Số 51.2009 (458) ngày 29/12/2009

CHÍNH PHỦ

Bổ sung quy định kéo dài thời hạn của hợp đồng dầu khí (SMS: 115/2009/ND-CP) - Ngày 24/12/2009, Chính phủ ban hành Nghị định số 115/2009/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 48/2000/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Dầu khí và Quy chế đấu thầu dự án tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí ban hành kèm theo Nghị định số 34/2001/NĐ-CP. Theo đó, bổ sung quy định về kéo dài thời hạn của hợp đồng dầu khí, cụ thể là hợp đồng dầu khí có thể được kéo dài theo quy định tại Điều 17 của Luật Dầu khí; chậm nhất 01 năm trước ngày kết thúc hợp đồng dầu khí, nhà thầu và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phải có văn bản nêu rõ lý do xin kéo dài thời hạn của hợp đồng dầu khí trình Thủ tướng Chính phủ, đồng thời gửi Bộ Công Thương để thẩm định; trong thời hạn 35 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản, Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc kéo dài thời hạn của hợp đồng dầu khí.
Cũng theo nội dung sửa đổi, bổ sung, tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí được quyền ký kết hợp đồng cung cấp dịch vụ dầu khí với nhà thầu phụ hoặc với các tổ chức, cá nhân khác để phục vụ hoạt động dầu khí. Đối với hợp đồng dầu khí đã ký kết trước ngày Nghị định này có hiệu lực, việc đấu thầu và ký kết các hợp đồng cung cấp dịch vụ dầu khí liên quan trực tiếp đến hoạt động tìm kiếm thăm dò, phát triển mỏ và khai thác dầu khí phải tuân thủ các quy định của hợp đồng dầu khí đã ký. Đối với hợp đồng dầu khí ký kết sau ngày Nghị định này có hiệu lực, việc đấu thầu và ký kết các hợp đồng cung cấp dịch vụ dầu khí liên quan trực tiếp đến hoạt động tìm kiếm thăm dò, phát triển mỏ và khai thác dầu khí được thực hiện phù hợp với các điều khoản của hợp đồng dầu khí và các nguyên tắc sau: bảo đảm hiệu quả đầu tư của dự án, công khai và minh bạch trong quá trình triển khai công tác đấu thầu và ký kết hợp đồng; phù hợp với đặc thù của ngành dầu khí trong tìm kiếm thăm dò, phát triển mỏ và khai thác dầu khí; ưu tiên sử dụng các dịch vụ dầu khí mà tổ chức, cá nhân Việt Nam có khả năng cung cấp.
Nghị định này cũng bổ sung quy định về chào thầu cạnh tranh vào Quy chế đấu thầu dự án tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí ban hành kèm theo Nghị định số 34/2001/NĐ-CP ngày 06/7/2001 của Chính phủ. Theo đó, chào thầu cạnh tranh được áp dụng trong trường hợp lô dầu khí có điều kiện địa chất phức tạp, mà tính đến thời gian hết hạn chào thầu chỉ có tối đa hai tổ chức, cá nhân có khả năng đáp ứng yêu cầu và đăng ký tham gia.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 14/02/2010.
Khuyến khích đầu tư phát triển cảng biển (SMS: 2190/QD-TTg) - Đây là một trong những giải pháp nhằm thực hiện Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2190/QĐ-TTg ngày 24/12/2009. Theo vùng lãnh thổ, hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng phát triển đến năm 2030 gồm 6 nhóm: nhóm cảng biển phía Bắc từ Quảng Ninh đến Ninh Bình; nhóm cảng biển Bắc Trung Bộ từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh; nhóm cảng biển Trung Trung Bộ từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi; nhóm cảng biển Nam Trung Bộ từ Bình Định đến Bình Thuận; nhóm cảng biển Đông Nam Bộ (bao gồm cả Côn Đảo và trên sông Soài Rạp thuộc Long An, Tiền Giang) và nhóm cảng biển đồng bằng sông Cửu Long (bao gồm cả Phú Quốc và các đảo Tây Nam).
