Số 50.2004 (203) ngày 24/12/2004

 QUỐC HỘI


An ninh Quốc gia
(SMS: 200367 - Không gửi qua fax)
- Luật An ninh Quốc gia số 32/2004/QH11 được Quốc hội thông qua ngày 03/12/2004, gồm 5 chương, 36 điều, có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2005.
Luật quy định: người bị ép buộc, lừa gạt, lôi kéo nhận làm việc cho tổ chức, cá nhân để hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia mà tự thú, thành khẩn khai báo thì được khoan hồng; nếu lập công thì được khen thưởng...
Khi có tình trạng khẩn cấp, tình trạng chiến tranh, việc bảo vệ an ninh quốc gia được thực hiện theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp, tình trạng chiến tranh. Hội đồng quốc phòng và an ninh có trách nhiệm động viên mọi lực lượng và khả năng của đất nước để bảo vệ Tổ quốc; thực hiện những nhiệm vụ và quyền hạn đặc biệt do Quốc hội giao...
Khi có nguy cơ đe doạ an ninh quốc gia nhưng chưa đến mức ban bố tình trạng khẩn cấp, Thủ tướng Chính phủ được quyết định áp dụng một số biện pháp sau đây: Tăng cường bảo vệ các mục tiêu quan trọng; Tổ chức các trạm canh gác để hạn chế hoặc kiểm soát người, phương tiện hoạt động vào những giờ nhất định, tại những khu vực nhất định; Thực hiện kiểm soát đặc biệt tại các cửa khẩu, các chuyến vận chuyển bằng đường hàng không, đường biển, đường thuỷ nội địa, đường sắt và đường bộ...

Cán bộ, chiến sĩ cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia được tuyển chọn, bồi dưỡng, đào tạo, được phong, thăng hàm, cấp lực lượng vũ trang nhân dân và hưởng chế độ, chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật...


Quy định về ban hành văn bản pháp luật
(SMS: 200366 - Không gửi qua fax)
- Ngày 03/12/2004, Quốc hội đã thông qua Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân số 31/2004/QH11, có hiệu lực kể từ ngày 01/4/2005.
Văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) của HĐND được ban hành dưới hình thức nghị quyết, của UBND dưới hình thức quyết định, chỉ thị, phải được đánh số thứ tự cùng với năm ban hành và ký hiệu cho từng loại văn bản; phải được đăng Công báo cấp tỉnh...
VBQPPL của UBND phải phù hợp với Hiến pháp, luật và văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên còn phải phù hợp với nghị quyết của HĐND cùng cấp...

Dự thảo nghị quyết của HĐND do UBND cùng cấp trình phải được cơ quan tư pháp cùng cấp thẩm định trước khi trình UBND.
Chậm nhất là 15 ngày trước ngày UBND họp, cơ quan soạn thảo phải gửi hồ sơ dự thảo nghị quyết đến cơ quan tư pháp để thẩm định... Trong trường hợp lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của nghị quyết thì cơ quan lấy ý kiến có trách nhiệm xác định những vấn đề cần lấy ý kiến, địa chỉ nhận ý kiến và dành ít nhất năm ngày, kể từ ngày tổ chức lấy ý kiến để các đối tượng được lấy ý kiến góp ý vào dự thảo nghị quyết...
VBQPPL của HĐND, UBND cấp tỉnh có hiệu lực sau 10 ngày và phải được đăng trên báo cấp tỉnh chậm nhất là 5 ngày, kể từ ngày ký ban hành, trừ trường hợp văn bản quy định ngày có hiệu lực muộn hơn...


Luật Xuất bản
(SMS: 200365 - Không gửi qua fax)
- Theo Luật Xuất bản số 30/2004/QH11 được Quốc hội thông qua ngày 3/12/2004, Nhà nước bảo đảm quyền phổ biến tác phẩm dưới hình thức xuất bản phẩm thông qua nhà xuất bản và bảo hộ quyền tác giả. Nhà nước không kiểm duyệt tác phẩm trước khi xuất bản...
Điều kiện thành lập nhà xuất bản: có người lãnh đạo nhà xuất bản và đội ngũ biên tập viên đủ tiêu chuẩn; trong các chức danh lãnh đạo nhà xuất bản phải có ít nhất một người hoạt động trong lĩnh vực xuất bản từ ba năm trở lên...
Hằng năm, nhà xuất bản phải đăng ký kế
hoạch xuất bản với Bộ Văn hoá - Thông tin trước khi xuất bản...
Đối với sách dịch, mặt sau của trang tên sách phải ghi đầy đủ tên nguyên bản, tác giả, nhà xuất bản nước ngoài, năm xuất bản; nếu sách dịch từ ngôn ngữ khác với ngôn ngữ nguyên bản phải ghi rõ ngôn ngữ và tên người dịch bản đó...
Văn phòng đại diện của nhà xuất bản nước ngoài tại Việt Nam được giới thiệu về nhà xuất bản, sản phẩm của nhà xuất bản; xúc tiến các giao dịch về bản quyền và xuất bản phẩm theo quy định của pháp luật Việt Nam...
Những xuất bản phẩm lưu hành hợp pháp được đưa lên mạng thông tin máy tính phải do nhà xuất bản thực hiện...

