Số 47.2009 (454) ngày 01/12/2009

CHÍNH PHỦ

Nghị định mới về đầu tư theo hình thức BOT, BTO và BT (SMS: 108/2009/ND-CP) - Đó là  Nghị định số 108/2009/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức Hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (Hợp đồng BOT), Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao - Kinh doanh (Hợp đồng BTO), Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (Hợp đồng BT) vừa được Chính phủ ban hành ngày 27/11/2009. Nghị định này quy định lĩnh vực, điều kiện, trình tự, thủ tục đầu tư, ưu đãi đầu tư; quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia các Hợp đồng nói trên. Theo Nghị định này, Chính phủ khuyến khích thực hiện theo hình thức Hợp đồng BOT, BTO, BT các dự án xây dựng và vận hành, quản lý công trình kết cấu hạ tầng mới hoặc dự án cải tạo, mở rộng, hiện đại hóa và vận hành, quản lý các công trình hiện có trong các lĩnh vực: đường bộ, cầu đường bộ, hầm đường bộ, bến phà đường bộ, đường sắt, cầu đường sắt, hầm đường sắt, cảng hàng không, cảng biển, cảng sông, hệ thống cung cấp nước sạch, hệ thống thoát nước, hệ thống thu gom, xử lý nước thải, chất thải, nhà máy điện, đường dây tải điện.
Căn cứ quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội trong từng thời kỳ, các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh tổ chức lập danh mục dự án BOT, dự án BTO và dự án BT của ngành và địa phương và công bố danh mục dự án trong tháng 01 hàng năm trên trang thông tin điện tử của bộ, ngành, địa phương và đăng tải trên Báo Đấu thầu trong 3 số liên tiếp. Thời hạn tối thiểu để nhà đầu tư lựa chọn và đăng ký thực hiện dự án là 30 ngày kể từ ngày danh mục dự án được đăng tải lần cuối. Nhà đầu tư có thể đề nghị thực hiện dự án ngoài danh mục dự án đã công bố và phải lập đề xuất gửi bộ, ngành, UBND cấp tỉnh phê duyệt. Đối với dự án trong danh mục dự án đã công bố có từ 02 nhà đầu tư trở lên cùng đăng ký thực hiện, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải tổ chức đấu thầu rộng rãi trong nước hoặc quốc tế để lựa chọn nhà đầu tư.
Cũng theo quy định tại Nghị định này, doanh nghiệp BOT và doanh nghiệp BTO được hưởng các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế TNDN; hàng hóa nhập khẩu để thực hiện dự án của doanh nghiệp BOT, BTO và của các nhà thầu được hưởng ưu đãi theo quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; doanh nghiệp BOT và doanh nghiệp BTO được miễn tiền sử dụng đất đối với diện tích đất được Nhà nước giao hoặc được miễn tiền thuê đất trong toàn bộ thời gian thực hiện dự án.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/01/2010 và thay thế Nghị định số 78/2007/NĐ-CP ngày 11/5/2007 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức Hợp đồng BOT, Hợp đồng BTO và và Hợp đồng BT.
Quy định về kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng (SMS: 107/2009/ND-CP) - Được thực hiện theo Nghị định số 107/2009/NĐ-CP ngày 26/11/2009 của Chính phủ. Theo Nghị định này, thương nhân kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) phải tổ chức kiểm tra định kỳ cơ sở kinh doanh LPG thuộc mình quản lý tuân thủ các quy định của pháp luật về an toàn, phòng cháy và chữa cháy; an ninh trật tự; an toàn lao động, vệ sinh lao động, bảo vệ môi trường và đo lường, chất lượng. Thương nhân kinh doanh LPG đầu mối phải thực hiện phân phối LPG và LPG chai trên thị trường thông qua hệ thống phân phối thuộc mình quản lý, bao gồm doanh nghiệp thành viên, chi nhánh kinh doanh LPG, trạm nạp LPG vào chai, trạm cấp LPG, trạm nạp LPG vào ô tô, cửa hàng bán LPG, tổng đại lý và đại lý.
