Số 48.2007 (353) ngày 07/12/2007

 CHÍNH PHỦ


Quy chế làm việc của Chính phủ
(SMS: 502331)
- Theo Nghị định số 179/2007/NĐ-CP ban hành ngày 03/12/2007, Chính phủ quy định: mỗi thành viên Chính phủ có hộp thư điện tử riêng để nhận, gửi thông tin, tài liệu, đơn thư, giấy mời họp, trao đổi ý kiến về các công việc có liên quan, được trang bị các phương tiện để phục vụ việc xử lý công việc, trao đổi thông tin, họp qua mạng máy tính...
Thành viên Chính phủ phải thực hiện kế hoạch đi công tác địa phương, cơ sở, kế hoạch tiếp dân, đối thoại với nhân dân về các vấn đề thuộc phạm vi phụ trách của mình.
Chính phủ họp thường kỳ mỗi tháng một lần. Thủ tướng có thể chỉ đạo triệu tập phiên họp bất thường của Chính phủ. Phiên họp bất thường cũng được tổ chức khi có yêu cầu của ít nhất 1/3 tổng số thành viên Chính phủ.
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nhiệm vụ thực hiện tốt quy định về chế độ phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan thông tin đại chúng trong việc tiếp cận thông tin chính xác, kịp thời về các sự kiện xảy ra trong ngành, lĩnh vực, địa phương mình…
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Cơ cấu tổ chức các Bộ
(SMS: 502313)
- Ngày 03/12/2007, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 178/2007/NĐ-CP nêu rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ cũng như chế độ làm việc, quyền  hạn và trách nhiệm của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ.
Số lượng Thứ trưởng ở mỗi Bộ không quá 4 người. Trường hợp đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Các tổ chức giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước gồm Vụ, Văn phòng, Thanh tra, Cục, Tổng cục và tương đương và cơ quan đại diện của Bộ ở địa phương và nước ngoài. Số lượng cấp phó của người đứng đầu các tổ chức thuộc Bộ quy định không quá 3 người.
Bộ trưởng làm việc theo chế độ thủ trưởng và Quy chế làm việc của Chính phủ, đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ. Bộ trưởng chịu trách nhiệm về chất lượng, nội dung các văn bản quy phạm pháp luật do Bộ chuẩn bị, phải chịu trách nhiệm về những quyết định của Thứ trưởng được phân công hoặc ủy nhiệm giải quyết.
Bộ trưởng phải chịu trách nhiệm về hiệu quả các dự án, chương trình, đề án của Bộ và việc sử dụng các nguồn lực của Bộ. Chịu trách nhiệm liên đới về những công việc đã phân cấp cho chính quyền địa phương, khi Bộ không thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra để xảy ra sự cố, thảm họa nguy hiểm, thất thoát, thiệt hại lớn đến tài sản của Nhà nước và nhân dân.
Bộ trưởng không được chuyển các vấn đề thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ lên Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ, những vấn đề vượt quá thẩm quyền được giao phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Quỹ dịch vụ viễn thông công ích
(SMS: 502312)
- Ngày 03/12/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 186/2007/QĐ-TTg sửa đổi Quyết định số 191/2004/QĐ-TTg về thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam.
Theo đó, một số khoản đóng góp của các doanh nghiệp viễn thông cho Quỹ này sẽ được giảm 2% so với trước đây.
Cụ thể, tất cả các doanh nghiệp viễn thông hoạt động kinh doanh tại Việt Nam đều phải thực hiện nghĩa vụ cung cấp dịch vụ viễn thông công ích tại Việt Nam thông qua đóng góp tài chính cho Quỹ. Các khoản đóng góp của doanh nghiệp viễn thông cho Quỹ từ năm tài chính 2007 được tính theo doanh thu cung ứng dịch vụ cho khách hàng sử dụng (không tính doanh thu kết nối). Trên cơ sở đó, các dịch vụ viễn thông di động đóng góp là 3% doanh thu (mức đóng góp này đã giảm 2% so với quy định tại Quyết định 191/2004/QĐ-TTg).
Dịch vụ điện thoại đường dài quốc tế, dịch vụ thuê kênh đường dài quốc tế, mức đóng góp 2%...
Dịch vụ điện thoại đường dài trong nước liên tỉnh, dịch vụ thuê kênh đường dài trong nước có mức đóng góp là 1% doanh thu.
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Tăng thêm ưu đãi đối với Khu kinh tế ở Chu Lai
(SMS: 502339)
- Ngày 03/12/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 185/2007/QĐ-TTg về tổ chức và hoạt động của Khu thương mại tự do Chu Lai thuộc Khu kinh tế mở Chu Lai, tỉnh Quảng Nam.
Theo đó, cơ sở kinh doanh mới thành lập từ dự án đầu tư thuộc các lĩnh vực kết cấu hạ tầng, công nghệ cao, công nghệ đặc biệt, công nghệ và công nghiệp sạch đầu tư vào Khu TMTD Chu Lai được áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 10% trong suốt thời gian thực hiện dự án; được miễn thuế 04 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% số thuế phải nộp trong 09 năm tiếp theo.
Người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài xuất, nhập cảnh Khu TMTD Chu Lai bằng đường biển qua cảng Kỳ Hà và bằng đường hàng không qua cảng hàng không quốc tế Chu Lai không phải làm thủ tục xuất, nhập cảnh, chỉ cần xuất trình hộ chiếu hoặc các giấy tờ khác có giá trị tương đương với cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh. Trường hợp các đối tượng trên có nhu cầu nhập cảnh vào nội địa Việt Nam thì phải thực hiện theo quy định hiện hành về quản lý xuất, nhập cảnh. Nhà đầu tư, thương nhân làm việc trong Khu TMTD có nhu cầu lưu trú dài hạn được Công an tỉnh Quảng Nam cấp Thẻ tạm trú có thời hạn tối đa 03 năm…
Ngoài ra, nhà đầu tư được phép đầu tư cửa hàng miễn thuế trong Khu TMTD Chu Lai để phục vụ các đối tượng là khách xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh bằng đường biển, đường hàng không; thủy thủ, thuyền viên nước ngoài, khách du lịch quốc tế đường biển vào cảng Kỳ Hà; nhà đầu tư, thương nhân được tạm trú trong Khu TMTD. Nếu hàng hóa miễn thuế được đưa ra khỏi Khu phi thuế quan thì phải chịu thuế theo luật định…
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Cải cách thủ tục đầu tư và hành chính đối với doanh nghiệp
(SMS: 502314)
- Ngày 30/11/2007, Chính phủ đã ra Nghị quyết số 59/2007/NQ-CP về một số giải pháp xử lý vướng mắc trong hoạt động đầu tư xây dựng và cải cách một số thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp.
Theo đó, khi dự án đầu tư đã được chấp thuận, Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cấp huyện hoặc tổ chức phát triển quỹ đất được vào khu vực dự án để thực hiện các công việc liên quan đến lập phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho dự án. Chủ đầu tư dự án được tạm ứng tiền chi bồi thường, giải phóng mặt bằng theo đề nghị của Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cấp huyện hoặc tổ chức phát triển quỹ đất.
Bên cạnh đó, để đơn giản hóa thủ tục hành chính trong việc cấp Giấy phép hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản, Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hướng dẫn để kết hợp đưa nội dung Giấy phép khảo sát khoáng sản vào Giấy phép thăm dò khoáng sản; Giấy phép chế biến khoáng sản vào Giấy phép khai thác khoáng sản hoặc Giấy chứng nhận đầu tư để cấp một lần cho các doanh nghiệp.
Ngay trong tháng 12/2007, Bộ Công an hoàn thành việc hướng dẫn thủ tục khắc dấu của doanh nghiệp mà không cần giấy phép khắc dấu…


