Số 48.2008 (404) ngày 05/12/2008

 QUỐC HỘI


Luật thuế tiêu thụ đặc biệt
(SMS: 507150)
- Ngày 14/11/2008, Quốc hội đã thông qua Luật thuế tiêu thụ đặc biệt số 27/2008/QH12.
Luật quy định: Hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (TTTĐB) bao gồm: Thuốc lá điếu, xì gà; Rượu; Bia; Xe ô tô dưới 24 chỗ; Xe mô tô hai bánh, ba bánh có dung tích xi lanh trên 125cm3; Tàu bay, du thuyền; Xăng các loại, nap-ta các chế phẩm; Điều hoà nhiệt độ công suất từ 90.000 BTU trở xuống; Bài lá; Vàng mã, hàng mã.
Đối với dịch vụ bao gồm: Kinh doanh vũ trường, mát-xa, ka-ra-ô-kê, ca-si-nô, trò chơi điện tử có thưởng bao gồm trò chơi bằng máy giắc-pót, máy sờ-lot và các loại máy tương tự; Kinh doanh đặt cược; Kinh doanh gôn bao gồm bán thẻ hội viên, vé chơi gôn; Kinh doanh xổ số.
Thuế suất TTTĐB đối với hàng hoá, dịch vụ thấp nhất là 10% và cao nhất là 70%...
Luật cũng quy định: người nộp TTTĐB được hoàn thuế đã nộp trong các trường hợp sau: Hàng tạm nhập khẩu, tái xuất khẩu; Hàng hóa là nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất, gia công hàng xuất khẩu; Quyết toán thuế khi sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể, phá sản, chuyển đổi sở hữu, chuyển đổi doanh nghiệp, chấm dứt hoạt động có số thuế nộp thừa; Có quyết định hoàn thuế của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật và trường hợp hoàn TTTĐB theo điều ước quốc tế…
Người nộp thuế sản xuất hàng hóa thuộc đối tượng chịu TTTĐB bằng nguyên liệu đã nộp TTTĐB nếu có chứng từ hợp pháp thì được khấu trừ số thuế đã nộp đối với nguyên liệu khi xác định số TTTĐB phải nộp ở khâu sản xuất.
Ngoài ra, người nộp thuế sản xuất hàng hoá thuộc diện chịu TTTĐB gặp khó khăn do thiên tai, tai nạn bất ngờ được giảm thuế. Mức giảm thuế được xác định trên cơ sở tổn thất thực tế do thiên tai, tai nạn bất ngờ gây ra nhưng không quá 30% số thuế phải nộp của năm xảy ra thiệt hại và không vượt quá giá trị tài sản bị thiệt hại sau khi được bồi thường (nếu có)…
Luật này có hiệu lực từ ngày 01/4/2009; các quy định đối với mặt hàng rượu và bia có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2010.


Luật thi hành án dân sự
(SMS: 507149)
- Ngày 14/11/2008, Quốc hội đã thông qua Luật thi hành án dân sự số 26/21008/QH12.
Luật quy định: đương sự có quyền thoả thuận về việc thi hành án (THA), nếu thoả thuận đó không vi phạm điều cấm của pháp luật và không trái đạo đức xã hội. Kết quả THA theo thoả thuận được công nhận.

