Số 46.2010 (504) ngày 23/11/2010

 

CHÍNH PHỦ


Tái cơ cấu Tập đoàn Vinashin (SMS:
2108/QD-TTg) - Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Tập đoàn) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2108/QĐ-TTg ngày 18/11/2010. Mục tiêu của Đề án này là nhằm sớm ổn định sản xuất kinh doanh của Tập đoàn, từng bước củng cố uy tín, thương hiệu, giảm lỗ, có lãi, trả được nợ, tích lũy và phát triển. Việc tại cơ cấu Tập đoàn tập trung vào 03 lĩnh vực chính: công nghiệp đóng và sửa chữa tàu biển với quy mô phù hợp; công nghiệp phụ trợ phục vụ cho việc đóng và sửa chữa tàu biển; đào tạo nâng cao tay nghề cho đội ngũ cán bộ công nhân công nghiệp tàu biển. Thời gian thực hiện tái cơ cấu từ năm 2011 đến 2013.
Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam sau khi tái cơ cấu là tổ hợp các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đóng và sửa chữa tàu biển, công nghiệp phụ trợ, đào tạo, phục vụ đóng và sửa chữa tàu biển, gắn bó chặt chẽ và lâu dài với nhau về lợi ích kinh tế, công nghệ, thị trường, bao gồm: công ty mẹ, công ty con, công ty liên kết, đơn vị sự nghiệp hoạt động theo quy định của pháp luật và điều lệ tổ chức và hoạt động. Công ty mẹ và các đơn vị thành viên có tư cách pháp nhân, có vốn và tài sản riêng; có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản của mình theo quy định của pháp luật và theo thoả thuận chung của Tập đoàn. Công ty mẹ là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Các công ty con gồm có: Tổng công ty Công nghiệp tàu thuỷ Nam Triệu; Tổng công ty Công nghiệp tàu thuỷ Bạch Đằng; Tổng công ty Công nghiệp tàu thuỷ Phà Rừng; Công ty Đóng tàu Hạ Long; Công ty Đóng tàu Cam Ranh;
Công ty Đóng tàu và công nghiệp hàng hải Sài Gòn; Công ty Công nghiệp tàu thủy Sài Gòn; Công ty Chế tạo động cơ Diesel Bạch Đằng; Công ty Thép Cái Lân; Công ty Tài chính công nghiệp tàu thủy; Công ty Công nghiệp tàu thuỷ và xây dựng Sông Hồng; Công ty Đóng tàu 76; Công ty Tư vấn đầu tư và thương mại; Công ty cổ phần Công nghiệp tàu thủy và vận tải Cần Thơ; Công ty cổ phần Công nghiệp tàu thủy Hoàng Anh. Thực hiện sắp xếp các doanh nghiệp còn lại trong tổ hợp Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam hiện nay theo các hình thức: cổ phần hoá, bán doanh nghiệp, bán nợ, chuyển nợ thành vốn góp, chuyển nhượng phần vốn góp, giải thể, phá sản...
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

Cơ chế quản lý dự án thủy điện Sơn La (SMS: 2107/QD-TTg) - Ngày 18/11/2010, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 2107/QĐ-TTg ban hành cơ chế quản lý và thực hiện dự án thủy điện Sơn La. Cơ chế này áp dụng cho Dự án thủy điện Sơn La, bao gồm các dự án thành phần sau: dự án xây dựng công trình thủy điện Sơn La do Tập đoàn Điện lực Việt Nam là chủ đầu tư; dự án di dân tái định cư theo địa bàn quản lý do UBND các tỉnh Sơn La, Điện Biên và Lai Châu là chủ đầu tư; dự án các công trình giao thông tránh ngập do Bộ Giao thông vận tải là chủ đầu tư. Cơ chế này cho phép chủ đầu tư thanh toán 97% giá trị khối lượng công việc hoàn thành khi nhà thầu đã hoàn thành thủ tục thanh toán; phần còn lại sẽ được thanh toán 2% khi kết thúc thời gian bảo hành 12 tháng và 1% khi kết thúc thời gian bảo hành 24 tháng; cho phép chủ đầu tư thanh toán trực tiếp cho nhà thầu thành viên khi được đại diện có thẩm quyền của tổng thầu thi công và Ban quản lý án ký nghiệm thu chất lượng và xác nhận khối lượng; cho phép chủ đầu tư thanh toán đến 85% dự toán thiết kế khi chưa có tổng dự toán được duyệt.
Ngoài ra, Cơ chế này còn cho phép các ngân hàng thương mại cho các nhà thầu vay vượt 15% vốn tự có của ngân hàng để mua các thiết bị thi công công trình thủy điện Sơn La và cho phép chủ đầu tư vay vốn các ngân hàng không phải thực hiện thẩm định phương án vay, trả nợ.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế các Quyết định sau của Thủ tướng Chính phủ: số 207/2004/QĐ-TTg ngày 11/12/2004, số 11/2007/QĐ-TTg ngày 23/01/2007 và số 136/2008/QĐ-TTg ngày 09/10/2008. 

