Số 49.2007 (354) ngày 14/12/2007

 QUỐC HỘI


Phòng chống bạo lực gia đình
(SMS: 502354)
- Ngày 21/11/2007, Quốc hội đã thông qua Luật phòng chống bạo lực gia đình số 02/2007/QH11.
Theo đó, bạo lực gia đình không chỉ là hành hạ, đánh đập mà còn cả việc gây áp lực tinh thần, làm tổn thương tâm lý cho người khác. Hành vi này bao gồm: lăng mạ, cố ý xúc phạm danh dự nhân phẩm; cưỡng ép quan hệ tình dục hay cố tình cô lập, xua đuổi; ngăn cản không cho thực hiện các quyền trong quan hệ với những người thân trong gia đình...
Việc cưỡng ép kết hôn, ly hôn; hay kiểm soát thu nhập các thành viên trong gia đình nhằm tạo nhằm tạo ra tình trạng phụ thuộc về tài chính cũng bị luật nghiêm cấm…
Phạm vi điều chỉnh của luật này mở rộng ra cả những đôi nam nữ không đăng ký kết hôn nhưng chung sống với nhau như vợ chồng…
Nạn nhân bị bạo lực gia đình có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền can thiệp để bảo vệ quyền lợi cho mình. Họ sau đó còn được bố trí nơi tạm lánh, và địa điểm này được giữ bí mật. Thậm chí, tòa án có quyền ra quyết định cấm người có hành vi bạo lực không được tiếp xúc với nạn nhân khi thấy việc này là cần thiết hoặc nạn nhân có đơn yêu cầu…
Cấm người có hành vi bạo lực gia đình đến gần nạn nhân; sử dụng điện thoại hoặc các phương tiện thông tin khác để có hành vi bạo lực với nạn nhân (được gọi là biện pháp cấm tiếp xúc)…
Luật có có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2008.


Phòng, chống dịch, bệnh truyền nhiễm
(SMS: 502355)
- Ngày 21/11/2007, Quốc hội đã thông qua Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm số 03/2007/QH11.
Theo đó, khi dịch lây lan nhanh trên diện rộng, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe con người và kinh tế-xã hội thì phải ban bố tình trạng khẩn cấp.
Các bệnh truyền nhiễm được quy định theo ba nhóm A, B, C gồm các bệnh đặc biệt nguy hiểm, các bệnh nguy hiểm có nguy cơ lây lan nhanh và những bệnh truyền nhiễm ít nguy hiểm, khả năng lây truyền không nhanh. Tuỳ theo việc bệnh thuộc các nhóm A, B, C, chức năng công bố dịch sẽ do Thủ tướng, Bộ trưởng Y tế hoặc Chủ tịch UBND tỉnh đảm nhiệm…
Luật cấm các
hành vi: che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật; Cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm; Phân biệt đối xử và đưa hình ảnh, thông tin tiêu cực về người mắc bệnh truyền nhiễm...
Ngoài ra, người tiêu dùng có quyền được cung cấp thông tin về vệ sinh an toàn thực phẩm; có trách nhiệm thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm, thực hiện đầy đủ các hướng dẫn về vệ sinh an toàn thực phẩm, khai báo ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua đường thực phẩm...
Dự án đầu tư xây dựng khu công nghiệp, khu đô thị, khu dân cư tập trung, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh truyền nhiễm chỉ được xây dựng sau khi có thẩm định của cơ quan y tế có thẩm quyền về báo cáo đánh giá tác động sức khoẻ...
Người tử vong phải được tổ chức mai táng chậm nhất là 48 giờ sau khi chết, trừ trường hợp thi thể được bảo quản theo quy định; đối với người mắc bệnh truyền nhiễm hoặc bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A tử vong thì thi thể phải được diệt khuẩn và tổ chức mai táng trong thời hạn 24 giờ...
Báo cáo giám sát bệnh truyền nhiễm phải được thực hiện bằng văn bản, trong trường hợp khẩn cấp, có thể thực hiện việc báo cáo thông qua fax, thư điện tử, điện tín, điện thoại hoặc báo cáo trực tiếp và trong thời hạn 24 giờ phải gửi báo cáo bằng văn bản...

