Số 50.2010 (508) ngày 21/12/2010

 

CHÍNH PHỦ


Bãi bỏ thủ tục đăng ký nhập khẩu phân bón (SMS: 57/NQ-CP) - Phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được Thủ tướng Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 57/NQ-CP ngày 15/12/2010. Các thủ tục hành chính được đơn giản hóa bao gồm: 55 thủ tục thuộc lĩnh vực trồng trọt, 37 thủ tục thuộc lĩnh vực bảo vệ thực vật, 27 thủ tục thuộc lĩnh vực chăn nuôi, 39 thủ tục thuộc lĩnh vực thú y, 17 thủ tục thuộc lĩnh vực thủy lợi - đê điều, 7 thủ tục thuộc lĩnh vực phát triển nông thôn, 13 thủ tục thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, 21 thủ tục thuộc lĩnh vực quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, 24 thủ tục thuộc lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, 34 thủ tục thuộc lĩnh vực khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, 41 thủ tục thuộc lĩnh vực kiểm lâm và 74 thủ tục thuộc lĩnh vực lâm nghiệp.
Trong các loại thủ tục hành chính được thực hiện đơn giản hóa nói trên, thủ tục đăng ký nhập khẩu phân bón, nguyên liệu sản xuất phân bón ngoài danh mục phân bón được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng tại Việt Nam được bãi bỏ và thực hiện việc quản lý theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Lĩnh vực chăn nuôi bãi bỏ thủ tục đăng ký quảng cáo về giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, chế phẩm sinh học phục vụ chăn nuôi trên báo chí của các cơ quan trung ương, trên internet, trên xuất bản phẩm. Trong lĩnh vực thú y, 05 thủ tục: đăng ký kiểm dịch nhập khẩu sản phẩm động vật dùng cho người nhập khẩu vào Việt Nam, đăng ký kiểm dịch nhập khẩu sản phẩm động vật không dùng cho người nhập khẩu vào Việt Nam, đăng ký kiểm dịch động vật nhập khẩu vào Việt Nam, cấp giấy chứng nhận kiểm dịch động vật nhập khẩu và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch sản phẩm động vật nhập khẩu được thay thế bằng 01 thủ tục đăng ký kiểm dịch và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật nhập khẩu; trong đó quy định rõ cá nhân/doanh nghiệp khi nhập khẩu động vật, sản phẩm động vật từ các quốc gia, vùng lãnh thổ được phép xuất khẩu vào Việt Nam chỉ phải thực hiện 01 thủ tục đăng ký kiểm dịch và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật nhập khẩu tại các cơ quan thú y vùng, các chi cục kiểm dịch vùng, các Trạm kiểm dịch cửa khẩu thuộc Cục thú y; trong trường hợp nhập khẩu ngoài danh mục các quốc gia, vùng lãnh thổ được phép xuất khẩu vào Việt Nam thì thực hiện cơ chế liên thông, cá nhân/doanh nghiệp vẫn chỉ phải nộp hồ sơ 01 lần tại các cơ quan nói trên.
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường (SMS: 56/NQ-CP) - Ngày 15/12/2010, Chính phủ đã thông qua phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tài nguyên và Môi trường kèm theo Nghị quyết số 56/NQ-CP. Việc đơn giản hóa thủ tục hành chính được thực hiện trên các lĩnh vực: đất đai, địa chất và khoáng sản, môi trường, tài nguyên nước, khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu, đo đạc và bản đồ. Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành liên quan trong phạm vi thẩm quyền có trách nhiệm xây dựng văn bản để sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ, hủy bỏ các thủ tục hành chính theo đúng Phương án đơn giản hóa đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết này.
Đối với những thủ tục hành chính được quy định trong luật, pháp lệnh cần phải sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc hủy bỏ, bãi bỏ theo Phương án đơn giản hóa nêu tại Nghị quyết này, Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ, trước ngày 31/12/2010 báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để nghị của Chính phủ về việc cho phép bổ sung dự án luật, pháp lệnh để thực thi các phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính đã được Chính phủ thông qua vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011, 2012 theo hình thức một văn bản sửa nhiều văn bản và áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008. Giao UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ nội dung văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan trung ương ban hành để thực thi Phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính lĩnh vực tài nguyên và môi trường, thực hiện ngay việc sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ, hủy bỏ các quy định có liên quan tại các văn bản thuộc thẩm quyền ban hành, để bảo đảm thi hành khi các văn bản của Trung ương nói trên có hiệu lực.
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực xây dựng (SMS: 55/NQ-CP) - Phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Xây dựng cũng vừa được Thủ tướng Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 55/NQ-CP ngày 14/12/2010. Các thủ tục hành chính được đơn giản hóa bao gồm: 39 thủ tục thuộc lĩnh vực xây dựng; 05 thủ tục thuộc lĩnh vực quy hoạch xây dựng; 06 thủ tục thuộc lĩnh vực kinh doanh bất động sản; 02 thủ tục thuộc lĩnh vực phát triển đô thị và 03 thủ tục thuộc lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật đô thị. Một số nhóm thủ tục sẽ được đơn giản hóa theo nội dung sau:
Nhóm thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng gồm: thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc sư, thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề kỹ sư và thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề giám sát thi công công trình xây dựng sẽ được quy định cụ thể về cách thức thực hiện: cá nhân nộp hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc sư, kỹ sư, giám sát thi công xây dựng công trình trực tiếp tại sở xây dựng hoặc qua đường bưu điện. Về thành phần và số lượng hồ sơ phải quy định rõ yêu cầu đối với từng loại giấy tờ trong hồ sơ (nộp bản sao có chứng thực hoặc bản sao chụp và khi nộp hồ sơ mang theo bản chính để đối chiếu); bỏ quy định về “chứng chỉ liên quan đến nội dung xin cấp chứng chỉ hành nghề”; giảm số lượng hồ sơ từ 02 bộ xuống 01 bộ. Thời gian giải quyết thủ tục hành chính được rút ngắn từ 30 ngày làm việc xuống 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định. Thủ tục cấp chứng chỉ định giá bất động sản và cấp chứng chỉ môi giới bất động sản được sửa đổi, bổ sung trình tự thực hiện như sau: trong thời gian 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, sở xây dựng có trách nhiệm kiểm tra, nếu hồ sơ chưa đầy đủ, đúng quy định thì thông báo, hướng dẫn một lần để cá nhân bổ sung, hoàn thiện hồ sơ. Đồng thời quy định rõ về cách thức thực hiện là cá nhân nộp hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ định giá, môi giới bất động sản trực tiếp tại sở xây dựng; bỏ quy định về nộp bản sao chứng minh nhân dân và hộ chiếu; bỏ giấy chứng nhận đã hoàn thành khóa đào tạo, bồi dưỡng về định giá bất động sản trong thành phần hồ sơ đối với những trường hợp cá nhân đã có thẻ Thẩm định viên về giá theo Nghị định số 101/2005/NĐ-CP ngày 03/8/2005 của Chính phủ.
Ngoài ra, Nghị quyết cũng nêu rõ trách nhiệm thực thi Phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính nói trên của các bộ, ngành có liên quan.
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
 