Thông qua Phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính ngành giao thông (SMS: 45/NQ-CP) - Chính phủ đã thông qua Phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Giao thông vận tải tại Nghị quyết số 45/NQ-CP ngày 16/11/2010. Theo Nghị quyết này, trong quá trình triển khai thực hiện, Bộ Giao thông vận tải chủ động phát hiện và kịp thời sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ, hủy bỏ các quy định có liên quan thuộc thẩm quyền hoặc đề nghị  bằng văn bản gửi Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ về các luật, pháp lệnh, nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ có quy định về thủ tục hành chính cần sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ, hủy bỏ để thực hiện Phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính đã được Chính phủ thông qua.
Đối với những thủ tục hành chính được quy định trong luật, pháp lệnh cần phải sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc hủy bỏ, bãi bỏ theo Phương án đơn giản hóa nêu tại Nghị quyết này, Chính phủ giao Bộ Tư pháp, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ, trước ngày 31/12/2010 báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để nghị của Chính phủ về việc cho phép bổ sung dự án luật, pháp lệnh để thực thi các phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính đã được Chính phủ thông qua vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011, 2012 theo hình thức một văn bản sửa nhiều văn bản và áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008. Đối với những thủ tục hành chính được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ phải sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc hủy bỏ, bãi bỏ, giao Bộ Giao thông vận tải áp dụng hình thức một văn bản sửa nhiều văn bản theo trình tự, thủ tục rút gọn để ban hành theo thẩm quyền hoặc trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Quy chế quản lý đầu tư xây dựng công trình lâm sinh (SMS: 73/2010/QD-TTg) - Quy chế này vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành kèm theo Quyết định số 73/2010/QĐ-TTg ngày 16/11/2010, quy định về lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình lâm sinh, dự án đầu tư bảo vệ và phát triển rừng tổng hợp có sử dụng trên 30% tổng mức vốn nhà nước (bao gồm vốn ngân sách nhà nước, vốn tín dụng do Nhà nước bảo lãnh, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước, vốn đầu tư phát triển của doanh nghiệp nhà nước và các nguồn vốn khác do Nhà nước quản lý). Công trình lâm sinh là diện tích rừng, vườn rừng giống, vườn cây rừng đầu dòng được tạo thành từ việc thực hiện các hoạt động lâm sinh và xây dựng các hạng mục công trình hạ tầng cơ sở kỹ thuật cần thiết phục vụ cho bảo vệ và phát triển rừng.
Theo Quyết định này, dự án đầu tư lâm sinh được lập trên cơ sở: có diện tích đất hoặc diện tích rừng rõ ràng, có ranh giới cụ thể; diện tích đất của dự án đã có chủ cụ thể (hoặc có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hoặc có xác nhận của cấp có thẩm quyền về quyền sử dụng đất trong trường hợp chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hoặc được giao cho chủ đầu tư thuê); khu đất nằm trong quy hoạch 3 loại rừng; dự án đầu tư lâm sinh phù hợp với quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng của địa phương (nếu là dự án độc lập) hoặc là dự án thành phần trong dự án phát triển lâm nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Mỗi tổ chức tư vấn nếu có đủ năng lực có thể đảm nhận tất cả các công việc tư vấn của dự án xây dựng công trình lâm sinh từ khi chuẩn bị đầu tư đến khi nghiệm thu đưa công trình lâm sinh vào khai thác sử dụng, trừ các trường hợp sau: tư vấn thiết kế không được làm tư vấn giám sát công trình xây dựng lâm sinh do mình thiết kế; tư vấn giám sát không được thực hiện và tham gia công tác kiểm định chất lượng công trình lâm sinh do mình giám sát. Nhà nước khuyến khích việc đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về lập dự án, giám sát thi công, quản lý dự án và các yêu cầu khác liên quan đến các hoạt động xây dựng công trình lâm sinh để tiến tới cấp chứng chỉ cho các tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động xây dựng công trình lâm sinh.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2011.

