Số 47.2007 (352) ngày 30/11/2007

 CHÍNH PHỦ


Mua sắm tài sản, hàng hoá từ ngân sách
(SMS: 502270)
- Ngày 26/11/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 179/2007/QĐ-TTg ban hành Quy chế tổ chức mua sắm tài sản, hàng hóa từ ngân sách nhà nước theo phương thức tập trung.
Theo đó, các Bộ, cơ quan Trung ương, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ giao một đơn vị trực thuộc tổ chức việc mua sắm tài sản, hàng hóa và giao cho các cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng, áp dụng trong trường hợp các tài sản, hàng hóa có số lượng mua sắm nhiều, tổng giá trị mua sắm lớn và có yêu cầu được trang bị đồng bộ, hiện đại như: xe ô tô, phương tiện vận tải chuyên dùng, trang thiết bị chuyên dùng, trang thiết bị tin học được sử dụng trong hệ thống ngành dọc từ Trung ương đến địa phương.
Việc mua sắm tài sản, hàng hóa phải được thực hiện theo các nguyên tắc: thực hiện đúng các quy định của pháp luật về đấu thầu trong việc mua sắm, trang bị tài sản, hàng hóa từ ngân sách nhà nước; thực hiện đúng chế độ quản lý tài chính, quản lý tài sản nhà nước của các cơ quan, đơn vị có sử dụng ngân sách nhà nước; công khai, minh bạch trong mua sắm tài sản, hàng hóa và thực hiện mua sắm trong phạm vi dự toán ngân sách được giao hàng năm.
Các Bộ, cơ quan Trung ương, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và đơn vị được giao tổ chức mua sắm tài sản, hàng hóa phải công khai kế hoạch mua sắm, trang bị tài sản; kết quả đấu thầu mua sắm; danh sách các cơ quan, đơn vị được giao quản lý, sử dụng tài sản, hàng hóa và việc quản lý, sử dụng các khoản hoa hồng từ mua sắm tài sản, hàng hóa theo quy định của Chính phủ.
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Giám
sát kế hoạch phát triển bền vững
(SMS: 502269)
- Ngày 26/11/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 26/2007/CT-TTg về việc theo dõi, giám sát và đánh giá tình hình thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch về tài nguyên-môi trường và phát triển bền vững.
Thủ
tướng yêu cầu: phải thực hiện theo dõi, giám sát và đánh giá các chỉ tiêu về tổng tiêu thụ năng lượng; tỷ lệ chất thải công nghiệp nguy hại được xử lý; tỷ lệ cơ sở sản xuất mới xây dựng của ngành công nghiệp sử dụng công nghệ sạch hoặc có thiết bị xử lý ô nhiễm môi trường; tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng của ngành công nghiệp.
Ngoài
ra, cũng cần theo dõi, giám sát các chỉ tiêu về tỷ lệ dân số đô thị được cung cấp nước sạch; tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường; tỷ lệ đô thị loại 3 trở lên được đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải; tỷ lệ khu nhà ổ chuột ở đô thị và nhà tạm ở nông thôn, đặc biệt là đồng bằng sông Cửu Long được xóa; tỷ lệ phần trăm diện tích cây xanh, mặt nước của đô thị; tỷ lệ cơ sở sản xuất mới xây dựng của ngành xây dựng sử dụng công nghệ sạch hoặc có thiết bị xử lý ô nhiễm môi trường...