 

BỘ CÔNG AN


Người bị trục xuất phải chi trả chi phí xuất cảnh (SMS: 54/2010/TT-BCA) - Bộ Công an ban hành Thông tư số 54/2010/TT-BCA ngày 10/12/2010. Thông tư này quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 97/2006/NĐ-CP ngày 15/9/2006 của Chính phủ về kinh phí bảo đảm cho việc áp dụng hình thức xử phạt trục xuất; nơi ở bắt buộc của người nước ngoài trong thời gian làm thủ tục trục xuất; đối tượng bị quản lý tại nơi ở bắt buộc; quyền, nghĩa vụ của người bị quản lý tại nơi ở bắt buộc và hoãn thi hành quyết định xử phạt trục xuất trong trường hợp bất khả kháng.
Theo Thông tư này, các khoản chi do ngân sách nhà nước chi trả cho việc áp dụng hình thức xử phạt trục xuất bao gồm: lập hồ sơ đề nghị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất; thi hành quyết định xử phạt trục xuất; quản lý người nước ngoài trong thời gian làm thủ tục trục xuất; truy tìm người bị trục xuất bỏ trốn. Các khoản chi do người bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất chi trả bao gồm: ăn, ở tại nơi quản lý bắt buộc; khám, chữa bệnh trong thời gian quản lý bắt buộc; phương tiện xuất cảnh. Trong trường hợp đặc biệt mà người bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất không có khả năng chi trả các khoản chi nói trên thì cơ quan quản lý xuất cảnh, nhập cảnh yêu cầu cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của nước mà người đó là công dân hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân mời người đó vào Việt Nam hoặc xin cấp thị thực cho người đó chi trả; nếu không thể thực hiện được các yêu cầu đó thì chi trả từ nguồn ngân sách nhà nước.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/02/2011.
 

