Số 50.2009 (457) ngày 22/12/2009

CHÍNH PHỦ

Đến 2050, các loại chất thải rắn đều được tái sử dụng (SMS: 2149/QD-TTg) - Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 2149/QĐ-TTg ngày 17/12/2009 phê duyệt Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050, với mục tiêu phấn đấu đến năm 2050 tất cả các loại chất thải rắn phát sinh đều được thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý triệt để bằng những công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường và phù hợp với thực tế của từng địa phương, hạn chế khối lượng chất thải rắn phải chôn lấp đến mức thấp nhất. Mục tiêu cụ thể là đến năm 2015, 85% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị phát sinh được thu gom và xử lý đảm bảo môi trường, trong đó 60% được tái chế, tái sử dụng, thu hồi năng lượng hoặc sản xuất phân hữu cơ.
Một trong những giải pháp thực hiện Chiến lược này là ban hành các quy định và chính sách khuyến khích việc giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế chất thải, đặc biệt là giảm thiểu việc sử dụng túi ni lông và tái chế chất thải hữu cơ; phát triển thị trường, xây dựng nền kinh tế chất thải; khuyến khích mua sắm các sản phẩm tái chế; xây dựng và áp dụng các chính sách ưu đãi cho các hoạt động tái chế và dự án đầu tư xây dựng các cơ sở xử lý chất thải rắn; thúc đẩy xã hội  hóa công tác thu gom, vận chuyển chất thải rắn.
Cũng theo Quyết định này, Bộ Tài nguyên và Môi trường có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng, ban hành các chính sách, cơ chế, công cụ về phòng ngừa, giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế chất thải, phân loại chất thải rắn tại nguồn; xây dựng cơ sở dữ liệu về chất thải rắn trên toàn quốc; xây dựng các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn môi trường về chất thải rắn; thực hiện các chương trình nâng cao nhận thức, nâng cao năng lực về quản lý tổng hợp chất thải rắn...
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Quy định về giám sát và đánh giá đầu tư (SMS: 113/2009/ND-CP) - Ngày 15/12/2009, Chính phủ ban hành Nghị định số 113/2009/NĐ-CP về giám sát và đánh giá đầu tư. Nghị định này quy định về nội dung giám sát, đánh giá và việc tổ chức thực hiện giám sát, đánh giá dự án đầu tư và hoạt động đầu tư trực tiếp sử dụng tất cả các nguồn vốn; việc giám sát, đánh giá hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài thực hiện theo quy định riêng của Chính phủ. Theo Nghị định này, đối với các dự án đầu tư sử dụng 30% vốn Nhà nước trở lên, chủ đầu tư tự tổ chức kiểm tra thường xuyên dự án đầu tư do mình làm chủ đầu tư, người có thẩm quyền quyết định đầu tư tổ chức kiểm tra dự án đầu tư do mình quyết định đầu tư ít nhất 01 lần đối với các dự án có thời gian thực hiện dài hơn 12 tháng; các dự án nhóm B trở lên phải thực hiện đánh giá ban đầu và đánh giá kết thúc dự án; các dự án có phân kỳ đầu tư theo giai đoạn phải thực hiện đánh giá giữa kỳ khi kết thúc từng giai đoạn thực hiện. Khuyến khích chủ đầu tư dự án sử dụng các nguồn vốn khác thực hiện các đánh giá dự án đầu tư như quy định nêu trên.