Luật có có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2008.


Thuế thu nhập cá nhân
(SMS: 502356)
- Theo Luật thuế thu nhập cá nhân số 04/2007/QH12 được Quốc hội thông qua ngày 21/11/2007 quy định các khoản thu nhập nằm trong diện chịu thuế gồm: thu nhập từ kinh doanh (hàng hóa dịch vụ, cho thuê tài sản, hành nghề độc lập...); thu nhập từ tiền lương, tiền công, thù lao; thu nhập từ đầu tư vốn, thu nhập từ chuyển nhượng vốn (chuyển nhượng chứng khoán, phần vốn và các hình thức khác); thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản (quyền sử dụng đất, tài sản, chuyển nhượng quyền thuê mặt bằng, mặt nước...
Ngoài ra, các khoản thu nhập vượt 10 triệu đồng một lần phát sinh từ trúng thưởng xổ số, trúng thưởng trong các hình thức khuyến mại, trò chơi có thưởng, thu nhập từ tiền bản quyền, từ thừa kế, quà tặng... cũng nằm trong diện chịu thuế thu nhập.
Mức thuế khởi điểm bắt đầu phải chịu thuế thu nhập cá nhân là 4 triệu đồng/tháng, giảm trừ thêm cho mỗi người phụ thuộc 1,6 triệu đồng/tháng. Việc xác định mức giảm trừ gia cảnh đối với người phụ thuộc thực hiện theo nguyên tắc mỗi người phụ thuộc chỉ được tính giảm trừ một lần vào một đối tượng nộp thuế.
Thu nhập tính thuế đối với thu nhập từ kinh doanh, tiền lương, tiền công là tổng thu nhập chịu thuế từ kinh doanh, từ tiền lương, tiền công, trừ các khoản đóng góp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với một số ngành nghề phải tham gia bảo hiểm bắt buộc, các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo và khoản giảm trừ gia cảnh...
Luật còn quy định biểu thuế lũy tiến từng phần với 7 bậc thuế tương ứng với 7 khoảng thu nhập tính thuế hàng tháng, trong đó mức thuế suất cao nhất 35% áp dụng với phần thu nhập tính thuế là 80 triệu đồng/tháng. Thuế suất đối với thu nhập của cá nhân từ chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng chứng khoán là 20%...
Thu nhập chịu thuế từ chuyển nhượng bất động sản được xác định bằng giá chuyển nhượng bất động sản theo từng lần chuyển nhượng trừ giá mua bất động sản và các chi phí liên quan, cụ thể: giá chuyển nhượng bất động sản là giá theo hợp đồng chuyển nhượng; giá mua bất động sản là giá theo hợp đồng tại thời điểm mua; các chi phí liên quan được trừ căn cứ vào chứng từ, hóa đơn theo quy định của pháp luật, bao gồm các loại phí, lệ phí theo quy định của pháp luật liên quan đến quyền sử dụng đất; chi phí cải tạo đất, cải tạo nhà, chi phí san lấp mặt bằng; chi phí đầu tư xây dựng nhà ở, kết cấu hạ tầng và công trình kiến trúc trên đất; các chi phí khác liên quan trực tiếp đến việc chuyển nhượng bất động sản…
Trường hợp không xác định được giá mua và chi phí liên quan đến việc chuyển nhượng bất động sản thì thu nhập chịu thuế được xác định là giá chuyển nhượng bất động sản…
Có 14 khoản thu nhập được miễn thuế là: thu nhập từ tiền lương hưu do bảo hiểm xã hội chi trả; thu nhập từ kiều hối; thu nhập của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, làm muối, nuôi trồng, đánh bắt thủy sản chưa qua chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường; thu nhập từ chuyển đổi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao để sản xuất; thu nhập từ lãi tiền gửi tại tổ chức tín dụng, lãi từ hợp đồng bảo hiểm nhân thọ…
Luật có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2009.


