Số 50.2008 (406) ngày 19/12/2008

 CHÍNH PHỦ


Hướng dẫn xử lý vi phạm hành chính
(SMS: 531145)
- Ngày 16/12/2008, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 128/2008/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính (VPHC) năm 2002 và Pháp lệnh sửa đổi bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý VPHC năm 2008.
Theo đó, cá nhân, tổ chức bị xử phạt VPHC, nếu qua 01 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt hoặc kể từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt mà không thực hiện hành vi vi phạm trong cùng lĩnh vực trước đây đã bị xử phạt thì được coi như chưa bị xử phạt VPHC về hành vi đó. Thời hạn để được coi là chưa bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính khác (giáo dục tại xã, phường, thị trấn, đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục, đưa vào cơ sở chữa bệnh…) là 02 năm…
Việc tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề được coi là hình thức xử phạt bổ sung, được áp dụng kèm theo hình thức xử phạt chính, áp dụng có thời hạn hoặc không thời hạn, nếu có thời hạn thì tối đa không quá 12 tháng…
Việc ủy quyền xử lý VPHC chỉ được thực hiện đối với cấp phó. Việc ủy quyền phải được thực hiện bằng văn bản. Việc ủy quyền xử lý VPHC phải xác định rõ phạm vi, nội dung, thời hạn ủy quyền. Trường hợp quyết định tạm giữ người theo thủ tục hành chính thì việc ủy quyền chỉ được thực hiện khi cấp trưởng vắng mặt…
Việc khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện VPHC vào ban đêm chỉ được thực hiện trong các trường hợp sau đây: Trường hợp khẩn cấp có căn cứ cho rằng nếu không tổ chức khám ngay thì tang vật, phương tiện VPHC sẽ bị tẩu tán, tiêu hủy hoặc việc thu thập chứng cứ không thể thực hiện được; Trường hợp khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện VPHC đang được thực hiện mà chưa kết thúc, được bắt đầu từ trước 22 giờ cùng ngày mà chưa kết thúc đến 5 giờ sáng ngày hôm sau…
Khi phát hiện VPHC, người có thẩm quyền đang thi hành công vụ phải ra quyết định đình chỉ ngay hành vi vi phạm. Quyết định đình chỉ có thể là quyết định bằng văn bản hoặc quyết định thể hiện bằng lời nói, còi, tín hiệu hoặc các hình thức khác tuỳ từng trường hợp vi phạm cụ thể…
Đối với vụ việc đơn giản, hành vi vi phạm rõ ràng, không cần xác minh thêm thì phải ra quyết định xử phạt trong thời hạn không quá 10 ngày, kể từ ngày lập biên bản về hành vi vi phạm hành chính. Đối với vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp là 30 ngày…
Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2009.