Thời hiệu yêu cầu
THA05 năm (quy định trước đây là 03 năm), kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, người được THA, người phải THA có quyền yêu cầu cơ quan THA dân sự có thẩm quyền ra quyết định THA. Trường hợp thời hạn thực hiện nghĩa vụ được ấn định trong bản án, quyết định thì thời hạn 05 năm được tính từ ngày nghĩa vụ đến hạn. Đối với bản án, quyết định thi hành theo định kỳ thì thời hạn 05 năm được áp dụng cho từng định kỳ, kể từ ngày nghĩa vụ đến hạn.
Thứ tự thanh toán tiền THA thực hiện theo thứ tự sau: Tiền cấp dưỡng; tiền lương, tiền công lao động, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp mất sức lao động; tiền bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, tổn thất về tinh thần; Án phí; Các khoản phải THA khác theo bản án, quyết định.
Trường hợp trong cùng một hàng ưu tiên có nhiều người được THA thì việc thanh toán được thực hiện theo tỷ lệ số tiền mà họ được THA.
Người phải THA không có tài sản để thi hành các khoản thu nộp ngân sách nhà nước thì có thể được xét miễn nghĩa vụ THA khi hết thời hạn sau: 05 năm, kể từ ngày ra quyết định THA đối với các khoản án phí không có giá ngạch; 10 năm, kể từ ngày ra quyết định THA đối với các khoản thu nộp ngân sách nhà nước có giá trị dưới 5 triệu đồng…
Trường hợp cưỡng chế giao nhà là nhà ở duy nhất của người phải THA cho người mua được tài sản bán đấu giá, nếu xét thấy sau khi thanh toán các khoản nghĩa vụ THA mà người phải THA không còn đủ tiền để thuê nhà hoặc tạo lập nơi ở mới thì trước khi làm thủ tục chi trả cho người được THA, Chấp hành viên trích lại từ số tiền bán tài sản một khoản tiền để người phải THA thuê nhà phù hợp với giá thuê nhà trung bình tại địa phương trong thời hạn 01 năm. Nghĩa vụ THA còn lại được tiếp tục thực hiện theo quy định...

Luật có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2009.


Luật bảo hiểm y tế
(SMS: 507148)
- Ngày 14/11/2008, Quốc hội đã thông qua Luật bảo hiểm y tế số 25/2008/QH12, quy định: lộ trình thực hiện bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân như sau: đối tượng là học sinh, sinh viên thực hiện BHYT từ ngày 01/01/2010; Người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp từ 01/01/2012; Thân nhân của người lao động mà người lao động có trách nhiệm nuôi dưỡng và sống trong cùng hộ gia đình, Xã viên hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, Đối tượng mà Chính phủ có quy định riêng từ 01/01/2014; Các đối tượng khác từ 01/7/2009.
BHYT thực hiên theo nguyên tắc: Bảo đảm chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia BHYT; Mức đóng BHYT được xác định theo tỷ lệ % của tiền lương, tiền công, tiền lương hưu, tiền trợ cấp hoặc mức lương tối thiểu; Chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT do quỹ BHYT và người tham gia BHYT
cùng chi trả…

Nhà nước có chính sách ưu đãi đối với hoạt động đầu tư từ quỹ BHYT để bảo toàn và tăng trưởng quỹ. Nguồn thu của quỹ và số tiền sinh lời từ hoạt động đầu tư từ quỹ BHYT được miễn thuế…
Người tham gia BHYT được quỹ BHYT chi trả các chi phí sau đây: Khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng, khám thai định kỳ, sinh con; Khám bệnh để sàng lọc, chẩn đoán sớm một số bệnh; Vận chuyển người bệnh từ tuyến huyện lên tuyến trên trong trường hợp cấp cứu hoặc khi đang điều trị nội trú phải chuyển tuyến chuyên môn kỹ thuật…
Người tham gia BHYT có quyền đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến xã, tuyến huyện hoặc tương đương; trừ trường hợp được đăng ký tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến tỉnh hoặc tuyến trung ương theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế. Trường hợp người tham gia BHYT phải làm việc lưu động hoặc đến tạm trú tại địa phương khác thì được khám bệnh, chữa bệnh ban đầu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phù hợp với tuyến chuyên môn kỹ thuật và nơi người đó đang làm việc lưu động, tạm trú. Người tham gia BHYT được thay đổi cơ sở đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu vào đầu mỗi quý...
Trường hợp cấp cứu, người tham gia BHYT được khám bệnh, chữa bệnh tại bất kỳ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nào và phải xuất trình thẻ BHYT tế cùng với giấy tờ theo quy định…