Quy định về chất lượng, sản phẩm hàng hoá
(SMS: 502408)
- Ngày 21/11/2007, Quốc hội đã thông qua Luật chất lượng sản phẩm, hàng hoá số 05/2007/QH12.
Luật c
ấm các hành vi: thông tin, quảng cáo sai sự thật hoặc có hành vi gian dối về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, về nguồn gốc và xuất xứ hàng hóa; Che giấu thông tin về khả năng gây mất an toàn của sản phẩm, hàng hoá đối với người, động vật, thực vật, tài sản, môi trường...
Người sản xuất có nghĩa vụ: kịp thời ngừng sản xuất, thông báo cho các bên liên quan và có biện pháp khắc phục hậu quả khi phát hiện sản phẩm, hàng hóa gây mất an toàn hoặc sản phẩm, hàng hoá không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng; Thu hồi, xử lý sản phẩm, hàng hóa không bảo đảm chất lượng. Trong trường hợp phải tiêu huỷ hàng hóa thì phải chịu toàn bộ chi phí cho việc tiêu huỷ hàng hoá và chịu trách nhiệm về hậu quả của việc tiêu huỷ hàng hoá theo quy định của pháp luật...
Người bán hàng phải
hoàn lại tiền hoặc đổi hàng mới, nhận lại hàng có khuyết tật bị người mua trả lại...
Tổ chức đánh giá sự phù hợp phải trả tiền phạt cho tổ chức, cá nhân có sản phẩm, hàng hóa được đánh giá trong trường hợp cung cấp sai kết quả đánh giá sự phù hợp. Mức phạt do các bên thỏa thuận, nhưng không vượt quá 10 lần chi phí đánh giá, trường hợp các bên không thoả thuận được thì mức phạt do trọng tài hoặc toà án quyết định, nhưng không vượt quá 10 lần chi phí đánh giá...
Hoạt động quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hoá phải bảo đảm minh bạch, khách quan, không phân biệt đối xử về xuất xứ hàng hoá và tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến chất lượng sản phẩm, hàng hoá, phù hợp với thông lệ quốc tế, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng...
Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư, tham gia vào hoạt động thử nghiệm, kiểm định, giám định, chứng nhận chất lượng sản phẩm, hàng hóa...
Luật có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2008.


Quy định về hoá chất
(SMS: 502357)
- Luật Hoá chất số 06/2007/QH11 được Quốc hội thông qua ngày 21/11/2007 quy định: cấm sử dụng hóa chất không thuộc danh mục được phép sử dụng, hóa chất không bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng, vượt quá hàm lượng cho phép để sản xuất và bảo quản thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thức ăn gia súc, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, sản phẩm hóa chất tiêu dùng; Sử dụng hóa chất độc để săn bắt động vật, thực hiện các hành vi xâm hại đến sức khoẻ con người, tài sản và môi trường…
Người tiêu dùng sản phẩm, hàng hoá bao gồm: được cung cấp thông tin trung thực về mức độ an toàn, chất lượng, hướng dẫn vận chuyển, bảo quản, sử dụng sản phẩm, hàng hoá; thông tin về việc bảo hành hàng hóa, nguy cơ gây mất an toàn của hàng hoá và cách phòng ngừa khi nhận được thông tin cảnh báo từ người sản xuất, người nhập khẩu; Được yêu cầu người bán sửa chữa, đổi hàng mới, nhận lại hàng có khuyết tật và được bồi thường thiệt hại khi sản phẩm, hàng hóa không phù hợp với tiêu chuẩn đã công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng, định lượng hoặc không phù hợp với hợp đồng…
Người tiêu dùng được bồi thường thiệt hại khi sản phẩm, hàng hóa gây mất an toàn cho người, động vật, thực vật, tài sản, môi trường trong điều kiện sử dụng bình thường và hợp lý; Được tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trợ giúp bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình theo quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng...
Luật có có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2008.