Trợ cấp khó khăn cho người lương thấp
(SMS: 531143)
- Ngày 15/12/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 169/2008/QĐ-TTg về trợ cấp khó khăn đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang có mức lương thấp, đời sống khó khăn.
Theo đó, kể từ ngày 01/01/2009, thực hiện trợ cấp khó khăn mức 360.000 đồng/người, trả theo kỳ lương trong 4 tháng đối với các đối tượng có mức lương thấp (hệ số lương từ 3,00 trở xuống), gồm: cán bộ, công chức (bao gồm cả công chức dự bị), viên chức thuộc biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước làm việc trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, chính trị-xã hội ở Trung ương; ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; cán bộ chuyên trách và công chức ở xã, phường, thị trấn; Giáo viên mầm non trong biên chế và giáo viên mầm non hợp đồng; cán bộ y tế xã, phường, thị trấn hưởng lương theo quy định hiện hành…
Trợ cấp khó khăn được tính trả cùng kỳ lương hàng tháng và không dùng để tính đóng, hưởng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế…
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Bảo hiểm thất nghiệp
(SMS: 507354)
- Ngày 12/12/2008, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 127/2008/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).
Theo đó, trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, người lao động phải đến cơ quan lao động để đăng ký. Trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp, hằng tháng, người thất nghiệp phải đến thông báo với cơ quan lao động về việc tìm kiếm việc làm.
Người thất nghiệp được hưởng BHTN khi có đủ các điều kiện sau: Đã đóng BHTN đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi thất nghiệp; Đã đăng ký thất nghiệp với tổ chức bảo hiểm xã hội; Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày kể từ ngày đăng ký thất nghiệp.
Mức trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng BHTN của 06 tháng liền kề trước khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động. Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng phụ thuộc vào thời gian làm việc có đóng BHTN của người lao động và tổng thời gian được hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng được thực hiện như sau: 03 tháng, nếu có từ đủ 12 đến dưới 36 tháng đóng BHTN; 06 tháng, nếu có từ đủ 36 đến dưới 72 tháng đóng BHTN; 09 tháng, nếu có từ đủ 72 đến dưới 144 tháng đóng BHTN; 12 tháng, nếu có từ đủ một 144 tháng đóng BHTN trở lên.
Người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp được hỗ trợ học nghề với thời gian không quá 06 tháng tính từ ngày người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng; được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí do cơ quan lao động thực hiện thông qua các trung tâm giới thiệu việc làm; được hưởng chế độ bảo hiểm y tế do tổ chức bảo hiểm xã hội đóng...
Người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng sẽ bị tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp nếu không thực hiện thông báo hằng tháng với cơ quan lao động về việc tìm kiếm việc làm hoặc bị tạm giam. Nếu sau 02 lần từ chối nhận việc làm do tổ chức bảo hiểm xã hội giới thiệu mà không có lý do chính đáng sẽ bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp...
Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2009.


Giải pháp tăng trưởng kinh tế
(SMS: 507333)
- Ngày 11/12/2008, Chính phủ đã ra Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP về những giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.
Chính phủ xác định: trong năm 2009, phải tập trung hoàn thành và triển khai thực hiện các chương trình, đề án trong Chương trình hành động của Chính phủ về nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ sản xuất nông, lâm, thủy sản, đẩy mạnh sản xuất hàng tiêu dùng nội địa, ưu tiên hỗ trợ ngành hàng sản xuất, có lợi thế thay thế hàng nhập khẩu, sử dụng nguồn liệu trong nước, sử dụng nhiều lao động…
Tiếp tục điều hành giá theo cơ chế thị trường đối với các mặt hàng: than, điện, nước sạch, cước vận chuyển xe buýt... Trong tháng 01/2009, Bộ Tài chính cần chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và cơ quan liên quan báo cáo Thủ tướng lộ trình thực hiện cụ thể.
Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trình Thủ tướng Đề án phát triển hệ thống phân phối các mặt hàng thiết yếu.
Các doanh nghiệp được khuyến khích tổ chức các đợt hạ giá để kích thích tiêu dùng, trước mắt là trong dịp Tết Nguyên đán 2009.
Thực hiện chính sách tài chính, tiền tệ linh hoạt, giảm, giãn thuế cho doanh nghiệp. Cụ thể, giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp (TTNDN) phải nộp của quý IV năm 2008 và của năm 2009 đối với thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa; Giãn thời hạn nộp TTNDN trong thời gian 9 tháng đối với TTNDN phải nộp năm 2009 của các doanh nghiệp nhỏ và vừa nói trên (70% số thuế còn lại sau khi giảm) và của các doanh nghiệp có hoạt động sản xuất, gia công, chế biến nông, lâm, thuỷ sản, dệt may, da giày, linh kiện điện tử; Tạm hoàn 90% số thuế giá trị gia tăng đầu vào đối với hàng hóa thực xuất khẩu trong trường hợp doanh nghiệp chưa có chứng từ thanh toán qua ngân hàng và hoàn tiếp 10% khi có chứng từ thanh toán; Giãn thời gian ân hạn nộp thuế đối với một số ngành hàng phù hợp với chu kỳ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm (đóng tàu, sản xuất cơ khí...). Thực hiện tốt chính sách về ân hạn thời hạn nộp thuế nhập khẩu (275 ngày) đối với vật tư, nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất hàng nhập khẩu…