Luật quốc tịch Việt Nam
(SMS: 507147)
- Theo Luật quốc tịch Việt Nam số 24/2008/QH12 được Quốc hội thông qua ngày 13/11/2008, quy định: kể từ ngày 01/7/2009, người không quốc tịch mà không có đầy đủ các giấy tờ về nhân thân, nhưng đã cư trú ổn định trên lãnh thổ Việt Nam từ 20 năm trở lên và tuân thủ Hiến pháp, pháp luật Việt Nam thì được nhập quốc tịch Việt Nam (QTVN) theo trình tự, thủ tục và hồ sơ do Chính phủ quy định…
Bên cạnh đó, những người khác chỉ cần có 1 trong 4 loại giấy tờ sau là có thể trở thành người có QTVN: Giấy khai sinh; trường hợp Giấy khai sinh không thể hiện rõ QTVN thì phải kèm theo giấy tờ chứng minh QTVN của cha mẹ; Giấy chứng minh nhân dân; Hộ chiếu Việt Nam; Quyết định cho nhập, trở lại QTVN, Quyết định công nhận việc nuôi con nuôi đối với trẻ em là người nước ngoài, Quyết định cho người nước ngoài nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi.
Các điều kiện được nhập QTVN bao gồm: Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật Việt Nam; Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật Việt Nam; tôn trọng truyền thống, phong tục, tập quán của dân tộc Việt Nam; Biết tiếng Việt đủ để hoà nhập vào cộng đồng Việt Nam; Đã thường trú ở Việt Nam từ 5 năm trở lên tính đến thời điểm xin nhập QTVN; Có khả năng bảo đảm cuộc sống tại Việt Nam.
Ngoài ra, người xin nhập QTVN có thể được nhập QTVN mà không phải có các điều kiện nói trên nếu là: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ của công dân Việt Nam; Có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam; Có lợi cho Nhà nước. Quy định
người nhập QTVN thì phải thôi quốc tịch nước ngoài có thể được miễn áp dụng đối với các đối tượng này trong trường hợp đặc biệt, nếu được Chủ tịch nước cho phép…

Hồ sơ xin nhập QTVN gồm có các giấy tờ sau: Đơn xin nhập QTVN; Bản sao Giấy khai sinh, Hộ chiếu hoặc giấy tờ khác có giá trị thay thế; Bản khai lý lịch; Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp đối với thời gian người xin nhập QTVN cư trú ở Việt Nam, Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp đối với thời gian người xin nhập QTVN cư trú ở nước ngoài. Phiếu lý lịch tư pháp phải là phiếu được cấp không quá 90 ngày tính đến ngày nộp hồ sơ; Giấy tờ chứng minh trình độ Tiếng Việt; Giấy tờ chứng minh về chỗ ở, thời gian thường trú ở Việt Nam; Giấy tờ chứng minh bảo đảm cuộc sống ở Việt Nam.


Luật giao thông đường bộ
(SMS: 507146)
- Luật giao thông đường bộ số 23/2008/QH12 được Quốc hội thông qua ngày 13/11/2008, quy định: người tham gia giao thông phải có ý thức tự giác, nghiêm chỉnh chấp hành quy tắc giao thông, giữ gìn an toàn cho mình và cho người khác. Chủ phương tiện và người điều khiển phương tiện phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc bảo đảm an toàn của phương tiện tham gia giao thông đường bộ (GTĐB).
Nhà nước có chính sách ưu tiên phát triển vận tải hành khách công cộng; hạn chế sử dụng phương tiện giao thông cá nhân ở các thành phố.
Quỹ đất dành cho kết cấu hạ tầng GTĐB được xác định tại quy hoạch kết cấu hạ tầng GTĐB. UBND cấp tỉnh xác định và quản lý quỹ đất dành cho dự án xây dựng kết cấu hạ tầng GTĐB theo quy hoạch đã được phê duyệt. Tỷ lệ quỹ đất giao thông đô thị so với đất xây dựng đô thị phải bảo đảm từ 16% đến 26%. Chính phủ quy định cụ thể tỷ lệ quỹ đất phù hợp với loại đô thị.
Cấm điều khiển xe ôtô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở…
Người đi bộ, xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô và máy kéo; xe máy chuyên dùng có tốc độ thiết kế nhỏ hơn 70 km/h không được đi vào đường cao tốc, trừ người, phương tiện, thiết bị phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc.
Người lái xe phải có độ tuổi, sức khỏe phù hợp với loại xe, công dụng của xe. Cụ thể: Người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50
cm3; Người đủ 18 tuổi trở lên được lái xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi-lanh từ 50cm3
trở lên và các loại xe có kết cấu tương tự; xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải dưới 3.500 kg; xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi; Người đủ 21 tuổi trở lên được lái xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải từ 3.500 kg trở lên; lái xe hạng B2 kéo rơ moóc (FB2); Người đủ 24 tuổi trở lên được lái xe ô tô chở người từ 10 đến 30 chỗ ngồi; lái xe hạng C kéo rơ moóc, sơ mi rơ moóc (FC); Người đủ 27 tuổi trở lên được lái xe ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi; lái xe hạng D kéo rơ moóc (FD); Tuổi tối đa của người lái xe ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi là 50 tuổi đối với nữ và 55 tuổi đối với nam.
Luật có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2009.


