Số 48.2006 (302) ngày 08/12/2006

 CHÍNH PHỦ


Quy hoạch xây dựng trong khu vực Bộ Quốc phòng quản lý
(SMS: 202161)
- Ngày 04/12/2006, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 148/2006/NĐ-CP về quy hoạch, xây dựng, quản lý và bảo vệ Vành đai an toàn các kho đạn dược, vật liệu nổ, nhà máy sản xuất đạn dược, vật liệu nổ do Bộ Quốc phòng quản lý.
Theo đó, bán kính an toàn của các kho đạn dược đối với kho cấp Bộ Quốc phòng và kho cấp quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng, vùng hải quân và tương đương: từ 1.200 đến 1.500 mét; kho cấp sư đoàn, kho cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và tương đương: từ 800 đến 1.000 mét...
Cấm các hoạt động sau trong phạm vi Vành đai an toàn kho: Xây dựng nhà ở, công trình kinh tế, dân sinh; Thăm dò, khai thác tài nguyên khoáng sản; Canh tác nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp trong phạm vi 50 mét tính từ giới hạn trong của Vành đai an toàn kho trở ra xung quanh; Tham quan du lịch, các hoạt động tập thể...
Nghiêm cấm việc cấp giấy phép, tổ chức xây dựng nhà ở, các công trình kinh tế dân sinh.

Trong phạm vi bán kính 500 mét tính từ giới hạn trong trở ra xung quanh đến giới hạn ngoài của Vành đai an toàn kho, được xây dựng đường điện cao thế dưới 110 KV...

Trong phạm vi bán kính 50 mét tính từ giới hạn trong trở ra xung quanh đến giới hạn ngoài của Vành đai an toàn kho, được phép: Xây dựng các công trình thủy nông quy mô vừa và nhỏ, các công trình phục vụ phòng, chống cháy, nổ, cứu hộ, cứu nạn; Canh tác nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp...
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Điều chỉnh giá bán điện
(SMS: 202169)
- Theo Quyết định số 276/2006/QĐ-TTg ban hành ngày 04/12/2006, Thủ tướng Chính phủ quyết định: kể từ ngày 01/01/2007, giá bán lẻ điện bình quân là 842 đồng/kWh; từ 01/7/2008, điều chỉnh lên mức mới 890 đồng/kWh. Từ năm 2010, giá bán lẻ điện được thực hiện trên cơ sở giá thị trường...
Giá bán điện sinh hoạt không thay đổi cho 100 kWh đầu tiên (550đ/kWh), các kWh tiêu thụ tiếp theo được tính luỹ tiến theo bậc thang (cho kWh từ 101 - 150: 1110đ; 151 - 200: 1470đ; 201 - 300: 1600đ...). Giá trần bán lẻ điện sinh hoạt nông thôn là 700 đ/kWh...
Khung giá bán lẻ điện do đơn vị phát điện độc lập trực tiếp bán lẻ cho các đối tượng sử dụng do hai bên thoả thuận nhưng không vượt quá ±25% đối với giá bán điện...
Lộ trình điều chỉnh giá điện phải bảo đảm từng bước thực hiện chủ trương xóa bao cấp qua giá điện đối với sản xuất, đồng thời bảo đảm để các doanh nghiệp tính đúng, tính đủ chi phí sản xuất, minh bạch trong hạch toán kinh tế, kể cả các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh điện. Một nguyên tắc quan trọng khác là giá điện phải khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả trong cả sản xuất và đời sống...