Hỗ trợ 100% chi phí xúc tiến thương mại (SMS: 72/2010/QD-TTg) - Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 72/2010/QĐ-TTg ngày 15/11/2010 ban hành Quy chế xây dựng, quản lý và thực hiện Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia. Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia là chương trình được xây dựng trên cơ sở định hướng phát triển xuất khẩu, thị trường trong nước và thương mại miền núi, biên giới và hải đảo, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội theo từng thời kỳ đã được Chính phủ phê duyệt. Đơn vị chủ trì thực hiện Chương trình là các tổ chức xúc tiến thương mại Chính phủ, phi Chính phủ, tổng công ty ngành hàng (trong trường hợp ngành hàng không có hiệp hội) có đề án xúc tiến thương mại đáp ứng các mục tiêu, yêu cầu và tiêu chí quy định tại Quy chế này và được Bộ trưởng Bộ Công thương phê duyệt. Các đơn vị chủ trì được tiếp nhận kinh phí hỗ trợ để triển khai thực hiện Chương trình và có trách nhiệm quyết toán kinh phí hỗ trợ theo quy định. Đơn vị tham gia thực hiện Chương trình là các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, các hợp tác xã, các tổ chức xúc tiến thương mại Việt Nam được thành lập theo quy định của pháp luật hiện hành; được hỗ trợ nguồn kinh phí thực hiện và chịu trách nhiệm nâng cao hiệu quả các đề án xúc tiến thương mại mà đơn vị tham gia.
Mức hỗ trợ kinh phí 100% được áp dụng đối với các trường hợp: đơn vị chủ trì tổ chức cho chuyên gia trong và ngoài nước gặp gỡ, phổ biến kiến thức và tư vấn cho doanh nghiệp để phát triển sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển xuất khẩu, thâm nhập thị trường nước ngoài; đào tạo, tập huấn ngắn hạn trong và ngoài nước nhằm nâng cao nghiệp vụ xúc tiến thương mại cho các tổ chức xúc tiến thương mại Chính phủ và phi Chính phủ; tổ chức, tham gia hội chợ triển lãm tại nước ngoài; tổ chức đoàn giao dịch thương mại tại nước ngoài; tổ chức đoàn doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam giao dịch mua hàng; tổ chức hội nghị quốc tế ngành hàng xuất khẩu tại Việt Nam; các hoạt động xúc tiến thương mại đã thực hiện và có hiệu quả trong việc mở rộng thị trường xuất khẩu.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2011, đồng thời được áp dụng cho việc xây dựng, quản lý và thực hiện Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia năm 2011.
 

 

BỘ TÀI CHÍNH


Nhà đầu tư nước ngoài không được chuyển lợi nhuận về nước nếu doanh nghiệp còn lỗ lũy kế (SMS: 186/2010/TT-BTC) - Việc chuyển lợi nhuận ra nước ngoài của các tổ chức, cá nhân nước ngoài (nhà đầu tư nước ngoài) sẽ được thực hiện theo hướng dẫn mới của Bộ Tài chính tại Thông tư số 186/2010/TT-BTC ngày 18/11/2010. Theo đó, lợi nhuận được chuyển ra nước ngoài hàng năm là lợi nhuận nhà đầu tư nước ngoài được chia hoặc thu được của năm tài chính từ hoạt động đầu tư trực tiếp căn cứ trên báo cáo tài chính đã được kiểm toán, tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp của doanh nghiệp mà nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư cộng với các khoản lợi nhuận khác như khoản lợi nhuận chưa chuyển hết từ các năm trước chuyển sang, trừ đi các khoản nhà đầu tư nước ngoài đã sử dụng hoặc cam kết sử dụng để tái đầu tư tại Việt Nam và các khoản chi nhà đầu tư nước ngoài đã sử dụng cho hoạt động kinh doanh hoặc cho nhu cầu cá nhân của mình tại Việt Nam.
Nhà đầu tư nước ngoài được chuyển hàng năm số lợi nhuận của mình ra nước ngoài khi kết thúc năm tài chính, sau khi doanh nghiệp mà nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước Việt Nam theo quy định của pháp luật, đã nộp báo cáo tài chính đã được kiểm toán và tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm tài chính cho cơ quan quản lý thuế trực tiếp. Nhà đầu tư nước ngoài không được chuyển ra nước ngoài số lợi nhuận được chia hoặc thu được từ hoạt động đầu tư trực tiếp tại Việt Nam của năm phát sinh lợi nhuận trong trường hợp trên báo cáo tài chính của doanh nghiệp mà nhà đầu tư nước ngoài đầu tư của năm phát sinh lợi nhuận vẫn còn số lỗ lũy kế sau khi đã chuyển lỗ theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp. Nhà đầu tư nước ngoài trực tiếp hoặc ủy quyền cho doanh nghiệp mà mình đầu tư thực hiện thông báo việc chuyển lợi nhuận ra nước ngoài theo mẫu ban hành kèm theo Thông tư này gửi cho cơ quan thuế trực tiếp quản lý doanh nghiệp trước khi thực hiện chuyển lợi nhuận ra nước ngoài ít nhất 07 ngày làm việc.
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký và thay thế Thông tư số 124/2004/TT-BTC ngày 23/12/2004 của Bộ Tài chính.
 

