Cảm ơn quý khách đã gửi báo lỗi.
Số 46.2009 (453) ngày 24/11/2009
CHÍNH PHỦ | |
Xã hội hóa đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước đô thị (SMS: 1930/QD-TTg) - Đó là một trong những quan điểm của định hướng phát triển thoát nước đô thị và khu công nghiệp Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1930/QĐ-TTg ngày 20/11/2009. Theo Quyết định này, thoát nước là ngành dịch vụ công ích, Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực thoát nước theo đúng quy định pháp luật của Việt Nam về đầu tư, xây dựng, vận hành và sử dụng hệ thống thoát nước; xã hội hóa, huy động các nguồn lực trong nước, quốc tế cho đầu tư xây dựng và quản lý vận hành hệ thống thoát nước; thực hiện chính sách người gây ô nhiễm phải trả tiền xử lý ô nhiễm, tiến tới nguồn thu phí thoát nước đảm bảo cho công tác quản lý, vận hành và bù đắp một phần chi phí đầu tư. Cũng theo Quyết định này, mục tiêu đến năm 2015 là ưu tiên giải quyết thoát nước mưa, xóa bỏ tình trạng ngập úng thường xuyên trong mùa mưa ở các đô thị loại II trở lên, mở rộng phạm vi phục vụ của các hệ thống thoát nước từ 50-60% hiện nay lên 70-80%; đến năm 2025 sẽ xóa bỏ hoàn toàn tình trạng ngập úng thường xuyên tại các đô thị, mở rộng phạm vi phục vụ các hệ thống thoát nước đô thị lên 90-95%, đối với các đô thị từ loại IV trở lên đạt 100%. Một trong những giải pháp thực hiện là hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về thoát nước, rà soát, bổ sung ban hành mới quy chuẩn về chất lượng nước thải sinh hoạt, công nghiệp xả vào hệ thống thoát nước, chất lượng nước thải xả ra nguồn tiếp nhận; quy chuẩn về phạm vi bảo vệ nguồn nước cho từng loại hình sử dụng; quy chuẩn về bể tự hoại, bán tự hoại; tiêu chuẩn về các giếng thăm, giếng thu nước mưa trên hệ thống thoát nước; ...Về cơ chế, chính sách, ưu tiên nguồn vốn ODA cho đầu tư, phát triển hệ thống thoát nước đô thị, đặc biệt các đô thị lớn, các đô thị chịu ảnh hưởng bởi thiên tai gây ảnh hưởng lớn đến môi trường. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Nâng cao chất lượng giáo dục pháp luật trong nhà trường (SMS: 1928/QD-TTg) - Đề án “Nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường” vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1928/QĐ-TTg ngày 20/11/2009 với mục tiêu tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức tôn trọng pháp luật và hành vi chấp hành pháp luật của nhà giáo, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục và người học, góp phần ổn định môi trường giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Đề án này được áp dụng đối với tất cả các cấp học, trình độ đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân từ năm 2009 đến năm 2012. Cụ thể, đối với giáo dục mầm non: đưa một số nội dung pháp luật đơn giản về giao thông, gia đình, môi trường, vệ sinh công cộng, vệ sinh an toàn thực phẩm vào các trò chơi ở lứa tuổi mẫu giáo; đối với giáo dục phổ thông: nâng cao chất lượng dạy và học môn học đạo đức, giáo dục công dân theo hướng cung cấp các kiến thức, rèn luyện các kỹ năng thực hiện các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; đối với giáo dục đại học, trung cấp chuyên nghiệp: tổ chức dạy và học các kiến thức pháp luật cơ bản cho sinh viên của tất cả các ngành đào tạo đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp; đối với dạy nghề: tiếp tục triển khai chương trình môn học pháp luật trong các chương trình dạy nghề theo hướng cung cấp các nội dung pháp luật cụ thể trong đó chú ý các quy định về pháp luật lao động, hợp đồng và các quy định gắn với đặc thù của từng nghề... Nguồn kinh phí thực hiện Đề án do ngân sách nhà nước cấp theo phân cấp hiện hành và các nguồn kinh phí huy động, tài trợ khác. Kinh phí thực hiện Đề án do ngân sách trung ương cấp ước tính là 37.600 triệu đồng; hàng năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm lập dự toán kinh phí