Luật Đặc xá
(SMS: 502358)
- Ngày 21/11/2007, Quốc hội đã thông qua Luật Đặc xá số 07/2007/QH12, quy định: đối tượng được hưởng ưu đãi trong chính sách đặc xá là: người lập công lớn trong thời gian chấp hành hình phạt tù; là thường binh, bệnh binh, có thành tích trong chiến đấu, Anh hùng lao động, Anh hùng lực lượng vũ trang, có thân nhân là liệt sỹ, con Bà mẹ Việt Nam anh hùng, con của gia đình có công với nước, người mắc các bệnh hiểm nghèo, người từ 70 tuổi trở lên...
Người được đề nghị xét đặc xá phải có đủ điều kiện như: xếp loại cải tạo từ khá trở lên; đã chấp hành hình phạt tù ít nhất là từ 1/3 thời gian đối với tù có thời hạn và 14 năm với tù chung thân; đã chấp hành xong các hình phạt bổ sung; là đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi xã hội...
Các trường hợp không được đặc xá bao gồm: đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội khác; trước đó đã từng được đặc xá và có 2 tiền án trở lên…
Chủ tịch nước xem xét, quyết định về đặc xá đối với người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn đang chấp hành hình phạt tù nhân sự kiện trọng đại hoặc ngày lễ lớn của đất nước…
Luật có hiệu lực kể từ ngày 01/3/2008.


Tương trợ tư pháp
(SMS: 502359)
- Theo Luật tương trợ tư pháp số 08/2007/QH12 được Quốc hội thông qua ngày 21/11/2007 thì hoạt động tương trợ tư pháp được thực hiện trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng và cùng có lợi, phù hợp với Hiến pháp, pháp luật của Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên…
Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng của VN có thể: yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài dẫn độ cho VN người có hành vi phạm tội hoặc bị kết án hình sự mà bản án đã có hiệu lực để truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc để thi hành án; thực hiện việc dẫn độ người nước ngoài đang ở trên lãnh thổ VN có hành vi phạm tội hoặc bị kết án hình sự mà bản án đã có hiệu lực pháp luật cho nước yêu cầu để truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc để thi hành án.
Luật cũng quy định về một số trường hợp từ chối dẫn độ, trong đó có quy định không dẫn độ công dân VN ra nước ngoài…
Luật có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2008.


(Các Luật trên đã được Chủ tịch nước ký Lệnh công bố ngày 05/12/2007)
 

 BỘ TÀI CHÍNH


Xác định giá đất và khung giá các loại đất
(SMS: 502395)
- Ngày 06/12/2007, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 145/2007/TT-BTC hướng dẫn thực hiện Nghị định số 188/2004/NĐ-CP về phương pháp xác định giá đất và khung giá các loại đất và Nghị định số 123/2007/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 188/2004/NĐ-CP.
Theo đó, mỗi loại đất cần định giá, phải lựa chọn từ 3 đến 5 thửa đất, khu đất trống ở khu vực liền kề hoặc khu vực lân cận với thửa đất, khu đất cần định giá đã được chuyển nhượng thành công trên thị trường (bao gồm giao dịch trực tiếp giữa các cá nhân, tổ chức với nhau; trúng đấu giá quyền sử dụng đất, giao dịch thành công trên sàn giao dịch bất động sản) có những đặc điểm tương tự với thửa đất, khu đất cần định giá về: loại đất, vị trí đất, qui mô diện tích, kết cấu hạ tầng, đặc điểm pháp lý và mục đích sử dụng đất…
Trường hợp không thu thập được những thông tin trong khoảng thời gian gần nhất, thì có thể thu thập thông tin về các cuộc giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong thời hạn 01 năm tính đến thời điểm khảo sát để xác định giá đất…
Trường hợp giá đất có biến động trong khoảng thời gian từ thời điểm chuyển nhượng thành công quyền sử dụng đất của thửa đất so sánh đến thời điểm xác định giá của thửa đất cần định giá, thì trước khi thực hiện việc điều chỉnh mức giá của thửa đất so sánh theo công thức nêu trên, cần phải điều chỉnh (tăng hoặc giảm) mức giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất của thửa đất so sánh theo chỉ số biến động (tăng hoặc giảm) giá của loại đất đó trong khoảng thời gian này…

