Tăng cường công tác chống buôn lậu, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng (SMS: 507324) - Theo Công điện số 2192/CĐ-TTg ngày 11/12/2008, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: các Bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương, đặc biệt là các tỉnh vùng biên giới, cần nhận thức đầy đủ và thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng đối với công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại, chống sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng; chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát để ngăn chặn việc khai thác trái phép và xuất khẩu lậu các loại khoáng sản, chống nhập lậu các loại vật tư, hàng tiêu dùng... trong hoạt động buôn bán biên mậu, góp phần thực hiện chủ trương đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu, tiêu thụ các loại hàng hóa sản xuất trong nước… Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đặc biệt là các tỉnh biên giới chịu trách nhiệm trước Thủ tướng về tình hình xảy ra buôn lậu tại địa phương mình… Các cơ quan thông tin đại chúng phản ánh kịp thời, trung thực chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng... để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong lĩnh vực này; phản ánh kịp thời tình trạng buôn lậu trên từng địa bàn để các lực lượng chức năng có biện pháp tăng cường phòng, chống.
Sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hoá (SMS: 507303) - Ngày 09/12/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 35/2008/CT-TTg về việc tăng cường thực hiện các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, lưu thông hàng hoá, bình ổn thị trường và phục vụ Tết Nguyên đán Kỷ Sửu 2009. Thủ tướng chỉ thị: các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương triển khai quyết liệt các chủ trương, giải pháp cấp bách của Chính phủ nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh xuất khẩu, bảo đảm an sinh xã hội, duy trì tăng trưởng kinh tế; tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất và buôn bán hàng giả, chống đầu cơ tăng giá quá mức, tránh đột biến giá cả cục bộ đối với những mặt hàng thiết yếu. Đồng thời, tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nhất là tiết kiệm chi tiêu công. Các Bộ, ngành và UBND các tỉnh vừa bị bão, lụt tập trung mọi nguồn lực chỉ đạo và hỗ trợ nhân dân khắc phục nhanh hậu quả bão lũ, làm sạch vệ sinh môi trường, không để phát sinh dịch bệnh, bảo đảm đủ lương thực, thuốc chữa bệnh, giống cây trồng, vật nuôi, nguồn nguyên liệu, vật tư nông nghiệp... nhanh chóng ổn định cuộc sống của nhân dân, tranh thủ sản xuất vụ Đông và vụ Đông Xuân. Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẩn trương triển khai các nhóm giải pháp về chính sách tài chính, tiền tệ hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và phát triển xuất khẩu; tạo điều kiện cho doanh nghiệp được vay vốn sản xuất, hỗ trợ giải quyết các khó khăn trong kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, các Bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các đơn vị sản xuất trực thuộc chủ động nắm bắt nhu cầu thị trường, có kế hoạch sản xuất, dự trữ, kinh doanh đáp ứng đủ yêu cầu của thị trường trong, trước và sau dịp Tết Nguyên đán. Tăng cường công tác quản lý thị trường chống buôn lậu, buôn bán hàng cấm, chống sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng. Theo dõi sát tình hình giá cả, thị trường các mặt hàng thiết yếu như nhiên liệu, lương thực, thực phẩm, rau quả... chủ động xử lý các biến động bất lợi và bảo đảm nguồn cung; kiểm soát việc niêm yết và bán hàng theo giá niêm yết ở các chợ đầu mối, trung tâm thương mại. Bên cạnh đó, tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí, các điểm vui xuân, giao lưu văn hóa văn minh, lành mạnh, giầu bản sắc dân tộc; các hội chợ, triển lãm thương mại để kích cầu tiêu dùng và phục vụ nhu cầu mua sắm, vui xuân của nhân dân và khách du lịch…