Quan điểm của Quy hoạch này là tận dụng tối đa lợi thế về địa lý và điều kiện tự nhiên để phát triển toàn diện hệ thống cảng biển, đột phá đi thẳng vào hiện đại, nhanh chóng hội nhập với các nước tiên tiến trong khu vực về lĩnh vực cảng biển nhằm góp phần thực hiện mục tiêu của Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, từng bước đưa kinh tế hàng hải trở thành mũi nhọn hàng đầu trong 5 lĩnh vực kinh tế biển, đồng thời góp phần củng cố an ninh, quốc phòng của đất nước. Một trong những giải pháp đặt ra là huy động tối đa mọi nguồn lực trong và ngoài nước để phát triển cảng biển. Tăng cường xúc tiến đầu tư, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển cảng biển bằng các hình thức theo quy định của pháp luật; chú trọng áp dụng hình thức nhà nước - tư nhân (PPP) đối với các cảng, khu bến phát triển mới có quy mô lớn. Áp dụng cơ chế cho thuê cơ sở hạ tầng đối với các bến cảng đã được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thông thoáng trong thu hút đầu tư phát triển và kinh doanh khai thác cảng biển phù hợp với quá trình hội nhập và thông lệ quốc tế.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành và thay thế Quyết định số 202/1999/QĐ-TTg ngày 12/10/1999 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2010.
Sửa đổi Nghị định về phát triển và quản lý chợ (SMS: 114/2009/ND-CP) - Ngày 23/12/2009, Chính phủ ban hành Nghị định số 114/2009/-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14/01/2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ. Nghị định này bổ sung các quy định về chợ chuyên doanh, chợ tổng hợp, chợ dân sinh, chợ biên giới, chợ tạm, chợ nông thôn, chợ miền núi, chợ cửa khẩu, chợ trong khu kinh tế cửa khẩu. Các dự án đầu tư chợ của các thành phần kinh tế được hưởng các chính sách ưu đãi đầu tư như đối với các ngành nghề sản xuất, dịch vụ thuộc Danh mục lĩnh vực ưu đãi đầu tư quy định tại Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ; được hưởng chính sách ưu đãi về tín dụng đầu tư theo Nghị định số 151/2006/NĐ-CP ngày 20/12/2006 của Chính phủ và các văn bản sửa đổi, bổ sung về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước. Chủ đầu tư xây dựng mới hoặc sửa chữa lớn, cải tạo, nâng cấp chợ phải lập dự án theo các quy định hiện hành về quản lý đầu tư xây dựng, các quy định về tiêu chuẩn thiết kế các loại hình, cấp độ chợ và được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định hiện hành.
Cũng theo Nghị định này, vốn từ ngân sách trung ương chỉ hỗ trợ đầu tư một số chợ, cụ thể là hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của chợ đầu mối chuyên doanh hoặc tổng hợp bán buôn hàng nông sản, thực phẩm để tiêu thụ hàng hóa ở các vùng sản xuất tập trung về nông sản, lâm sản, thủy sản, chợ trung tâm các huyện thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn; hỗ trợ đầu tư xây dựng chợ biên giới và chợ dân sinh xã của các huyện thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn. Việc hỗ trợ được ưu tiên theo thứ tự: chợ đang hoạt động, nằm trong quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng là chợ tạm hoặc chợ có cơ sở vật chất - kỹ thuật xuống cấp nghiêm trọng; chợ xây mới tại những xã chưa có chợ, những nơi có nhu cầu về chợ để phục vụ sản xuất, xuất khẩu và đời sống sinh hoạt của nhân dân.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/02/2010.
An ninh lương thực: đảm bảo nông dân có lãi trên 30% (SMS: 63/NQ-CP) - An ninh lương thực là vấn đề trọng đại của đất nước trước mắt cũng như lâu dài, để khắc phục những hạn chế, yếu kém còn tồn tại (sản xuất lương thực, thực phẩm chưa thực sự bền vững, tổ chức sản xuất nông nghiệp chậm đổi mới, thu nhập của người sản xuất còn thấp…), ngày 23/12/2009, Chính phủ đã ra Nghị quyết số 63/NQ-CP về đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Theo đó, vấn đề này phải nằm trong chiến lược tổng thể phát triển kinh tế - xã hội gắn với mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong đó xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân là quan trọng. Bên cạnh đó là việc thực hiện các chính sách đối với nông dân, địa phương và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh lúa gạo. Đó là chính sách khuyến khích nông dân giữ đất lúa với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập cho người sản xuất lúa gạo, đảm bảo người sản xuất lúa gạo có lãi trên 30% so với giá thành sản xuất; tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ nông dân xây dựng ruộng bậc thang ở miền núi.
