Số 47.2006 (301) ngày 01/12/2006

 CHÍNH PHỦ


Quản lý báo chí
(SMS: 202138)
- Ngày 29/11/2006, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 37/2006/CT-TTg về việc thực hiện kết luận của Bộ Chính trị về một số biện pháp tăng cường lãnh đạo và quản lý báo chí.
Thủ tướng chỉ thị: cần rà soát, điều chỉnh hợp lý quy hoạch hệ thống báo chí in và xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển hệ thống các đài phát thanh, truyền hình, báo điện tử; xác định tính hợp pháp, sự phù hợp về tôn chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm vụ của các tờ báo, tạp chí, chương trình phát thanh, truyền hình, các báo điện tử, trang điện tử trên Internet, nhất là các phụ san, phụ trương, chuyên đề.... Đồng thời, kiên quyết đình chỉ các cơ quan báo chí không chấp hành đúng pháp luật, không thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, thường để xảy ra sai phạm hoặc giảm bớt các cơ quan báo chí trùng lặp về tôn chỉ, mục đích...
Thực hiện nghiêm túc quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng; rà soát, kiện toàn, bố trí đúng cán bộ lãnh đạo và đội ngũ phóng viên báo chí thuộc quyền, đảm bảo tiêu chuẩn chính trị, nghiệp vụ; kiên quyết thay thế những cán bộ, phóng viên yếu kém về phẩm chất, năng lực, có quan điểm sai trái và khuyết điểm kéo dài...
Các cơ quan báo chí, người đứng đầu cơ quan báo chí phải xây dựng cơ chế quản lý, sử dụng tốt đội ngũ phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên, không để lợi dụng danh nghĩa báo chí để hoạt động tiêu cực, vụ lợi hoặc làm tổn hại đến lợi ích quốc gia và uy tín của nền báo chí cách mạng nước ta; các cơ quan báo chí đưa thông tin sai sự thật, không chính xác phải đăng cải chính theo đúng quy định...
Việc xem xét, xử lý sai phạm của các cơ quan báo chí phải được thực hiện đồng bộ giữa xử lý kỷ luật về chính quyền đi đôi với xử lý kỷ luật về Đảng, xử lý người trực tiếp có sai phạm gắn với xử lý trách nhiệm của người đứng đầu và người có liên quan...