 

BỘ CÔNG THƯƠNG


Thời hiệu giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán điện là 01 năm (SMS: 40/2010/TT-BCT) - Trình tự, thủ tục giải quyết các tranh chấp trên thị trường điện lực được thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 40/2010/TT-BCT ngày 13/12/2010 của Bộ Công thương. Các tranh chấp được giải quyết theo Thông tư này bao gồm: tranh chấp liên quan đến hợp đồng mua bán điện, hợp đồng cung cấp dịch vụ phụ trợ giữa các đơn vị điện lực, trừ các hợp đồng có yếu tố nước ngoài; tranh chấp khác trong hoạt động phát điện, truyền tải điện, phân phối điện, bán buôn điện, bán lẻ điện, điều độ hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện lực. Thời hiệu đề nghị giải quyết các tranh chấp nói trên là một (01) năm, kể từ ngày xảy ra hành vi mà một trong các bên cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm, trừ trường hợp bất khả kháng. Khi có tranh chấp trên thị trường điện lực, các bên trong tranh chấp phải tiến hành đàm phán để tự giải quyết trong thời hạn sáu mươi (60) ngày. Hết thời hạn 60 ngày mà hai bên không tự giải quyết được tranh chấp thì một bên hoặc hai bên có quyền trình vụ việc đến Cục Điều tiết điện lực để giải quyết theo trình tự, thủ tục được quy định tại Thông tư này. Bên thua kiện phải chịu chi phí giải quyết tranh chấp, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Chi phí giải quyết tranh chấp bao gồm: chi phí đi lại, ở và các chi phí có liên quan khác cho cán bộ thụ lý vụ việc tranh chấp theo định mức tại quy định của pháp luật có liên quan; chi phí thuê chuyên gia và thù lao cho thành viên phiên họp giải quyết tranh chấp.
Cục Điều tiết điện lực đình chỉ giải quyết vụ việc tranh chấp trong các trường hợp sau đây: bên yêu cầu rút Đơn đề nghị giải quyết tranh chấp; bên yêu cầu đã được mời họp giải quyết tranh chấp đến lần thứ hai (02) mà vẫn vắng mặt hoặc bỏ phiên họp giải quyết tranh chấp mà không được Chủ trì phiên họp đồng ý; các bên thoả thuận chấm dứt vụ việc giải quyết tranh chấp; tranh chấp có dấu hiệu vi phạm pháp luật; một bên hoặc hai bên gửi vụ việc tranh chấp tới cơ quan có thẩm quyền khác để giải quyết. Cục Điều tiết điện lực có trách nhiệm thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho các bên về việc đình chỉ giải quyết vụ việc tranh chấp.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 27/01/2011.
 

 

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO


Sửa đổi, bổ sung về chế độ làm việc của giảng viên (SMS: 36/2010/TT-BGDDT) - Thông tư số 36/2010/TT-BGDĐT ngày 15/12/2010 của Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định chế độ làm việc đối với giảng viên (Quy định) ban hành kèm theo Quyết định số 64/2008/QĐ-BGDĐT ngày 28/11/2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Theo đó, khoản 1 Điều 2 (quy định về đối tượng áp dụng) của Quy định này được sửa đổi, bổ sung như sau: “văn bản này áp dụng đối với giảng viên, giảng viên chính, phó giáo sư, giảng viên cao cấp và giáo sư thuộc biên chế sự nghiệp của cơ sở giáo dục đại học công lập, giảng viên là sĩ quan biệt phái, giảng viên cơ hữu của cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập (bổ sung đối tượng giảng viên là sĩ quan biệt phái). Điểm a, điểm b khoản 2 Điều 13 được sửa đổi, bổ sung như sau: trong cùng chuyên ngành, giảng viên có mức lương cao hơn thì có số giờ chuẩn nhiều hơn và không quá 400 giờ chuẩn, đối với giảng viên giảng dạy môn Giáo dục thể chất ở các trường không chuyên không quá 550 giờ chuẩn; trong cùng chuyên ngành, giảng viên có mức lương thấp hơn thì có số giờ chuẩn ít hơn và không dưới 260 giờ chuẩn, đối với giảng viên giảng dạy môn Giáo dục thể chất ở các trường không chuyên không dưới 400 giờ chuẩn".
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 29/01/2011. Thông tư này thay thế các quy định về giảng viên giáo dục quốc phòng tại Thông tư số 43/2003/TT-BGDĐT ngày 26/9/2003 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc hướng dẫn chế độ làm việc của giảng viên, giáo viên giáo dục quốc phòng.