Bộ Tài chính có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc TW nghiên cứu sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước theo hướng tăng đầu tư phát triển cho khu vực nông nghiệp, nông thôn; điều tiết phân bổ ngân sách nhà nước đảm bảo lợi ích giữa các địa phương có điều kiện phát triển công nghiệp với các địa phương thuần nông, nhất là chuyên trồng lúa. Tiếp tục hoàn thiện các loại hình tổ chức sản xuất lương thực theo hướng liên kết nông hộ để hình thành các tổ chức hợp tác, hợp tác xã theo địa bàn hoặc sản phẩm, tạo điều kiện gắn sản xuất với doanh nghiệp tiêu thụ; phát triển kinh tế trang trại, doanh nghiệp sản xuất lương thực, nông dân góp cổ phần bằng giá trị quyền sử dụng đất để tham gia doanh nghiệp; phát triển mạng lưới cung ứng dịch vụ nông nghiệp.
Thành lập Ban chỉ đạo thương mại biên giới (SMS: 139/2009/QD-TTg) - Ngày 23/12/2009, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 139/2009/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 254/2006/QĐ-TTg ngày 07/11/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý hoạt động thương mại biên giới với các nước có chung biên giới. Theo đó, thành lập Ban Chỉ đạo thương mại biên giới do Bộ trưởng Bộ Công thương làm Trưởng ban, một thứ trưởng Bộ Công thương phụ trách lĩnh vực thương mại biên giới làm Phó trưởng ban thường trực; các ủy viên gồm một thứ trưởng các Bộ: Ngoại giao, Quốc phòng, Tài chính, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Công an, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và phó chủ tịch UBND các tỉnh biên giới.
Cũng theo Quyết định này, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua biên giới theo các phương thức được thỏa thuận trong Hiệp định Thương mại song phương giữa Việt Nam và các nước có chung biên giới. Riêng hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam dưới hình thức mua, bán, trao đổi hàng hóa cư dân biên giới được sản xuất từ nước có chung biên giới (phù hợp danh mục hàng hóa do Bộ trưởng Bộ Công Thương công bố trong từng thời kỳ sau khi đã bàn thống nhất với các bộ, ngành, cơ quan liên quan) được miễn thuế nhập khẩu và các loại thuế khác (nếu có) với giá trị không quá 02 triệu đồng/1 người/1 ngày/1 lượt. Cư dân biên giới là công dân có hộ khẩu thường trú tại các khu vực biên giới Việt Nam và các nước có chung biên giới được mua, bán, trao đổi hàng hóa.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/3/2010.
Phương án sắp xếp doanh nghiệp 100% vốn nhà nước tại TP.Hồ Chí Minh (SMS: 2173/QD-TTg) - Phương án đổi mới, sắp xếp doanh nghiệp 100% vốn nhà nước trực thuộc UBND thành phố Hồ Chí Minh năm 2009 - 2010 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2173/QĐ-TTg ngày 23/12/2009. Theo đó, có 57 đơn vị được chuyển thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên; cổ phần hóa các đơn vị là: Công ty Chế biến thực phẩm Hùng Vương, Hãng phim Nguyễn Đình Chiểu và Công ty Vật phẩm văn hóa thuộc Tổng công ty Văn hóa Sài Gòn, Công ty Kiểm định xây dựng Sài Gòn thuộc Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn và Công ty Dệt Sài Gòn thuộc Công ty Dệt may Gia Định. Bán 3 doanh nghiệp là Công ty Gạch trang trí Thanh Danh, Công ty Xây dựng số 2 và Công ty Xây dựng dân dụng và công nghiệp.
Cũng tại Quyết định này, Thủ tướng Chính phủ giao Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo thực hiện việc sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp 100% vốn nhà nước trực thuộc theo đúng nội dung đã được phê duyệt; quyết định tỷ lệ cổ phần do công ty mẹ trong các tổng công ty, công ty theo hình thức công ty mẹ - công ty con nắm giữ tại các doanh nghiệp thành viên; giao các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ, Lao động – Thương binh và Xã hội và các cơ quan liên quan có trách nhiệm phối hợp với UBND Thành phố Hồ Chí Minh trong việc thực hiện Phương án nói trên.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