Luật cán bộ, công chức
(SMS: 507145)
- Ngày 13/11/2008, Quốc hội đã thông qua Luật cán bộ, công chức số 22/2008/QH12.
Luật quy định: quản lý cán bộ, công chức (CBCC) phải tuân thủ nguyên tắc tập trung dân chủ, chế độ trách nhiệm cá nhân và phân công, phân cấp rõ ràng; Việc sử dụng, đánh giá, phân loại CBCC phải dựa trên phẩm chất chính trị, đạo đức và năng lực thi hành công vụ; Thực hiện bình đẳng giới…
CBCC trong thi hành công vụ phải chấp hành quyết định của cấp trên. Khi có căn cứ cho rằng quyết định đó là trái pháp luật thì phải kịp thời báo cáo bằng văn bản với người ra quyết định; trường hợp người ra quyết định vẫn quyết định việc thi hành thì phải có văn bản và người thi hành phải chấp hành nhưng không chịu trách nhiệm về hậu quả của việc thi hành, đồng thời báo cáo cấp trên trực tiếp của người ra quyết định. Người ra quyết định phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình. Khi thi hành công vụ, CBCC phải mang phù hiệu hoặc thẻ công chức; có tác phong lịch sự; giữ gìn uy tín, danh dự cho cơ quan, tổ chức, đơn vị và đồng nghiệp, không được hách dịch, cửa quyền, gây khó khăn, phiền hà cho nhân dân…
CBCC là người đứng đầu có trách nhiệm tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về dân chủ cơ sở, văn hóa công sở trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; xử lý kịp thời, nghiêm minh CBCC thuộc quyền quản lý có hành vi vi phạm kỷ luật, pháp luật, có thái độ quan liêu, hách dịch, cửa quyền, gây phiền hà cho công dân…
CBCC được Nhà nước bảo đảm tiền lương tương xứng với nhiệm vụ, quyền hạn được giao, phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của đất nước. CBCC làm việc ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn hoặc trong các ngành, nghề có môi trường độc hại, nguy hiểm được hưởng phụ cấp và chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật.
CBCC làm việc ở ngành, nghề có liên quan đến bí mật nhà nước thì trong thời hạn ít nhất là 05 năm, kể từ khi có quyết định nghỉ hưu, thôi việc, không được làm công việc có liên quan đến ngành, nghề mà trước đây mình đã đảm nhiệm cho tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài hoặc liên doanh với nước ngoài.
CBCC 02 năm liên tiếp hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực hoặc có 02 năm liên tiếp, trong đó 01 năm hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực và 01 năm không hoàn thành nhiệm vụ thì cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền bố trí công tác khác. Nếu 02 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ thì cơ quan, tổ chức có thẩm quyền miễn nhiệm, giải quyết cho thôi làm nhiệm vụ…
Cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý CBCC có thể ra quyết định tạm đình chỉ công tác trong thời gian xem xét, xử lý kỷ luật CBCC, nếu để CBCC đó tiếp tục làm việc có thể gây khó khăn cho việc xem xét, xử lý. Thời hạn tạm đình chỉ công tác không quá 15 ngày, trường hợp cần thiết có thể kéo dài thêm nhưng tối đa không quá 15 ngày; nếu CBCC bị tạm giữ, tạm giam để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử thì thời gian tạm giữ, tạm giam được tính là thời gian nghỉ việc có lý do; hết thời hạn tạm đình chỉ công tác nếu CBCC không bị xử lý kỷ luật thì được tiếp tục bố trí làm việc ở vị trí cũ.
Luật này có hiệu lực từ ngày 01/01/2010.