Bảo vệ công trình quan trọng
(SMS: 507331)
- Ngày 11/12/2008, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 126/2008/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia (CTANQG).
Theo đó, hành lang bảo vệ CTANQG là giới hạn phần trên không, phần mặt đất, mặt nước, dưới mặt đất, dưới mặt nước xung quanh, giới hạn được tính bằng đơn vị đo lường là mét tính từ chân công trình…
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm lập hồ sơ và đề nghị đưa công trình thuộc thẩm quyền lý của mình vào và ra khỏi danh mục CTANQG. Hồ sơ đề nghị phải được Hội đồng thẩm định đánh giá và trình Thủ tướng quyết định. Tờ trình Thủ tướng phải nêu rõ: sự cần thiết phải đưa CT vào danh mục CTANQG, mục tiêu, yêu cầu bảo vệ; đề xuất về phạm vi hành lang bảo vệ; quy định về quy mô, hướng mở, chiều cao, độ sâu nền móng đối với các công trình liền kề phía ngoài hành lang bảo vệ (nếu là đưa CT ra khỏi danh mục CTANQG thì phải nêu rõ lý do và sự cần thiết đưa CT ra khỏi danh mục CTANQG)…
Hội đồng thẩm định làm việc theo nguyên tắc tập thể thảo luận, biểu quyết và quyết định theo đa số; trường hợp ý kiến biểu quyết bằng nhau (50/50) thì do Chủ tịch Hội đồng thẩm định quyết định…
Trong phạm vi hành lang bảo vệ CTANQG, cấm những hoạt động sau: Xây dựng nhà ở, công trình kinh tế, dân sinh; Sử dụng lửa, vật liệu nổ, thiết bị, các vật liệu dễ gây cháy, gây nổ, vật thể bay mang lửa; Canh tác nông, lâm, ngư nghiệp trong phạm vi 500 mét tính từ chân CT; Thăm dò, khai thác tài nguyên khoáng sản; Săn bắn, nổ mìn; Neo đậu các phương tiện vận chuyển.
Nghiêm cấm mọi cá nhân không có trách nhiệm vào khu vực hành lang bảo vệ CTANQG trong thời gian có nguy cơ dẫn đến cháy, nổ hoặc đang xảy ra sự cố cháy, nổ hoặc đang khắc phục sự cố cháy, nổ…
Cán bộ, nhân viên của lực lượng bảo vệ CTANQG, cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia bảo vệ CTANQG có thành tích thì được khen thưởng, được hưởng chế độ ưu đãi theo quy định; nếu bị thương, hy sinh trong khi thi hành nhiệm vụ, dũng cảm đấu tranh bảo vệ CTANQG thì được công nhận là thương binh, liệt sỹ…
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục
(SMS: 507330)
- Ngày 11/12/2008, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 125/2008/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 76/2003/NĐ-CP về quy định và hướng dẫn việc áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục.
Theo đó, bổ sung thêm các hành vi vi phạm pháp luật chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự có thể bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục: Đua xe trái phép, tàng trữ, sử dụng vũ khí thô sơ; Đánh bạc, tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc; Tổ chức, môi giới, chứa mại dâm; Tổ chức thực hiện hoặc thực hiện các hành vi mê tín để trục lợi bất chính; Các hành vi khác vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn xã hội.

