Quản lý nhà nước về thông tin và truyền thông (SMS: 502578) - Ngày 25/12/2007, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 187/2007/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông. Theo đó, Bộ TTTT là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản, bưu chính và chuyển phát, viễn thông và internet, truyền dẫn phát sóng, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin, điện tử, phát thanh, truyền hình và cơ sở hạ tầng thông tin truyền thông quốc gia… Bộ TTTT có 34 nhiệm vụ, quyền hạn, quản lý về: Báo chí, xuất bản (các loại hình báo chí trong cả nước. Cấp, gia hạn, đình chỉ... giấy phép hoạt động báo chí, thẻ nhà báo. Thỏa thuận về việc bổ nhiệm, miễn nhiệm ban lãnh đạo các cơ quan báo chí. Quy định chi tiết điều kiện thành lập và kinh doanh về xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm...); Bưu chính và chuyển phát (ban hành theo thẩm quyền giá cước dịch vụ công ích, quản lý tem bưu chính...); Viễn thông và internet (quản lý kho số, chất lượng, giá cước dịch vụ viễn thông và tài nguyên internet. Cấp, gia hạn, đình chỉ các loại giấy phép liên quan đến viễn thông...). Về cơ cấu, tổ chức, ngoài các vụ chuyên môn, văn phòng Bộ và cơ quan thanh tra thuộc Bộ còn có 7 Cục (Tần số vô tuyến điện; Quản lý chất lượng Công nghệ thông tin và truyền thông; Ứng dụng công nghệ thông tin; Báo chí; Xuất bản; Quản lý phát thanh truyền hình và thông tin điện tử; Thông tin đối ngoại) và một số đơn vị sự nghiệp (Trung tâm, viện, tạp chí, báo) nằm dưới sự quản lý của Bộ. Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Quản lý lao động, việc làm (SMS: 502577) - Ngày 25/12/2007, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 186/2007/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Theo đó, Bộ LĐTBXH thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các lĩnh vực: việc làm, dạy nghề, lao động, tiền lương, tiền công, bảo hiểm xã hội (bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm thất nghiệp), an toàn lao động, người có công, bảo trợ xã hội, bảo vệ và chăm sóc trẻ em, bình đẳng giới, phòng, chống tệ nạn xã hội trong phạm vi cả nước; quản lý nhà nước các dịch vụ công thuộc lĩnh vực do Bộ quản lý. Bộ LĐTBXH có 26 nhiệm vụ, quyền hạn quản lý lĩnh vực việc làm và bảo hiểm thất nghiệp (quy định về điều kiện, thủ tục thành lập và hạt động của cơ sở giới thiệu việc làm, tổ chức hệ thống thông tin thị trường lao động, hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện các quy định về bảo hiểm thất nghiệp...); người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (phát triển thị trường lao động ngoài nước, giám sát việc thực hiện hợp đồng lao động của doanh nghiệp, phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức và xử lý những vấn đề liên quan đến người lao động Việt Nam ở nước ngoài...); lao động, tiền lương, tiền công (hướng dẫn thực hiện về hợp đồng lao động, thỏa ước lao động, giải quyết tranh chấp lao động và đình công, hướng dẫn thực hiện về tiền lương tối thiểu, chế độ tiền lương...); bảo hiểm xã hội; lĩnh vực người có công (thực hiện chính sách ưu đãi với người có công với cách mạng, quy hoạch các nghĩa trang liệt sỹ...); bảo vệ và chăm sóc trẻ em (quy định điều kiện thành lập, tổ chức và hoạt động của cơ sở trợ giúp trẻ em và thủ tục tiếp nhận trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt vào các cơ sở bảo trợ...). Cơ cấu tổ chức của Bộ gồm các vụ quản lý chuyên môn, thanh tra, văn phòng Bộ, 7 Cục (Quản lý Lao động ngoài nước, An toàn lao động, Người có công, Phòng, chống tệ nạn xã hội, Việc làm, Bảo trợ xã hội, Bảo vệ, chăm sóc trẻ em), 1 Tổng cục (Dạy nghề) và một số Ban, Viện, Trung tâm, tạp chí khác. Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Quản lý nhà nước về văn hoá, thể thao và du lịch (SMS: 502576) - Ngày 25/12/2007, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 185/2007/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyển hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch. Theo đó, Bộ VHTTDL là cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao và du lịch trong phạm vi cả nước; các dịch vụ công thuộc lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao và du lịch theo quy định của pháp luật… Riêng về lĩnh vực quảng cáo, Bộ thống nhất quản lý nhà nước về quảng cáo như cấp, sửa đổi, bổ sung, thu hồi giấy phép đặt chi nhánh của tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ quảng cáo nước ngoài. Thanh tra, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật của các cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động quảng cáo trên các phương tiện (trừ báo chí, mạng thông tin máy tính và xuất bản phẩm)… Về cơ cấu tổ chức, ngoài văn phòng, thanh tra và những vụ chuyên môn trực thuộc, Bộ VHTTDL còn gồm 7 Cục (Di sản văn hóa, Nghệ thuật biểu diễn, Điện ảnh, Bản quyền tác giả, Văn hóa cơ sở, Hợp tác quốc tế, Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm); 2 Tổng cục (Thể dục thể thao, Du lịch) và một số Ban, Viện, Trung tâm... khác. Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Tín dụng đối với học sinh, sinh viên (SMS: 502570) - Ngày 19/12/2007, Văn phòng Chính phủ đã ra Thông báo số 266/TB-VPCP về kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân về tín dụng đối với học sinh, sinh viên. Theo đó, các trường, các cơ sở đào tạo thực hiện việc xác nhận cho học sinh, sinh viên vay vốn theo đúng quy định; từ năm học 2008 - 2009 trở đi chỉ xác nhận trong thời gian 2 tháng đầu năm học vào tháng 9 và tháng 10 hàng năm. Riêng năm học 2007 - 2008, việc xác nhận vay vốn có thể thực hiện đến hết học kỳ I… Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu phương án ghi rõ diện học sinh, sinh viên được vay để học trên các văn bản cần thiết (bằng tốt nghiệp, sổ lao động…), để sau khi ra trrường các đơn vị tiếp nhận học sinh, sinh viên về làm việc có cơ sở đôn đốc họ có trách nhiệm cùng gia đình thực hiện nghĩa vụ trả nợ… Nghiên cứu, xây dựng dự thảo văn bản quy định trách nhiệm của UBND các cấp trong việc xác nhận đối tượng được vay vốn đảm bảo cho vay đúng đối tượng; đồng thời, quy định chế tài xử lý đối với những trường hợp xác nhận sai…
|
Chấn chỉnh đạo đức nhà giáo (SMS: 502568) - Ngày 21/12/2007, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ra Chỉ thị số 8077/CT-BGDĐT về tập trung kiểm tra, chấn chỉnh vi phạm đạo đức nhà giáo. Bộ trưởng chỉ đạo, từ học kỳ II năm học 2007 - 2008, các trường học và cơ sở giáo dục còn để xảy ra tình trạng vi phạm đạo đức nhà giáo, xâm phạm thân thể, sức khỏe và tinh thần của học sinh, bớt xén tiền ăn của học sinh và chi phí của Nhà nước để trục lợi cá nhân thì hiệu trưởng phải tự đề xuất hình thức kỷ luật đối với bản thân, báo cáo cấp quản lý trực tiếp và Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo. Tùy theo mức độ sai phạm có thể bị cách chức, chuyển công tác khác, buộc thôi việc hoặc xử lý theo quy định của pháp luật… Đối với các trường hợp vi phạm đạo đức nhà giáo xảy ra từ đầu năm học 2007 - 2008 đến nay, các Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các đơn vị có liên quan xử lý kịp thời, triệt để và đúng quy định, nhanh chóng khắc phục hậu quả. Đồng thời, thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng về những biện pháp xử lý đối với nhà giáo vi phạm. Đối với những vụ việc phản ánh không đầy đủ, thiếu chính xác cần có đính chính cụ thể, bảo vệ danh dự và lợi ích chính đáng của nhà giáo. Rà soát các cơ sở giáo dục mầm non tư thục để có biện pháp xử lý thích hợp những cơ sở không có giấy phép hoạt động. Việc xử lý các cơ sở này phải đảm bảo quyền lợi được chăm sóc, nuôi dưỡng của trẻ em tại cơ sở đó. Bên cạnh đó, cần tập trung triển khai kế hoạch bồi dưỡng giáo viên chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo; kiên quyết không để giáo viên, nhân viên không qua đào tạo sư phạm trực tiếp làm công tác nuôi dạy trẻ…