Hướng dẫn thi hành Luật Thuế giá trị gia tăng (SMS: 507305) - Ngày 08/12/2008, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 123/2008/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT). Theo đó, tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh tại Việt Nam mua dịch vụ (kể cả mua dịch vụ gắn với hàng hóa) của tổ chức nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, cá nhân ở nước ngoài là đối tượng không cư trú tại Việt Nam thì tổ chức, cá nhân mua dịch vụ là người nộp thuế. Về thời điểm xác định thuế GTGT: đối với hàng hóa, thời điểm xác định thuế GTGT là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua; đối với dịch vụ là thời điểm hoàn thành việc cung ứng dịch vụ hoặc thời điểm lập hóa đơn cung ứng dịch vụ, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền. Hàng hóa, dịch vụ (HHDV) sử dụng cho sản xuất, kinh doanh HHDV chịu thuế GTGT được khấu trừ toàn bộ; nếu sử dụng cho sản xuất, kinh doanh HHDV không chịu thuế GTGT thì không được khấu trừ. Trường hợp HHDV sử dụng đồng thời cho sản xuất, kinh doanh HHDV chịu thuế và không chịu thuế thì chỉ được khấu trừ số thuế GTGT đầu vào của HHDV sử dụng cho sản xuất, kinh doanh HHDV chịu thuế. Cơ sở kinh doanh phải hạch toán riêng thuế GTGT đầu vào được khấu trừ và không được khấu trừ, nếu không hạch toán riêng được thì thuế đầu vào được khấu trừ tính theo tỷ lệ % giữa doanh số chịu thuế so với tổng doanh số HHDV bán ra… Về hoàn thuế GTGT, cơ sở kinh doanh nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thuế được hoàn thuế GTGT nếu trong 3 tháng liên tục trở lên có số thuế giá trị gia tăng đầu vào chưa được khấu trừ hết. Đối với dự án sử dụng vốn ODA không hoàn lại, chủ dự án hoặc nhà thầu chính thức, tổ chức do phía nhà tài trợ nước ngoài chỉ định việc quản lý dự án được hoàn lại số thuế GTGT đã trả đối với HHDV mua ở Việt Nam để sử dụng cho dự án… Ngoài ra, Nghị định cũng hướng dẫn cụ thể về đối tượng không chịu thuế như: đối với kinh doanh chứng khoán bao gồm các hoạt động môi giới, tự doanh, bảo lãnh phát hành chứng khoán, tư vấn đầu tư, lưu ký chứng khoán, quản lý quỹ đầu tư, quản lý danh mục đầu tư chứng khoán; Bảo hiểm nhân thọ bao gồm cả bảo hiểm sức khoẻ, bảo hiểm tai nạn con người trong gói bảo hiểm nhân thọ… Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2009.
Phụ cấp khu vực (SMS: 507232) - Ngày 04/12/2008, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 122/2008/NĐ-CP về phụ cấp khu vực đối với người hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội một lần, trợ cấp mất sức lao động và trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng. Theo đó, người lao động nghỉ việc đủ điều kiện hưởng lương hưu hoặc hưởng bảo hiểm xã hội một lần kể từ ngày 01/01/2007 trở đi, mà trước đó đã có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bao gồm phụ cấp khu vực, thì ngoài hưởng lương hưu hoặc bảo hiểm xã hội một lần theo quy định còn được hưởng trợ cấp một lần tương ứng với thời gian và số tiền phụ cấp khu vực đã đóng bảo hiểm xã hội; người đang hưởng lương hưu, trợ cấp... trước ngày 01/01/2007, cư trú tại nơi có phụ cấp khu vực được hưởng phụ cấp khu vực theo mức hiện hưởng (không điều chỉnh theo mức lương tối thiểu chung) cho đến khi có quy định mới của Chính phủ. Nhà nước sẽ trợ cấp một lần: đối với thời gian công tác ở nơi có phụ cấp khu vực trước ngày 01/01/1995 do ngân sách Nhà nước bảo đảm; đối với thời gian công tác từ ngày 01/01/1995 trở đi có đóng bảo hiểm xã hội bao gồm cả phụ cấp khu vực do Quỹ bảo hiểm xã hội bảo đảm. Người đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng do ngân sách Nhà nước chi trả, phụ cấp khu vực được ngân sách Nhà nước bảo đảm. Nếu trong trường hợp do Quỹ bảo hiểm xã hội chi trả thì phụ cấp khu vực cũng do Quỹ bảo hiểm xã hội bảo đảm. Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
|
Quy tắc nghề nghiệp trợ giúp pháp lý (SMS: 507321) - Ngày 08/12/2008, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 09/2008/QĐ-BTP, quy định các chuẩn mực về hành vi, ứng xử, cách thức tổ chức công việc, các yêu cầu nghiệp vụ và trách nhiệm cụ thể của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý khi thực hiện hoạt động trợ giúp pháp lý, gồm 12 quy tắc sau: Giữ gìn và không ngừng nâng cao uy tín nghề nghiệp; Trung thực, khách quan; Tuân thủ và tôn trọng pháp luật; Bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý; Tác phong, thái độ và hành vi ứng xử đúng mực; Không phân biệt đối xử; Tôn trọng, hợp tác và giúp đỡ đồng nghiệp; Tôn trọng, phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trong việc làm rõ sự thật khách quan của vụ án; Cộng tác, phối hợp chặt chẽ với cơ quan thông tin đại chúng; Cộng tác, hỗ trợ chính quyền cơ sở; Phối hợp, cộng tác với các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý không được: Móc nối, lôi kéo, xúi giục những người ở các cơ quan, tổ chức có liên quan làm trái quy định của pháp luật có liên quan đến vụ việc trợ giúp pháp lý; Cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ mà biết rõ là không xác thực làm ảnh hưởng đến thời gian, chất lượng giải quyết vụ việc trợ giúp pháp lý; Có hành vi trái pháp luật làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan hoặc kéo dài thời gian, gây cản trở cho việc giải quyết vụ việc; Thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý cho hai người được trợ giúp pháp lý trở lên có quyền lợi đối lập nhau trong cùng một vụ việc; Tránh né việc khó, đùn đẩy công việc thuộc trách nhiệm giải quyết của mình cho đồng nghiệp gây ảnh hưởng đến chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý… Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
|
Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (SMS: 507295) - Để phấn đấu cơ bản hoàn thành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) lần đầu (đạt trên 90% diện tích cần cấp giấy) đối với tất cả các loại đất vào năm 2010, Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu: UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện việc chỉ đạo rà soát, đánh giá đầy đủ tình hình thực hiện ở địa phương để xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể, trong đó xác định rõ khối lượng và mục tiêu hoàn thành việc đo đạc lập bản đồ địa chính, cấp GCNQSDĐ, lập hồ sơ địa chính trong từng tháng, quý và hàng năm đối với từng địa bàn cụ thể. Chỉ đạo thành lập Văn phòng đăng ký quyền SDĐ cho tất cả các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh xong trước Quý II/2009. Những địa phương đã thành lập xong Văn phòng đăng ký quyền SDĐ cần được rà soát, kiện toàn bộ máy, bố trí đủ nhân lực và các trang thiết bị kỹ thuật cần thiết (gồm máy vi tính, máy in laze A3, máy photocopy, máy đo đạc) nhằm thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật đất đai… Đặc biệt chú trọng việc cải cách thủ tục hành chính theo hướng “một cửa” đối với việc cấp GCNQSDĐ, không được yêu cầu người SDĐ nộp thêm các loại giấy tờ của hồ sơ xin cấp GCN ngoài quy định, đảm bảo thời gian giải quyết thủ tục cấp GCN tối đa không quá thời hạn quy định… Đối với các tổ chức đang SDĐ, cần kế thừa kết quả kiểm kê quỹ đất để thực hiện ngay việc cấp GCN nhằm hoàn thành trước Quý III/2009. Các trường hợp đang có tranh chấp, bị lấn chiếm, chuyển mục đích SDĐ trái phép thì chỉ đạo thanh tra, kiểm tra và lập phương án xử lý dứt điểm trong năm 2009… Đối với các địa phương có các nông trường, lâm trường đang SDĐ chưa được cấp GCN, cần chỉ đạo hoàn thành dứt điểm việc rà soát, sắp xếp, đổi mới các nông, lâm trường quốc doanh ở địa phương… Phần diện tích dôi, dư sau khi sắp xếp lại cần được bàn giao ngay cho UBND huyện, xã nơi có đất để quản lý và thực hiện giao đất, cho thuê đất và cấp GCNQSDĐ cho hộ gia đình, cá nhân trong năm 2010 theo quy định của pháp luật đất đai… (Theo Chỉ thị số 02/2008/CT-BTNMT ngày 04/12/2008 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp để hoàn thành cấp GCNQSDĐ, lập hồ sơ địa chính theo Nghị quyết số 07/2007/NQ-QH12).
|