Chai LPG trước khi đưa vào sử dụng phải thực hiện việc kiểm định kỹ thuật an toàn, đã đăng ký sử dụng, đăng ký nhãn hàng hóa, thương hiệu theo quy định của pháp luật; chai LPG đã qua sử dụng  phải thực hiện tái kiểm định kỹ thuật an toàn; các chai LPG phải có đầy đủ hồ sơ được lưu trữ theo quy định tại cơ sở kinh doanh của thương nhân chủ sở hữu chai LPG. Thương nhân chủ sở hữu chai LPG được quyền cho ký cược chai LPG thuộc sở hữu và được phép quy định “Phiếu ký cược chai LPG”, áp dụng thống nhất trong hệ thống phân phối và khách hàng tiêu thụ thuộc thương nhân quản lý; được quyền kiểm tra hồ sơ ký cược chai LPG tại bất kỳ cơ sở nào có tồn chứa, sử dụng chai LPG của mình. Thương nhân chủ sở hữu cơ sở kinh doanh LPG bị sáp nhập hoặc bị giải thể hoặc chuyển đổi ngành nghề không kinh doanh LPG hoặc ngừng hoạt động kinh doanh lâu dài phải thu hồi toàn bộ số chai LPG thuộc sở hữu của mình để bán hoặc nhượng lại cho thương nhân khác kèm theo đầy đủ hồ sơ quy định; thương nhân nào sở hữu các chai LPG này phải đăng ký lại nhãn hàng hóa, thương hiệu tại cơ quan chức năng có thẩm quyền.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/01/2010. Các cơ sở kinh doanh LPG của thương nhân đang hoạt động không đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại Nghị định này được phép tiếp tục hoạt động đến hết ngày 30/9/2010, sau thời điểm này phải tuân thủ các điều kiện quy định tại Nghị định này.     
Xuất cấp vắc xin phòng, chống dịch bệnh sau bão (SMS: 1938/QD-TTg) - Ngày 24/11/2009, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1938/QĐ-TTg giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xuất cấp (không thu tiền) 830.000 liều vắc xin LMLM 3 týp, 331.000 liều vắc xin LMLM týp O, 667.000 liều vắc xin dịch tả heo, 624.000 liều vắc xin tụ huyết trùng trâu bò, 215.010 lít hóa chất tiêu độc khử trùng Benkocid và 55.000 kg hóa chất Chlorin thuộc hàng dự trữ quốc gia do Bộ này đang bảo quản để hỗ trợ các tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Bình Định, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế, Gia Lai, Kon Tum, Nghệ An, Quảng Nam, Lâm Đồng, Đăk Lăk, Phú Yên khắc phục hậu quả cơn bão số 9.
Mức hỗ trợ cụ thể cho từng địa phương do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định phù hợp với tình hình dịch bệnh ở địa phương đó. Việc xuất cấp, tiếp nhận, quản lý và sử dụng số vắc xin, hóa chất nêu trên thực hiện theo quy định hiện hành.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Xây dựng Nghị quyết Chính phủ về điều hành kế hoạch phát triển KTXH 2010 (SMS: 8381/VPCP-KTTH) - Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 8381/VPCP-KTTH yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chuẩn bị xây dựng dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2010 theo hướng đổi mới về kết cấu, nội dung so với cách làm truyền thống, bao gồm những nội dung chủ yếu như: đánh giá kết quả chủ yếu thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2009; mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2010, các nội dung này phải thể hiện được nội dung của Nghị quyết của Trung ương Đảng và Quốc hội, ý kiến của Thủ tướng Chính phủ tại kỳ họp Quốc hội thứ 6 khóa XII; những định hướng chính sách, giải pháp chủ yếu của kế hoạch năm 2010, trong đó tập trung nói rõ theo các lĩnh vực (kinh tế - xã hội, công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, thương mại, xuất khẩu, tài chính tiền tệ, an ninh quốc phòng, văn hóa xã hội, giáo dục và y tế...) để từ đó đưa ra các giải pháp sát với yêu cầu của mục tiêu đề ra; phân công tổ chức thực hiện, xác định trách nhiệm của từng bộ, ngành, địa phương, bảo đảm tổ chức thực hiện hiệu quả và giám sát theo đúng mục tiêu đề ra.
 