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI


Hướng dẫn xây dựng thang lương, bảng lương
(SMS: 502342)
- Ngày 05/12/2007, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 28/2007/TT-BLĐTBXH sửa đổi bổ sung Thông tư số 13/2003/TT-BLĐTBXH và 14/2003/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 114/2002/NĐ-CP về tiền lương.
Theo đó, khoảng cách giữa các bậc lương phải bảo đảm khuyến khích người lao động nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật, tích lũy kinh nghiệm, phát triển các tài năng; chênh lệch giữa hai bậc lương liền kề thấp nhất bằng 5%...
Tùy trình độ và tính chất của công việc mà mức lương cũng được tính khác nhau. Lao động làm nghề, công việc đòi hỏi qua học nghề phải cao hơn ít nhất 7% so với mức tối thiểu vùng do Chính phủ quy định. Với lao động làm việc trong nghề, công việc độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 5% so với mức lương của nghề, công việc có điều kiện lao động bình thường…
Bên cạnh đó, các khoản phụ cấp lương hoặc áp dụng các chế độ phụ cấp lương do Chính phủ quy định phải đăng ký cùng hệ thống thang lương, bảng lương của doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải đăng ký hệ thống thang, bảng lương với cơ quan quản lý Nhà nước về lao động tỉnh, thành phố trước khi công bố áp dụng.
Đối với doanh nghiệp mới thành lập, sau 6 tháng kể từ ngày bắt đầu hoạt động phải xây dựng và đăng ký hệ thống thang, bảng lương. Đối với doanh nghiệp đang hoạt động đã có thang, bảng lương thì trong thời hạn 3 tháng, tính từ 01/01/2008, phải thực hiện đăng ký hoặc tiến hành sửa đổi, bổ sung và đăng ký lại hệ thống thang, bảng lương…
Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Hướng dẫn thực hiện mức lương tối thiểu chung, tối thiểu vùng
(SMS: 502343)
- Ngày 05/12/2007, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 29/2007/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện mức lương tối thiểu chung, mức lương tối thiểu vùng đối với công ty nhà nước và công ty TNHH một thành viên do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ.
Theo đó, việc tính mức lương và phụ cấp được thực hiện như sau: lấy hệ số lương cấp bậc theo chức danh nghề, công việc; hệ số lương chuyên môn, nghiệp vụ; hệ số lương chức vụ được xếp, phụ cấp lương, hệ số chênh lệch bảo lưu (nếu có) nhân với mức lương tối thiểu chung 540.000 đồng/tháng.
Đối với lao động dôi dư thì trợ cấp mất việc làm cho thời gian làm việc trong khu vực nhà nước từ ngày 01/01/2008 trở đi và trợ cấp đi tìm việc làm được tính theo mức 540.000 đồng/tháng...
Tiền lương trả cho người lao động không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng. Trường hợp công ty có đơn vị, chi nhánh hoạt động trên các địa bàn có mức lương tối thiểu vùng khác nhau thì tính bình quân gia quyền mức lương tối thiểu vùng và số lao động của các địa bàn đó.
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2008.


Lương tối thiểu chung, tối thiểu vùng các đơn vị thuê mướn lao động
(SMS: 502344)
- Ngày 05/12/2007, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 30/2007/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện mức lương tối thiểu chung, mức lương tối thiểu vùng đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức khác của Việt Nam có thuê muớn lao động.
Thông tư quy định: doanh nghiệp không được xóa bỏ hoặc cắt giảm các chế độ được pháp luật quy định như tiền lương trả khi làm thêm giờ; tiền lương làm việc vào ban đêm; tiền lương hoặc phụ cấp làm việc trong điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại; chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật đối với các chức danh nghề nặng nhọc, độc hại…

Lao động làm nghề, công việc đòi hỏi qua học nghề phải cao hơn ít nhất 7% so với mức tối thiểu vùng. Các khoản phụ cấp lương hoặc áp dụng các chế độ phụ cấp lương phải đăng ký cùng hệ thống thang lương, bảng lương của doanh nghiệp…

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2008.