26 điểm mới của Luât Doanh nghiệp 2020 so với Luật Doanh nghiệp 2014

Luật Doanh nghiệp 2020 với nhiều thay đổi đã có tác động lớn đến việc tổ chức, hoạt động của các doanh nghiệp. Dưới đây là điểm mới của Luật Doanh nghiệp 2020 so với Luật Doanh nghiệp 2014 mà LuatVietnam đã tổng hợp.

26 ĐIỂM MỚI CỦA LUẬT DOANH NGHIỆP 2020 SO VỚI LUẬT DOANH NGHIỆP 2014

Luật Doanh nghiệp 2020

Luật Doanh nghiệp 2014

1. Đối tượng bị cấm thành lập doanh nghiệp

Điểm g khoản 2 Điều 17 bổ sung thêm 01 đối tượng khác không được thành lập và quản lý doanh nghiệp là: Tổ chức là pháp nhân thương mại bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Trước đây không quy định

2. Thêm và bãi bỏ trường hợp được cử người khác làm người đại diện theo pháp luật

Khoản 5 Điều 12 quy định các trường hợp được cử người khác làm người đại diện theo pháp luật, bao gồm:

- Doanh nghiệp chỉ còn một người đại diện theo pháp luật và người này vắng mặt tại Việt Nam quá 30 ngày mà không ủy quyền cho người khác thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật;

- Chết, mất tích;

- Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; - Bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù;

- Đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện hoặc giáo dục bắt buộc;

- Bị hạn chế hạn hoặc mất năng lực hành vi dân sự;

- Có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi;

- Bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định.

Khoản 5 Điều 13 quy định các trường hợp được cử người khác làm người đại diện theo pháp luật, bao gồm:

- Doanh nghiệp chỉ có một người đại diện theo pháp luật và người này vắng mặt tại Việt Nam quá 30 ngày mà không ủy quyền cho người khác thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật

- Chết, mất tích, tạm giam, kết án tù

- Bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự.

3. Không phải thông báo mẫu dấu khi đăng ký thành lập doanh nghiệp

Bãi bỏ quy định này

Điều 44 quy định: Trước khi sử dụng, doanh nghiệp có nghĩa vụ thông báo mẫu con dấu với cơ quan ĐKKD để đăng tải công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

4. Thay đổi tỷ lệ vốn trong doanh nghiệp nhà nước

Điều 88 quy định Doanh nghiệp nhà nước được tổ chức quản lý dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, bao gồm 02 loại hình:

- Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ;

- Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết trở lên.

Khoản 8 Điều 4 quy định Doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

5. Bổ sung khái niệm người có quan hệ gia đình

Khoản 4 Điều 22 bổ sung thêm khái niệm: “Người có quan hệ gia đình bao gồm: vợ, chồng, bố đẻ, mẹ đẻ, bố nuôi, mẹ nuôi, bố chồng, mẹ chồng, bố vợ, mẹ vợ, con đẻ, con nuôi, con rể, con dâu, anh ruột, chị ruột, em ruột, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu, anh ruột của vợ, anh ruột của chồng, chị ruột của vợ, chị ruột của chồng, em ruột của vợ, em ruột của chồng.”

Trước đây không quy định

6. Sửa đổi khái niệm người có liên quan

Khoản 23 Điều 4 quy định khái niệm người có liên quan như sau:

Người có liên quan là cá nhân, tổ chức có quan hệ trực tiếp hoặc gián tiếp với doanh nghiệp trong các trường hợp sau đây:

a) Công ty mẹ, người quản lý và người đại diện theo pháp luật của công ty mẹ và người có thẩm quyền bổ nhiệm người quản lý của công ty mẹ;

b) Công ty con, người quản lý và người đại diện theo pháp luật của công ty con;

c) Cá nhân, tổ chức hoặc nhóm cá nhân, tổ chức có khả năng chi phối hoạt động của doanh nghiệp đó thông qua sở hữu, thâu tóm cổ phần, phần vốn góp hoặc thông qua việc ra quyết định của công ty;

d) Người quản lý doanh nghiệp, người đại diện theo pháp luật, Kiểm soát viên;

đ) Vợ, chồng, bố đẻ, mẹ đẻ, bố nuôi, mẹ nuôi, bố chồng, mẹ chồng, bố vợ, mẹ vợ, con đẻ, con nuôi, con rể, con dâu, anh ruột, chị ruột, em ruột, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người quản lý công ty, người đại diện theo pháp luật, Kiểm soát viên, thành viên và cổ đông sở hữu phần vốn góp hay cổ phần chi phối;

e) Cá nhân là người đại diện theo ủy quyền của công ty, tổ chức quy định tại các điểm a, b và c khoản này;

g) Doanh nghiệp trong đó cá nhân, công ty, tổ chức quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và e khoản này có sở hữu đến mức chi phối việc ra quyết định của công ty.

