủ dự án đầu tư, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc đối tượng phải đăng ký môi trường.

- Chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung hoặc cụm công nghiệp.

Trường hợp doanh nghiệp thuộc đối tượng được miễn đăng ký môi trường quy định tại Điều 32 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP thì không phải nộp báo cáo công tác bảo vệ môi trường. Cụ thể bao gồm:

- Dự án đầu tư khi đi vào vận hành và cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không phát sinh chất thải hoặc chỉ phát sinh chất thải với khối lượng nhỏ, được xử lý bằng công trình xử lý tại chỗ hoặc được quản lý theo quy định của chính quyền địa phương.

-  Dự án đầu tư khi đi vào vận hành và cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không phát sinh chất thải hoặc chỉ phát sinh chất thải rắn sinh hoạt dưới 300 kg/ngày được quản lý theo quy định của chính quyền địa phương; hoặc phát sinh nước thải dưới 05 m3/ngày, khí thải dưới 50 m3/giờ được xử lý bằng công trình thiết bị xử lý tại chỗ hoặc được quản lý theo quy định của chính quyền địa phương.

- Danh mục dự án đầu tư, cơ sở được miễn đăng ký môi trường quy định tại Phụ lục XVI Nghị định 08/2022/NĐ-CP như:

  • Hoạt động đào tạo nguồn nhân lực; các hoạt động tư vấn, chuyển giao công nghệ, dạy nghề,…;
  • Sản xuất, trình chiếu và phát hành chương trình truyền hình; sản xuất phim điện ảnh,...;
  • Dịch vụ thương mại, buôn bán lưu động, không có địa điểm cố định;
  • Dịch vụ thương mại, buôn bán các sản phẩm, hàng hóa tiêu dùng, đồ gia dụng có diện tích xây dựng dưới 200 m2;
  • Dịch vụ ăn uống có diện tích nhà hàng dưới 200 m2;
  • Dự án, cơ sở nuôi trồng thủy sản trên biển, sông, suối, hồ chứa có lưu lượng nước thải dưới 10.000 m3/ngày đêm…

4. Hạn nộp báo cáo công tác bảo vệ môi trường là khi nào?

Khoản 2 Điều 66 Thông tư 02/2022/TT-BTNMT (được đính chính bởi Quyết định 3323/QĐ-BTNMT năm 2022) quy định về thời gian gửi báo cáo công tác bảo vệ môi trường như sau:

Chủ dự án đầu tư, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ báo cáo các cơ quan quy định tại khoản 5 Điều này về công tác bảo vệ môi trường định kỳ hằng năm (kỳ báo cáo tính từ ngày 01 tháng 01 đến hết ngày 31 tháng 12) trước ngày 15 tháng 01 của năm tiếp theo; chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung hoặc cụm công nghiệp báo cáo các cơ quan quy định tại khoản 5 Điều này về công tác bảo vệ môi trường định kỳ hằng năm (kỳ báo cáo tính từ ngày 01 tháng 01 đến hết ngày 31 tháng 12) trước ngày 20 tháng 01 của năm tiếp theo.

Theo đó, hạn cuối nộp báo cáo công tác bảo vệ môi trường đối với các chủ đầu tư, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ như sau:

- Hạn cuối nộp báo cáo đối với chủ dự án đầu tư, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ: Đến hết ngày 14/01 của năm tiếp theo của kỳ báo cáo.

- Hạn cuối nộp báo cáo đối với chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung hoặc cụm công nghiệp: Đến hết ngày 19/01 của năm tiếp theo của kỳ báo cáo.

5. Nộp muộn báo cáo công tác bảo vệ môi trường có bị phạt?

Việc nộp báo cáo công tác bảo vệ môi trường là yêu cầu bắt buộc đối với nhiều doanh nghiệp. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn phải đảm bảo nộp báo cáo đúng hạn nếu không sẽ bị phạt.

Bởi theo khoản 1 Điều 43 và khoản 2 Điều 6 Nghị định 45/2022/NĐ-CP, với hành vi không gửi báo cáo công tác bảo vệ môi trường tới các cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định, doanh nghiệp sẽ bị phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng.

Cũng theo quy định trên, nếu không lập báo cáo công tác bảo vệ môi trường hoặc báo cáo công tác bảo vệ môi trường không đúng, không đầy đủ, doanh nghiệp sẽ bị phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng.

Thêm vào đó, doanh nghiệp còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là buộc phải nộp báo cáo công tác bảo vệ môi trường tới các cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo điểm o khoản 3 Điều 4 Nghị định 45/2022/NĐ-CP.

Trên đây là thông tin hướng dẫn doanh nghiệp làm báo cáo công tác bảo vệ môi trường nộp cho cơ quan có thẩm quyền. Nếu còn nội dung vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 19006192 để được hỗ trợ chi tiết.

Tham gia group Zalo để cập nhật sớm nhất các văn bản trong lĩnh vực Lao động - Bảo hiểm: https://zalo.me/g/mrfizx909
Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Thủ tục thành lập khu công nghệ cao [mới nhất]

Việc thành lập khu công nghệ cao không chỉ đóng vai trò trong việc thúc đẩy phát triển ngành công nghệ, mà còn góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về thủ tục thành lập khu công nghệ cao.