Luật có hiệu lực kể từ ngày
01/7/2005.

Luật Bảo vệ và Phát triển rừng
(SMS: 200364 - Không gửi qua fax)
- Một điểm mới trong Luật số 29/2004/QH11 được Quốc hội thông qua ngày 03/12/2004 là: kể từ ngày 01/4/2005, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài được thuê rừng tự nhiên...
Chính phủ sẽ qui định và xem xét cụ thể từng dự án, về những vấn đề liên quan để cho thuê rừng tự nhiên nhằm vừa phát huy tiềm năng của rừng dựa trên nguyên tắc bảo vệ và phát triển rừng bền vững, vừa bảo đảm quốc phòng, an ninh...
Cộng đồng dân cư thôn có cùng phong tục, tập quán, có truyền thống gắn bó cộng đồng với rừng về sản xuất, đời sống, văn hoá, tín ngưỡng và có khả năng quản lý rừng có thể sẽ được trao quản lý một số rừng phù hợp với đời sống của cộng đồng; khi được nhận rừng, bên cạnh những quyền được hưởng có những nghĩa vụ mà cộng đồng phải thực hiện...
Các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng phải bảo đảm phát triển bền vững về kinh tế, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh; phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, phát triển lâm nghiệp; đúng qui hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng của cả nước và địa phương, tuân theo qui chế quản lý rừng do Thủ tướng Chính phủ qui định...
Nhà nước khuyến khích các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân nhận đất phát triển rừng ở những vùng đất trống, đồi núi trọc, ưu tiên phát triển trồng rừng nguyên liệu phục vụ các ngành kinh tế. Nhà nước có chính sách phát triển thị trường lâm sản và một số hoạt động sản xuất lâm nghiệp và bảo hiểm rừng trồng...


Luật Điện lực
(SMS: 200363 - Không gửi qua fax)
- Luật Điện lực số 28/2004/QH11 được Quốc hội thông quan ngày 03/12/2004, gồm 10 chương, 70 điều, có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2005.
Nhà nước hỗ trợ, khuyến khích tiết kiệm điện bằng các chính sách sau đây:
Khuyến khích sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu, áp dụng ưu đãi về thuế đối với sản phẩm thuộc danh mục sản phẩm tiết kiệm điện và trang thiết bị, vật tư, dây chuyền công nghệ nhập khẩu để sản xuất sản phẩm tiết kiệm điện...
Bên mua điện có quyền yêu cầu bên bán điện xem xét lại số tiền điện phải thanh toán. Khi nhận được yêu cầu của bên mua điện, bên bán điện có trách nhiệm giải quyết trong thời hạn mười lăm ngày. Trường hợp không đồng ý với cách giải quyết của bên bán điện, bên mua điện có thể đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền tổ chức việc hoà giải. Trong trường hợp không đề nghị hoà giải hoặc hoà giải không thành, bên mua điện có quyền khởi kiện tại Toà án theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự. Trong thời gian chờ giải quyết, bên mua điện vẫn phải thanh toán tiền điện và bên bán điện không được ngừng cấp điện...
Trong trường hợp bên mua điện không trả tiền điện và đã được bên bán điện thông báo ba lần thì sau mười lăm ngày, kể từ ngày thông báo lần đầu tiên, bên bán điện có quyền ngừng cấp điện. Bên bán điện phải thông báo thời điểm ngừng cấp điện cho bên mua điện trước 24 giờ và không chịu trách nhiệm về thiệt hại do việc ngừng cấp điện gây ra...
Khách hàng sử dụng điện ở khu vực biên giới được mua điện trực tiếp với nước ngoài không qua hệ thống điện quốc gia nhưng phải bảo đảm các tiêu chuẩn an toàn điện và các quy định khác của pháp luật có liên quan...