BỘ TÀI CHÍNH

Bổ sung Mục lục ngân sách nhà nước (SMS: 223/2009/TT-BTC) - Ngày 25/11/2009, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 223/2009/TT-BTC quy định bổ sung Mục lục ngân sách nhà nước. Theo Thông tư này, bổ sung mã số đề án của Chương trình mục tiêu quốc gia Dân số và kế hoạch hóa gia đình (mã số 0030), đề án Kiểm soát dân số các vùng biển, đảo và ven biển giai đoạn 2009-2020 (mã số 0037). Bổ sung mã số Chương trình Hỗ trợ đảm bảo chất lượng giáo dục trường học (mã số 0330) và mã số của các dự án của Chương trình này: cải thiện cơ sở hạ tầng trang thiết bị trường học (mã số 0331), mua sắm hàng hóa (mã số 0332), đào tạo và hội thảo (mã số 0333), quỹ giáo dục nhà trường (mã số 0334), quỹ phúc lợi cho học sinh (mã số 0335), xây dựng năng lực cho dạy - học cả ngày (mã số 0336), chi lương tăng thêm cho giáo viên (mã số 0337).
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký.

 
NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM

Giao dịch ngoại tệ của các tổ chức tín dụng (SMS: 2666/QD-NHNN) - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa ký Quyết định số 2666/QĐ-NHNN ngày 25/11/2009 về việc ban hành một số quy định liên quan đến giao dịch ngoại tệ của các tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối. Theo Quyết định này, tổng giám đốc (giám đốc) các tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối ấn định tỷ giá mua, tỷ giá bán giao ngay của Đồng Việt Nam với các ngoại tệ theo nguyên tắc: đối với Đô la Mỹ, không được vượt quá biên độ ±3% (ba phần trăm) so với tỷ giá bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng áp dụng cho ngày giao dịch do Ngân hàng Nhà nước thông báo; đối với các ngoại tệ khác do tổng giám đốc (giám đốc) các tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối ấn định.
Cũng theo Quyết định này, chênh lệch giữa tỷ giá mua và tỷ giá bán do tổng giám đốc (giám đốc) tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối ấn định.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 26/11/2009 và thay thế Quyết định số 622/QĐ-NHNN ngày 23/3/2009 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
Lãi suất cho vay của NHNN đối với tổ chức tín dụng (SMS: 2664/QD-NHNN) - Cũng trong ngày 25/11/2009, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ký Quyết định số 2664/QĐ-NHNN về lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với các ngân hàng. Theo đó, lãi suất tái cấp vốn là 8,0%/năm, lãi suất tái chiết khấu là 6,0%/năm, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với các ngân hàng là 8,0%/năm.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/12/2009 và thay thế Quyết định số 837/QĐ-NHNN ngày 10/4/2009 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