Quy chế cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ đối với các khoản vay nước ngoài
(SMS: 202131)
- Theo Quyết định số 272/2006/QĐ-TTg ban hành ngày 28/11/2006, Thủ tướng Chính phủ quyết định: doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức tín dụng trong nước thuộc mọi thành phần kinh tế đều được xem xét cấp bảo lãnh Chính phủ. Bảo lãnh Chính phủ là bảo lãnh có tính pháp lý cao nhất tại Việt Nam; cam kết bảo lãnh Chính phủ được thực hiện dưới hình thức thư bảo lãnh hoặc hợp đồng bảo lãnh...
Cơ quan cấp bảo lãnh là Bộ Tài chính. Đối tượng được xét cấp bảo lãnh là doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức tín dụng trong nước thuộc mọi thành phần kinh tế trực tiếp ký thỏa thuận vay với người cho vay nước ngoài theo phương thức tự vay, tự chịu trách nhiệm trả nợ để thực hiện chương trình, dự án đầu tư hoặc tín dụng và có đủ điều kiện quy định...
Mức bảo lãnh không vượt quá 80% tổng mức đầu tư của chương trình dự án bao gồm cả phí bảo hiểm và lãi vay trong thời gian xây dựng. Việc xem xét cấp bảo lãnh Chính phủ được thực hiện trong vòng 30 ngày làm việc kể từ ngày cơ quan cấp bảo lãnh nhận được hồ sơ đề nghị cấp bảo lãnh đầy đủ và hợp lệ từ người vay. Riêng đối với doanh nghiệp là tổ chức tín dụng có các chương trình, dự án vay nước ngoài, các doanh nghiệp phải lập phương án tài chính để Ngân hàng Nhà nước thẩm định...
Mức phí bảo lãnh tối đa không vượt quá 1,5%/năm trên số dư nợ còn đang được bảo lãnh của doanh nghiệp. Trường hợp chậm nộp phí bảo lãnh thì người được bảo lãnh phải chịu lãi trên số tiền phí bảo lãnh chậm nộp...
Khi đến hạn trả nợ, trường hợp người được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ trả nợ thì cơ quan cấp bảo lãnh phải thực hiện thanh toán theo đúng cam kết trong thư bảo lãnh. Người được bảo lãnh có trách nhiệm phải hoàn trả cho cơ quan cấp bảo lãnh toàn bộ khoản tiền mà cơ quan cấp bảo lãnh đã trả nợ thay cộng toàn bộ chi phí phát sinh thực tế liên quan đến việc trả nợ thay...
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Cho phép chơi hụi, họ
(SMS: 202128)
- Ngày 27/11/2006, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 144/2006/NĐ-CP về họ, hụi, biêu, phường, cho phép chơi hụi, họ nhưng cấm hình thức cho vay nặng lãi, lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm hoặc các hành vi trái pháp luật khác để chiếm đoạt tài sản của người khác...
Theo Nghị định, phần họ là số tiền hoặc tài sản khác đã được xác định theo thỏa thuận mà thành viên phải góp trong mỗi kỳ mở họ. Phần họ phải là tài sản có thể giao dịch được; hình thức họ bao gồm họ không có lãi và họ có lãi. Họ có lãi bao gồm họ đầu thảo và họ hưởng hoa hồng...
Tùy theo từng loại họ, những người tham gia họ có thể thỏa thuận về các nội dung sau đây: chủ họ, số người tham gia, phần họ, kỳ mở họ, thể thức góp họ và lĩnh họ, quyền và nghĩa vụ của những người tham gia họ, trách nhiệm do vi phạm nghĩa vụ, việc chuyển giao phần họ, việc ra khỏi họ, chấm dứt họ và các nội dung khác...
Chủ họ phải lập và giữ sổ họ. Trong trường hợp họ không có chủ họ thì những người tham gia họ ủy quyền cho một thành viên lập và giữ sổ họ...
Trong trường hợp có tranh chấp về họ hoặc phát sinh từ họ thì tranh chấp đó được giải quyết bằng thương lượng, hòa giải hoặc theo yêu cầu của một hoặc nhiều người tham gia họ, tranh chấp đó được giải quyết tại tòa án theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Quy định về mức vốn pháp định của các tổ chức tín dụng
(SMS: 202120)
- Ngày 22/11/2006, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 141/2006/NĐ-CP về ban hành Danh mục mức vốn pháp định của các tổ chức tín dụng.
Theo đó, đối với loại hình: Ngân hàng thương mại cổ phần, liên doanh; Ngân hàng 100% vốn nước ngoài; Quỹ tín dụng nhân dân TW phải có mức vốn pháp định áp dụng cho đến năm 2008 là 1000 tỷ đồng, đến năm 2010 là 3000 tỷ đồng.
Ngân hàng thương mại Nhà nước, Ngân hàng đầu tư: 3000 tỷ đồng...
Chi nhánh Ngân hàng nước ngoài: 15 triệu USD.
Đối với loại hình Công ty tài chính đến năm 2008 là 300 tỷ đồng; 2010 là 500 tỷ đồng...
Tổ chức tín dụng được cấp giấy phép thành lập và hoạt động phải có biện pháp bảo đảm có số vốn điều lệ thực góp hoặc được cấp tối thiểu tương đương mức vốn pháp định chậm nhất vào ngày 31/12/2008 và ngày 31/12/2010; Các tổ chức tín dụng được cấp giấy phép thành lập và hoạt động sau ngày Nghị định này có hiệu lực và trước ngày 31/12/2008, phải đảm bảo có ngay số vốn Điều lệ thực góp hoặc được cấp tối thiểu tương đương mức vốn pháp định quy định cho năm 2008...

Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ XÂY DỰNG


Công tác bảo trì công trình xây dựng
(SMS: 202121)
- Theo Thông tư số 08/2006/TT-BXD ban hành ngày 24/11/2006, Bộ Xây dựng hướng dẫn: các chủ đầu tư, quản lý chung cư cao tầng, khách sạn, công sở... cần thuê tổ chức, chuyên gia định kỳ không quá 5 năm/lần kiểm tra, đánh giá chất lượng các công trình. Việc kiểm tra định kỳ sẽ do các tổ chức, chuyên gia chuyên ngành có năng lực phù hợp với loại, cấp công trình thực hiện theo yêu cầu của chủ đầu tư, chủ quản lý sử dụng...
Bên cạnh đó, để phát hiện kịp thời các dấu hiệu xuống cấp, chủ đầu tư, chủ quản lý sử dụng còn có thể áp dụng các biện pháp kiểm tra thường xuyên, kiểm tra đột xuất (thường sau khi xảy sự cố bất thường như: bão, lũ, hoả hoạn, động đất, va chạm lớn...) hoặc khi có nghi ngờ về một vấn đề gì đó của công trình mà qua kiểm tra chi tiết chưa xác định rõ nguyên nhân, hoặc khi cần khai thác công trình với tải trọng lớn hơn...
Các nhà hát, rạp chiếu bóng, rạp xiếc, trường học, bệnh viện, sân vận động, nhà thi đấu, siêu thị... và một số loại công trình chịu tác động môi trường cao khác cần phải được kiểm tra định kỳ, đánh giá chất lượng không quá 3 năm/lần. Các công trình di sản văn hoá đã được xếp hạng cấp quốc gia và thế giới phải được kiểm tra chất lượng không quá 1 năm/lần.
Công tác bảo trì cũng cần phải được bảo hành không ít hơn 6 tháng kể từ ngày nghiệm thu công tác bảo trì, đưa công trình vào tiếp tục sử dụng đối với các công trình duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa nhỏ và không ít hơn 24 tháng đối với các công trình sửa chữa vừa và lớn.
Chủ sở hữu, quản lý sử dụng phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật khi sửa chữa công trình có kinh phí dưới 7 tỉ đồng và lập dự án đầu tư khi sửa chữa công trình có kinh phí trên 7 tỉ đồng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể, từ ngày đăng Công báo.
 

 LIÊN BỘ: LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI - TÀI CHÍNH - Y TẾ - GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO


Chế độ điều dưỡng người có công với cách mạng
(SMS: 202126)
- Ngày 21/11/2006, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính và Bộ Y tế đã ban hành Thông tư  liên tịch số 17/2006/TTLT/BLĐTBXH-BTC-BYT hướng dẫn chế độ chăm sóc sức khoẻ đối với người có công với cách mạng.
Theo đó, người có công được hưởng chế độ điều dưỡng mỗi năm một lần hoặc 5 năm một lần với mức chi tối đa 1,3 triệu đồng, đồng thời cũng được hưởng chế độ bảo hiểm y tế.
Quỹ bảo hiểm y tế sẽ thanh toán 100% chi phí dịch vụ cho những cán bộ lão thành cách mạng, bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, bệnh binh đến khám chữa bệnh tại các cơ sở do Bảo hiểm y tế quy định...
Cán bộ lão thành cách mạng, bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, bệnh binh có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động do thương tật, bệnh tật từ 81% trở lên, người có công giúp đỡ cách mạng được Nhà nước tặng Kỷ niệm chương "Tổ quốc ghi công" hoặc bằng "Có công với nước" sẽ được hưởng chế độ điều dưỡng mỗi năm một lần...
Chế độ điều dưỡng luân phiên 5 năm một lần được áp dụng đối với cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng của liệt sĩ, người có công nuôi dưỡng liệt sĩ; anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, anh hùng lao động trong kháng chiến; người có công giúp đỡ cách mạng trong kháng chiến; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học; thương binh, bệnh binh có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động do thương tật, bệnh tật dưới 81%; người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày...
Thời gian điều dưỡng tại các cơ sở tối đa 10 ngày, mức chi phí mỗi ngày 100.000 đồng và thêm 300.000 đồng cho quà tặng, tiền điện, nước cho nhà nghỉ... Nếu điều dưỡng tại nhà, mức chi một lần 700.000 đồng...
Thông tư liên tịch này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Miễn, trợ cấp học phí cho con thương binh
(SMS: 202127)
- Ngày 20/11/2006, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư liên tịch số 16/2006/TTLT/BLĐTBXH-BGDĐT-BTC hướng dẫn về chế độ ưu đãi trong giáo dục và đào tạo đối với người có công với cách mạng và con của họ.
Theo đó, nếu học công lập, con của người có công với cách mạng sẽ được miễn hoàn toàn học phí; nếu học dân lập được hỗ trợ mỗi tháng từ 150.000 đến 250.000 đồng...
Cụ thể, con của người có công với cách mạng học trường trung cấp chuyên nghiệp được hỗ trợ học phí mỗi tháng 150.000 đồng; trường dạy nghề và cao đẳng 200.000 đồng; ĐH là 250.000 đồng. Mỗi năm, học sinh sinh viên thuộc đối tượng này được trợ cấp 300.000 đồng để mua sách vở, đồ dùng học tập...
Ngoài ra, con của người có công với cách mạng sẽ được hưởng 355.000 đồng trợ cấp hằng tháng. Trường hợp học sinh, sinh viên là con của người có công bị kỷ luật ngừng học hoặc buộc thôi học thì bị dừng thực hiện chế độ ưu đãi. Nếu nhập học lại sau khi hết thời hạn kỷ luật thì được tiếp tục hỗ trợ...
Nguồn kinh phí thực hiện chế độ ưu đãi trong giáo dục do ngân sách trung ương đảm bảo. Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội các quận, huyện sẽ quản lý, chi trả trợ cấp và hỗ trợ học phí cho học sinh, sinh viên thuộc diện ưu đãi...