Khoản 17 Điều 4 quy định các trường hợp người có liên quan như sau:

Người có liên quan là tổ chức, cá nhân có quan hệ trực tiếp hoặc gián tiếp với doanh nghiệp trong các trường hợp sau đây:

a) Công ty mẹ, người quản lý công ty mẹ và người có thẩm quyền bổ nhiệm người quản lý đó đối với công ty con trong nhóm công ty;

b) Công ty con đối với công ty mẹ trong nhóm công ty;

c) Người hoặc nhóm người có khả năng chi phối việc ra quyết định, hoạt động của doanh nghiệp đó thông qua cơ quan quản lý doanh nghiệp;

d) Người quản lý doanh nghiệp;

đ) Vợ, chồng, cha đẻ, cha nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, anh ruột, chị ruột, em ruột, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người quản lý công ty hoặc của thành viên, cổ đông sở hữu phần vốn góp hay cổ phần chi phối;

e) Cá nhân được ủy quyền đại diện cho những người, công ty quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản này;

g) Doanh nghiệp trong đó những người, công ty quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e và h khoản này có sở hữu đến mức chi phối việc ra quyết định của các cơ quan quản lý ở doanh nghiệp đó;

h) Nhóm người thỏa thuận cùng phối hợp để thâu tóm phần vốn góp, cổ phần hoặc lợi ích ở công ty hoặc để chi phối việc ra quyết định của công ty.

7. Không cần báo cáo thay đổi thông tin về người quản lý doanh nghiệp

Bãi bỏ quy định này.

Điều 12 quy định Doanh nghiệp phải báo cáo với Phòng Đăng ký kinh doanh về thông tin của người quản lý doanh nghiệp đối với những người sau:

1. Thành viên Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần;

2. Thành viên Ban kiểm soát hoặc Kiểm soát viên;

3. Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.

8. Công ty TNHH 2 thành viên được phát hành trái phiếu

Khoản 4 Điều 46 quy định, công ty TNHH 2 thành viên trở lên được phát hành trái phiếu. Việc phát hành trái phiếu riêng lẻ phải tuân thủ quy định tại Điều 128 và Điều 129 của Luật Doanh nghiệp 2020.

Trước đây không quy định

9. Cơ cấu công ty TNHH 2 thành viên có 11 thành viên trở lên không bắt buộc phải có Ban kiểm soát

Điều 54 quy định: Công ty TNHH 2 thành viên trở lên là doanh nghiệp nhà nước theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 88 của Luật này và công ty con của doanh nghiệp nhà nước theo quy định tại khoản 1 Điều 88 của Luật này phải thành lập Ban kiểm soát; các trường hợp khác do công ty quyết định.

Như vậy, chỉ những trường hợp nêu trên mới phải thành lập Ban kiểm soát.

Điều 55 quy định: Công ty TNHH 2 thành viên có từ 11 thành viên trở lên phải thành lập Ban kiểm soát;

10. Công ty TNHH 2 thành viên trở lên phải có trách nhiệm công bố thông tin

Điều 73 quy định: Công ty TNHH 2 thành viên trở do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết phải tiến hành công bố thông tin.

Trước đây không quy định

11. Công ty TNHH 1 thành viên được tự do phát hành trái phiếu

Khoản 4 Điều 74 quy định: Công ty TNHH 1 thành viên được phát hành trái phiếu

Trước đây không quy định.

12. Điều chỉnh quyền và nghĩa vụ của cổ đông phổ thông

Khoản 2 Điều 115 quy định: Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 5% tổng số cổ phần phổ thông trở lên hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn theo quy định tại điều lệ công ty có một số quyền như: Xem xét sổ biên bản, nghị quyết, quyết định, báo cáo tài chính của Hội đồng quản trị (HĐQT),..

Khoản 2 Điều 114 quy định cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 10% tổng số cổ phần phổ thông trở lên trong một thời hạn liên tục ít nhất 06 tháng hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn mới có các quyền này.

13. Cổ phần ưu đãi biểu quyết có thể được chuyển nhượng

Khoản 3 Điều 116 quy định: Cổ phần ưu đãi biểu quyết có thể được chuyển nhượng theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật hoặc thừa kế.

Cổ phần ưu đãi biểu quyết không được phép chuyển nhượng.

14. Không được chào bán cổ phần riêng lẻ qua phương tiện thông tin đại chúng

Khoản 1 Điều 125 quy định về điều kiện chào bán cổ phần riêng lẻ của công ty cổ phần không phải là công ty đại chúng, cụ thể:

- Không chào bán thông qua phương tiện thông tin đại chúng;

- Chào bán cho dưới 100 nhà đầu tư, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp hoặc chỉ chào bán cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Trước đây không quy định

15. Thay đổi điều kiện để tiến hành họp ĐHĐCĐ

Theo khoản 1 Điều 145, cuộc họp ĐHĐCĐ được tiến hành khi có số cổ đông dự họp đại diện trên 50% tổng số phiếu biểu quyết.

Khoản 1 Điều 141 quy định cuộc họp ĐHĐCĐ được tiến hành khi có số cổ đông dự họp đại diện ít nhất 51% tổng số phiếu biểu quyết.

16. Biên bản họp HĐTV/ĐHĐCĐ vẫn có hiệu lực nếu chủ toạ và thư ký không ký

Khoản 3 Điều 60 và điểm i khoản 1 Điều 150 quy định: Trường hợp chủ tọa, người ghi biên bản/thư ký từ chối ký biên bản họp HĐTV/ĐHĐCĐ thì biên bản này có hiệu lực nếu được tất cả thành viên khác của HĐTV/HĐQT tham dự họp ký và có đầy đủ nội dung.

Điểm e khoản 2 Điều 61 và điểm i khoản 1 Điều 154 quy định: Biên bản họp HĐTV/ĐHĐCĐ phải có chữ ký của chủ toạ và người ghi biên bản/thư ký.

17. Quyền khởi kiện của cổ đông, nhóm cổ đông

Khoản 1 Điều 166 quy định: Cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu ít nhất 1% tổng số cổ phần phổ thông có quyền tự mình hoặc nhân danh công ty khởi kiện trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm liên đới đối với các thành viên HĐQT, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc để yêu cầu hoàn trả lợi ích hoặc bồi thường thiệt hại cho công ty hoặc người khác trong các trường hợp quy định tại điểm a, b, c, d khoản 1 Điều 166 Luật Doanh nghiệp 2020.

Khoản 1 Điều 161 quy định: Cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu ít nhất 1% tổng số cổ phần phổ thông trong thời gian liên tục 06 tháng thì mới có quyền khởi kiện.

18. Tăng thêm quyền hạn cho ĐHĐCĐ

Điểm k, l, m khoản 2 Điều 138 quy định thêm một số quyền hạn cho ĐHĐCĐ :

- Quyết định ngân sách hoặc tổng mức thù lao, thưởng và lợi ích khác cho HĐQT, Ban kiểm soát;

- Phê duyệt quy chế quản trị nội bộ; quy chế hoạt động HĐQT, Ban kiểm soát;

- Phê duyệt danh sách công ty kiểm toán độc lập; quyết định công ty kiểm toán độc lập thực hiện kiểm tra hoạt động của công ty, bãi miễn kiểm toán viên độc lập khi xét thấy cần thiết.

Trước đây không quy định

19. Cổ đông có thể uỷ quyền cho nhiều người dự họp ĐHĐCĐ

Khoản 1 Điều 144 đã bãi bỏ việc uỷ quyền cho một người và không giới hạn số lượng ủy quyền.

Khoản 1 Điều 140 quy định cổ đông có thể trực tiếp tham dự họp, ủy quyền bằng văn bản cho một người khác dự họp.

20. Tất cả cổ đông đều có quyền yêu cầu huỷ bỏ quyết định của HĐQT

Khoản 4 Điều 153 quy định: Trường hợp nghị quyết, quyết định do HĐQT thông qua trái với quy định của pháp luật, nghị quyết ĐHĐCĐ, điều lệ công ty gây thiệt hại cho công ty, cổ đông của công ty có quyền yêu cầu Tòa án đình chỉ thực hiện hoặc hủy bỏ nghị quyết, quyết định nói trên.

