Số 50.2006 (304) ngày 22/12/2006

 CHÍNH PHỦ


Xây dựng bảo tàng lịch sử
(SMS: 202218)
- Ngày 19/12/2006, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 281/2006/QĐ-TTg phê duyệt Đề án xây dựng Bảo tàng Lịch sử quốc gia.
Theo đó, Bảo tàng Lịch sử quốc gia được xây dựng trên diện tích khoảng 10 ha tại phía Đông Nam Khu công viên Hữu nghị, thuộc Khu đô thị mới Tây Hồ Tây, xã Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm (Hà Nội).
Bảo tàng Lịch sử quốc gia xây dựng nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu khoa học, học tập, phổ biến tri thức về lịch sử, di sản văn hóa, bảo tàng học và hưởng thụ văn hóa của công chúng trong nước và bạn bè quốc tế, góp phần phát triển kinh tế - xã hội; văn hóa và bảo tàng, góp phần đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có trình độ cao về chuyên ngành, đáp ứng nhu cầu phát triển sự nghiệp Bảo tàng Việt Nam...
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Pháp lệnh Cựu chiến binh
(SMS: 202210)
- Theo nghị định số 150/2006/NĐ-CP ban hành ngày 12/12/2006, Chính phủ quy định: Cựu chiến binh được ưu tiên tạo việc làm, giao đất, giao rừng, giao mặt nước để sản xuất, kinh doanh và tham gia các dự án phát triển kinh tế - xã hội; Cựu chiến binh đã tham gia kháng chiến từ ngày 30/4/1975 trở về trước không thuộc diện bảo hiểm y tế bắt buộc, được Nhà nước cấp thẻ bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh...
Kinh phí hoạt động của Hội cựu chiến binh trong các doanh nghiệp Nhà nước do doanh nghiệp Nhà nước đảm bảo và được hạch toán vào chi phí của doanh nghiệp...
Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh chuyên trách ở cơ quan, tổ chức, đơn vị, hàng tháng ngoài tiền lương hiện hưởng, được hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo như người giữ chức vụ lãnh đạo cùng cấp của các đoàn thể chính trị - xã hội khác; Cựu chiến binh được bầu cử, bổ nhiệm từ Trung ương đến cấp huyện được hưởng lương và phụ cấp chức vụ lãnh đạo...
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Quy định về dạy nghề
(SMS: 202225)
- Ngày 20/11/2006, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 139/2006/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục và Bộ luật Lao động về dạy nghề.
Theo đó, các trình độ dạy nghề bao gồm: sơ cấp nghề, trung cấp nghề và cao đẳng nghề. Chương trình dạy nghề trình độ sơ cấp được thực hiện dưới một năm đối với người có nhu cầu học nghề, có trình độ học vấn, sức khoẻ phù hợp với nghề cần học. Chương trình dạy nghề trình độ trung cấp được thực hiện ba năm đối với người có bằng tốt nghiệp THCS, từ một đến hai năm đối với người có bằng tốt nghiệp THPT. Chương trình dạy nghề trình độ cao đẳng được thực hiện từ hai đến ba năm đối với người có bằng tốt nghiệp THPT; từ một năm rưỡi đến hai năm đối với người có bằng tốt nghiệp trung cấp...

Các đối tượng được hỗ trợ học nghề gồm: người dân tộc thiểu số; bộ đội, công an phục viên xuất ngũ; người học những nghề khó tuyển sinh; người tàn tật, khuyết tật; lao động nông thôn vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp, người mất việc làm; người bị xử phạt vi phạm hành chính bằng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh, vào trường giáo dưỡng...
Cơ sở dạy nghề đơn phương chấm dứt hợp đồng học nghề thì phải báo cho người học nghề biết trước ít nhất ba ngày làm việc và phải trả lại toàn bộ học phí đã thu, trừ trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng học nghề do những sự kiện bất khả kháng...
Trong thời gian thực hiện hợp đồng mà người học nghề có thai, nếu có giấy chứng nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền về việc thực hiện hợp đồng học nghề sẽ ảnh hưởng xấu đến thai nhi thì người học nghề được chấm dứt hợp đồng học nghề và được trả lại phần học phí đã đóng của thời gian học còn lại và được bảo lưu kết quả học tập...
Trường hợp doanh nghiệp tuyển người vào học nghề để sau đó làm việc tại doanh nghiệp, nếu người học nghề không làm việc theo cam kết thì phải bồi thường chi phí dạy nghề. Mức bồi thường do hai bên thoả thuận, xác định trong hợp đồng học nghề...
Chi phí dạy nghề, bồi dưỡng nghề cho người lao động làm việc tại doanh nghiệp được tính vào giá thành sản xuất, kinh doanh. Các khoản đầu tư, tài trợ và các chi phí hợp lý khác của doanh nghiệp cho dạy nghề được trừ khi tính thu nhập chịu thuế...

Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ TÀI CHÍNH


Phí hải quan
(SMS: 202220)
- Ngày 18/12/2006, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 73/2006/QĐ-BTC về việc quy định chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí trong lĩnh vực hải quan.
Theo đó, Lệ phí làm thủ tục hải quan áp dụng mức thu 30.000 đồng/tờ khai; Lệ phí hàng hoá, phương tiện vận tải quá cảnh: 300.000 đồng.
Hàng tạm nhập, tái xuất hoặc tạm xuất, tái nhập chỉ thu lệ phí làm thủ tục hải quan một lần khi làm thủ tục nhập khẩu; hàng gửi kho ngoại quan chỉ thu lệ phí làm thủ tục hải quan một lần khi làm thủ tục nhập kho, khi xuất kho không thu...
Không thu phí, lệ phí hải quan đối với: hành lý mang theo người; hàng bưu phẩm, bưu kiện dưới 5 kg và có giá trị dưới 5 triệu đồng...
Cơ quan hải quan được sử dụng toàn bộ tiền thu phí, lệ phí trong lĩnh vực hải quan để trang trải chi phí cho việc thực hiện công việc, dịch vụ thu phí, lệ phí...

Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ THƯƠNG MẠI


Quy định đối với Khu bảo thuế
(SMS: 20555)
- Ngày 15/12/2006, Bộ trưởng Bộ Thương mại đã ban hành Quyết định số 36/2006/QĐ-BTM ban hành Quy chế hoạt động Khu bảo thuế trong Khu công nghệ cao.
Theo đó, Chủ tịch UBND trực thuộc Trung ương nơi có Khu công nghệ cao quyết định thành lập Khu bảo thuế sau khi thỏa thuận với Bộ Thương mại và Bộ Tài chính...
Trong Khu bảo thuế không có dân cư (kể cả người nước ngoài) thường trú hoặc tạm trú trừ trường hợp cán bộ, công nhân viên của doanh nghiệp Khu bảo thuế được tạm trú qua đêm vì phải làm việc tại Khu bảo thuế và phải được Ban quản lý Khu công nghệ cao cho phép. Chỉ những cán bộ, nhân viên của doanh nghiệp Khu bảo thuế và đối tác, khách mời của doanh nghiệp Khu bảo thuế được ra vào Khu bảo thuế...
Quan hệ trao đổi hàng hóa, dịch vụ giữa Khu bảo thuế với các khu chức năng khác trong Khu công nghệ cao và thị trường nội địa là quan hệ xuất khẩu, nhập khẩu...
Các doanh nghiệp Khu bảo thuế được hưởng ưu đãi theo quy định hiện hành áp dụng cho doanh nghiệp Khu công nghệ cao...

Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ BƯU CHÍNH, VIỄN THÔNG


Quy hoạch đánh số điện thoại quốc gia
(SMS: 202221)
- Theo Quy hoạch ban hành kèm theo Quyết định số 52/2006/QĐ-BBCVT của Bộ trưởng Bộ Bưu chính, Viễn thông ban hành ngày 15/12/2006, quy định: độ dài tối đa đựoc phép của số điện thoại là 13 chữ số; Không dùng đầu 0, 1 làm đầu số thuê bao mạng viễn thông công cộng. Không dùng các đầu số thuê bao mạng viễn thông công cộng từ 2 đến 9 làm mã, số dịch vụ...
Việc tăng thêm dung lượng số thuê bao cho một vùng đánh số thuộc mạng viễn thông cố định mặt đất và mạng viễn thông di động mặt đất nội vùng có thể thực hiện bằng hai cách: Thêm một mã vùng mới (chia vùng đánh số hiện tại thành hai vùng đánh số) và giữ nguyên độ dài số thuê bao; hoặc Tăng độ dài số thuê bao bằng cách thêm một chữ số vào trước dãy số thuê bao cũ. Trong trường hợp này phạm vi áp dụng bao gồm dải số của tất cả các doanh nghiệp trong vùng đánh số.
Số dịch vụ gọi tự do được quy hoạch như sau: có độ dài số là 8 đến 10 chữ số, bắt đầu bằng số '1800' + '4-6 số ảo' và có cấu trúc 1800ABCD(E)(F). Trong đó hai chữ số đầu tiên AB là số nhận dạng nhà khai thác; A, B, C, D, E, F (nếu có) có giá trị từ 0 đến 9; Không dùng mã nhà khai thác hoặc mã vùng trước các số dịch vụ gọi tự do...
Số dịch vụ giá trị gia tăng trên mạng viễn thông công cộng có độ dài số từ 4 đến 6 chữ số...

Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ CÔNG NGHIỆP


Giá bán buôn điện
(SMS: 202211)
- Theo Quyết định số 45/2006/QĐ-BCN về giá bán buôn điện nông thôn và giá bán buôn điện cho khu tập thể, cụm dân cư, ban hành ngày 14/12/2006, Bộ trưởng Bộ công nghiệp quyết định: kể từ ngày 01/01/2007, áp dụng giá bán buôn điện nông thôn: phục vụ sinh hoạt là 390 đ/kWh; cho các mục đích khác: 795 đ/kWh...
Giá bán buôn điện cho khu tập thể, cụm dân cư: phục vụ sinh hoạt: bán qua máy biến áp của khách hàng là 640 đ/kWh, qua máy biến áp của bên bán điện 650 đ/kWh; cho các mục đích khác: 860 đ/kWh...
 

 BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ


Quy định về chứng chỉ tham gia khoá học về đấu thầu
(SMS: 202226)
- Theo Quyết định số 1323/2006/QĐ-BKH của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành ngày 12/12/2006, quy định: kể từ ngày 01/7/2007, các cá nhân khi trực tiếp tham gia các hoạt động đấu thầu phải có chứng chỉ tham gia khoá học về đấu thầu...
Điều kiện cấp chứng chỉ: học viên phải tham gia đầy đủ khoá học, có bài kiểm tra đạt điểm từ mức trung bình trở lên...

Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC


Quy chế tiêu huỷ tiền
(SMS: 202214)
- Ngày 15/12/2006, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định số 57/2006/QĐ-NHNN ban hành Quy chế tiêu huỷ tiền in hỏng, giấy in tiền hỏng tại các Nhà máy in tiền.
Quy chế này quy định: việc tổ chức tiêu huỷ tiền in hỏng, giấy in tiền hỏng được thực hiện theo nguyên tắc sau: phải được kiểm đếm 100% và tiêu huỷ đúng với số lượng thực tế sau khi kiểm đếm. Sau khi tiêu huỷ, tiền in hỏng, giấy in tiền hỏng phải trở thành phế liệu và không thể sử dụng lại được. Đối với tiền in hỏng, giấy in tiền hỏng bằng chất liệu Polymer, sau khi cắt huỷ xong phải thực hiện huỷ toàn bộ qua nhiệt hoặc làm nóng chảy biến dạng hoàn toàn (huỷ hoàn toàn) trước khi bán cho các cơ sở thu mua phế liệu...
Toàn thể cán bộ, nhân viên tham gia công tác tiêu huỷ không được mang túi xách, ví tiền, đồ dùng cá nhân vào kho tiêu huỷ, các phòng kiểm đếm, cắt huỷ, và phải mặc trang phục do Hội đồng tiêu huỷ quy định. Trong giờ nghỉ giải lao, nghỉ trưa, tất cả mọi người phải ra khỏi phòng làm việc, Tổ trưởng phụ trách phòng làm việc phải khoá cửa, Hội đồng giám sát niêm phong cửa. Trường hợp xẩy ra thừa, thiếu trong quá trình tiêu huỷ, người có tên trên niêm phong và cán bộ lãnh đạo có liên quan phải chịu trách nhiệm...

Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.