 

BỘ XÂY DỰNG


Quy định về chứng nhận hợp quy hàng hóa là vật liệu xây dựng (SMS: 21/2010/TT-BXD) - Ngày 16/11/2010, Bộ Xây dựng ban hành Thông tư số 21/2010/TT-BXD hướng dẫn chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy đối với sản phẩm, hàng hoá vật liệu xây dựng. Thông tư này hướng dẫn việc chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy đối với sản phẩm, hàng hoá vật liệu xây dựng trong nhập khẩu, sản xuất, lưu thông trên thị trường và sử dụng vào các công trình xây dựng. Chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy là hoạt động bắt buộc đối với tổ chức, cá nhân có sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng là đối tượng áp dụng của các quy chuẩn kỹ thuật tương ứng hoặc tiêu chuẩn kỹ thuật bắt buộc áp dụng khi chưa được chuyển thành các quy chuẩn kỹ thuật. Hoạt động chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy được thực hiện theo “Quy định về chứng nhận hợp chuẩn, chứng nhận hợp quy và công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy” ban hành kèm theo Quyết định số 24/2007/QĐ-BKHCN ngày 28/9/2007 của Bộ Khoa học và Công nghệ và theo hướng dẫn tại Thông tư này.
Tổ chức chứng nhận hợp quy phải có chứng chỉ (còn hiệu lực) về hệ thống quản lý chất lượng theo ISO 9001; phải có năng lực hoạt động chứng nhận sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng phù hợp với yêu cầu của quy chuẩn kỹ thuật. Đối với các tổ chức có phòng thí nghiệm chuyên ngành xây dựng (LAS-XD) được công nhận, năng lực thí nghiệm phù hợp với yêu cầu của quy chuẩn kỹ thuật của sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng thì được xem như có năng lực hoạt động chứng nhận theo quy định này. Tổ chức chứng nhận phải có ít nhất 03 chuyên gia đánh giá thuộc biên chế chính thức của tổ chức (viên chức hoặc lao động ký hợp đồng có thời hạn từ 12 tháng trở lên hoặc lao động ký hợp đồng không xác định thời hạn), có trình độ đại học trở lên và chuyên môn phù hợp với hoạt động về chứng nhận sản phẩm, hàng hoá vật liệu xây dựng tương ứng, có kinh nghiệm công tác thuộc lĩnh vực này từ 03 năm trở lên. Căn cứ sự đáp ứng các yêu cầu hệ thống quản lý và năng lực của các phòng thí nghiệm theo quy định tại Thông tư này, Bộ Xây dựng ra quyết định chỉ định các tổ chức chứng nhận hợp quy đối với sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng. Danh sách các tổ chức và các chuyên gia thuộc tổ chức chứng nhận hợp quy được chỉ định; danh sách các tổ chức và các chuyên gia thuộc tổ chức chứng nhận hợp quy đã bị xử lý vi phạm các quy định hiện hành về hoạt động chứng nhận hợp quy được công bố công khai trên trang thông tin điện tử của Bộ Xây dựng và địa phương.
Thông tư này có hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày ký.