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan đầu mối giúp Thủ tướng Chính phủ tổ chức thực hiện giám sát và đánh giá đầu tư. Bộ này có nhiệm vụ hướng dẫn, theo dõi và tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ về công tác giám sát, đánh giá đầu tư trong toàn quốc; tổ chức thực hiện giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư trong phạm vi toàn quốc; chủ trì lập kế hoạch và phối hợp với các bộ, ngành và địa phương liên quan thực hiện kiểm tra, đánh giá các dự án quan trọng quốc gia, các dự án nhóm A. Các bộ, cơ quan ngang bộ có nhiệm vụ tổ chức thực hiện theo dõi, kiểm tra, đánh giá dự án đối với các dự án thuộc thẩm quyền quyết định của mình. UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện theo dõi, kiểm tra, đánh giá dự án các dự án thuộc thẩm quyền quyết định của mình và các dự án do mình cấp giấy chứng nhận đầu tư; giám sát việc thực hiện theo quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất đai, đảm bảo môi trường của các dự án trên địa bàn của tỉnh, thành phố.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/02/2010.
Quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình (SMS: 112/2009/ND-CP) - Từ ngày 01/02/2010, việc quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 112/2009/NĐ-CP ngày 14/12/2009 của Chính phủ. Nghị định này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình tại các dự án sử dụng 30% vốn nhà nước trở lên. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình sử dụng ít hơn 30% vốn nhà nước áp dụng các quy định của Nghị định này. Chủ đầu tư xây dựng công trình chịu trách nhiệm toàn diện về việc quản lý chi phí từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư đến khi kết thúc xây dựng đưa công trình vào khai thác, sử dụng. Chi phí đầu tư xây dựng công trình đã được người quyết định đầu tư hoặc chủ đầu tư phê duyệt theo quy định của Nghị định này là cơ sở để các tổ chức có chức năng thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán chi phí đầu tư xây dựng công trình.
Nghị định này quy định, người quyết định đầu tư tổ chức thẩm định tổng mức đầu tư hoặc thuê các tổ chức, cá nhân tư vấn thực hiện công tác quản lý chi phí thẩm tra. Lệ phí thẩm định hoặc chi phí thẩm tra được tính trong tổng mức đầu tư. Tổ chức tư vấn thực hiện các công việc quản lý chi phí phải đáp ứng điều kiện: tổ chức tư vấn quản lý chi phí hạng 1 phải có ít nhất 5 cá nhân thuộc tổ chức có chứng chỉ Kỹ sư định giá xây dựng hạng 1; tổ chức tư vấn quản lý chi phí hạng 2 phải có ít nhất 3 cá nhân thuộc tổ chức có chứng chỉ Kỹ sư định giá xây dựng hạng 2 hoặc 1 cá nhân có chứng chỉ Kỹ sư định giá xây dựng hạng 1. Cá nhân hoạt động độc lập về tư vấn quản lý chi phí phải có chứng chỉ Kỹ sư định giá xây dựng và có đăng ký kinh doanh hoạt động tư vấn theo quy định của pháp luật.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/02/2010 và bãi bỏ các quy định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình quy định tại Nghị định số 99/2007/NĐ-CP ngày 13/6/2007 của Chính phủ và Nghị định số 03/2008/NĐ-CP ngày 07/01/2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2007/NĐ-CP.