 
BỘ CÔNG AN

ớng dẫn quản lý công trình liên quan đến an ninh quốc gia (SMS: 72/2009/TT-BCA) - Bộ Công an vừa ban hành Thông tư số 72/2009/TT-BCA ngày 18/12/2009 quy định cụ thể thi hành Nghị định số 126/2008/NĐ-CP ngày 11/12/2008 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia. Thông tư này quy định về lập hồ sơ, thẩm định hồ sơ đề nghị đưa vào và đưa ra khỏi danh mục công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia; về tổ chức, trách nhiệm của lực lượng bảo vệ của cơ quan, tổ chức quản lý công trình; về bồi dưỡng, huấn luyện, trang phục, trang bị công cụ hỗ trợ cho lực lượng bảo vệ của cơ quan, tổ chức quản lý công trình.
Theo hướng dẫn tại Thông tư này, căn cứ vào tiêu chí xác định công trình thuộc danh mục công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia và hành lang bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia và quy định về đưa ra khỏi danh mục công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc TW lập hồ sơ đề nghị đưa công trình vào danh mục công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia và rà soát các công trình cần đưa ra khỏi danh mục công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia thuộc bộ, ngành, địa phương mình quản lý gửi Bộ Công an (qua Tổng cục An ninh II) để làm thủ tục thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức quản lý công trình phải chịu trách nhiệm toàn diện trong việc bảo đảm an ninh, an toàn công trình; ban hành nội quy, quy định về bảo vệ, sử dụng công trình; xây dựng, tổ chức thực hiện phương án, kế hoạch nhằm bảo vệ an toàn tuyệt đối công trình trong mọi tình huống.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 02/02/2010.
 
BỘ CÔNG THƯƠNG

Thực hiện Quy tắc cụ thể mặt hàng theo Hiệp định Thương mại ASEAN - Hàn Quốc (SMS: 38/2009/TT-BCT) - Ngày 18/12/2009, Bộ Công thương ban hành Thông tư số 38/2009/TT-BCT bãi bỏ Phụ lục II - Danh mục tiêu chí xuất xứ cho sản phẩm cụ thể (PSR) ban hành kèm theo Quyết định số 005/2007/QĐ-BCT ngày 05/10/2007 của Bộ trưởng Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung Quyết định số 02/2007/QĐ-BTM ngày 08/01/2007 của Bộ trưởng Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) về việc ban hành Quy chế cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa mẫu AK để hưởng các ưu đãi theo Hiệp định Thương mại hàng hóa thuộc Hiệp định khung về Hợp tác kinh tế toàn diện giữa chính phủ các nước thành viên thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và Chính phủ Đại Hàn Dân Quốc. Thay thế Phụ lục II nêu trên bằng Phụ lục II - Quy tắc cụ thể mặt hàng theo Hệ thống Hài hòa phiên bản 2007 trong Quy tắc xuất xứ của Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Hàn Quốc ban hành kèm theo Thông tư này. Phụ lục này dựa trên cơ sở Hệ thống Hài hòa đã được sửa đổi ngày 15/8/2009.
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01/02/2010.
 