Tiêu chuẩn phương tiện đi lại
(SMS: 502310)
- Ngày 30/11/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 184/2007/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý sử dụng phương tiện đi lại trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, công ty nhà nước ban hành kèm theo Quyết định số 59/2007/QĐ-TTg.
Theo đó, xe ôtô được thay thế khi đã sử dụng ít nhất 200.000 km (quy định trước đây là 250.000 km) đối với các chức danh như Trưởng ban của Đảng ở Trung ương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội... và các chức danh tương đương có hệ số lương khởi điểm từ 9,7 trở lên. Riêng ở địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn thì được thay thế xe khi đã sử dụng ít nhất 160.000 km.
Nếu như Quyết định 59/2007/QĐ-TTg quy định lãnh đạo cấp Tổng cục, Cục, Vụ, Viện thuộc Bộ và cán bộ lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo từ 0,7 đến dưới 1,25 của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp; Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân và Phó Chủ tịch UBND, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách, Ủy viên ban Thường vụ thành ủy, tỉnh ủy; cán bộ cấp Trưởng, Phó các Sở, Ban, ngành và  tương đương cấp tỉnh,  Bí thư, Phó Bí thư cấp huyện; Chủ tịch và Phó chủ tịch HĐND cấp huyện; Chủ tịch và Phó chủ tịch UBND cấp huyện và cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo từ 0,7 đến dưới 1,25 chỉ được bố trí xe ô tô khi đi công tác cách trụ sở cơ quan từ 15 km trở lên thì nay căn cứ vào điều kiện cơ sở hạ tầng giao thông và khả năng cung cấp dịch vụ phương tiện đi lại của thị trường, mà Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sẽ quy định khoảng cách cụ thể  từ trụ sở cơ quan khi đi công tác được bố trí xe. Trường hợp đối tượng tự túc phương tiện thì được khoán kinh phí theo quy định...
Đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp hoạt động trên địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn hiện đã có đủ điều kiện thanh lý hoặc bị hư hỏng xe mà việc sửa chữa để tiếp tục sử dụng không hiệu quả, không đảm bảo an toàn khi vận hành thì thực hiện thanh lý, nếu không có điều kiện thuê được xe ô tô phục vụ công tác và không điều chuyển được thì được mua mới để thay thế xe ô tô đã thanh lý theo quy định...

Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ TÀI CHÍNH


Hướng dẫn thu tiền thuê đất, thuê mặt nước
(SMS: 502334)
- Ngày 30/11/2007, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 141/2007/TT-BTC hướng dẫn sửa đổi, bổ sung Thông tư số 120/2005/TT-BTC hướng dẫn thực hiện Nghị định số 142/2005/NĐ-CP về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước.
Theo đó, trường hợp sử dụng một phần diện tích đất được giao không thu tiền sử dụng đất vào mục đích sản xuất kinh doanh, dịch vụ thì người sử dụng đất phải nộp tiền thuê đất đối với diện tích đất thực tế sử dụng vào sản xuất kinh doanh, dịch vụ...
Trường hợp người được giao đất không thu tiền sử dụng đất sử dụng đất được giao vừa phục vụ nhiệm vụ chính trị của đơn vị, vừa phục vụ mục đích sản xuất kinh doanh, dịch vụ (không tách riêng được diện tích đất phục vụ mục đích sản xuất kinh doanh, dịch vụ) thì tính tiền thuê đất phải nộp đối với diện tích đất phục vụ mục đích sản xuất kinh doanh, dịch vụ theo phương pháp phân bổ...
Trường hợp nộp tiền thuê đất 01 lần cho cả thời hạn thuê thì tiền bồi thường đất, hỗ trợ về đất được trừ vào tiền thuê đất của cả thời hạn thuê đất; nếu tiền thuê đất của cả thời hạn thuê đất lớn hơn tiền bồi thường đất, hỗ trợ về đất thì người thuê đất nộp 01 lần phần chênh lệch này vào ngân sách nhà nước ngay trong năm đầu tiên nộp tiền thuê đất...
Hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất nông nghiệp trong hạn mức sử dụng đất nông nghiệp, nay được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sang mục đích sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp mà lựa chọn hình thức thuê đất thì được trừ giá trị quyền sử dụng đất nông nghiệp vào tiền thuê đất phải nộp; mức được trừ không vượt quá số tiền thuê đất phải nộp...