Công chức ngành giáo dục phải chuyển đổi vị trí công tác sau 3 năm (SMS: 35/2010/TT-BGDDT) - Ngày 14/12/2010, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 35/2010/TT-BGDĐT quy định danh mục các vị trí công tác phải thực hiện định kỳ chuyển đổi đối với công chức, viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong ngành giáo dục. Thông tư này áp dụng đối với công chức, viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý ở phòng giáo dục và đào tạo, sở giáo dục và đào tạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các tổ chức, đơn vị sự nghiệp thuộc ngành giáo dục. Công chức, viên chức theo quy định nói trên đang làm công tác chuyên môn mà lĩnh vực chuyên môn đó thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của bộ, cơ quan ngang bộ khác thì thực hiện theo quy định về danh mục các vị trí công tác phải định kỳ chuyển đổi do bộ, cơ quan ngang bộ thực hiện quản lý nhà nước về lĩnh vực chuyên môn đó; trong khi chưa có quy định của bộ, cơ quan ngang bộ đó thì tạm thời thực hiện theo quy định tại Thông tư này.
Theo Thông tư này, thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác là 03 năm (đủ 36 tháng) đối với công chức, viên chức đảm nhiệm các vị trí công tác quy định tại Điều 5 của Thông tư này. Thời hạn chuyển đổi vị trí công tác có thể thực hiện sớm hơn (trước 36 tháng), trong một số trường hợp đặc biệt sau: sức khỏe, năng lực không đáp ứng yêu cầu công việc; vi phạm phẩm chất đạo đức của công chức, viên chức, vi phạm quy chế làm việc của cơ quan, đơn vị nhưng chưa đến mức phải áp dụng hình thức kỷ luật.     
Hàng năm, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với cấp ủy, công đoàn, đoàn thanh niên (nếu có) cùng cấp xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện việc định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý theo phân công, phân cấp hiện hành về công tác tổ chức cán bộ và chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong ngành giáo dục có trách nhiệm báo cáo kết quả thực hiện định kỳ chuyển đổi hàng năm trước ngày 01 tháng 11 hằng năm cho cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp để tổng hợp báo cáo cơ quan có thẩm quyền.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 28/01/2011.
 

 

BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ


Năng lực của tổ chức, cá nhân thực hiện tư vấn đánh giá dự án đầu tư (SMS: 23/2010/TT-BKH) - Theo hướng dẫn tại Thông tư số 23/2010/TT-BKH ngày 13/12/2010 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định điều kiện năng lực của tổ chức và cá nhân thực hiện tư vấn đánh giá dự án đầu tư, tổ chức, cá nhân khi thực hiện tư vấn đánh giá dự án đầu tư phải có đủ điều kiện năng lực theo quy định và phù hợp với tính chất công việc của từng dự án đầu tư. Cá nhân thực hiện tư vấn đánh giá dự án đầu tư phải có văn bằng, chứng chỉ đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ đánh giá dự án đầu tư do các cơ sở đào tạo hợp pháp của Việt Nam hoặc nước ngoài cấp (quy định này được thực hiện từ ngày 01/9/2011). Năng lực của cá nhân thực hiện tư vấn đánh giá dự án đầu tư được phân hạng dựa trên các tiêu chí: trình độ chuyên môn được đào tạo; kinh nghiệm thực hiện tư vấn đánh giá dự án đầu tư hoặc kinh nghiệm thực hiện các công việc liên quan đến quản lý đầu tư (lập dự án đầu tư, thẩm định, thẩm tra dự án đầu tư, quản lý dự án đầu tư). Năng lực của tổ chức thực hiện tư vấn đánh giá dự án đầu tư được phân hạng dựa trên các tiêu chí: năng lực của các cá nhân trong tổ chức; khả năng tài chính, số lượng lao động, thiết bị máy móc (kể cả các phần mềm hỗ trợ) thực có của tổ chức hoặc do tổ chức thuê để thực hiện theo yêu cầu của công việc.
Tổ chức, cá nhân chỉ được thực hiện hoạt động tư vấn đánh giá dự án đầu tư khi có đủ điều kiện năng lực theo quy định và có trách nhiệm tuân thủ quy chuẩn, tiêu chuẩn để đánh giá dự án đầu tư, đảm bảo chất lượng và hiệu quả; chịu trách nhiệm trước chủ đầu tư và pháp luật về việc khi thực hiện hoạt động tư vấn đánh giá dự án đầu tư không có đủ điều kiện năng lực theo quy định. Các sở kế hoạch và đầu tư có trách nhiệm tổ chức kiểm tra điều kiện năng lực của tổ chức, cá nhân khi hoạt động tư vấn đánh giá dự án đầu tư trên địa bàn; tạm dừng hoặc đình chỉ hoạt động khi tổ chức hoạt động tư vấn đánh giá dự án đầu tư vi phạm quy định tại Thông tư này.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 26/01/2011.
 