Luật Cạnh tranh
(SMS: 200362 - Không gửi qua fax)
- Luật cạnh tranh số 28/2004/QH11 được Quốc hội thông qua ngày 03/12/2004 quy định: cơ quan quản lý nhà nước không được thực hiện những hành vi sau đây để cản trở cạnh tranh trên thị trường: Buộc doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân phải mua, bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ với doanh nghiệp được cơ quan này chỉ định, trừ hàng hoá, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền nhà nước hoặc trong trường hợp khẩn; Phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp; ép buộc các hiệp hội ngành nghề hoặc các doanh nghiệp liên kết với nhau nhằm loại trừ, hạn chế, cản trở các doanh nghiệp khác cạnh tranh trên thị trường...
Cấm các thoả thuận hạn chế cạnh tranh khi các bên tham gia thoả thuận có thị phần kết hợp trên thị trường liên quan từ 30% trở lên...
Thoả thuận hạn chế cạnh tranh được miễn trừ có thời hạn nếu đáp ứng một trong các điều kiện sau đây nhằm hạ giá thành, có lợi cho người tiêu dùng: thúc đẩy tiến bộ kỹ thuật, công nghệ, nâng cao chất lượng hàng hoá, dịch vụ; Thống nhất các điều kiện kinh doanh, giao hàng, thanh toán nhưng không liên quan đến giá và các yếu tố của giá; Tăng cường sức cạnh tranh của doanh nghiệp nhỏ và vừa và của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế...
Doanh nghiệp được coi là có vị trí thống lĩnh thị trường nếu có thị phần từ 30% trở lên trên thị trường liên quan hoặc có khả năng gây hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể...
Cấm doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường thực hiện các hành vi sau đây: bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ nhằm loại bỏ đối thủ cạnh tranh; áp đặt giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý hoặc ấn định giá bán lại tối thiểu gây thiệt hại cho khách hàng; áp đặt điều kiện thương mại khác nhau trong giao dịch như nhau nhằm tạo bất bình đẳng trong cạnh tranh...
Cấm tập trung kinh tế nếu thị phần kết hợp của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế chiếm trên 50% trên thị trường liên quan...
Cấm doanh nghiệp thực hiện các hoạt động quảng cáo sau đây: so sánh trực tiếp hàng hoá, dịch vụ của mình với hàng hoá, dịch vụ cùng loại của doanh nghiệp khác; Bắt chước một sản phẩm quảng cáo khác để gây nhầm lẫn cho khách hàng; Đưa thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn cho khách hàng...

Luật có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2005.
 