Thành lập Tập đoàn Viễn thông Quân đội (SMS: 2079/QD-TTg) - Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 2079/QĐ-TTg ngày 14/12/2009 thành lập Công ty mẹ - Tập đoàn Viễn thông Quân đội. Tập đoàn này được hình thành trên cơ sở tổ chức lại các phòng ban chức năng của Tổng công ty Viễn thông Quân đội, Công ty Viễn thông Viettel và Công ty Truyền dẫn Viettel; là doanh nghiệp kinh tế quốc phòng 100% vốn nhà nước, có tư cách pháp nhân, có con dấu, biểu tượng và điều lệ tổ chức và hoạt động riêng, được mở tài khoản tại kho bạc nhà nước, các ngân hàng thương mại trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật, chịu trách nhiệm kế thừa các quyền, nghĩa vụ pháp lý và lợi ích hợp pháp của Tổng công ty Viễn thông Quân đội.
Vốn điều lệ của Tập đoàn Viễn thông Quân đội là 50 ngàn tỷ đồng với các ngành nghề kinh doanh chính: dịch vụ viễn thông, viễn thông - công nghệ thông tin trong nước và nước ngoài; khảo sát, tư vấn, thiết kế, lắp đặt, bảo dưỡng các công trình viễn thông - công nghệ thông tin; sản xuất, kinh doanh xuất nhập khẩu, cung ứng vật tư, thiết bị viễn thông - công nghệ thông tin. Ngoài ra còn có các ngành nghề kinh doanh khác liên quan như đầu tư tài chính, kinh doanh vốn và dịch vụ ngân hàng; truyền thông và nội dung thông tin; thương mại điện tử và dịch vụ kho vận; đầu tư và kinh doanh bất động sản.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/12/2009.
Vận chuyển chất thải phóng xạ không phép: phạt tiền đến 35 triệu đồng (SMS: 111/2009/ND-CP) - Mức phạt này được quy định tại Nghị định số 111/2009/NĐ-CP ngày 11/12/2009 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử. Theo đó, đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực này, cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính là cảnh cáo và phạt tiền; mức phạt tiền tối đa là 100 triệu đồng. Ngoài hình thức xử phạt chính, tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức vi phạm còn bị áp dụng một hoặc các hình thức xử phạt bổ sung như tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử có thời hạn đến 6 tháng, tịch thu tang vật, phương tiện sử dụng để vi phạm hành chính.
Nghị định quy định phạt tiền từ 08 triệu đồng đến 15 triệu đồng đối với hành vi sử dụng chất phóng xạ, thiết bị bức xạ không có giấy phép. Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 35 triệu đồng đối với hành vi vận chuyển nguồn phóng xạ, chất thải phóng xạ, xử lý, lưu giữ, chôn cất chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng mà không có giấy phép. Phạt tiền từ 03 triệu đồng đến 07 triệu đồng đối với hành vi sử dụng giấy phép tiến hành công việc bức xạ đã hết thời hạn sử dụng nhưng không quá 30 ngày kể từ ngày giấy phép hết hạn.
Thanh tra viên chuyên ngành khoa học và công nghệ đang thi hành công vụ có quyền phạt cảnh cáo, phạt tiền đến 500 ngàn đồng và tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính có giá trị đến 02 triệu đồng. Chủ tịch UBND cấp huyện có quyền phạt cảnh cáo, phạt tiền đến 30 triệu đồng và tước quyền sử dụng có thời hạn đến 6 tháng giấy phép, chứng chỉ hành nghề về lĩnh vực năng lượng nguyên tử thuộc thẩm quyền. Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Chánh thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ có quyền phạt cảnh cáo và phạt tiền đến mức tối đa đối với lĩnh vực năng lượng nguyên tử.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/02/2010 và thay thế Nghị định số 51/2006/NĐ-CP ngày 19/5/2006 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn và kiểm soát bức xạ.

