Số16.2007 (321) ngày 27/04/2007

 CHÍNH PHỦ


Phát triển ngành công nghiệp
(SMS: 202677)
- Ngày 23/4/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 55/2007/QĐ-TTg phê duyệt Danh mục các ngành công nghiệp ưu tiên, ngành công nghiệp mũi nhọn giai đoạn 2007 - 2010, tầm nhìn đến năm 2020 và một số chính sách khuyến khích phát triển.
Danh mục bao gồm các ngành: Dệt may (sợi, vải, lụa, quần áo xuất khẩu, nguyên phụ liệu); Da giầy (giầy dép xuất khẩu, nguyên phụ liệu) ; Nhựa (nhựa gia dụng, bao bì, chai lọ, ống...; nhựa kỹ thuật); Chế biến nông, lâm, thủy hải sản; Thép (phôi thép, thép đặc chủng); Khai thác, chế biến bauxít nhôm; Hóa chất (hóa chất cơ bản, phân bón, hóa dầu, hóa dược, hóa mỹ phẩm); Cơ khí chế tạo (ô tô, đóng tầu, thiết bị toàn bộ, máy nông nghiệp, cơ điện tử); Thiết bị điện tử, viễn thông và công nghệ thông tin; Sản phẩm từ công nghệ mới (năng lượng mới, năng lượng tái tạo, công nghiệp phần mềm, nội dung số).
Các ngành công nghiệp ưu tiên được áp dụng một số chính sách khuyến khích phát triển về đất đai, xúc tiến thương mại, nghiên cứu-triển khai. Cụ thể, về đất đai, ưu tiên bố trí đủ nhu cầu về đất trong các khu, cụm, điểm công nghiệp khi có dự án sản xuất được đầu tư mới, đầu tư mở rộng, đầu tư chiều sâu (kể cả dự án kết hợp với di chuyển địa điểm sản xuất) đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Về xúc tiến thương mại, các ngành công nghiệp ưu tiên được ưu tiên đưa vào chương trình xây dựng và phát triển thương hiệu hàng năm; hỗ trợ kinh phí cho các doanh nghiệp để xây dựng các tiêu chuẩn quản lý chất lượng quốc tế; trưng bày, giới thiệu sản phẩm miễn phí tại các hội chợ, triển lãm của quốc gia và của các địa phương...
Đối với các ngành công nghiệp mũi nhọn, áp dụng chính sách của các ngành công nghiệp ưu tiên và được Nhà nước hỗ trợ một phần chi phí (không quá 50% vốn đầu tư) đối với các dự án bảo vệ môi trường tại các cơ sở sản xuất...
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Đăng ký tầu bay dân dụng
(SMS: 202678)
-  Ngày 20/4/2007, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 70/2007/NĐ-CP về đăng ký quốc tịch và đăng ký các quyền đối với tàu bay dân dụng.
Theo đó, tàu bay thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân nước ngoài do các tổ chức, cá nhân Việt Nam thuê không có tổ bay hoặc thuê, mua được đăng ký quốc tịch Việt Nam. Trường hợp mua, thuê không có tổ bay với thời hạn thuê từ 24 tháng trở lên thì tàu bay phải được đăng ký mang quốc tịch Việt Nam chậm nhất là 6 tháng, kể từ ngày đưa vào khai thác tại Việt Nam. Tàu bay đang trong giai đoạn chế tạo, lắp ráp hoặc thử nghiệm tại Việt Nam được tạm thời đăng ký mang quốc tịch Việt Nam...
Giấy chứng nhận đăng ký tạm thời quốc tịch tàu bay có giá trị hiệu lực không quá 12 tháng và có thể được gia hạn một lần không quá 12 tháng...
Khi hoạt động, tàu bay mang quốc tịch Việt Nam phải được sơn hoặc gắn dấu hiệu quốc tịch, dấu hiệu đăng ký. Tàu bay mang quốc tịch Việt Nam không được sơn  hoặc gắn bất kỳ dấu hiệu nào có nội dung, hình thức giống hoặc có thể gây nhầm lẫn với tàu bay mang quốc tịch khác...
Cục Hàng không Việt Nam có trách nhiệm thông báo với Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế về dấu hiệu quốc tịch và dấu hiệu đăng ký của các tàu bay mang quốc tịch Việt Nam. Dấu hiệu quốc tịch của tàu bay mang quốc tịch Việt Nam là chữ latinh "VN" được viết hoa. Hàng không Việt Nam được sử dụng quốc kỳ Việt Nam làm biểu tượng kèm theo dấu hiệu quốc tịch. Cả hai dấu hiệu này được sơn hoặc gắn trên tàu bay phải đảm bảo độ bền, rõ ràng và dễ nhận thấy về vị trí và hình thức...
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng công báo.


Quy định về mua cổ phần của ngân hàng
(SMS: 202676)
- Ngày 20/4/2007, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 69/2007/NĐ-CP về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của ngân hàng thương mại Việt Nam.
Theo đó, tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài và người có liên quan của nhà đầu tư nước ngoài đó không vượt quá 30% vốn điều lệ của một ngân hàng Việt Nam. Cụ thể, mức sở hữu cổ phần của một nhà đầu tư nước ngoài không phải là tổ chức tín dụng nước ngoài và người có liên quan của nhà đầu tư nước ngoài đó không vượt quá 5% vốn điều lệ của một ngân hàng Việt Nam; của một tổ chức tín dụng nước ngoài không vượt quá 10%; của nhà đầu tư chiến lược nước ngoài không vượt quá 15%... Trường hợp đặc biệt, Thủ tướng quyết định mức sở hữu cổ phần vượt quá 15% nhưng không được vượt quá 20%... Trường hợp tổ chức tín dụng nước ngoài nắm giữ trái phiếu chuyển đổi, khi chuyển đổi trái phiếu sang cổ phiếu phải đảm bảo tỷ lệ sở hữu cổ phần theo quy định trên...
Ngân hàng Việt Nam bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng đủ các điều kiện: vốn điều lệ tối thiểu đạt 1.000 tỷ đồng; có tình hình tài chính lành mạnh; có bộ máy quản trị, điều hành, hệ thống kiểm tra, kiểm soát, kiểm toán nội bộ hoạt động có hiệu quả; không bị cơ quan có thẩm quyền xử phạt do vi phạm các quy định về an toàn trong hoạt động ngân hàng trong thời gian 24 tháng đến thời điểm Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét.
Đồng thời, tổ chức tín dụng nước ngoài mua cổ phần của ngân hàng Việt Nam phải đáp ứng đủ các điều kiện: có tổng tài sản có tối thiểu tương đương 20 tỷ USD vào năm trước năm đăng ký mua cổ phần; có kinh nghiệm hoạt động quốc tế trong lĩnh vực ngân hàng; được các tổ chức xếp loại tín nhiệm quốc tế xếp hạng ở mức có khả năng thực hiện các cam kết tài chính và hoạt động bình thường ngay cả khi tình hình, điều kiện kinh tế biến đổi theo chiều hướng không thuận lợi; đối với nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, ngoài các điều kiện quy định trên, phải có văn bản cam kết về việc hỗ trợ ngân hàng Việt Nam trong việc phát triển sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, nâng cao năng lực quản trị, điều hành và áp dụng công nghệ hiện đại...
Bên cạnh đó, nhà đầu tư chiến lược nước ngoài và người có liên quan chỉ được phép chuyển nhượng cổ phần thuộc sở hữu của mình cho tổ chức, cá nhân khác (kể cả trong nước và ngoài nước) tối thiểu sau 5 năm kể từ khi trở thành là nhà đầu tư chiến lược nước ngoài tại một ngân hàng Việt Nam.
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Quản lý tài sản nhà nước
(SMS: 21037)
- 19/4/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 54/2007/QĐ-TTg về việc quản lý, sử dụng xe ô tô phục vụ lễ tân nhà nước thuộc Bộ Ngoại giao.
Theo đó, nghiêm cấm việc sử dụng xe ô tô phục vụ lễ tân nhà nước vào việc riêng; tặng, cho thuê, cho mượn đối với bất kỳ tổ chức, cá nhân nào. Trường hợp bán, hoán đổi, điều chuyển, thực hiện theo quyết định của Thủ tướng. Xe ô tô phục vụ lễ tân nhà nước được thay thế khi đã qua sử dụng trên 120.000 km...
Việc mua sắm, trang bị xe ô tô phục vụ lễ tân nhà nước thực hiện theo phương thức đấu thầu. Trường hợp đặc biệt phải mua theo phương thức chỉ định thầu, việc thực hiện chỉ định thầu phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về đấu thầu...
Xe ô tô phục vụ lễ tân nhà nước được chia thành 4 nhóm. Nhóm 1 gồm 4 chiếc: Nhóm xe phục vụ Nguyên thủ, Phó nguyên thủ Quốc gia, Tổng Thư ký Liên hợp quốc, Đại sứ nước ngoài trình Quốc thư; Nhóm 2 có 18 chiếc: phục vụ Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao hoặc tương đương, phu nhân hoặc phu quân của Nguyên thủ, Phó Nguyên thủ Quốc gia, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng; Nhóm 3 gồm 37 chiếc: phục vụ các Bộ trưởng khác, đoàn viên Đoàn cấp cao, Đoàn viên các Đoàn cấp Phó nguyên thủ, thành viên Hoàng gia (Hoàng tử, Thái tử, Công chúa,...), Chủ tịch Đảng cầm quyền,... các Đoàn khách mời mang tính chất Nhà nước của các Bộ, ngành; Nhóm 4 có 3 chiếc: Loại xe chuyên dùng chở hành lý cho các Đoàn khách quốc tế đến thăm chính thức nước ta và các Đoàn cấp cao của Đảng và Nhà nước ta đi thăm các nước...
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Dừng giảm giá bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược
(SMS: 202667)
- Ngày 19/4/2007, Thủ tướng Chính phủ đã có Công văn số 495/TTg-ĐMDN, yêu cầu: dừng việc giảm giá bán cổ phần khi xây dựng và thực hiện phương án cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đối với các đối tượng sau: người sản xuất và thường xuyên cung cấp nguyên liệu cho doanh nghiệp; người cam kết tiêu thụ lâu dài sản phẩm của doanh nghiệp; người gắn bó lợi ích chiến lược lâu dài trong kinh doanh, có tiềm năng về tài chính và năng lực quản lý (Quy định của Nghị định số 187/2004/NĐ-CP về cơ cấu và giá bán cổ phần lần đầu đối với nhà đầu tư chiến lược như sau: được mua tối đa 20% số cổ phần bán ra theo giá ưu đãi. Mức cổ phần bán cho từng nhà đầu tư chiến lược thực hiện theo phương án cổ phần hoá được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt)...
 

 BỘ TÀI CHÍNH


Mức chi bồi dưỡng việc hiến máu
(SMS: 202680)
- Ngày 23/4/2007, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 40/2007/TT-BTC hướng dẫn nội dung và mức chi cho công tác tuyên truyền, vận động, thu gom, sàng lọc một đơn vị máu đạt tiêu chuẩn.
Theo đó, chi bồi dưỡng trực tiếp cho người hiến máu chuyên nghiệp theo các mức sau: một đơn vị  máu có khối lượng 250 ml: 140.000 đồng; 350 ml: 200.000 đồng; 450 ml: 260.000 đồng; Cứ thêm hoặc giảm đi 1 ml máu thì cộng thêm hoặc giảm đi tương ứng 600 đồng...
Chi quà tặng bằng hiện vật nhằm động viên khuyến khích, bồi dưỡng sức khỏe đối với người hiến máu tình nguyện: 50.000 đồng/người/01 lần hiến máu (áp dụng cho tất cả các mức thể tích máu).
Chi hỗ trợ chi phí đi lại đối với người hiến máu tình nguyện: 20.000 đồng/người/01 lần hiến máu.
Chi ăn, uống nhẹ tại chỗ cho người hiến máu: 10.000 đồng/người/01lần hiến máu.
Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Quyền lợi của địa phương trong bảo vệ tài nguyên
(SMS: 202679)
- Ngày 23/4/2007, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 39/2007/TT-BTC hướng dẫn thực hiện chính sách đảm bảo quyền lợi của địa phương trong bảo vệ tài nguyên quặng chì, kẽm chưa khai thác.
Theo đó, tổ chức, cá nhân được phép hoạt động khảo sát, thăm dò tại khu vực, điểm, mỏ tài nguyên quặng chì, kẽm trong trường hợp không phải thuê đất có trách nhiệm thoả thuận với các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đang cư trú, hoạt động, sản xuất kinh doanh, dịch vụ hợp pháp tại khu vực, điểm, mỏ tài nguyên quặng chì, kẽm chưa khai thác bị ảnh hưởng, thiệt hại do hoạt động khảo sát, thăm dò gây ra về mức bồi thường, hỗ trợ thực hiện chính sách theo quy định...
Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất hợp pháp ở nơi có tài nguyên quặng chì, kẽm chưa khai thác cần được bảo vệ mà phải thay đổi nơi cư trú, nơi sản xuất kinh doanh, dịch vụ thì được Nhà nước tạo điều kiện bố trí tái định cư bằng một trong các hình thức sau: Bồi thường bằng nhà ở; Bồi thường bằng giao đất ở mới; Bồi thường bằng tiền để tự lo chỗ ở mới...

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.