Luật công nghệ cao
(SMS: 507144)
- Luật công nghệ cao số 21/208/QH12 được Quốc hội thông qua ngày 13/11/2008, nêu rõ: Nhà nước tập trung đầu tư phát triển công nghệ cao (CNC) trong các lĩnh vực công nghệ sau đây: Công nghệ thông tin; Công nghệ sinh học; Công nghệ vật liệu mới; Công nghệ tự động hóa.
Sản phẩm CNC được khuyến khích phát triển là sản phẩm CNC được tạo ra từ công nghệ thuộc Danh mục CNC được ưu tiên đầu tư phát triển và đáp ứng các điều kiện sau: Có tỷ trọng giá trị gia tăng cao trong cơ cấu giá trị sản phẩm; Có tính cạnh tranh cao và hiệu quả kinh tế-xã hội lớn; Có khả năng xuất khẩu hoặc thay thế sản phẩm nhập khẩu; Góp phần nâng cao năng lực khoa học và công nghệ quốc gia.
Tổ chức, cá nhân thực hiện chuyển giao CNC phục vụ nghiên cứu và phát triển CNC, sản xuất, kinh doanh sản phẩm CNC được hưởng mức ưu đãi cao nhất theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư sản xuất sản phẩm thuộc Danh mục sản phẩm CNC được khuyến khích phát triển được hưởng ưu đãi cao nhất theo quy định của pháp luật về đất đai, thuế nhập khẩu…
Nhà đầu tư xây dựng, kinh doanh cơ sở ươm tạo CNC, ươm tạo doanh nghiệp CNC được ưu đãi, hỗ trợ như sau: Giao đất không thu tiền sử dụng đất, miễn thuế sử dụng đất đối với đất dùng để xây dựng cơ sở ươm tạo CNC, ươm tạo doanh nghiệp CNC; Hưởng mức ưu đãi cao nhất theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Được xem xét hỗ trợ một phần kinh phí cho hoạt động ươm tạo CNC, ươm tạo doanh nghiệp CNC từ kinh phí của Chương trình quốc gia phát triển CNC và nguồn kinh phí khác có nguồn gốc ngân sách nhà nước.
Tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong khu CNC, khu nông nghiệp ứng dụng CNC được hưởng mức ưu đãi cao nhất theo quy định của pháp luật về đất đai đối với đất để xây dựng cơ sở nghiên cứu, đào tạo, ươm tạo CNC, ươm tạo doanh nghiệp CNC, cơ sở thử nghiệm, trình diễn, sản xuất sản phẩm CNC, sản phẩm nông nghiệp ứng dụng CNC, cung ứng dịch vụ CNC, hạ tầng thông tin, giao thông, điện, nước, trụ sở điều hành, hệ thống xử lý chất thải trong khu CNC…
Luật  này có hiệu lực từ ngày 01/7/2009.


Luật đa dạng sinh học
(SMS: 507143)
- Luật đa dạng sinh học số 20/2008/QH12 được Quốc hội thông qua ngày 13/11/2008, quy định: bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học (ĐDSH) phải tuân thủ nguyên tắc: Kết hợp hài hòa giữa bảo tồn với khai thác, sử dụng hợp lý ĐDSH, với việc xóa đói, giảm nghèo; Bảo tồn tại chỗ là chính, kết hợp bảo tồn tại chỗ với bảo tồn chuyển chỗ; Tổ chức, cá nhân hưởng lợi từ việc khai thác, sử dụng ĐDSH phải chia sẻ lợi ích với các bên có liên quan; bảo đảm hài hoà giữa lợi ích của Nhà nước với lợi ích của tổ chức, cá nhân; Bảo đảm quản lý rủi ro do sinh vật biến đổi gen, mẫu vật di truyền của sinh vật biến đổi gen gây ra đối với ĐDSH…
Luật cấm các hành vi: săn bắt, đánh bắt, khai thác loài hoang dã trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của khu bảo tồn, trừ việc vì mục đích nghiên cứu khoa học; lấn chiếm đất đai, phá hoại cảnh quan, hủy hoại hệ sinh thái tự nhiên, nuôi trồng các loài ngoại lai xâm hại trong khu bảo tồn; Xây dựng công trình, nhà ở trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của khu bảo tồn, trừ công trình phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh; xây dựng công trình, nhà ở trái phép trong phân khu phục hồi sinh thái của khu bảo tồn; Điều tra, khảo sát, thăm dò, khai thác khoáng sản; chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô trang trại, nuôi trồng thuỷ sản quy mô công nghiệp; cư trú trái phép, gây ô nhiễm môi trường trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt và phân khu phục hồi sinh thái của khu bảo tồn…
Căn cứ vào quy hoạch bảo tồn ĐDSH của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, UBND cấp tỉnh quyết định thành lập khu bảo tồn cấp tỉnh sau khi có ý kiến của UBND các cấp có liên quan, ý kiến cộng đồng dân cư sinh sống hợp pháp trong khu vực dự kiến thành lập khu bảo tồn hoặc tiếp giáp với khu bảo tồn và ý kiến chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý khu bảo tồn.
Chủ dự án đầu tư trong vùng đệm của khu bảo tồn phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường trình Hội đồng thẩm định theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; trong thành phần Hội đồng thẩm định phải có đại diện ban quản lý khu bảo tồn.
Trường hợp dự án đầu tư trong vùng đệm tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố môi trường hoặc phát tán chất thải độc hại thì quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường phải xác định khoảng cách an toàn để không gây tác động xấu đến khu bảo tồn, tổ chức được giao quản lý khu bảo tồn.
Định kỳ 3 năm một lần, Ban quản lý khu bảo tồn, tổ chức được giao quản lý khu bảo tồn có trách nhiệm báo cáo hiện trạng ĐDSH của khu bảo tồn với cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý khu bảo tồn…

Luật này có hiệu lực từ ngày 01/7/2009.
 

 CHÍNH PHỦ


Hoạt động đầu tư trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông
(SMS: 507197)
- Theo Nghị định số 121/2008/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 03/12/2008, quy định: Nhà đầu tư được thực hiện đầu tư trực tiếp trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông dưới các hình thức sau: Thành lập tổ chức kinh tế 100% vốn của nhà đầu tư trong nước hoặc 100% vốn của nhà đầu tư nước ngoài; Thành lập tổ chức kinh tế liên doanh giữa các nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài; Đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC, BOT, BTO, BT; Đầu tư phát triển kinh doanh; Mua cổ phần hoặc góp vốn để tham gia quản lý hoạt động đầu tư; Đầu tư thực hiện việc sáp nhập và mua lại doanh nghiệp…
Đối với dự án đầu tư thiết lập hạ tầng mạng để cung ứng dịch vụ viễn thông, nếu là nhà đầu tư trong nước thì phải là doanh nghiệp nhà nước hoặc doanh nghiệp mà vốn góp của Nhà nước chiếm cổ phần chi phối (chiếm ít nhất 51% tổng số vốn đầu tư của dự án)... Nếu là nhà đầu tư nước ngoài thì phải liên doanh hoặc liên kết với nhà đầu tư trong nước đã được cấp giấy phép…
Vốn đăng ký tối thiểu của dự án đầu tư được phép thiết lập hạ tầng mạng viễn thông công cộng trên phạm vi một tỉnh, thành phố là 160 tỷ đồng, trên phạm vi toàn quốc là 1600 tỷ đồng…
Đối với hoạt động đầu tư vào bưu chính, nhà đầu tư trong nước được thành lập tổ chức kinh tế 100% vốn đầu tư trong nước để cung ứng dịch vụ chuyển phát. Nếu liên doanh với nhà đầu tư nước ngoài thì phần vốn góp của bên nước ngoài chỉ được phép tối đa đến 51%. Kể từ ngày 11/01/2012 mới cho phép nhà đầu tư nước ngoài được thành lập liên doanh với nhà đầu tư trong nước với tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài trên 51% hoặc thành lập tổ chức kinh tế 100% vốn của nhà đầu tư nước ngoài…
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Tăng cường sử dụng hệ thống thư điện tử trong hoạt động của cơ quan nhà nước
(SMS: 507195)
- Theo Chỉ thị số 34/2008/CT-TTg ra ngày 03/12/2008, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm bảo đảm các điều kiện triển khai hệ thống thư điện tử (email) tại cơ quan nhà nước các cấp; tạo lập email cho cơ quan, CBCCVC (tại những nơi chưa đủ điều kiện, xem xét tạm thời sử dụng email miễn phí có tính bảo mật cao).
Đồng thời, tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn bảo đảm cán bộ có thể sử dụng email trong công việc…
Từ ngày 01/01/2009, tại những nơi đã bảo đảm về hạ tầng kỹ thuật, bắt buộc ứng dụng hệ thống email vào hoạt động của cơ quan nhà nước bắt đầu từ cấp quận, huyện, sở, ban, ngành đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và từ cấp đơn vị trực thuộc trực tiếp đối với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
Công khai danh mục địa chỉ email chính thức của từng đơn vị trực thuộc và CBCCVC có thẩm quyền trên trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan.
Ngoài ra, các loại văn bản như: lịch công tác, các tài liệu trao đổi phục vụ công việc, phục vụ các cuộc họp, những văn bản gửi đến những cơ quan để biết, để báo cáo thì thực hiện gửi, nhận qua hệ thống email.
Những văn bản được chuyển qua hệ thống email phù hợp với quy định của pháp luật về giao dịch điện tử có giá trị pháp lý tương đương với văn bản giấy trong giao dịch giữa các cơ quan nhà nước và cơ quan gửi không phải gửi thêm văn bản giấy.
Bên cạnh đó, phải tận dụng triệt để hệ thống email để trao đổi các loại văn bản, tài liệu với người dân và doanh nghiệp khi cung cấp các dịch vụ công và thường xuyên kiểm tra email của cơ quan để hồi đáp kịp thời email của các cơ quan, người dân và doanh nghiệp…