Phát triển nhiên liệu sinh học
(SMS: 502257)
- Ngày 20/11/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 177/2007/QĐ-TTg về việc phê duyệt "Đề án phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025".
Mục tiêu chủ yếu của Đề án là phát triển nhiên liệu sinh học (NLSH), một dạng năng lượng mới, tái tạo được để thay thế một phần nhiên liệu hóa thạch truyền thống, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường.
Đến giai đoạn 2011 - 2015, nước ta sẽ làm chủ và sản xuất các vật liệu, chất phụ gia phục vụ sản xuất NLSH; ứng dụng thành công công nghệ lên men hiện đại để đa dạng hóa các nguồn nguyên liệu cho quá trình chuyển hóa sinh khối thành NLSH.
Đến năm 2015, sản lượng ethanol và dầu thực vật đạt 250 nghìn tấn, đáp ứng 1% nhu cầu xăng dầu của cả nước. Và tầm nhìn đến năm 2025, công nghệ sản xuất NLSH ở nước ta đạt trình độ tiên tiến trên thế giới. Sản lượng ethanol và dầu thực vật đạt 1,8 triệu tấn, đáp ứng khoảng 5% nhu cầu xăng dầu của cả nước.
Có 6 giải pháp chính để phát triển NLSH khả quan nhất và phù hợp với thực tế của nước ta: Đó là đẩy mạnh việc triển khai ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn sản xuất, khuyến khích thực hiện chuyển giao công nghệ và tạo lập môi trường đầu tư phát triển sản xuất NLSH; tăng cường đầu tư và đa dạng hóa các nguồn vốn để thực hiện có hiệu quả các nội dung của Đề án; tăng cường xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật và đào tạo nguồn nhân lực phục vụ nhu cầu phát triển NLSH; hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật để phát triển NLSH; mở rộng và tăng cường hợp tác quốc tế để học hỏi kinh nghiệm về phát triển NLSH; nâng cao nhận thức cộng đồng về phát triển NLSH…
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Kê khai tài sản, thu nhập
(SMS: 502252)
- Ngày 13/11/2007, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Thông tư số 2442/2007/TT-TTCP hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 37/2007/NĐ-CP về minh bạch tài sản, thu nhập.
Theo đó, kể từ tháng 12/2007, việc kê khai tài sản, thu nhập sẽ được tiến hành định kỳ hàng năm. Các trường hợp đã kê khai tài sản, thu nhập trong năm 2007 phục vụ bầu cử hay bổ nhiệm vẫn phải kê khai tiếp vào tháng 12 này. Lần kê khai này được coi là kê khai bổ sung. Do đó, trong 1 năm, có trường hợp sẽ phải tiến hành việc kê khai tài sản nhiều lần…
Việc xác minh đối với tố cáo hoặc phản ánh về vấn đề tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai thì tố cáo hoặc phản ánh đó chỉ được coi là căn cứ ra yêu cầu xác minh nếu có nội dung rõ ràng, bằng chứng cụ thể, có căn cứ để xác minh về sự không trung thực trong kê khai của người có nghĩa vụ kê khai và người tố cáo, phản ánh nêu rõ họ, tên, địa chỉ, cam kết hợp tác đầy đủ, cung cấp tài liệu mà mình có cho cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền để phục vụ cho việc xác minh. Đối với các tố cáo, phản ánh giấu tên, mạo tên thì không xem xét để ra yêu cầu xác minh.
Định kỳ tháng 11 hàng năm, đơn vị phụ trách công tác tổ chức, cán bộ của cơ quan, đơn vị lập danh sách người phải kê khai trình lãnh đạo phê duyệt. Việc phê duyệt hoàn thành chậm nhất vào ngày 30/11 hàng năm.
Toàn bộ trình tự kê khai hàng năm như việc phê duyệt, kê khai, tiếp nhận hoặc kiểm tra lại bản kê khai phải hoàn thành chậm nhất vào ngày 31/12. Việc kê khai và nộp bản kê khai có thể chậm hơn thời hạn trên nếu người có nghĩa vụ kê khai có lý do chính đáng như đau ốm, đi công tác...
Bản kê khai lần đầu là bản gốc, được dùng để so sánh, đối chiếu với các bản kê khai bổ sung.
11 nhóm đối tượng phải kê khai tài sản hay những tài sản, thu nhập phải kê khai như tài sản, tài khoản ở nước ngoài của bản thân, vợ hoặc chồng, con chưa thành niên và các tài sản khác có giá trị trên 50 triệu đồng…

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ TÀI CHÍNH


Bảo hiểm liên kết chung
(SMS: 502266)
- Ngày 23/11/2007, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 96/2007/QĐ-BTC về việc ban hành Quy chế triển khai sản phẩm bảo hiểm liên kết chung.
Theo đó, bảo hiểm liên kết chung (universal life) là sản phẩm bảo hiểm nhân thọ thuộc nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đầu tư và có các đặc điểm sau: Cơ cấu phí bảo hiểm và quyền lợi bảo hiểm được tách bạch giữa phần bảo hiểm rủi ro và phần đầu tư. Bên mua bảo hiểm được linh hoạt trong việc xác định phí bảo hiểm và số tiền bảo hiểm theo thoả thuận tại hợp đồng bảo hiểm; Bên mua bảo hiểm được hưởng toàn bộ kết quả đầu tư từ quỹ liên kết chung của doanh nghiệp bảo hiểm nhưng không thấp hơn tỷ suất đầu tư tối thiểu được doanh nghiệp bảo hiểm cam kết tại hợp đồng bảo hiểm; Doanh nghiệp bảo hiểm được hưởng các khoản phí do bên mua bảo hiểm trả theo thoả thuận tại hợp đồng bảo hiểm.
Khi triển khai sản phẩm bảo hiểm liên kết chung, doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm nhân thọ phải đáp ứng được biên khả năng thanh toán của doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm nhân thọ lớn hơn biên khả năng thanh toán tối thiểu 100 tỷ đồng…
Doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm thoả thuận về quyền lợi bảo hiểm rủi ro nhưng phải bảo đảm số tiền bảo hiểm tối thiểu không được thấp hơn 5 lần phí bảo hiểm đóng năm đầu đối với hợp đồng bảo hiểm đóng phí định kỳ hoặc không thấp hơn 125% số phí bảo hiểm đối với hợp đồng bảo hiểm đóng phí một lần…

Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Chứng chỉ hành nghề kiểm toán, kế toán
(SMS: 502253)
- Ngày 16/11/2007, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 94/2007/QĐ-BTC ban hành Quy chế thi và cấp Chứng chỉ kiểm toán viên và Chứng chỉ hành nghề kế toán.
Theo đó, n
gười dự thi lấy Chứng chỉ hành nghề kế toán phải có: Thời gian công tác thực tế về tài chính, kế toán từ 5 năm trở lên kể từ năm ghi trên bằng tốt nghiệp Đại học; Có chứng chỉ tin học trình độ B trở lên...
Người dự thi lấy Chứng chỉ kiểm toán viên phải: Có bằng tốt nghiệp Đại học chuyên ngành Tài chính, Kế toán, Kiểm toán; hoặc bằng tốt nghiệp Đại học chuyên ngành kinh tế, quản trị doanh nghiệp, quản trị kinh doanh có tổng số đơn vị học trình các môn học: Tài chính, Kế toán, Kiểm toán, Phân tích tài chính, Thuế trên 10% tổng số học trình cả khóa học; Thời gian công tác thực tế về Tài chính, Kế toán từ 5 năm trở lên kể từ năm ghi trên bằng tốt nghiệp Đại học; hoặc thời gian thực tế làm trợ lý kiểm toán ở doanh nghiệp kiểm toán từ 4 năm trở lên; Có chứng chỉ ngoại ngữ từ trình độ C trở lên của 01 trong 05 thứ tiếng thông dụng: Anh, Nga, Pháp, Trung, Đức; hoặc tốt nghiệp Đại học ở các nước học bằng 01 trong 05 thứ tiếng trên...

Người dự thi lấy Chứng chỉ hành nghề kế toán phải đạt tổng số điểm từ 25 điểm trở lên; Chứng chỉ kiểm toán viên: 38 điểm trở lên…
Chứng chỉ kiểm toán viên và Chứng chỉ hành nghề kế toán có giá trị pháp lý để đăng ký hành nghề kiểm toán, hành nghề kế toán theo quy định của pháp luật hiện hành về hành nghề kiểm toán, hành nghề kế toán, nếu bị mất sẽ không được cấp lại…

Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Quản lý giao dịch chứng khoán chưa niêm yết
(SMS: 502278)
- Ngày 08/11/2007, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 3567/QĐ-BTC về việc phê duyệt Phương án tổ chức và quản lý giao dịch chứng khoán của công ty đại chúng chưa niêm yết.
Theo đó, các giao dịch chứng khoán chưa niêm yết không quy định đơn vị giao dịch, nhưng quy định biên độ dao động giá là +/-20%.
Phương thức thực hiện: Thoả thuận...
Nhà đầu tư có thể thoả thuận giao dịch với nhau bất kỳ thời gian nào trong ngày. Tuy nhiên, thời gian yêu cầu CTCK thực hiện nhập báo cáo kết quả giao dịch vào hệ thống là từ 10h - 12h và từ 13h -15h tất cả các ngày làm việc...
Phí giao dịch do CTCK quy định nhưng mức thu không vượt quá mức trần hay thấp hơn mức sàn do Bộ Tài chính quy định...
Lệnh chào mua/chào bán có hiệu lực tối đa trong 1 ngày giao dịch hoặc cho đến khi được thực hiện hoặc bị huỷ bỏ. Trường hợp muốn thay đổi các thông tin của lệnh chào mua/chào bán, CTCK thực hiện huỷ lệnh chào mua/chào bán cũ và nhập lại lệnh mới...