Chính sách thuế đối với khai thác tài nguyên
(SMS: 20487)
- Ngày 01/12/2006, Chính phủ đã ban ban hành Nghị định số 147/2006/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 68/1998/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Thuế tài nguyên (sửa đổi) để hướng dẫn giá tính thuế tài nguyên và miễn, giảm thuế tài nguyên.
Chính phủ quy định: ổ chức, cá nhân hoạt động khai thác thuỷ sản ở vùng biển xa bờ bằng phương tiện có công suất lớn được miễn giảm thuế tài nguyên trong 5 năm kể từ khi được cấp Giấy phép khai thác và giảm 50% thuế tài nguyên trong 5 năm tiếp theo...
Giá tính thuế của toàn bộ sản lượng tài nguyên khai thác được trong tháng là giá bán đơn vị sản phẩm tài nguyên tại nơi khai thác. Trường hợp trong tháng có phát sinh sản lượng tài nguyên khai thác nhưng không phát sinh doanh thu bán tài nguyên tại nơi khai thác thì giá tính thuế đơn vị tài nguyên được xác định căn cứ vào giá tính thuế đơn vị sản phẩm tài nguyên của tháng trước liền kề...
Đối với nước thiên nhiên dùng sản xuất thuỷ điện, giá tính thuế tài nguyên là giá bán điện thương phẩm, thuế tài nguyên đối với gỗ là giá bán tại bãi giao...
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí
(SMS: 202153)
- Theo Nghị định số 145/2006/NĐ-CP ban hành ngày 30/11/2006, Chính phủ quy định: khi phát hiện hành vi vi phạm hành chính hoặc nhận được báo cáo, biên bản về hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, người có thẩm quyền xử phạt phải kiểm tra, xác minh, ra lệnh đình chỉ ngay hành vi vi phạm và áp dụng mức phạt tiền từ 200.000 đồng đến 100 triệu đồng...
Hành vi không lập chương trình công tác năm tương ứng gửi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền theo từng giai đoạn phù hợp với cam kết trong hợp đồng dầu khí về thời hạn, nội dung công việc, tài chính sẽ bị áp dụng mức phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 - 500.000 đồng...
Mức phạt tiền cao nhất từ 80 - 100 triệu đồng được áp dụng đối với hành vi tiến hành hoạt động tìm kiếm, thăm dò dầu khí khi đề án tổng thể và đề án chi tiết chưa được các cấp có thẩm quyền phê duyệt; không nộp tài liệu và mẫu vật thu được trong quá trình khoan cho cơ quan có thẩm quyền; kéo dài thời hạn của giai đoạn tìm kiếm, thăm dò khi chưa có sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền; giữ lại diện tích phát hiện khí có khả năng thương mại khi chưa được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ; tiến hành hoạt động tìm kiếm, thăm dò dầu khí tại khu vực Nhà nước tuyên bố cấm hoặc tạm thời cấm;...
Đối với các hành vi vi phạm quy định an toàn, an ninh và môi trường trong lĩnh vực dầu khí áp dụng mức phạt từ cảnh cáo đến phạt tiền 100 triệu đồng. Riêng đối với các hành vi: không thiết lập hành lang an toàn xung quanh các công trình dầu khí; tiến hành xây dựng các công trình, sử dụng lửa trần, các thiết bị phát nhiệt, phát lửa trong hành lang an toàn các công trình dầu khí trên đất liền gây nguy hại cho công trình dầu khí đó; các phương tiện tàu, thuyền thả neo trong phạm vi 2 hải lý tính từ rìa ngoài cùng của công trình dầu khí biển;... sẽ bị áp dụng mức phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng...

Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 LIÊN BỘ: Y TẾ - TÀI CHÍNH


Sửa đổi một số quy định về bảo hiểm y tế bắt buộc
(SMS: 202170)
- Ngày 06/12/2006, Bộ Y tế và Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư liên tịch số 16/2006/TTLT-BYT-BTC hướng dẫn sửa đổi, bổ sung một số điểm của Thông tư liên tịch số 21/2005/TTLT-BYT-BTC hướng dẫn thực hiện bảo hiểm y tế bắt buộc.
Bộ Y tế và Bộ Tài chính có một số hướng dẫn sau:
Huỷ bỏ quy đinh: mức đóng BHYT tạm thời là 50.000 đồng/người/năm.
Huỷ bỏ quy định sau: cơ quan BHXH có trách nhiệm ứng trước cho cơ sở KCB một khoản kinh phí tối thiểu bằng 80% số tiền chi cho KCB đã được quyết toán của Quý trước, khi quyết toán hai bên cân đối bù trừ và BHXH thực hiện việc tạm ứng tiếp cho Quý sau. Đến cuối năm, vào tháng 11, cơ quan BHXH có trách nhiệm tạm ứng trước kinh phí để cơ sở KCB chủ động mua thuốc, vật tư y tế tiêu hao phục vụ người bệnh năm sau...

Thông tư liên tịch này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ TÀI CHÍNH


Sửa đổi, bổ sung Biểu thuế xuất khẩu
(SMS: 202163)
- Ngày 05/12/2006, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 67/2006/QĐ-BTC về việc sửa đổi, bổ sung thuế suất thuế xuất khẩu một số nhóm mặt hàng trong Biểu thuế xuất khẩu.
Theo đó áp dụng mức thuế suất thuế xuất khẩu mới là 10% đối với các loại quặng (loại thô) sau: sắt và tinh quặng sắt, kể cả pirit sắt đã nung; đồng và tinh quặng đồng; nhôm và tinh quặng nhôm; chì và tinh quặng chì; thiếc và tinh quặng thiếc; titan và tinh quặng titan; kim loại quý và tinh quặng kim loại quý... (quy định về thuế suất hiện hành của các mặt hàng này là 0%)...
Đối với Than đá; than bánh; Than non; Than non; Than cốc... cúng áp dụng thuế suất 10%, trong khi thuế hiện hành là 0%...
Riêng sắt thép phế liệu, phế thải mức thuế suất là 33% (giảm 2% so với mức thuế suất hiện hành)...
Đồng phế liệu và mảnh vụn; Niken phế liệu và mảnh vụn; Nhôm phế liệu và mảnh vụn; Chì phế liệu và mảnh vụn; Thiếc phế liệu và mảnh vụn... là 40% (giảm 5% so với mức thuế suất hiện hành)...
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Giải ngân, thanh toán vốn, thu hồi nợ
(SMS: 202160)
- Ngày 04/12/2006, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 110/2006/TT-BTC hướng dẫn việc giải ngân, thanh toán vốn và thu hồi nợ vay theo Hiệp định tín dụng giữa Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam với Chính phủ Vương quốc Campuchia VC-01 ký ngày 10/10/2005.
Bộ Tài chính hướng dẫn: Đồng tiền ghi trên Giấy đề nghị thanh toán và ghi nhận nợ cho phía Campuchia là đô la Mỹ. Tổng số tiền cấp thanh toán theo Hiệp định tín dụng không vượt quá 25,8 triệu USD. Ngày cấp thanh toán cuối cùng cho Bên vay là ngày 10/10/2009, trừ khi có thoả thuận khác của hai Bên vay và Bên cho vay...
Tất cả các Hợp đồng kinh tế phải được gửi đến Bộ Kinh tế và Tài chính Campuchia để làm thủ tục phê duyệt chấp thuận hợp đồng; Bản phê duyệt chấp thuận Hợp đồng của Bộ Kinh tế và Tài chính Campuchia được gửi cho Bộ Tài chính Việt Nam để xem xét, nếu phù hợp với các quy định của Hiệp định tín dụng thì Bộ Tài chính thông báo xác nhận Hợp đồng cho Bộ Kinh tế và Tài chính Campuchia, đồng thời có công văn chấp thuận gửi cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam.