Điều chỉnh cước điện thoại
(SMS: 507177)
- Ngày 01/12/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 155/2008/QĐ-TTg phê duyệt phương án điều chỉnh cước dịch vụ điện thoại cố định nội hạt.
Theo đó từ 01/01/2009, sẽ áp dụng gói cước cơ bản đối với dịch vụ điện thoại cố định nội hạt tại nhà thuê bao (không phân biệt công nghệ và phương thức thanh toán) của tất cả các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông cố định nội hạt…
Cụ thể, điện thoại cố định nội hạt sẽ có cước thuê bao tháng là 20.000 đồng/tháng hoặc 635 đồng/ngày, cước liên lạc là 200 đồng/phút. Đối với dịch vụ điện thoại cố định nội hạt tại các điểm giao dịch công cộng; dịch vụ điện thoại cố định nội hạt đối với các khách hàng lớn, tại các doanh nghiệp, đại lý bán lại dịch vụ và các dịch vụ điện thoại cố định nội hạt khác mức cước nội hạt sẽ do các doanh nghiệp tự quy định nhưng không khác biệt quá 50% so với gói cước cơ bản…
Giai đoạn sau năm 2010, dịch vụ điện thoại cố định nội hạt tại nhà thuê bao (không phân biệt công nghệ và phương thức thanh toán) của tất cả các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông cố định nội hạt sẽ do doanh nghiệp tự quy định mức cước, phương thức tính cước nội hạt trên cơ sở khung giá hoặc chỉ số giá trần CPI (Cap Price Index) do Bộ Thông tin và Truyền thông quy định. Các gói cước khác như: dịch vụ điện thoại cố định nội hạt tại các điểm giao dịch công cộng, dịch vụ điện thoại cố định nội hạt đối với các khách hàng lớn, các doanh nghiệp, đại lý bán lại dịch vụ và các dịch vụ điện thoại cố định nội hạt khác theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông thì doanh nghiệp tự quy định mức cước nội hạt nhưng không khác biệt quá 50% so với gói cước cơ bản và thời gian thực hiện bắt đầu từ 01/01/2011…

Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.