BỘ XÂY DỰNG

Loại bỏ 18 thủ tục hành chính về nhà ở và công trình xây dựng (SMS: 1189/QD-BXD) - Ngày 22/12/2009, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ký Quyết định số 1189/QĐ-BXD công bố loại bỏ 18 thủ tục hành chính về “cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu công trình xây dựng đối với tổ chức và cá nhân” đã được công bố tại Quyết định số 838/QĐ-BXD ngày 12/8/2009 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc công bố bộ thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng. Theo Quyết định này, có 9 thủ tục hành chính cấp tỉnh và 9 thủ tục hành chính cấp huyện bị loại bỏ là: cấp mới, cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở đối với tổ chức, cá nhân; xác nhận thay đổi giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở đối với tổ chức, cá nhân; cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở trường hợp chuyển nhượng nhà ở đã có giấy chứng nhận đối với tổ chức, cá nhân; cấp mới, cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng đối với tổ chức, cá nhân và xác nhận thay đổi trên giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng đối với tổ chức, cá nhân.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
 
LIÊN BỘ

chế trao đổi thông tin hải quan, vận tải và truyền thông (SMS: 235/2009/TTLT-BTC-BGTVT-BTTTT) - Liên Bộ Tài chính, Giao thông vận tải, Thông tin và Truyền thông vừa ban hành Thông tư số 235/2009/TTLT-BTC-BGTVT-BTTTT ngày 14/12/2009 hướng dẫn việc trao đổi, cung cấp thông tin hải quan, thông tin về người nộp thuế trong lĩnh vực hải quan, thuế, giao thông vận tải, thông tin và truyền thông. Theo Thông tư này, việc cung cấp, trao đổi thông tin giữa các bên là quan hệ hợp tác, phối hợp. Thông tin trong lĩnh vực hải quan bao gồm các thông tin về văn bản, chính sách quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu, về tuyến đường vận chuyển hàng hóa chuyển cửa khẩu, về số liệu hàng hóa xuất nhập khẩu, về giá tính thuế, về doanh nghiệp vi phạm pháp luật hải quan, về chấp hành pháp luật thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp…Thông tin trong lĩnh vực thuế bao gồm các thông tin về chính sách thuế, văn bản hướng dẫn về thuế, các thông tin định danh về người nộp thuế (mã số thuế, địa điểm đăng ký kê khai nộp thuế, ngành nghề kinh doanh, số điện thoại, người đại diện trước pháp luật, kế toán trưởng, tình hình tài chính…), các thông tin vi phạm pháp luật của người nộp thuế, tổng doanh thu, giá trị nộp thuế, số lượng nhân lực, tổng số tiền lương của doanh nghiệp…Thông tin trong lĩnh vực giao thông vận tải là các thông tin về văn bản, chính sách quản lý doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giao thông vận tải, thông tin về các pháp luật quốc tế, thông lệ quốc tế trong vận chuyển, mua bán hàng hóa ngoại thương, về tuyến đường quá cảnh, tuyến vận tải biển, về cước vận tải, về doanh nghiệp có hoạt động giao nhận, vận tải quốc tế, dịch vụ đại lý thủ tục hải quan…Thông tin trong lĩnh vực thông tin và truyền thông gồm các thông tin về quy hoạch, chiến lược, kế hoạch phát triển vùng, miền, ngành; về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; văn bản quy phạm pháp luật về giá cước dịch vụ và cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số; về tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép cung ứng dịch vụ bưu chính - chuyển phát quốc tế…
Các thông tin nói trên được trao đổi, cung cấp dưới dạng văn bản hoặc dữ liệu điện tử thông qua môi trường mạng. Thời hạn cung cấp thông tin chậm nhất là 02 ngày kể từ ngày ký ban hành đối với các thông tin về cơ chế, chính sách quản lý và chậm nhất là 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu bằng văn bản từ cơ quan, đơn vị có thẩm quyền đối với các thông tin về thực thi chính sách, pháp luật.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/02/2010.