Các báo cáo kết quả giao dịch đã nhập vào hệ thống sẽ không được phép hủy bỏ. Trong trường hợp phát hiện sai sót trong quá trình nhập báo cáo giao dịch thì công ty chứng khoán sẽ thực hiện sửa báo cáo giao dịch trên hệ thống. Dựa vào mức độ hệ quả phát sinh từ việc hủy giao dịch, thành viên có giao dịch bị hủy phải bồi thường cho thành viên có giao dịch đối ứng trên cơ sở thỏa thuận, tối đa không quá 10% giá trị giao dịch. Thành viên sửa lỗi sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm đối với những thiệt hại phát sinh cho nhà đầu tư do việc giao dịch bị loại bỏ…

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 08/11/2007.
 

 BỘ XÂY DỰNG


Quy hoạch xây dựng công sở
(SMS: 502242)
- Ngày 22/11/2007, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 10/2007/TT-BXD hướng dẫn quy hoạch xây dựng công sở các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị-xã hội cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã.
Theo đó, khu công sở các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị-xã hội cấp tỉnh, huyện, xã sẽ được quy hoạch xây dựng theo hướng tập trung thành khu chính trị hành chính để khắc phục tình trạng phân tán, manh mún và phù hợp với điều kiện tự nhiên, văn hoá của địa phương; góp phần làm đẹp bộ mặt kiến trúc đô thị, nông thôn…
Việc quy hoạch xây dựng hệ thống công sở thành khu chính trị-hành chính sẽ tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân và các cơ quan, tổ chức đến giao dịch; đồng thời, tạo môi trường làm việc thuận lợi cho đội ngũ cán bộ công chức, nâng cao hiệu lực và hiệu quả công tác quản lý Nhà nước, đáp ứng yêu cầu phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập của đất nước…
Đối với cấp tỉnh, công sở cơ quan Đảng trong 1 toà nhà; HĐND, UBND, tổ chức chính trị-xã hội trong 1 toà nhà; các cơ quan chuyên môn trong 1 hoặc có thể 2 hay 3 toà nhà. Riêng trụ sở cơ quan Tư pháp gồm Viện kiểm sát và Toà án trong một toà nhà hoặc tách riêng. Đối với cấp huyện, tất cả các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị-xã hội trong 1 tòa nhà; các cơ quan chuyên môn trong 1 tòa nhà; trụ sở cơ quan Tư pháp gồm Viện kiểm sát và Toà án trong một toà nhà…
Với cấp xã, tất cả các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị-xã hội tập trung trong 1 tòa nhà, nằm trong khu trung tâm xã.
Tùy theo điều kiện tự nhiên, thực trạng xây dựng, kiến trúc cảnh quan khu vực để xác định cơ cấu phân khu chức năng, mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất, tầng cao công trình và các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật về hạ tầng kỹ thuật và dự kiến quỹ đất phát triển…

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ Y TẾ


Giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền
(SMS: 502274)
- Ngày 12/11/2007, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 39/2007/QĐ-BYT ban hành Quy chế xét duyệt cấp "Giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền".
Theo đó, Giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền do Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xem xét cấp cho người có đủ điều kiện. Người được cấp Giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền phải biết cụ thể các vị thuốc và thành phần bài thuốc, cách bào chế, cách sử dụng, liều dùng, đường dùng, chỉ định, chống chỉ định và chẩn đoán bệnh. Ngoài ra, phải được chính quyền địa phương (xã, phường, thị trấn) chứng nhận là người được dòng tộc, gia đình có bài thuốc gia truyền đồng ý truyền cho…
Người có Giấy chứng nhận được đăng ký hành nghề tại nơi cấp giấy chứng nhận và chỉ được đăng ký 1 trong 2 hình thức hành nghề: Khám, chữa bệnh bằng bài thuốc gia truyền; hoặc sản xuất, kinh doanh bằng bài thuốc gia truyền. Giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền không được chuyển nhượng, mua bán hoặc cho thuê…
Trong thời hạn 30 ngày, kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan cấp Giấy chứng nhận phải thẩm định hồ sơ và trả lời kết quả. Trong quá trình thẩm định, Hội đồng có thể kiểm tra khả năng chuyên môn hoặc kinh nghiệm sử dụng bài thuốc của người đề nghị xét cấp Giấy chứng nhận. Trường hợp cần thiết, Hội đồng sẽ khuyến nghị cơ quan quản lý xác minh đánh giá tính an toàn, hiệu quả điều trị, tiêu chuẩn kiểm nghiệm của bài thuốc.

Quyết định có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo. Giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền đã được cấp trước ngày 14/02/2004 vẫn có giá trị sử dụng…