 
BỘ CÔNG THƯƠNG

Chỉ được làm đại lý xăng dầu cho một thương nhân đầu mối (SMS: 36/2009/TT-BCT) - Quy chế mới về đại lý kinh doanh xăng dầu vừa được Bộ Công thương ban hành ngày 14/12/2009 kèm theo Thông tư số 36/2009/TT-BCT. Quy chế này áp dụng đối với các thương nhân kinh doanh phân phối xăng dầu tại thị trường Việt Nam theo quy định tại Nghị định 84/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu. Theo đó, hệ thống đại lý kinh doanh xăng dầu là một bộ phận của hệ thống phân phối xăng dầu của thương nhân đầu mối, gồm các tổng đại lý và đại lý bán lẻ xăng dầu. Thương nhân đầu mối trực tiếp thiết lập hệ thống đại lý bán lẻ xăng dầu hoặc thiết lập hệ thống đại lý bán lẻ xăng dầu thông qua tổng đại lý và phải đăng ký hệ thống phân phối này với Bộ Công thương trước ngày 31/01 hàng năm; khi có sự thay đổi trong hệ thống phân phối của mình, trong vòng 30 ngày làm việc phải gửi đăng ký bổ sung về Bộ Công thương.
Thông tư này quy định, tổng đại lý chỉ được ký hợp đồng làm đại lý bán lẻ xăng dầu cho 01 thương nhân đầu mối; phải thanh lý hợp đồng đại lý với thương nhân đầu mối hiện tại trước khi ký hợp đồng làm tổng đại lý cho thương nhân đầu mối khác. Thương nhân là đại lý chỉ được ký hợp đồng làm đại lý bán lẻ xăng dầu cho 01 thương nhân đầu mối hoặc cho 01 thương nhân là tổng đại lý; phải thanh lý hợp đồng đại lý với tổng đại lý hoặc thương nhân đầu mối hiện tại trước khi ký hợp đồng làm đại lý cho tổng đại lý hoặc thương nhân đầu mối khác. Hợp đồng đại lý phải được lập thành văn bản, thời hạn của hợp đồng do các bên thỏa thuận nhưng tối thiểu phải là 12 tháng. Thương nhân đầu mối quy định giá bán cho các đại lý và giá bán lẻ áp dụng tại cửa hàng bán lẻ thuộc hệ thống phân phối của mình; giá bán lẻ là cơ sở xác định giá bán và thù lao cho các đại lý. Các cửa hàng bán lẻ xăng dầu không được bán cao hơn giá bán lẻ do thương nhân đầu mối quy định; phải niêm yết giá bán lẻ, thời gian bán hàng rõ ràng và ở nơi dễ quan sát; phải bán đúng giá niêm yết trừ trường hợp theo chương trình khuyến mại của thương nhân đầu mối.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/12/2009 và thay thế Quyết định số 1505/2003/QĐ-BTM ngày 17/11/2003 của Bộ trưởng Bộ Thương mại về việc ban hành Quy chế đại lý kinh doanh xăng dầu và các văn bản sửa đổi, bổ sung Quy chế này.
 
NGÂN  HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM

Hỗ trợ lãi suất tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam (SMS: 24/2009/TT-NHNN) - Với mục đích hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay trung, dài hạn bằng đồng Việt Nam của các tổ chức, cá nhân tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Quỹ đầu tư phát triển địa phương để thực hiện dự án đầu tư mới phát triển sản xuất - kinh doanh, kết cấu hạ tầng và các nhu cầu vốn thực  hiện hợp đồng xuất khẩu nhằm giảm chi phí đầu tư, tăng năng lực sản xuất kinh doanh, khả năng cạnh tranh sản phẩm, tạo việc làm, ngày 14/12/2009, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư số 24/2009/TT-NHNN quy định chi tiết thi hành việc hỗ trợ lãi suất đối với các tổ chức, cá nhân vay vốn trung, dài hạn Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Quỹ đầu tư phát triển địa phương để thực hiện dự án đầu tư mới để phát triển sản xuất, kinh doanh. Theo Thông tư này, khách hàng được vay hỗ trợ lãi suất bao gồm: chủ đầu tư vay vốn Ngân hàng Phát triển Việt Nam theo quy định của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, chủ đầu tư vay vốn Quỹ đầu tư phát triển địa phương theo quy định tại Điều 12 Nghị định số 138/2007/NĐ-CP. Loại cho vay được hỗ trợ lãi suất là các khoản cho vay trung và dài hạn bằng đồng Việt Nam theo các hợp đồng tín dụng ký kết trước và sau ngày 01/4/2009 mà được giải ngân (một hoặc nhiều lần) trong khoảng thời gian từ ngày 01/4 đến 31/12/2009.
Thời hạn vay được hỗ trợ lãi suất tối đa là 24 tháng, kể từ ngày giải ngân đối với các khoản vay theo hợp đồng tín dụng ký kết trước và sau ngày 01/4/2009 mà được giải ngân trong khoảng thời gian từ ngày 01/4 đến 31/12/2009. Việc hỗ trợ lãi suất được thực hiện từ ngày 01/4/2009 đến 31/12/2011. Mức lãi suất hỗ trợ cho khách hàng vay là 4%/năm tính trên số tiền vay và thời hạn cho vay thực tế. Các khoản vay thuộc đối tượng được hỗ trợ lãi suất bị quá hạn trả nợ, được gia hạn nợ vay, thời hạn vay thực tế vượt quá 24 tháng thì không được tính hỗ trợ lãi suất đối với khoảng thời gian quá hạn trả nợ, gia hạn nợ và vượt quá 24 tháng.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Các quy định về hỗ trợ lãi suất đối với Ngân hàng Phát triển Việt Nam tại Thông tư số 05/2009/TT-NHNN ngày 07/4/2009 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hết hiệu lực thi hành.
 
BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

Thủ tục đăng ký dịch vụ chứng thực chữ ký số (SMS: 37/2009/TT-BTTTT) - Ngày 14/12/2009, Bộ Thông tin và Truyền thông ra Thông tư số 37/2009/TT-BTTTT quy định về hồ sơ và thủ tục liên quan đến cấp phép, đăng ký, công nhận các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số. Thông tư này áp dụng đối với tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng; cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng; tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số nước ngoài đề nghị cấp giấy công nhận chữ ký số và chứng thư số tại Việt Nam. Theo hướng dẫn tại Thông tư này, tổ chức xin cấp phép cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng (bao gồm cấp mới, thay đổi nội dung, cấp lại và gia hạn giấy phép), tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng đăng ký hoạt động và  đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn cho chữ ký số,...gửi hồ sơ qua bưu điện hoặc trực tiếp tại Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Ứng dụng công nghệ thông tin), 18 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Thành phố Hà Nội. Trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận, Bộ Thông tin và Truyền Thông kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ; trường hợp hồ sơ không hợp lệ, Bộ Thông tin và Truyền thông thông báo bằng văn bản cho tổ chức xin cấp phép biết để sửa đổi, bổ sung hồ sơ. Trong thời hạn 60 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ hợp lệ, Bộ Thông tin và Truyền thông quyết định tiến hành cấp phép; trường hợp không chấp thuận, Bộ Thông tin và Truyền thông gửi văn bản thông báo cho tổ chức xin cấp phép biết, trong đó có nêu rõ lý do.
Các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm nộp phí và lệ phí khi thực hiện các thủ tục cấp phép, đăng ký, công nhận các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số tại Trung tâm Chứng thực chữ ký số quốc gia.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/02/2010.
 