Quy mô mỗi cơ sở giáo dục quản lý từ 500 đến 3000 trại viên (quy định trước đây tối đa là 2500 trại viên). Cơ sở giáo dục có trên 1.000 trại viên có thể thành lập các phân khu theo quy định của Bộ Công an. Trong cơ sở giáo dục phải bố trí khu vực, buồng riêng (mỗi buồng không quá 15 người) để quản lý đối tượng đang cai nghiện ma tuý, quản lý trại viên nhiều lần vi phạm nội quy, thường xuyên chống đối làm ảnh hưởng tiêu cực đến trại viên khác…

Định mức ăn hàng tháng của trại viên được nâng lên như sau: gạo 17 kg (tăng 02 kg), thịt hoặc cá 1,5 kg (tăng gần gấp đôi), đường 0,5 kg (tăng thêm 0,2kg), muối 01 kg (tăng gấp dôi), nước mắm 01 lít, rau xanh 15 kg, chất đốt 15 kg củi hoặc tương đương. Ngày lễ, ngày Tết dương lịch được ăn thêm không quá 03 lần tiêu chuẩn ngày thường; các ngày Tết Nguyên đán được ăn thêm không quá 05 lần tiêu chuẩn ngày thường. Đối với những người lao động nặng hoặc trong môi trường độc hại, định lượng ăn trong tháng có thể tăng thêm 15% so với tiêu chuẩn, định lượng trên. Các tiêu chuẩn ăn được tính theo giá thị trường của từng địa phương…
Về chế độ sinh hoạt, học tập, mỗi cơ sở giáo dục được thành lập 01 thư viện, khu vui chơi, sân thể thao. Cứ 30 trại viên được phát 01 tờ báo Nhân dân và 01 tờ báo Pháp luật. Mỗi phân khu được trrang bị hệ thống truyền thanh hoặc 01 hệ thống truyền hình cáp nội bộ, mỗi buồng ở tập thể được trang bị 01 vô tuyến 21 inches trở lên.
Trại viên được học văn hoá, học nghề, giáo dục công dân. Mức chi cho hoạt động này được tính tương đương với giá 03 kg gạo tính theo giá thị trường của từng địa phương cho mỗi trại viên…
Trại viên được nhận và gửi thư; được nhận quà, tiền; được liên lạc với thân nhân trong nước bằng điện thoại mỗi tháng từ 01 đến 02 lần, mỗi lần không quá 05 phút (quy định trước đây về Chế độ thăm gặp người thân đối với trại viên chỉ cho phép nhận, gửi thư; nhận tiền, quà).
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Thuế thu nhập doanh nghiệp
(SMS: 507329)
- Ngày 11/12/2008, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 124/2008/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TTNDN).
Theo đó, từ 01/01/2009, thuế suất chung áp dụng cho các doanh nghiệp là 25% thay cho mức cũ 28%.
Các khoản thu nhập chịu thuế gồm thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; chuyển nhượng vốn, bất động sản; cho thuê tài sản; thu nhập từ lãi tiền gửi, lãi cho vay vốn, bán ngoại tệ...
Các khoản thu nhập từ việc thực hiện dịch vụ kỹ thuật trong lĩnh vực chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản, nghiên cứu khoa học; thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh, hàng hoá dịch vụ của doanh nghiệp dành cho những người tàn tật; thu nhập được chia từ hoạt động góp vốn, mua cổ phần, liên doanh, liên kết kinh tế với doanh nghiệp trong nước… được miễn thuế TNDN.
Ngoài ra, áp dụng thuế suất ưu đãi 10% trong thời hạn 15 năm đối với doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn.
Miễn thuế 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo, nếu doanh nghiệp đáp ứng một trong các điều kiện: địa bàn đặc biệt khó khăn, cơ sở thực hiện xã hội hóa tại địa bàn khó khăn. Miễn thuế 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 5 năm tiếp theo đối với doanh nghiệp thành lập mới trong lĩnh vực xã hội hóa thực hiện tại địa bàn bình thường. Miễn thuế 2 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 4 năm tiếp theo đối với doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn…
Hàng năm, tất cả các doanh nghiệp được trích 10% thu nhập trước khi tính thuế để lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ.
Về điều kiện ưu đãi, Nghị định bổ sung thu nhập từ các mặt hàng thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt không được áp dụng ưu đãi; thu nhập từ hoạt động trò chơi có thưởng không được hưởng ưu đãi, bao gồm cả hoạt động phục vụ hoạt động trò chơi có thưởng. Trong thời gian được ưu đãi thuế, nếu có một năm doanh nghiệp không đáp ứng được điều kiện ưu đãi thuế TNDN thì không được hưởng ưu đãi thuế; quyền được hưởng ưu đãi thuế không được chuyển sang các năm tiếp theo…


Chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở
(SMS: 507332)
- Theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ban hành ngày 11/12/2008, quy định: đối tượng được hỗ trợ phải đáp ứng 3 điều kiện sau: là hộ thuộc chuẩn nghèo; Chưa có nhà hoặc đã có nhà ở quá tạm bợ, hư hỏng, dột nát, có nguy cơ sập đổ và không có khả năng tự cải thiện nhà ở; không thuộc diện đối tượng được hỗ trợ nhà ở theo quy định tại Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg.
Khi hỗ trợ cần thực hiện theo thứ tự ưu tiên sau: Hộ gia đình (HGĐ) có công với cách mạng; HGĐ là đồng bào dân tộc thiểu số; HGĐ trong vùng thường xuyên xảy ra thiên tai; HGĐ có hoàn cảnh khó khăn (già cả, neo đơn, tần tật…); HGĐ đang sinh sống trong vùng đặc biệt khó khăn; Các HGĐ còn lại.
Nguyên tắc hỗ trợ: hỗ trợ trực tiếp đến HGĐ để xây dựng nhà ở; Căn nhà có diện tích tối thiểu 24m2, tuổi thọ căn nhà từ 10 năm trở lên…
Ngân sách trung ương hỗ trợ mức: 06 triệu đồng/hộ. Hộ dân thuộc vùng khó khăn quy định tại Quyết định số 30/2007/QĐ-TTg là 07 triệu đồng. Các địa phương có trách nhiệm hỗ trợ thêm ngoài ngân sách trung ương hỗ trợ và huy động cộng đồng giúp đỡ các hộ làm nhà ở.
Ngoài ra, hộ dân có nhu cầu, được vay tín dụng để làm nhà ở. Mức vay tối đa 08 triệu đồng/hộ với mức lãi suất vay 3%/năm, thời hạn vay là 10 năm, trong đó thời gian ân hạn là 5 năm, thời gian trả nợ là 5 năm, mức trả nợ mỗi năm tối thiểu là 20% tổng số vốn đã vay…
Dự kiến tổng số hộ được hỗ trợ theo quy định tại Quyết định này là 500.000 hộ, đến cuối năm 2012 hoàn thành chính sách hỗ trợ này…
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Công tác phòng, chống ma tuý trong tình hình mới
(SMS: 507337)
- Ngày 11/12/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 165/2008/QĐ-TTg ban hành Kế hoạc triển khai Chỉ thị số 21-CT/TW về tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma ituý trong tình hình mới.
Kế hoạch đề ra các nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai như sau: Đổi mới nội dung, hình thức và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục PCMT, làm chuyển biến nhận thức của cộng đồng về hiểm hoạ từ MT và sự cần thiết phải tăng cường công tác phòng, chống và kiểm soát ma tuý trong tình hình mới; nâng cao vai trò, trách nhiệm của cơ quan tuyên truyền về PCMT…
Tăng mức đầu tư từ ngân sách nhà nuớc cho công tác PCMT; quan tâm đầu tư cho công tác đấu tranh PCMT tại địa bàn cơ sở và các tuyến, địa bàn trọng điểm, phức tạp về MT đồng thời có kế hoạch tranh thủ và huy động nguồn viện trợ quốc tế, đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân cho công tác PCMT…
Nâng cao hiệu quả việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở các khu vực đã triệt xoá cây có chứa chất MT, đồng thời tổ chức tốt các dịch vụ tiêu thụ, chế biến các sản phẩm nông sản tại các khu vực này…
Các cấp đảng uỷ, chính quyền phải đặt nhiệm vụ PCMT là nhiệm vụ ưu tiên thực hiện trong Chiến lược phát triển KT-XH tại địa phương; xác định rõ nội dung công việc, các giải pháp thực hiện để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát MT; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị tham gia vào công tác này…
Thực hiện nghiêm quy định về xử lý trách nhiệm đối với từng cán bộ, đảng viên và người đứng đầu cấp uỷ đảng, chính quyền nếu để xảy ra tình hình phức tạp kéo dài về tệ nạn MT ở địa phương, đơn vị do mình phụ trách thì phải chịu trách nhiệm và có các hình thức kỷ luật về Đảng và chính quyền.
Ngoài ra, mỗi cán bộ, đảng viên có trách nhiệm trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân, trước hết là người thân trong gia đình thực hiện nghiêm túc pháp luật PCMT, coi đây là một tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ. Đối với cán bộ lãnh đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, nếu để người thân trong gia đình (vợ, chồng, con) nghiện MT hoặc có các hành vi vi phạm pháp luật PCMT phải chịu trách nhiệm liên đới và tuỳ theo mức độ phải xem xét không được đề bạt, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử vào các chức vụ lãnh đạo hoặc xem xét miễn nhiệm, cách chức...

Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ TÀI CHÍNH


Cải cách thủ tục hải quan
(SMS: 531168)
- Ngày 15/12/2008, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ra Chỉ thị số 04/2008/CT-BTC về việc đẩy mạnh cải cách, hiện đại hóa hải quan, phòng chống phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực trong ngành Hải quan nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu.
Bộ trưởng yêu cầu: lãnh đạo các cấp trong ngành Hải quan cần tiếp tục quán triệt nghiêm túc và sâu rộng trong đội ngũ cán bộ, công chức hải quan về mục tiêu, yêu cầu và kế hoạch triển khai các chương trình cải cách, hiện đại hóa Hải quan.
Về cải cách thủ tục hải quan: rà soát, sửa đổi và đơn giản hóa các thủ tục có liên quan đến hoạt động xuất, nhập khẩu trong phạm vi quản lý của Bộ Tài chính. Đồng thời tập trung rà soát, sửa đổi để thống nhất thủ tục hải quan áp dụng cho phương thức thủ công truyền thống và giao dịch điện tử.
Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chống buôn lậu, gian lận thương mại trong các lĩnh vực: Phân tích, phân loại hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, xác định trị giá, chống gian lận về số lượng, chủng loại, ưu đãi đầu tư về thuế, trong quản lý hàng gia công, sản xuất xuất khẩu,… nhằm chống thất thu thuế, tạo điều kiện cho sản xuất trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu. Tổ chức triển khai thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng phân loại hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu không thống nhất, xác định giá, thuế suất, ưu đãi thuế,… không đúng quy định; Cục trưởng, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng này.

Thủ trưởng các cấp trong ngành Hải quan phải đẩy mạnh hơn nữa hoạt động thanh tra, kiểm tra công vụ và hoạt động nghiệp vụ tại các đơn vị hải quan cơ sở, nâng cao chất lượng và hiệu quả của các hoạt động tự kiểm tra, tăng cường kiểm tra đột xuất. Xử lý kiên quyết, kịp thời, nghiêm minh đối với các trường hợp gây phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực trong thi hành công vụ, xử lý nghiêm khắc trách nhiệm người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu để xảy ra sai phạm, tiêu cực trong đơn vị hoặc trong lĩnh vực mình phụ trách.