Số 50.2007 (355) ngày 21/12/2007

 CHÍNH PHỦ


Điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm
(SMS: 502465)
- Ngày 17/12/2007, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 184/2007/NĐ-CP về việc điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng.
Theo đó, kể từ ngày 01/01/2008, tăng thêm 20% mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng hiện hưởng đối với các đối tượng: Cán bộ, công chức, công nhân, viên chức và người lao động; quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu hưởng lương hưu hàng tháng; cán bộ xã, phường, thị trấn đang hưởng lương hưu và trợ cấp hằng tháng; người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hằng tháng; người đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định số 91/2000/QĐ-TTg; người đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và trợ cấp hằng tháng; công nhân cao su đang hưởng trợ cấp hằng tháng và cán bộ xã, phường, thị trấn đã nghỉ việc hưởng trợ cấp hằng tháng…


Kiểm kê quỹ đất công
(SMS: 502463)
- Ngày 14/12/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 31/2007/CT-TTg về việc kiểm kê quỹ đất đang quản lý, sử dụng của các tổ chức được Nhà nước giao đất, cho thuê đất.
Thủ tướng yêu cầu: kiểm kê các loại đất do các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức chính trị xã hội-nghề nghiệp, tổ chức sự nghiệp công, tổ chức kinh tế đang quản lý, sử dụng mà được Nhà nước giao hoặc cho thuê. Việc kiểm kê quỹ đất được tiến hành trên phạm vi cả nước theo từng tổ chức có quản lý, sử dụng đất trong đơn vị hành chính; trong đó xã, phường, thị trấn là đơn vị cơ bản để tiến hành kiểm kê. Kết quả kiểm kê cấp xã là cơ sở để tổng hợp số liệu kiểm kê cấp huyện, tỉnh, cả nước…
Trong số liệu kiểm kê về diện tích, phải ghi rõ diện tích được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, diện tích đất đang sử dụng phù hợp hoặc không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt; diện tích đất lấn, chiếm, bị lấn, bị chiếm, đất chuyển nhượng, cho thuê trái phép; diện tích đất đã đưa vào sử dụng nhưng còn để hoang hóa; diện tích đất sử dụng ít hiệu quả; diện tích đất chưa sử dụng; đất sử dụng sai mục đích.
Ngoài ra, trong Báo cáo tình hình sử dụng đất, thuyết minh kết quả kiểm kê quỹ đất gồm đánh giá hiện trạng sử dụng đất; đánh giá tình hình biến động và phân tích nguyên nhân biến động về sử dụng đất từ khi có quyết định giao đất hoặc công nhận quyền sử dụng đất đến thời điểm kiểm kê; thuyết minh tình hình tranh chấp; tình hình bị lấn, chiếm; tình hình lấn, chiếm đất; tình hình sử dụng đất và việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tổ chức đang quản lý, sử dụng đất…
Thời điểm kiểm kê được thống nhất từ ngày 01/4/2008. Việc kiểm kê, báo cáo tình hình sử dụng đất với các xã, phường, thị trấn được yêu cầu hoàn thành trước ngày 31/8/2008; thời hạn hoàn thành với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trước ngày 31/10/2008 và thời hạn hoàn thành trên phạm vi cả nước trước ngày 30/11/2008.


Quản lý xuất cảnh, nhập cảnh
(SMS: 502405)
- Ngày 11/12/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 29/2007/CT-TTg về việc thực hiện cải cách hành chính trong công tác quản lý xuất cảnh, nhập cảnh của cán bộ, công chức, công dân.
Theo đó, kể từ ngày 11/12/2007, cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ, công nhân viên trong các đơn vị Quân đội nhân dân và Công an nhân dân nộp hồ sơ đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông như mọi công dân, không phải nộp thêm giấy tờ khác…
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm quản lý cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền theo quy định hiện hành. Nếu thấy cần thiết có thể ban hành quy định nội bộ về việc sử dụng hộ chiếu phổ thông của cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý của mình để đi nước ngoài, nhằm bảo vệ bí mật nhà nước, bảo vệ nội bộ...
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cần đàm phán với cơ quan có trách nhiệm nước ngoài để người lao động Việt Nam ở nước ngoài được giữ hộ chiếu cá nhân, không để chủ lao động nước ngoài quản lý hộ chiếu của người lao động Việt Nam như ở một số nước hiện nay…


Xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị
(SMS: 502452)
- Ngày 07/12/2007, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 180/2007/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xây dựng về xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị.
Theo đó, công trình xây dựng vi phạm trật tự xây dựng đô thị phải bị phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời, triệt để, bao gồm: phải có Giấy phép xây dựng mà không có; sai nội dung Giấy phép xây dựng được cơ quan có thẩm quyền cấp; sai thiết kế được cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt; sai quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt (đối với công trình xây dựng được miễn Giấy phép xây dựng); có tác động đến chất lượng công trình lân cận, ảnh hưởng đến môi trường, cộng đồng dân cư…
Tuỳ theo mức độ vi phạm, hành vi vi phạm trật tự xây dựng đô thị phải bị xử lý theo một hoặc các hình thức sau: ngừng thi công xây dựng công trình; đình chỉ thi công xây dựng công trình, áp dụng các biện pháp ngừng cung cấp điện, nước; cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm; buộc bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm gây ra; xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, trường hợp vi phạm nghiêm trọng có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật hình sự…
Trường hợp gây lún, nứt, thấm, dột hoặc có nguy cơ làm sụp đổ các công trình lân cận thì phải ngừng thi công để thực hiện bồi thường thiệt hại. Nếu chủ đầu tư, nhà thầu thi công không thực hiện thì bị đình chỉ thi công xây dựng, buộc phá dỡ công trình vi phạm, áp dụng các biện pháp ngừng cung cấp điện, nước và các dịch vụ khác... cho đến khi chủ đầu tư, nhà thầu thi công xây dựng hoàn thành việc khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại…

Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 LIÊN BỘ: NỘI VỤ - TÀI CHÍNH


Hướng dẫn thực hiện mức lương tối thiểu chung
(SMS: 502453)
- Ngày 10/12/2007, Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư liên tịch số 05/2007/TTLT-BNV-BTC hướng dẫn thực hiện mức lương tối thiểu chung từ ngày 01/01/2008 đối với cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp.
Theo đó, công thức tính mức lương được hướng dẫn thực hiện như sau: Mức lương thực hiện từ 01/01/2008 bằng (=) Mức lương tối thiểu chung 540.000 đồng/tháng nhân với (x) Hệ số lương hiện hưởng.
Công thức tính mức phụ cấp: Đối với các khoản phụ cấp tính theo mức lương tối thiểu chung: Mức phụ cấp thực hiện từ 01/01/2008 = Mức lương tối thiểu chung 540.000 đồng/tháng x Hệ số phụ cấp hiện hưởng.
Đối với các khoản phụ cấp tính theo % mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có): Mức phụ cấp thực hiện từ 01/01/2008 = Mức lương thực hiện từ 01/01/2008 + Mức phụ cấp chức vụ lãnh đạo thực hiện từ 01/01/2008 (nếu có) + Mức phụ cấp thâm niên vượt khung thực hiện từ 01/01/2008 (nếu có) x Tỷ lệ % phụ cấp được hưởng theo quy định.

Thông tư liên tịch này có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2008.
 

 LIÊN BỘ: Y TẾ - TÀI CHÍNH


Hướng dẫn thực hiện bảo hiểm y tế tự nguyện
(SMS: 502414)
- Ngày 10/12/2007, Bộ Y tế và Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư liên tịch số 14/2007/TTLT-BYT-BTC hướng dẫn sửa đổi bổ sung một số điểm của Thông tư liên tịch số 06/2007/TTLT-BYT-BTC hướng dẫn thực hiện bảo hiểm y tế (BHYT) tự nguyện.
Theo đó, bãi bỏ điều kiện 100% thành viên hộ gia đình, 10% số hộ gia đình trong phạm vi địa bàn xã, phường, thị trấn và 10% số học sinh, sinh viên trong danh sách học sinh, sinh viên của nhà trường tham gia…
Ngoài ra, mức đóng bảo hiểm đối với cá nhân tham gia BHYT tự nguyện tại khu vực thành thị là 320.000 đồng/người/năm; khu vực nông thôn là 240.000 đồng; mức đóng đối với học sinh sinh viên khu vực thành thị là 120.000 đồng, khu vực nông thôn là 100.000 đồng.