THANH TRA CHÍNH PHỦ

Đơn tố cáo phải được thụ lý trong vòng 10 ngày (SMS: 01/2009/TT-TTCP) - Quy trình giải quyết tố cáo được Thanh tra Chính phủ hướng dẫn tại Thông tư số 01/2009/TT-TTCP ngày 15/12/2009. Thông tư này áp dụng đối với cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền thuộc cơ quan hành chính nhà nước khi tiến hành giải quyết tố cáo. Theo đó, đối với tố cáo thuộc thẩm quyền, người giải quyết tố cáo phải thụ lý trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được tố cáo, đồng thời thông báo bằng văn bản cho người tố cáo về thời điểm thụ lý tố cáo và các nội dung tố cáo được thụ  lý. Người giải quyết tố cáo phải ban hành quyết định xác minh tố cáo, thành lập tổ xác minh tố cáo hoặc đoàn xác minh tố cáo có từ hai người trở lên, trong đó giao cho một người làm tổ trưởng hoặc trưởng đoàn xác minh. Trưởng đoàn xác minh có trách nhiệm giao quyết định xác minh tố cáo cho người bị tố cáo chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày ban hành quyết định xác minh tố cáo. Việc giao quyết định xác minh tố cáo phải lập thành biên bản có chữ ký của người giao và người nhận quyết định.
Người xác minh tố cáo phải làm việc trực tiếp với người tố cáo để làm rõ về những nội dung tố cáo, đồng thời yêu cầu người tố cáo cung cấp thông tin, tài liệu, bằng chứng liên quan đến nội dung tố cáo; trường hợp không thể làm việc trực tiếp với người tố cáo vì lý do khách quan hoặc theo yêu cầu của người tố cáo hoặc để bảo vệ người tố cáo thì người ra quyết định xác minh tố cáo phải có văn bản yêu cầu người tố cáo cung cấp thông tin, tài liệu, bằng chứng liên quan đến nội dung tố cáo.
Thông tư cũng quy định, trong trường hợp người giải quyết tố cáo, người ra quyết định xác minh tố cáo, người xác minh tố cáo không có đủ các điều kiện để kết luận về mức độ thiệt hại do hành vi vi phạm pháp luật gây ra; tính hợp pháp, chính xác của những tài liệu, bằng chứng do người tố cáo, người bị tố cáo, cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan cung cấp hoặc các tài liệu, bằng chứng khác có ảnh hưởng đến việc kết luận, giải quyết tố cáo thì phải trưng cầu cơ quan có thẩm quyền giám định. Đối với những vụ việc phức tạp, khi xét thấy cần thiết, người ra quyết định xác minh tố cáo tổ chức tham khảo ý kiến tư vấn của các cơ quan chuyên môn, cơ quan quản lý cấp trên hoặc các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan trước khi kết luận nội dung tố cáo.
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01/02/2010.
 
TỔNG CỤC HẢI QUAN

Thủ tục hải quan đối với tàu biển (SMS: 2425/QD-TCHQ) - Ngày 14/12/2009, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ký Quyết định số 2425/QĐ-TCHQ ban hành Quy trình thủ tục hải quan đối với tàu biển Việt Nam và tàu biển nước ngoài xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, chuyển cảng. Theo đó, những thủ tục này do chi cục hải quan cửa khẩu cảng thực hiện theo sự phân công, giao nhiệm vụ của cục trưởng cục hải quan tỉnh, thành phố có cửa khẩu cảng biển, gồm các bước: tiếp nhận và xử lý thông tin trước khi tàu biển nhập cảnh hoặc rời cảng, tiếp nhận hồ sơ và thông quan tàu biển xuất nhập cảnh, trao đổi thông tin và lưu trữ hồ sơ. Chi cục hải quan cửa khẩu cảng có trách nhiệm phối hợp với cảng vụ hàng hải để tiếp nhận thông tin qua mạng máy tính hoặc hồ sơ giấy về thời gian tàu đến và rời cảng, địa điểm tàu neo đậu, thời gian xếp, dỡ hàng hóa lên hoặc xuống tàu biển; phối hợp với doanh nghiệp kinh doanh cảng tiếp nhận thông tin chi tiết về việc bố trí, sắp xếp từng loại hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, chuyển cảng, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, chuyển khẩu, từng loại container trong khu vực cảng do doanh nghiệp cung cấp; hướng dẫn doanh nghiệp quản lý, bảo đảm nguyên trạng hàng hóa xuất nhập khẩu lưu giữ tại kho, bãi cảng và chỉ được cho hàng hóa nhập khẩu đã làm thủ tục hải quan qua các cổng cảng có giám sát hải quan.
Khi có căn cứ xác định trên tàu biển xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, chuyển cảng có dấu hiệu vi phạm pháp luật hải quan, cất giấu, vận chuyển hàng hóa trái phép thì chi cục trưởng chi cục hải quan cửa khẩu cảng quyết định khám xét tàu theo quy định.
Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2010 và thay thế Quyết định số 1582/QĐ-TCHQ ngày 29/8/2006 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan.