Số 48.2010 (506) ngày 07/12/2010

 

QUỐC HỘI


Khuyến khích hợp tác với Nhà nước trong điều tra địa chất khoáng sản (SMS: 60/2010/QH12) - Ngày 30/11/2010, Chủ tịch nước đã ký lệnh công bố Luật Khoáng sản số 60/2010/QH12 được Quốc hội thông qua ngày 17/11/2010. Luật này quy định việc điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản; bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; thăm dò, khai thác khoáng sản; quản lý nhà nước về khoáng sản trong phạm vi đất liền, hải đảo, nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Khoáng sản là dầu khí, khoáng sản là nước thiên nhiên không phải là nước khoáng, nước nóng thiên nhiên không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này.
Các chính sách của Nhà nước về khoáng sản được quy định khá chi tiết tại Luật này. Theo đó, Nhà nước có chiến lược, quy hoạch khoáng sản để phát triển bền vững kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh trong từng thời kỳ; bảo đảm khoáng sản được bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả. Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, hợp tác với các tổ chức chuyên ngành địa chất của Nhà nước để điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản; đồng thời khuyến khích dự đầu tư khai thác khoáng sản gắn với chế biến, sử dụng khoáng sản để làm ra sản phẩm kim loại, hợp kim hoặc các sản phẩm khác có giá trị và hiệu quả kinh tế - xã hội. Địa phương nơi có khoáng sản được khai thác được Nhà nước điều tiết khoản thu từ hoạt động khai thác khoáng sản để hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước. Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản có trách nhiệm hỗ trợ chi phí đầu tư, nâng cấp, duy tu, xây dựng hạ tầng kỹ thuật sử dụng trong khai thác khoáng sản và xây dựng công trình phúc lợi cho địa phương nơi có khoáng sản được khai thác; ưu tiên sử dụng lao động địa phương vào khai thác khoáng sản và các dịch vụ có liên quan.
Luật này cũng quy định chi tiết và các điều kiện, thủ tục và hồ sơ đề nghị cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản; tài chính về khoáng sản; hình thức, nguyên tắc, điều kiện và thủ tục đấu giá quyền khai thác khoáng sản.
Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2011. Luật Khoáng sản ngày 20/3/1996 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản số 46/2005/QH11 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực.

Quyền lợi người tiêu dùng đã được bảo vệ bằng Luật (SMS: 59/2010/QH12) - Trên cơ sở Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được ban hành năm 1999, Luật Bảo vệ người tiêu dùng số 59/2010/QH12 được Quốc hội thông qua ngày 17/11/2010 và ngày 30/11/2010 Chủ tịch nước đã ký Lệnh công bố. Luật này quy định về quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đối với người tiêu dùng; trách nhiệm của tổ chức xã hội trong việc tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Theo Luật này, người tiêu dùng được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp. Người tiêu dùng được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; nội dung giao dịch hàng hóa, dịch vụ; nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; được cung cấp hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch và thông tin cần thiết khác về hàng hóa, dịch vụ mà người tiêu dùng đã mua, sử dụng. Người tiêu dùng được yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết.
Một số hành vi sau đây bị cấm: tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thông qua hoạt động quảng cáo hoặc che dấu, cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác về hàng hóa, dịch vụ cung cấp hoặc về uy tín, khả năng cung cấp hàng hóa, dịch vụ…; tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ quấy rối người tiêu dùng thông qua tiếp thị hàng hóa, dịch vụ trái với ý muốn của người tiêu dùng từ 02 lần trở lên hoặc có hành vi khác gây cản trở đến công việc, sinh hoạt bình thường của người tiêu dùng; tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ ép buộc người tiêu dùng thông qua việc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc các biện pháp khác gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài sản của người tiêu dùng, lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của người tiêu dùng hoặc lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để ép buộc giao dịch;…
Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2011. Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng số 13/1999/PL-UBTVQH10 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực.

Viên chức được góp vốn thành lập doanh nghiệp (SMS: 58/2010/QH12) - Viên chức được góp vốn nhưng không tham gia quản lý, điều hành công ty TNHH, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã, bệnh viện tư, trường học tư và các tổ chức nghiên cứu khoa học tư. Quy định này được nêu rõ tại Luật Viên chức số 58/2010/QH12 do Quốc hội thông qua ngày 15/11/2010 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 29/11/2010. Luật này quy định về quyền và nghĩa vụ của viên chức; tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập. Theo đó, viên chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật. Nhà nước có chính sách xây dựng, phát triển đội ngũ viên chức có đạo đức nghề nghiệp, có trình độ và năng lực chuyên môn đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khu vực cung ứng dịch vụ công; phát hiện, thu hút, bồi dưỡng, trọng dụng và đãi ngộ xứng đáng đối với người có tài năng để nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân.
Ngoài các quyền và nghĩa vụ của viên chức về hoạt động nghề nghiệp, về tiền lương và các chế độ liên quan đến tiền lương, về làm việc, nghỉ ngơi, viên chức còn được hoạt động nghề nghiệp ngoài thời gian làm việc quy định trong hợp đồng làm việc, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; được ký hợp đồng vụ, việc với cơ quan, tổ chức và đơn vị khác mà pháp luật không cấm nhưng phải hoàn thành nhiệm vụ được giao và có sự đồng ý của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập.
Việc tuyển dụng viên chức thực hiện thông qua thi tuyển hoăc xét tuyển trên nguyên tắc bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng, khách quan và đúng pháp luật; bảo đảm tính cạnh tranh, tuyển chọn đúng người đáp ứng yêu cầu của vị trí việc làm; ưu tiên người có tài năng, người có công với cách mạng và người dân tộc thiểu số.
Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2012.

Kinh doanh hàng hóa gây ô nhiễm môi trường phải nộp thuế (SMS: 57/2010/QH12) - Từ ngày 01/01/2012, thuế bảo vệ môi trường sẽ được thu theo quy định của Luật Thuế bảo vệ môi trường số 57/2010/QH12 vừa được Quốc hội thông qua ngày 15/11/2010 và Chủ tịch nước ký Lệnh công bố ngày 29/11/2010. Theo Luật này, đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường bao gồm: xăng, dầu, mỡ nhờn; than đá; dung dịch hydro-chloro-fluoro-carbon (HCFC - nhóm chất gây suy giảm tầng ô dôn dùng làm môi chất lạnh); túi ni lông thuộc diện chịu thuế (là loại túi, bao bì được làm từ màng nhựa đơn polyetylen, tên kỹ thuật là túi nhựa xốp); thuốc diệt cỏ thuộc loại hạn chế sử dụng; thuốc trừ mối thuộc loại hạn chế sử dụng; thuốc bảo quản lâm sản thuộc loại hạn chế sử dụng; thuốc khử trùng kho thuộc loại hạn chế sử dụng.
Người nộp thuế bảo vệ môi trường là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế nói trên; trường hợp ủy thác nhập khẩu hàng hóa thì người nhận ủy thác nhập khẩu là người nộp thuế; trường hợp tổ chức, hộ gia đình, cá nhân làm đầu mối thu mua than khai thác nhỏ, lẻ mà không xuất trình được chứng từ chứng minh hàng hóa đã được nộp thuế bảo vệ môi trường thì tổ chức, hộ gia đình, cá nhân làm đầu mối thu mua là người nộp thuế. Người nộp thuế bảo vệ môi trường được hoàn thuế trong các trường hợp sau: hàng hóa nhập khẩu còn lưu kho, lưu bãi tại cửa khẩu và đang chịu sự giám sát của cơ quan hải quan được tái xuất khẩu ra nước ngoài; hàng hóa nhập khẩu để giao, bán cho nước ngoài thông qua đại lý tại Việt Nam; xăng, dầu bán cho phương tiện vận tải của hãng nước ngoài trên tuyến đường qua cảng Việt Nam hoặc phương tiện vận tải của Việt Nam trên tuyến đường vận tải quốc tế theo quy định của pháp luật; hàng hóa tạm nhập khẩu để tái xuất theo phương thức kinh doanh hàng tạm nhập, tái xuất; hàng hóa nhập khẩu do người nhập khẩu tái xuất khẩu ra nước ngoài; hàng hóa tạm nhập khẩu để tham gia hội chợ, triển lãm, giới thiệu sản phẩm theo quy định của pháp luật khi tái xuất khẩu ra nước ngoài.
Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2012. Các quy định về thu phí xăng, dầu tại Pháp lệnh về phí và lệ phí số 38/2001/PL-UBTVQH10 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực.

Phải công khai kết luận thanh tra (SMS: 56/2010/QH12) - Đó là một trong những điểm mới của Luật Thanh tra số 56/2010/QH12. Luật này được Quốc hội thông qua ngày 15/11/2010 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 29/11/2010, quy định về tổ chức, hoạt động thanh tra nhà nước và thanh tra nhân dân. So với Luật Thanh tra năm 2004, Luật này quy định rõ các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra gồm có thanh tra nhà nước (thanh tra Chính phủ; thanh tra bộ, cơ quan ngang bộ; thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; thanh tra sở; thanh tra huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh) và cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành. Cơ quan thanh tra nhà nước trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình giúp cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện quản lý nhà nước về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; tiến hành thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật.
Một nguyên tắc quan trọng của hoạt động thanh tra được Luật này quy định là việc thanh tra được thực hiện phải bảo đảm không trùng lặp về phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian thanh tra giữa các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra; không làm cản trở hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra. Kết luận thanh tra phải được công khai, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Việc công khai kết luận thanh tra được thực hiện bằng các hình thức: công bố tại cuộc họp với thành phần bao gồm người ra quyết định thanh tra, đoàn thanh tra, đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan hoặc tổ chức họp báo; thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng; đưa lên trang thông tin điện tử của cơ quan thanh tra nhà nước, cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành hoặc cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp; niêm yết tại trụ sở cơ quan, tổ chức là đối tượng thanh tra; cung cấp theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày ký kết luận thanh tra, người ra quyết định thanh tra có trách nhiệm thực hiện việc công khai kết luận thanh tra.
Luật này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2011. Luật Thanh tra số 22/2004/QH11 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực.

 

 

CHÍNH PHỦ


Kinh doanh hàng cấm, phạt tiền đến 70 triệu đồng (SMS: 112/2010/ND-CP) - Ngày 01/12/2010, Chính phủ ban hành Nghị định số 112/2010/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2008/NĐ-CP ngày 16/01/2008 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại. Nghị định này nâng mức phạt tiền đối với một số hành vi vi phạm. Chẳng hạn như với hành vi kinh doanh hàng hóa thuộc danh mục hàng hoá cấm kinh doanh có giá trị từ trên 70 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng, quy định mới phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng (mức cũ chỉ phạt từ 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng); bổ sung thêm quy định phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 35 triệu đồng đối với hành vi kinh doanh hàng hóa thuộc danh mục hàng hoá cấm kinh doanh có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên nếu không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nghị định cũng bổ sung quy định phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với hành vi kinh doanh hàng giả có giá trị từ 30 triệu đồng trở lên nếu không bị truy cứu trách nhiệm hình sự; phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt quy định đối với một trong các trường hợp sau: hành vi vi phạm là của cá nhân, tổ chức sản xuất, chế biến, pha trộn, gia công, lắp ráp, tái chế, chế tác, phân loại, sang chiết, nạp, đóng gói, nhập khẩu hàng giả hoặc hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi nếu không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/02/2011. Bãi bỏ Điều 12 Nghị định số 107/2008/NĐ-CP ngày 22/9/2008 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá quá mức, đưa tin thất thiệt, buôn lậu và gian lận thương mại; bãi bỏ các Điều 23, 24 và 25 Nghị định số 54/2009/NĐ-CP ngày 05/6/2009 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm hàng hóa. Hành vi vi phạm hành chính đã lập biên bản vi phạm hành chính trong thời gian Nghị định này chưa có hiệu lực, nhưng tại thời điểm xử phạt Nghị định này đã có hiệu lực thì việc xử phạt áp dụng theo quy định của Nghị định này nếu Nghị định này không quy định bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc quy định hình thức xử phạt và mức phạt nhẹ hơn.

Quản lý nhà nước về thông tin đối ngoại (SMS: 79/2010/QD-TTg) - Quy chế Quản lý nhà nước về thông tin đối ngoại vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành bằng Quyết định số 79/2010/QĐ-TTg ngày 30/11/2010. Quy chế này quy định nguyên tắc và nội dung quản lý nhà nước về thông tin đối ngoại; quy định trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc quản lý nhà nước và phối hợp, triển khai các hoạt động thông tin đối ngoại. Thông tin đối ngoại quy định tại Quy chế này bao gồm: thông tin về chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật, chính sách của Nhà nước, những thành tựu của công cuộc đổi mới đất nước; thông tin về tình hình quốc tế, quan hệ đối ngoại của Việt Nam và phối hợp đưa thông tin quốc tế đến nhân dân trong nước; giới thiệu, quảng bá hình ảnh đất nước, con người, lịch sử, văn hóa, tiềm năng hợp tác và phát triển của Việt Nam; phản bác các thông tin sai, xuyên tạc, chống phá sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân Việt Nam và các loại hình hoạt động thông tin đối ngoại khác. Hoạt động thông tin đối ngoại là hoạt động đưa thông tin đến với tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài và phối hợp đưa thông tin quốc tế đến nhân dân trong nước.
Bộ Thông tin và Truyền thông chịu trách nhiệm trước Chính phủ, chủ trì thực hiện quản lý nhà nước về thông tin đối ngoại. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về thông tin đối ngoại trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật và Quy chế này. UBND cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về thông tin đối ngoại tại địa phương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật và Quy chế này.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/01/2011.

Hàng nhập khẩu qua dịch vụ chuyển phát nhanh được miễn thuế (SMS: 78/2010/QD-TTg) - Theo quy định tại Quyết định số 78/2010/QĐ-TTg ngày 30/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 01/02/2011, hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh có giá trị từ 1.000.000 đồng (một triệu đồng) trở xuống được miễn thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng; hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh có giá trị trên 1.000.000 đồng (một triệu đồng) phải nộp thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng theo quy định của pháp luật.
Cũng tại Quyết định này, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính căn cứ tình hình thực tế trong từng thời kỳ quyết định điều chỉnh trong phạm vi 20% mức giá trị hàng hóa quy định nêu trên nhằm thực hiện chủ trương cải cách thủ tục hành chính và phù hợp với thông lệ quốc tế. Trường hợp điều chỉnh trên 20% mức giá trị hàng hóa này, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/02/2011.