Công bố chỉ số giá xây dựng quý 3/2010 (SMS: 1019/QD-BXD) - Cùng ngày 16/11/2010, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ký Quyết định số 1019/QĐ-BXD công bố Tập Chỉ số giá xây dựng quý 3 năm 2010 để các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham khảo, sử dụng vào việc xác định, điều chỉnh tổng mức đầu tư, dự toán xây dựng công trình, giá hợp đồng xây dựng và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình. Theo Quyết định này, chỉ số giá xây dựng là chỉ tiêu phản ánh mức độ biến động của giá xây dựng theo thời gian. Các chỉ số giá xây dựng trong Tập Chỉ số giá xây dựng được xác định theo nhóm công trình thuộc 5 loại công trình xây dựng (công trình dân dụng, công trình công nghiệp, công trình giao thông, công trình thủy lợi, công trình hạ tầng kỹ thuật) và theo 20 vùng (khu vực): Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình, Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Điện Biên, Hòa Bình, Nghệ An, Quảng Trị, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Long An và Vĩnh Long, và bao gồm các loại chỉ số sau: chỉ số giá xây dựng công trình; chỉ số giá phần xây dựng; các chỉ số giá xây dựng theo yếu tố chi phí gồm chỉ số giá vật liệu xây dựng công trình, chỉ số giá nhân công xây dựng công trình và chỉ số giá máy thi công xây dựng công trình; chỉ số giá vật liệu xây dựng chủ yếu.
Các chỉ số giá xây dựng của quý 3 năm 2010 đã được tính toán, điều chỉnh chi phí nhân công về mặt bằng lương tối thiểu theo quy định tại Nghị định số 97/2009/NĐ-CP ngày 30/10/2009 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức khác của Việt Nam có thuê mướn lao động; điều chỉnh chí phí máy thi công xây dựng, các chi phí khác trong dự toán xây dựng công trình theo mặt bằng giá xây dựng tại quý 3 năm 2010 tương ứng.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
 

 

LIÊN BỘ


Bảo vệ môi trường tại các cơ sở cai nghiện ma túy (SMS: 35/2010/TTLT-BLDTBXH-BTNMT) - Ngày 18/11/2010, liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư số 35/2010/TTLT-BLĐTBXH-BTNMT hướng dẫn về
quản lý và bảo vệ môi trường trong các cơ sở quản lý người nghiện ma tuý, người bán dâm và người sau cai nghiện ma tuý. Thông tư này hướng dẫn các nội dung về quản lý và bảo vệ môi trường liên quan đến việc phát sinh, phân loại, thu gom, vận chuyển, lưu giữ, xử lý và tiêu huỷ chất thải y tế, chất thải sinh hoạt và công nghiệp tại các trung tâm chữa bệnh - giáo dục - lao động xã hội, trung tâm quản lý sau cai nghiện ma tuý, cơ sở cai nghiện ma tuý tự nguyện và khu vực xung quanh (gọi chung là trung tâm).
Theo Thông tư này, trung tâm khi đầu tư xây dựng mới hoặc nâng cấp, sửa chữa hoặc xây dựng các dự án phải tuỳ thuộc vào nội dung, quy mô hoạt động của dự án để lập báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc đăng ký xác nhận bản cam kết bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật. Việc lập, thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; đăng ký, xác nhận bản cam kết bảo vệ môi trường; thực hiện, kiểm tra, xác nhận việc thực hiện các nội dung trong báo cáo đánh giá tác động môi trường phải thực hiện theo quy định của pháp luật. Việc thu gom, lưu trữ, vận chuyển, xử lý chất thải rắn phải thực hiện theo Nghị định số 59/2007/NĐ-CP ngày 09/4/2007 của Chính phủ về quản lý chất thải rắn và các văn bản hướng dẫn thi hành. Việc thu gom, lưu trữ, vận chuyển, xử lý chất thải y tế phải thực hiện theo Quyết định số 43/2007/QĐ-BYT ngày 30/11/2007 của Bộ Y tế về việc ban hành quy chế quản lý chất thải y tế. Trung tâm phải có biện pháp thu gom, xử lý nước thải của các khu làm việc, khu sản xuất, khu vực y tế, nhà ở của học viên; đảm bảo trước khi thải ra môi trường phải đạt các chỉ tiêu quy định theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải. Trung tâm đầu tư xây dựng mới hoặc nâng cấp, sửa chữa hoặc xây dựng các dự án sản xuất có trách nhiệm công bố, cung cấp thông tin về môi trường của dự án tại địa điểm xây dựng để cộng đồng dân cư được biết trước khi tiến hành xây dựng. Trung tâm đang hoạt động có trách nhiệm cung cấp thông tin về môi trường liên quan đến hoạt động của trung tâm cho cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường.
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày, kể từ ngày ký.