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ CÔNG AN


Hướng dẫn cấp, sửa đổi hộ chiếu phổ thông
(SMS: 502337)
- Ngày 29/11/2007, Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 27/2007/TT-BCA(A11) hướng dẫn việc cấp, sửa đổi hộ chiếu phổ thông ở trong nước theo Nghị định số 136/2007/NĐ-CP về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.
Theo đó, hồ sơ đề nghị cấp hộ chiếu lần đầu gồm 4 ảnh mới chụp, cỡ 4x6 cm, mặt nhìn thẳng, đầu để trần, phông nền màu trắng… Đối với trẻ em dưới 14 tuổi: Tờ khai đề nghị cấp hộ chiếu phải được Công an xã, phường, thị trấn nơi thường trú hoặc tạm trú xác nhận và đóng dấu giáp lai ảnh. Trường hợp đề nghị cấp chung hộ chiếu với mẹ hoặc cha thì nộp 01 bản sao giấy khai sinh (mang theo bản chính để đối chiếu) và 04 ảnh cỡ 3x4 cm…
Người đề nghị cấp hộ chiếu lần đầu, cấp lại, sửa đổi hộ chiếu nộp hồ sơ tại cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh nơi thường trú hoặc tạm trú theo một trong 3 cách sau đây: Trực tiếp nộp hồ sơ và nhận kết quả; Ủy thác cho cơ quan, tổ chức có tư cách pháp nhân; Gửi hồ sơ và đề nghị nhận kết quả qua đường bưu điện.
Về thời hạn trả kết quả của cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh: nếu hồ sơ nộp tại Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì trả kết quả trong thời hạn không quá 8 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ theo quy định. Nếu hồ sơ nộp tại Cục Quản lý xuất nhập cảnh thì trả kết quả trong thời hạn không quá 5 ngày…
Nếu hộ chiếu bị mất ở trong nước thì trong thời hạn 48 giờ kể từ khi phát hiện mất phải có đơn trình báo và có xác nhận của Công an phường, xã, thị trấn nơi gần nhất, sau đó trực tiếp nộp hoặc gửi qua đường bưu điện tới Cục Quản lý xuất nhập cảnh hoặc Công an tỉnh, thành phố nơi thường trú hoặc tạm trú. Nếu hộ chiếu bị mất ở nước ngoài thì phải có đơn trình báo ngay với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nơi gần nhất và cơ quan có thẩm quyền của nước sở tại.
Hộ chiếu cấp cho công dân từ đủ 14 tuổi trở lên có thời hạn không quá 10 năm tính từ ngày cấp và không được gia hạn. Đối với hộ chiếu đã được cấp có thời hạn 5 năm trước khi hết hạn ít nhất 30 ngày được gia hạn một lần không quá 3 năm.

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC


Hướng dẫn mua cổ phần ngân hàng đối với nhà đầu tư nước ngoài
(SMS: 502297)
- Ngày 29/11/2007, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 07/2007/TT-NHNN hướng dẫn thi hành một số nội dung Nghị định số 69/2007/NĐ-CP về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của ngân hàng thương mại Việt Nam.
Theo đó, ngân hàng thương mại cổ phần chưa được niêm yết trên thị trường chứng khoán bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài phải đảm bảo các điều kiện sau: Có vốn điều lệ tối thiểu đạt 1.000 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu đến thời điểm đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét việc bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài không lớn hơn 3%; kết quả kinh doanh năm liền kề trước năm bán cổ phần phải có lãi…
Ngoài ra, ngân hàng đó phải có Hội đồng Quản trị, Ban kiểm soát có số lượng thành viên và cơ cấu đảm bảo theo quy định của pháp luật; thành viên Hội đồng Quản trị, thành viên Ban Kiểm soát và người điều hành không vi phạm nghiêm trọng các quy định có liên quan đến quản trị, kiểm soát, điều hành Ngân hàng trong thời gian đương nhiệm.
Hệ thống kiểm tra, kiểm soát, kiểm toán nội bộ của ngân hàng được thiết lập và thực hiện nhiệm vụ theo đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam…
Bên cạnh đó, ngân hàng cũng phải đảm bảo không bị xử phạt hành chính từ mức 5 triệu đồng trở lên do vi phạm quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về các tỷ lệ đảm bảo an toàn, việc phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng trong hoạt động trong thời gian 24 tháng…

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.