 

BỘ TÀI CHÍNH


i suất cho vay tín dụng đầu tư và xuất khẩu năm 2011 (SMS: 203/2010/TT-BTC) - Tại Thông tư số 203/2010/TT-BTC ngày 14/12/2010, Bộ Tài chính quy định mức lãi suất cho vay tín dụng đầu tư, tín dụng xuất khẩu của Nhà nước và mức chênh lệch lãi suất được tính hỗ trợ sau đầu tư như sau: lãi suất cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước bằng đồng Việt Nam là 11,4%/năm, bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi là 6,6%/năm; lãi suất cho vay tín dụng xuất khẩu của Nhà nước bằng đồng Việt Nam là 11,4%/năm, bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi là 6,6%/năm; mức chênh lệch lãi suất được tính hỗ trợ sau đầu tư đối với dự án vay vốn bằng đồng Việt Nam là 2,4%/năm, đối với dự án vay vốn bằng ngoại tệ là 0,8%/năm.
Lãi suất cho vay tín dụng đầu tư, tín dụng xuất khẩu của Nhà nước và mức chênh lệch lãi suất được tính hỗ trợ sau đầu tư áp dụng cho các dự án ký hợp đồng lần đầu tiên kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/02/2011 và thay thế Quyết định số 3280/QĐ-BTC ngày 25/12/2009 của Bộ trưởng Bộ Tài chính. 

Thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2011 (SMS: 202/2010/TT-BTC) - Theo hướng dẫn tại Thông tư số 202/2010/TT-BTC ngày 14/12/2010 của Bộ Tài chính về dự toán ngân sách nhà nước 2011, các địa phương được tiếp tục thực hiện cơ chế cân đối nguồn thu tiền sử dụng đất trong cân đối ngân sách địa phương để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội; đồng thời sử dụng 30% đến 50% nguồn thu tiền sử dụng đất và tiền thuê đất để thành lập Quỹ phát triển đất theo đúng quy định tại Nghị định số 69/2009/NĐ-CP ngày 13/8/2009 của Chính phủ. Nhà nước tiếp tục cấp kinh phí hoạt động thường xuyên năm 2011 từ ngân sách nhà nước theo phương thức và định mức năm 2010 cho các tổ chức nghiên cứu khoa học, tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tổ chức dịch vụ khoa học và công nghệ quy định tại Nghị định số 115/2005/NĐ-CP ngày 05/9/2005 và văn bản sửa đổi, bổ sung Nghị định này. Trường hợp các tổ chức khoa học và công nghệ đã có quyết định phê duyệt của cấp có thẩm quyền chuyển đổi hoạt động sang hình thức tự trang trải kinh phí hoạt động thường xuyên thì thực hiện tự trang trải kinh phí hoạt động thường xuyên theo quyết định đã được phê duyệt.
Thông tư cũng nêu rõ, các bộ, cơ quan trung ương, địa phương tổ chức chỉ đạo thực hiện đầy đủ các quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm và chống lãng phí. Đồng thời xử lý kịp thời, đầy đủ những sai phạm được phát hiện qua công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán; làm rõ trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân và thực hiện chế độ trách nhiệm đối với thủ trưởng đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước trong quản lý điều hành ngân sách khi để xảy ra thất thoát, lãng phí, sử dụng ngân sách sai chế độ, chính sách.
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2011 và áp dụng đối với năm ngân sách 2011.