Thông tư liên tịch này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 LIÊN BỘ: XÂY DỰNG - THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG


Lắp đặt các thiết bị viễn thông
(SMS: 502404)
- Ngày 10/12/2007, Bộ Xây dựng và Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư liên tịch số 12/2007/TTLT-BXD-BTTTT hướng dẫn về cấp giấy phép xây dựng đối với các công trình trạm thu, phát sóng thông tin di động ở các đô thị (BTS).
Theo đó, việc xây dựng, lắp đặt các BTS trong mọi trường hợp phải bảo đảm an toàn cho chính công trình đó và các công trình lân cận; không gây ảnh hưởng tới môi trường, sức khỏe cho cộng đồng; đảm bảo tuân thủ quy hoạch xây dựng, kiến trúc, cảnh quan đô thị…
Khi xây dựng, lắp đặt các trạm BTS phải có giấy phép xây dựng, chủ đầu tư phải xin giấy phép xây dựng theo các quy định hiện hành.
Khu vực phải xin giấy phép xây dựng bao gồm: sân bay, an ninh quốc phòng; trung tâm văn hoá, chính trị cần phải quản lý về kiến trúc, cảnh quan đô thị và các khu vực khác cần phải quản lý về kiến trúc, cảnh quan đô thị. Tuỳ theo tình hình cụ thể của từng địa phương mà UBND tỉnh quy định và công bố công khai phạm vi khu vực phải xin giấy phép xây dựng.
Các trạm BTS loại 2 (cột ăng ten thu, phát sóng thông tin di động và thiết bị phụ trợ được lắp đặt trên các công trình đã được xây dựng) được lắp đặt ở ngoài phạm vi khu vực phải xin phép xây dựng thì được miễn giấy phép xây dựng. Tuy nhiên, trước khi thiết kế phải khảo sát, kiểm tra bộ phận chịu lực của công trình để xác định vị trí lắp đặt cột ăng ten và thiết bị phụ trợ. Việc thiết kế kết cấu và thiết kế thi công cột ăng ten phải căn cứ vào điều kiện cụ thể của công trình, điều kiện tự nhiên, khí hậu của khu vực lắp đặt để đảm bảo khả năng chịu lực, an toàn và ổn định công trình và cột ăng ten sau khi lắp đặt…

Thông tư liên tịch này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 LIÊN TỊCH: NGÂN HÀNG - CÔNG AN - TƯ PHÁP


Thu hồi và xử lý tài sản cho thuê
(SMS: 502415)
- Ngày 10/12/2007, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an và Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 08/2007/TTLT-NHNN-BCA-BTP hướng dẫn thu hồi và xử lý tài sản cho thuê tài chính của công ty cho thuê tài chính (CTTC).
Theo đó, việc xử lý tài sản cho thuê được thực hiện theo thỏa thuận giữa các bên. Công ty CTTC có quyền thu hồi ngay tài sản cho thuê khi bên thuê không thanh toán được số tiền thuê còn lại, sau khi công ty đã có thông báo tuyên bố chấm dứt hợp đồng cho thuê trước thời hạn do bên thuê không trả tiền thuê theo thỏa thuận, vi phạm các điều khoản của hợp đồng CTTC, bị giải thể hay phá sản, người bảo lãnh bị giải thể hay phá sản...
Bên cho thuê có quyền thu hồi ngay tài sản cho thuê khi có đủ các điều kiện nêu trên mà không cần chờ có phán quyết của Tòa án và yêu cầu bên thuê phải thanh toán ngay toàn bộ tiền thuê chưa trả theo hợp đồng…
Sau khi thu hồi tài sản cho thuê, trong thời gian tối đa 60 ngày, công ty CTTC phải xử lý xong tài sản theo thỏa thuận bằng văn bản giữa các  bên. Nếu không có thỏa thuận hoặc không xử lý được tài sản theo thỏa thuận thì công ty được xử lý tài sản theo một trong các hình thức, như bán tài sản cho thuê, cho bên thuê khác thuê tiếp, công ty trực tiếp sử dụng, tái xuất tài sản cho thuê và các hình thức khác không trái quy định của pháp luật.
Ngoài ra, nếu số tiền thu được từ việc xử lý tài sản cho thuê được dùng để thanh toán khoản tiền còn thiếu của bên thuê mà không đủ thanh toán, bên thuê, bên bảo lãnh (nếu có) có trách nhiệm thanh toán số tiền còn thiếu đó cho công ty CTTC. Nếu số tiền thu vượt quá số tiền thuê phải trả theo hợp đồng và các chi phí hợp lý phát sinh thì công ty CTTC phải hoàn trả cho bên thuê số tiền vượt…

Thông tư liên tịch này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.