 
BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

Đảm bảo quyền lợi của chủ thuê bao di động trả trước (SMS: 3814/BTTTT-VT) - Nhằm khắc phục một số điểm bất cấp, tồn tại khi thực hiện Thông tư số 22/2009/TT-BTTTT về quản lý thuê bao di động trả trước, ngày 25/11/2009, Bộ Thông tin và Truyền thông có văn bản số 3814/BTTTT-VT yêu cầu các doanh nghiệp thông tin di động tiếp tục nhắn tin quảng bá cho các thuê bao của mình để hướng dẫn việc đăng ký và đăng ký lại thông tin thuê bao theo quy định, đồng thời chủ động phối hợp với các báo, đài ở trung ương và địa phương tổ chức truyền thông việc quản lý thuê bao di động trả trước, góp phần nâng cao nhận thức của người sử dụng và các chủ điểm giao dịch được uỷ quyền. Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, các doanh nghiệp thông tin di động khuyến cáo người sử dụng dịch vụ chỉ nên nạp tiền đối với các số thuê bao đăng ký giữ lại sau ngày 31/12/2009, đối với các thuê bao không đăng ký sử dụng tiếp nên dùng hết số tiền trong tài khoản trước thời hạn trên.
Doanh nghiệp thông tin di động phải bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thuê bao khi thực hiện thay đổi thông tin thuê bao đã đăng ký (đăng ký lại thông tin thuê bao) đối với các thuê bao sử dụng trên 03 số thuê bao di động. Cụ thể, đối với tài khoản gốc, doanh nghiệp phải thực hiện việc chuyển toàn bộ số tiền từ tài khoản của số thuê bao mà người sử dụng đăng ký ngừng sử dụng sau ngày 31/12/2009 sang tài khoản của số thuê bao mà người sử dụng đăng ký sử dụng tiếp sau thời hạn trên; đối với các tài khoản khuyến mại (nếu có), doanh nghiệp phải rà soát lại các điều kiện của chương trình khuyến mại mà người sử dụng được hưởng để giải quyết theo đúng quy định của pháp luật về thương mại và khuyến mãi.
 
BỘ Y TẾ

Người hiến máu tình nguyện được hỗ trợ chi phí đi lại (SMS: 21/2009/TT-BYT) - Ngày 20/11/2009, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 21/2009/TT-BYT hướng dẫn nội dung, mức chi cho công tác tiếp nhận, sàng lọc máu toàn phần và điều chế các chế phẩm máu đạt tiêu chuẩn. Thông tư này áp dụng đối với các cơ sở y tế có chức năng tuyển chọn người hiến máu, tiếp nhận máu, thành phần máu, điều chế các chế phẩm máu, lưu trữ bảo quản phân phối máu và chế phẩm máu (sau đây gọi tắt là cơ sở tiếp nhận máu) theo quy định của Bộ Y tế; Ban chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện các cấp; các cơ quan, đơn vị, tổ chức tham gia tuyên truyền, vận động, tổ chức hiến máu tình nguyện và người hiến máu. Theo đó, chi hỗ trợ cho các đơn vị, cơ sở tổ chức ngày hiến máu tình nguyện tối đa là 30.000 đồng/người hiến máu; chi ăn uống nhẹ tại chỗ cho người hiến máu (cả người hiến máu tình nguyện và hiến máu chuyên nghiệp) tối đa là 20.000 đồng/người/lần hiến máu; chi bồi dưỡng trực tiếp cho người hiến máu chuyên nghiệp: 140.000 đồng tính cho một đơn vị máu có thể tích 250 ml, 200.000 đồng tính cho một đơn vị máu có thể tích 350 ml, 260.000 đồng tính cho một đơn vị máu có thể tích 450 ml, trường hợp thể tích máu tăng thêm hoặc giảm đi so với các đơn vị thể tích trên thì được cộng thêm hoặc giảm đi tương ứng 600 đồng/01 ml.
Ngoài ra, còn chi quà tặng bằng hiện vật nhằm động viên khuyến khích, bồi dưỡng sức khỏe đối với người hiến máu tình nguyện, tối đa là 80.000 đồng/người/lần hiến máu (áp dụng cho tất cả các loại thể tích máu); chi hỗ trợ chi phí đi lại đối với người hiến máu tình nguyện, tối đa là 30.000 đồng/người/lần hiến máu. Các cơ sở tiếp nhận máu căn cứ vào tình hình thực tế để quyết định mức hỗ trợ trong phạm vi mức chi tối đa nêu trên và hình thức hỗ trợ, đảm bảo khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia hiến máu tình nguyện.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 05/01/2010.