 CHÍNH PHU


Điều chỉnh lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội
(SMS: 200372)
- Theo Nghị đinh số 208/2004/NĐ-CP ban hành ngày 14/12/2004, Chính phủ quy định: các đối tượng như: CB, CC, VC, lực lượng vũ trang, người làm công tác cơ yếu hưởng lương hưu hàng tháng; CC, VC và người lao động hưởng lương hưu hàng tháng nhưng vừa có thời gian hưởng tiền lương theo thang, bảng lương nhà nước quy định vừa không theo thang, bảng lương này; công nhân cao su đang hưởng trợ cấp hàng tháng; một số đối tượng công nhân, viên chức và cán bộ xã, phường, thị trấn hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng đã hưởng lương hưu trước ngày 01/10/2004 sẽ được tăng thêm mức lương hưu, trợ cấp hiện hưởng 10%. Thời gian được tăng là từ 01/10/2004 đến ngày 30/9/2005...
Với người nghỉ hưu từ ngày
01/10/2004 đến ngày 30/9/2005 thì lương hưu được điều chỉnh một lần khi nghỉ hưu với mức tăng tương ứng với thời điểm nghỉ hưu...
Nghỉ hưu tháng 10/2004 sẽ được điều chỉnh tăng thêm 10%, tháng 11/2004 tăng thêm 9,5%, tháng 12 là 9%... đến tháng 7/2005 được điều chỉnh tăng thêm là 5,5%, tháng 8/2005 là 5% và tháng 9/2005 là 4,5%...
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Chế độ lương, thưởng
(SMS: 200368)
- Ngày 14/12/2004, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 207/2004/NĐ-CP quy định chế độ tiền lương, tiền thưởng và chế độ trách nhiệm đối với các thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc Công ty nhà nước.
Theo đó, tiền lương, phụ cấp cho các đối tượng trên được tính căn cứ vào việc thực hiện lợi nhuận và năng suất lao động của công ty theo nguyên tắc: lợi nhuận và năng suất lao động tăng thì tiền lương, phụ cấp tăng...
Quỹ tiền lương dành cho các đối tượng này xác định theo năm, tháng và được tạm ứng tối đa bằng 80% quỹ tiền lương kế hoạch. Phần còn lại sẽ được thanh toán vào cuối năm theo mức độ hoàn thành nhiệm vụ. Quỹ tiền lương này không nằm trong đơn giá tiền lương nhưng được hạch toán vào giá thành hoặc chi phí kinh doanh...
Nếu để công ty lỗ, để mất vốn nhà nước... sẽ không được nâng lương hoặc bị hạ bậc lương...
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Quản lý thu nhập
(SMS: 200369)
- Ngày 14/12/2004, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 206/2004/NĐ-CP về quản lý lao động, tiền lương và thu nhập trong các Công ty Nhà nước, có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Theo đó, Công ty nhà nước được áp dụng hệ số điều chỉnh tăng thêm để làm cơ sở tính đơn giá tiền lương không được vượt quá 2 lần so với mức lương tối thiểu chung. Khi áp dụng hệ số điều chỉnh tăng thêm, Công ty phải đảm bảo đã nộp ngân sách đầy đủ, mức tăng tiền lương bình quân phải thấp hơn mức tăng năng suất lao động bình quân và lợi nhuận kế hoạch không thấp hơn so với lợi nhuận thực hiện của năm trước liền kề...
HĐQT, Tổng giám đốc, Giám đốc sẽ không được nâng lương hoặc phải hạ bậc lương, không được hưởng lương theo hệ số điều chỉnh, không được thưởng khi để công ty lâm vào một trong 5 tình trạng sau (chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự): lỗ, mất vốn Nhà nước; quyết định dự án đầu tư không hiệu quả, không thu hồi được vốn đầu tư, không trả được nợ; không bảo đảm tiền lương và các chế độ khác cho người lao động; để xảy ra sai phạm về quản lý vốn, tài sản, chế độ kế toán, kiểm toán và các chế độ khác do Nhà nước quy định; lỗ 2 năm liên tiếp hoặc không đạt tỉ suất lợi nhuận trên vốn 2 năm liên tiếp hoặc lỗ lãi đan xen nhau nhưng không khắc phục được...


Thang lương, bảng lương và chế độ phụ cấp (SMS: 200371 - Không gửi qua fax) - Theo Nghị định số 205/2004/NĐ-CP ban hành ngày 14/12/2004 quy định hệ thống thang lương, bảng lương và chế độ phụ cấp lương trong các công ty nhà nước, Chính phủ quy định: phụ cấp khu vực áp dụng đối với người của Công ty nhà nước làm ở vùng xa xôi, hẻo lánh, khí hậu xấu có 7 mức: 0,1; 0,2... đến 0,7 và 1,0 so với mức lương tối thiểu chung; Phụ cấp độc hại, nguy hiểm gồm 4 mức từ 0,1 đến 0,4; phụ cấp lưu động gồm 3 mức: 0,2; 0,4 và 0,6 áp dụng với người làm nghề hoặc công việc thường xuyên thay đổi địa điểm làm việc và nơi ở...
Các Công ty nhà nước và các Công ty hạch toán độc lập của Tổng công ty do Nhà nước quyết định đầu tư và thành lập quy định cụ thể về các thang, bảng lương cho công nhân, nhân viên trực tiếp sản xuất, kinh doanh, bảng lương của tổng giám đốc, giám đốc...
Bên cạnh đó, nếu không bảo đảm tiền lương cho người lao động, lãnh đạo sẽ bị hạ lương...
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Mức lương tối thiểu
(SMS: 200370)
- Theo Nghị định số 203/2004NĐ-CP ban hành ngày 14/12/2004. Chính phủ quy định: mức lương tối thiểu chung (MLTTC) được quy định là 290.000đ/tháng - được coi là MLTTC cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường. Mức lương này sẽ được điều chỉnh tuỳ theo mức tăng trưởng kinh tế, chỉ số giá sinh hoạt và cung cầu lao động trong từng thời kỳ...
MLTTC này không chỉ được áp dụng cho các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, lực lượng vũ trang, các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, các công ty hoạt động theo Luật DN và Luật DN nhà nước, các hợp tác xã... mà còn áp dụng để tính trợ cấp thôi việc cho số năm làm việc từ 2004 trở đi đối với lao động dôi dư, người thôi việc do tinh giản biên chế theo một số quy định hiện hành...

Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.