Khoản 4 Điều 149 chỉ quy định cổ đông sở hữu cổ phần của công ty liên tục trong thời hạn ít nhất 01 năm mới có quyền yêu cầu huỷ bỏ quyết định của HĐQT.

21. Thành viên độc lập không được tham gia HĐQT quá 2 nhiệm kỳ

Khoản 2 Điều 154 quy định: Thành viên độc lập HĐQT không được tham gia HĐQT quá 02 nhiệm kỳ.

Không hạn chế thời gian tham gia.

22. Người quản lý có trách nhiệm liên đới đối với thiệt hại của công ty

Khoản 2 Điều 165 quy định: Thành viên HĐQT, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người quản lý khác vi phạm quy định về trách nhiệm của người quản lý công ty quy định tại khoản 1 Điều 165 Luật Doanh nghiệp 2020 chịu trách nhiệm cá nhân hoặc liên đới đền bù lợi ích bị mất, trả lại lợi ích đã nhận và bồi thường toàn bộ thiệt hại cho công ty và bên thứ ba.

Trước đây không quy định

23. Trưởng Ban kiểm soát, kiểm soát viên soát phải có bằng đại học chuyên ngành

Điểm a khoản 3 Điều 103 và khoản 2 Điều 168 quy định: Trưởng Ban kiểm soát, Kiểm soát viên phải có bằng tốt nghiệp đại học trở lên thuộc một trong các chuyên ngành kinh tế, tài chính, kế toán, kiểm toán, luật, quản trị kinh doanh hoặc chuyên ngành có liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, trừ trường hợp điều lệ công ty có quy định tiêu chuẩn khác cao hơn.

Trước đây không quy định

24. Thêm trường hợp thành viên hợp danh bị chấm dứt tư cách

Điểm d khoản 1 Điều 185 quy định thêm trường hợp thành viên hợp danh bị chấm dứt tư cách là: Chấp hành hình phạt tù hoặc bị Tòa án cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định theo quy định của pháp luật

Trước đây không quy định

25. Doanh nghiệp tư nhân được chuyển thành công ty cổ phần

Khoản 1 Điều 205 quy định: Doanh nghiệp tư nhân có thể trực tiếp chuyển đổi thành công ty TNHH, công ty cổ phần hoặc công ty hợp danh

Điều 199 chỉ cho phép chuyển đổi doanh nghiệp tư nhân trực tiếp chuyển đổi thành công ty TNHH.

26. Tạm ngừng kinh doanh chỉ cần báo trước 3 ngày làm việc

Khoản 1 Điều 206 quy định: Doanh nghiệp phải thông báo bằng văn bản cho Cơ quan đăng ký kinh doanh chậm nhất là 03 ngày làm việc trước ngày tạm ngừng kinh doanh hoặc tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo.

Điều 200 quy định: Thời gian thông báo tạm ngừng kinh doanh chậm nhất là 15 ngày trước ngày tạm ngừng kinh doanh

Dưới đây là một số điểm mới nổi bật của Luật Doanh nghiệp 2020 mà các doanh nghiệp cần nắm rõ. Luật Doanh nghiệp 2020 đã có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 nên các doanh nghiệp cần phải có một số điều chỉnh nội bộ phù hợp với các nội dung mới.

Nếu có thắc mắc, độc giả vui lòng gọi đến tổng đài 1900.6192 để được hỗ trợ nhanh nhất

>> Có phải sửa đổi Điều lệ công ty khi Luật Doanh nghiệp 2020 có hiệu lực?

Đánh giá bài viết:
(3 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Các bước để thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài 2024

Các bước để thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài 2024

Các bước để thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài 2024

Thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài là cơ sở giúp các nhà đầu tư nước ngoài thiết lập cơ sở kinh doanh với đầy đủ tư cách pháp nhân để thực hiện các hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Vậy các bước để thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài thế nào?

Xuất nhập khẩu tại chỗ là gì? Hướng dẫn thủ tục hải quan

Xuất nhập khẩu tại chỗ là gì? Hướng dẫn thủ tục hải quan

Xuất nhập khẩu tại chỗ là gì? Hướng dẫn thủ tục hải quan

Trong xuất nhập khẩu, có một loại hình là xuất nhập khẩu tại chỗ. Vậy xuất nhập khẩu tại chỗ là gì? Loại hàng hóa nào được thực hiện xuất khẩu nhập khẩu tại chỗ? Thủ tục hải quan khi hàng hóa xuất nhập khẩu tại chỗ được thực hiện như thế nào?