Thông tư này có hiệu lực kể sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và áp dụng cho việc triển khai các nội dung của Hiệp định tín dụng VC-01 ký ngày 10/10/2005.
 

 BỘ TƯ PHÁP


Quy chế quản lý Văn phòng con nuôi nước ngoài tại Việt Nam
(SMS: 202168)
- Quyết định số 09/2006/QĐ-BTP ban hành ngày 30/11/2006 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định: Văn phòng con nuôi nước ngoài chỉ được hoạt động nhân đạo, phi lợi nhuận nhằm hỗ trợ việc xin nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi trên cơ sở Giấy phép lập Văn phòng con nuôi nước ngoài tại Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Tư pháp cấp...
Nghiêm cấm Văn phòng con nuôi nước ngoài có các hoạt động: Kinh doanh dịch vụ môi giới con nuôi; Lợi dụng việc hỗ trợ xin nhận con nuôi nhằm mục đích mua bán trẻ em, bóc lột sức lao động, xâm phạm tình dục đối với trẻ em hoặc vì mục đích trục lợi khác; Trực tiếp giới thiệu trẻ em làm con nuôi người nước ngoài trái pháp luật; Cạnh tranh bất hợp pháp với các Văn phòng con nuôi nước ngoài khác tại Việt Nam trong hỗ trợ nhân đạo, trợ giúp kỹ thuật nhằm môi giới, giới thiệu trẻ em làm con nuôi.
Tổ chức con nuôi nước ngoài đáp ứng đủ các điều kiện sau đây, thì được phép lập Văn phòng con nuôi nước ngoài tại Việt Nam: Có giấy phép hoạt động trong lĩnh vực nuôi con nuôi do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước, nơi tổ chức được thành lập cấp, cho phép hoạt động trong lĩnh vực nuôi con nuôi tại Việt Nam; Có chương trình, kế hoạch hoặc dự án hoạt động nhân đạo, trợ giúp kỹ thuật nhằm hỗ trợ việc xin nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi; Có địa điểm đặt trụ sở Văn phòng tại Việt Nam nhằm bảo đảm hoạt động của Văn phòng; nơi đặt trụ sở phải đáp ứng các yêu cầu của địa phương về bảo đảm trật tự an ninh công cộng, phòng chống cháy nổ và vệ sinh môi trường...

Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI


Xếp hạng đơn vị sụ nghiệp công lập
(SMS: 202162)
- Ngày 28/11/2006, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 18/2006/TT-BLĐTBXH hướng dẫn xếp hạng một số loại hình đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành lao động, thương binh và xã hội.
Mục đích của việc xếp hạng là hoàn thiện chức năng, cơ sở vật chất, đội ngũ viên chức của các đơn vị sự nghiệp ngành lao động; nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ sở, thống nhất thực hiện chế độ phụ cấp chức vụ đối với cán bộ lãnh đạo và thực hiện phân cấp quản lý đối với đơn vị...
Việc xếp hạng được xác định trên nguyên tắc đánh giá, chấm điểm theo 4 nhóm tiêu chí: chức năng, nhiệm vụ; hiệu quả, chất lượng công việc; cơ sở hạ tầng, trang thiết bị; trình độ chuyên môn, cơ cấu của đội ngũ cán bộ, viên chức...
Các cơ sở điều dưỡng đối với người có công với cách mạng, đơn vị bảo trợ xã hội, đơn vị phục hồi chức năng, kiểm định kỹ thuật an toàn, sẽ được xếp hạng từ 1 đến 4. Sau 5 năm, các đơn vị sẽ được xem xét nâng hoặc hạ hạng...
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội quyết định xếp hạng đối với đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ. Các bộ, ngành khác và UBND tỉnh thành quyết định xếp hạng đối với đơn vị sự nghiệp trực tiếp quản lý và gửi báo cáo về Bộ Lao động...

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.