Thông tư liên tịch này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN


Quản lý rừng
(SMS: 202139)
- Ngày 27/11/2006, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Quyết định số 106/2006/QĐ-BNN về việc ban hành Bản Hướng dẫn quản lý rừng cộng đồng dân cư thôn.
Theo đó, điều kiện giao rừng cho cộng đồng được quy đinh như sau: Cộng đồng dân cư thôn có cùng phong tục, tập quán, có truyền thống gắn bó cộng đồng với rừng về sản xuất, đời sống, văn hoá, tín ngưỡng; có khả năng quản lý rừng; có nhu cầu và đơn xin giao rừng; Việc giao rừng cho cộng đồng dân cư thôn phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng đã được phê duyệt; phù hợp với khả năng quỹ rừng của địa phương...

Quyết này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ THƯƠNG MẠI


Quy định về nhập khẩu và miễn thuế
(SMS: 202130)
- Ngày 28/11/2006, Bộ Thương mại đã ra Công văn số 7400/BTM-KHĐT về việc bãi bỏ phê duyệt nhập khẩu và xác nhận miễn thuế nhập khẩu của doanh nghiệp FDI.
Bộ Thương mại đề nghị: các Sở Thương mại, các Ban Quản lý các Khu công nghiệp, Khu chế xuất, Khu công nghệ cao không phê duyệt kế hoạch nhập khẩu và xác nhận miễn thuế đối với máy móc thiết bị để tạo tài sản cố định; kế hoạch nhập khẩu vật tư nguyên liệu để thực hiện dự án đầu tư; xác nhận thanh lý tài sản và các thủ tục giấy phép khác có liên quan đến hoạt động xuất, nhập khẩu của nhà đầu tư.

Nhà đầu tư nước ngoài (kể cả các nhà đầu tư được cấp giấy phép đầu tư trước ngày 31/12/2005, đã làm thủ tục phê duyệt kế hoạch nhập khẩu và xác nhận miễn thuế tại các cơ quan do Bộ Thương mại uỷ quyền) được trực tiếp làm các thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá, thanh lý tài sản tại hải quan cửa khẩu. Thủ tục miễn thế nhập khẩu do nhà đầu tư nước ngoài tự kê khai, tự chịu trách nhiệm và nộp cho cơ quan hải quan nơi làm thủ tục hải quan hồ sơ miễn thuế.