Chế độ báo cáo thống kê cho doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nước ngoài (SMS: 77/2010/QD-TTg) - Cùng ngày 30/11/2010, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 77/2010/QĐ-TTg ban hành Chế độ báo cáo thống kê cơ sở áp dụng đối với doanh nghiệp nhà nước (kể cả tập đoàn, tổng công ty nhà nước), doanh nghiệp và dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Đơn vị báo cáo gồm: doanh nghiệp nhà nước (doanh nghiệp do nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ); doanh nghiệp, dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (doanh nghiệp có vốn của nhà đầu tư nước ngoài chiếm từ 10% vốn điều lệ trở lên và dự án có vốn của nhà đầu tư nước ngoài chiếm từ 10% vốn đầu tư trở lên).
Báo cáo tháng được áp dụng đối với doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp và dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài hoạt động trong các ngành: khai khoáng, công nghiệp chế biến, điện, khí đốt, cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải, thông tin và truyền thông, kinh doanh bất động sản, vận tải kho bãi, thương mại và dịch vụ. Báo cáo quý được áp dụng đối với doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp và dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài hoạt động trong ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản, xây dựng; doanh nghiệp có hoạt động thu/chi dịch vụ với nước ngoài, hoặc doanh nghiệp là chủ đầu tư. Báo cáo 6 tháng về lao động và thu nhập của người lao động áp dụng đối với toàn bộ các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp và dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài; báo cáo 6 tháng về hoạt động nông, lâm nghiệp và thủy sản được áp dụng đối với doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp và dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Báo cáo năm được áp dụng đối với toàn bộ các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp và dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Tổng cục Thống kê (Cục Thống kê các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương) và  cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư trực tiếp nước ngoài tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhận báo cáo của toàn bộ doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp và dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/01/2011 và bãi bỏ các văn bản sau: Quyết định số 62/2003/QĐ-BKH ngày 27/01/2003 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Quyết định số 373/QĐ-TCTK ngày 10/9/1996 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê; Thông tư liên bộ số 01/LB-TCTK-BKHĐT ngày 31/3/1997 của Tổng cục Thống kê và Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Quy định mới về quản lý hội thảo quốc tế tại Việt Nam (SMS: 76/2010/QD-TTg) - Theo quy định tại Quyết định số 76/2010/QĐ-TTg ngày 30/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức, quản lý hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ cho phép tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế sau: hội nghị, hội thảo quốc tế cấp cao, thành viên tham dự là người đứng đầu hoặc quan chức cấp bộ trưởng hoặc tương đương trở lên của các nước, các vùng lãnh thổ, các tổ chức quốc tế; hội nghị, hội thảo quốc tế có nội dung liên quan đến các vấn đề về chính trị, an ninh, quốc phòng, dân tộc, tôn giáo, nhân quyền, biên giới lãnh thổ hoặc thuộc phạm vi bí mật nhà nước. Thủ trưởng cơ quan trung ương, địa phương quyết định việc tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế của cơ quan, địa phương mình và cho phép các đơn vị trực thuộc, các tổ chức nước ngoài được tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế có nội dung không thuộc quy định nói trên, phù hợp với quyền hạn và trách nhiệm quản lý nhà nước của các cơ quan, địa phương theo quy định hiện hành. Các cơ quan trung ương của các tổ chức nhân dân tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế theo quy định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng.
Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước trên phạm vi toàn quốc và phân cấp cho bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý đối với hội nghị, hội thảo quốc tế trong phạm vi quản lý của cơ quan, địa phương mình. Bộ Ngoại giao là cơ quan đầu mối giúp Thủ tướng Chính phủ thống nhất quản lý đối với hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam; định kỳ hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam.
Quyết định này thay cho Quyết định số 122/2001/QĐ-TTg ngày 21/8/2001 của Thủ tướng Chính phủ và có hiệu lực kể từ ngày 15/01/2011.

 

 

BỘ XÂY DỰNG


An toàn lao động trong thi công xây dựng công trình (SMS: 22/2010/TT-BXD) - Ngày 03/12/2010, Bộ Xây dựng ban hành Thông tư số 22/2010/TT-BXD quy định về an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình, bao gồm: xây dựng và lắp đặt thiết bị đối với các công trình xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo, di dời, tu bổ, phục hồi; phá dỡ công trình; bảo hành, bảo trì công trình. Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài là chủ đầu tư xây dựng công trình; nhà thầu xây dựng và người lao động tại công trường xây dựng trên lãnh thổ Việt Nam.
Thông tư quy định, chủ đầu tư xây dựng công trình có trách nhiệm thành lập bộ phận chuyên trách hoặc kiêm nhiệm để kiểm tra việc thực hiện các quy định về an toàn lao động của nhà thầu thi công xây dựng trên công trường; tạm dừng thi công và yêu cầu nhà thầu khắc phục khi phát hiện dấu hiệu vi phạm quy định về an toàn lao động của nhà thầu, nếu nhà thầu không khắc phục thì chủ đầu tư phải đình chỉ thi công hoặc chấm dứt hợp đồng; phối hợp với nhà thầu xử lý, khắc phục khi xảy ra sự cố hoặc tai nạn lao động, đồng thời báo cáo với các cơ quan chức năng về tình hình an toàn lao động của dự án, công trình theo quy định của pháp luật về lao động. Người lao động trên công trường xây dựng có quyền từ chối thực hiện các công việc được giao khi thấy không đảm bảo an toàn lao động sau khi đã báo cáo với người phụ trách trực tiếp mà vẫn không được khắc phục, xử lý hoặc nhà thầu không cấp đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân theo đúng quy định và chỉ được nhận thực hiện những công việc phù hợp với chuyên môn được đào tạo, chấp hành đầy đủ các quy định, nội quy về an toàn lao động có liên quan đến công việc, nhiệm vụ được giao. Người lao động làm các công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động thì phải được huấn luyện an toàn lao động và có thẻ an toàn lao động theo quy định.
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày, kể từ ngày ký.