Công nhận văn bằng giáo dục nước ngoài cấp (SMS: 502553) - Ngày 20/12/2007, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quyết định số 77/2007/QĐ-BGDĐT ban hành Quy định về trình tự, thủ tục công nhận văn bằng của người Việt Nam do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp. Quy định này được áp dụng đối với bằng tốt nghiệp hoặc giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục các cấp học phổ thông; bằng tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp; bằng tốt nghiệp cao đẳng; bằng tốt nghiệp đại học; bằng thạc sĩ; bằng tiến sĩ do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp cho người Việt Nam. Không áp dụng đối với các loại chứng chỉ, giấy chứng nhận kết quả học tập do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp cho người Việt Nam sau khi hoàn thành một phần trong chương trình đào tạo hay kết thúc một khóa đào tạo hoặc bồi dưỡng ngắn hạn. Văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp sau khi được công nhận sẽ là căn cứ xác nhận về trình độ đào tạo của người có văn bằng để tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân của Việt Nam. Hồ sơ đề nghị công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp, bao gồm: Đơn đề nghị công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp; 01 bản sao văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp kèm theo bản dịch ra tiếng Việt được cơ quan có thẩm quyền chứng thực; 01 bản sao kết quả quá trình học tập tại cơ sở giáo dục nước ngoài kèm theo bản dịch ra tiếng Việt được cơ quan có thẩm quyền chứng thực... Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Kiểm định, đánh giá chất lượng giáo dục (SMS: 502552) - Ngày 20/12/2007, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quyết định số 76/2007/QĐ-BGDĐT ban hành Quy định về quy trình và chu kỳ kiểm định chất lượng giáo dục trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp. Theo đó, chu kỳ kiểm định chất lượng giáo dục đối với các đại học, học viện và trường đại học được thực hiện 5 năm/lần; Trường cao đẳng là 4 năm; Trường trung cấp chuyên nghiệp là 3 năm. Việc kiểm định chất lượng giáo dục trường được thực hiện theo quy trình sau: Trường đăng ký kiểm định chất lượng giáo dục với Bộ Giáo dục và Đào tạo, tiến hành tự đánh giá và gửi báo cáo tự đánh giá cho Bộ Giáo dục và Đào tạo; Đoàn chuyên gia đánh giá ngoài nghiên cứu báo cáo tự đánh giá, khảo sát, viết báo cáo đánh giá ngoài, gửi cho trường được đánh giá, cho Bộ Giáo dục và Đào tạo để chuẩn bị thẩm định kết quả đánh giá chất lượng giáo dục; Hội đồng quốc gia kiểm định chất lượng giáo dục tiến hành thẩm định kết quả đánh giá chất lượng giáo dục, đề nghị Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận hoặc không công nhận trường đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ra quyết định công nhận hoặc không công nhận trường đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục. Trường được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục nếu có 80% số tiêu chí đạt yêu cầu. Trường được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục có trách nhiệm giữ gìn và phát huy kết quả kiểm định chất lượng giáo dục đã được công nhận, đảm bảo chất lượng đào tạo trong toàn bộ thời hạn có giá trị của Giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục. Nếu không đảm bảo chất lượng so với kết quả đã được công nhận thì tuỳ theo tính chất và mức độ vi phạm sẽ bị khiển trách, cảnh cáo hoặc thu hồi Giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
|