chi tiết phần kinh phí do ngân sách trung ương đảm bảo gửi Bộ Tài chính. Kinh phí thực hiện Đề án ở địa phương do ngân sách địa phương bố trí; hàng năm, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ các nội dung hoạt động của Đề án thuộc địa phương mình lập dự toán kinh phí trình hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành. Tiếp tục cấp kinh phí hoạt động cho các tổ chức khoa học công nghệ (SMS: 1926/QD-TTg) - Tại văn bản số 1926/QĐ-TTg ngày 20/11/2009, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định tiếp tục cấp kinh phí hoạt động thường xuyên năm 2010 từ ngân sách nhà nước theo phương thức và định mức như năm 2009 cho các tổ chức nghiên cứu khoa học, tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tổ chức dịch vụ khoa học và công nghệ quy định tại Nghị định số 115/2005/NĐ-CP ngày 05/9/2005 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức khoa học và công nghệ công lập. Thủ tướng giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn các bộ, ngành và địa phương tổ chức thực hiện nội dung nói trên. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành. 300 tỷ đồng cho Chương trình giảm nghèo năm 2010 (SMS: 1909/QD-TTg) - Ngày 19/11/2009, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1909/QĐ-TTg bổ sung 300 tỷ đồng dự toán chi Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo năm 2010 cho các bộ, cơ quan trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Cụ thể, bổ sung cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội 04 tỷ đồng, Bộ Tư pháp 100 triệu đồng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 01 tỷ đồng, Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh 400 triệu đồng, Hội Cựu chiến binh Việt Nam 300 triệu đồng, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam 900 triệu đồng, Hội Nông dân Việt Nam 400 triệu đồng, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam 1,5 tỷ đồng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 300 triệu đồng. 62 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được bổ sung kinh phí 291,1 tỷ đồng; trong đó Hà Giang 5,02 tỷ đồng, Tuyên Quang 4,645 tỷ đồng, Cao Bằng 5,365 tỷ đồng, Lạng Sơn 4,965 tỷ đồng, Lào Cai 4,860 tỷ đồng, Yên Bái 4,79 tỷ đồng, Bắc Kạn 4,8 tỷ đồng, Thái Nguyên 5,035 tỷ đồng, Phú Thọ 4,52 tỷ đồng, Bắc Giang 4,63 tỷ đồng, Quảng Ninh 3,095 tỷ đồng, Sơn La 4,15 tỷ đồng, Điện Biên 4,34 tỷ đồng, Lai Châu 3,13 tỷ đồng, Hòa Bình 4,7 tỷ đồng, Hà Nội 5,79 tỷ đồng, Hải Phòng 5,02 tỷ đồng, Vĩnh Phúc 4,61 tỷ đồng, Bắc Ninh 3,34 tỷ đồng, Nam Định 4,71 tỷ đồng, Hà Nam 4,54 tỷ đồng, Hải Dương 4,34 tỷ đồng, Hưng Yên 4,01 tỷ đồng, Thái Bình 4,48 tỷ đồng, Ninh Bình 3,985 tỷ đồng, Thanh Hóa 10,84 tỷ đồng, Hà Tĩnh 4,11 tỷ đồng, Nghệ An 9,87 tỷ đồng, Quảng Bình 5,25 tỷ đồng, Quảng Trị 4,84 tỷ đồng, Thừa Thiên Huế 4,61 tỷ đồng, Đà Nẵng 1,72 tỷ đồng, Quảng Nam 6,535 tỷ đồng, Quảng Ngãi 7,56 tỷ đồng, Bình Định 7,08 tỷ đồng, Phú Yên 6,68 tỷ đồng, Khánh Hòa 1,595 tỷ đồng, Ninh Thuận 4,57 tỷ đồng, Gia Lai 5,23 tỷ đồng, Đắc Lắk 6,72 tỷ đồng, Đắk Nông 4,91 tỷ đồng, Lâm Đồng 4,84 tỷ đồng, Kon Tum 5,22 tỷ đồng, Tây Ninh 2,51 tỷ đồng, Bình Phước 5,17 tỷ đồng, Bình Dương 2,27 tỷ đồng, Đồng Nai 2,92 tỷ đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu 2,73 tỷ đồng, Bình Thuận 3,405 tỷ đồng, Long An 4,4 tỷ đồng, Đồng Tháp 5,145 tỷ đồng, An Giang 5,09 tỷ đồng, Tiền Giang 4,175 tỷ đồng, Bến Tre 4,69 tỷ đồng, Vĩnh Long 4,03 tỷ đồng, Trà Vinh 4,79 tỷ đồng, Cần Thơ 3,29 tỷ đồng, Hậu Giang 3,84 tỷ đồng, Sóc Trăng 4,72 tỷ đồng, Kiên Giang 3,45 tỷ đồng, Bạc Liêu 4,315 tỷ đồng, Cà Mau 5,11 tỷ đồng. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Quản lý tài sản nhà nước tại đơn vị vũ trang nhân dân (SMS: 106/2009/ND-CP) - Ngày 16/11/2009, Chính phủ ban hành Nghị định số 106/2009/NĐ-CP. Nghị định này quy định việc quản lý, sử dụng tài sản nhà nước tại các đơn vị thuộc hệ thống tổ chức của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an (gọi chung là đơn vị vũ trang nhân dân); việc quản lý, sử dụng tài sản nhà nước đã thực hiện giao vốn cho doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này. Theo Nghị định này, tài sản nhà nước tại đơn vị vũ trang nhân dân là những tài sản nhà nước giao cho Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quản lý, sử dụng phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, gồm: tài sản đặc biệt, tài sản chuyên dùng và tài sản phục vụ công tác quản lý. Nghị định này bao gồm các quy định về quản lý, sử dụng các loại tài sản nói trên tại đơn vị vũ trang nhân dân như: đầu tư xây dựng công trình; mua sắm, sử dụng tài sản; bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa, tài sản; lập, quản lý, lưu trữ hồ sơ tài sản; hạch toán tài sản; thu hồi tài sản; điều chuyển tài sản; bán, thanh lý tài sản; báo cáo tài sản; công khai việc quản lý, sử dụng tài sản; thanh tra, kiểm tra, kiểm toán việc chấp hành quản lý, sử dụng tài sản... Tại Nghị định này, Chính phủ cũng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ trưởng Bộ Công an có trách nhiệm sắp xếp, chuyển đổi các nhà khách thuộc đơn vị vũ trang nhân dân theo mô hình đơn vị sự nghiệp hoặc doanh nghiệp; việc sắp xếp phải hoàn thành trước ngày 31/12/2010. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2010. |
BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI | |||||||||
Hướng dẫn tính trợ cấp mất việc làm (SMS: 39/2009/TT-BLDTBXH) - Ngày 18/11/2009, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 39/2009/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thi hành Điều 12 của Nghị định số 39/2003/NĐ-CP ngày 18/4/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về việc làm. Theo Thông tư này, tiền lương làm căn cứ tính trợ cấp mất việc làm là tiền lương, tiền công theo hợp đồng lao động, được tính bình quân của 06 tháng liền kề trước khi bị mất việc làm, bao gồm: tiền công hoặc tiền lương cấp bậc, chức vụ, phụ cấp khu vực, phụ cấp chức vụ (nếu có). Mức trợ cấp mất việc làm thấp nhất bằng 02 tháng lương, trừ trường hợp thời gian để tính trợ cấp mất việc làm của người lao động làm dưới 01 tháng. Tiền trợ cấp mất việc làm bằng số năm được tính hưởng trợ cấp mất việc làm nhân với tiền lương làm căn cứ tính trợ cấp mất việc làm và nhân với 01. Trong đó, số năm được tính hưởng trợ cấp mất việc làm được xác định là tổng thời gian người lao động làm việc liên tục cho người sử dụng lao động đó được tính từ khi bắt đầu làm việc đến khi người lao động bị mất việc làm, trừ đi thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại Điều 41 của Nghị định số 127/2008/NĐ-CP ngày 12/12/2008 của Chính phủ. Trường hợp tổng thời gian làm việc thực tế cho người sử dụng lao động có tháng lẻ (kể cả trường hợp người lao động có thời gian làm việc cho người sử dụng lao động từ đủ 12 tháng trở lên nhưng tổng thời gian làm việc tính trợ cấp mất việc làm dưới 12 tháng) thì được làm tròn như sau: dưới 01 tháng không được tính để hưởng trợ cấp mất việc làm; từ đủ 01 tháng đến dưới 06 tháng được làm tròn thành 06 tháng làm việc để hưởng trợ cấp mất việc làm bằng ½ tháng lương; từ đủ 06 tháng trở lên được làm tròn thành một năm làm việc để hưởng trợ cấp mất việc làm bằng một tháng lương. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký. Cách tính trợ cấp mất việc làm được áp dụng từ ngày 01/01/2009; không áp dụng cách tính trợ cấp mất việc làm quy định tại Thông tư này để tính lại trợ cấp mất việc làm đối với những trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động trước ngày 01/01/2009. 200 triệu đồng cho trẻ em ba tỉnh bị bão lụt (SMS: 1529/QĐ-LDTBXH) - Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa ký Quyết định số 1529/QĐ-LĐTBXH ngày 16/11/2009 hỗ trợ đột xuất số tiền 200 triệu đồng từ nguồn kinh phí vận động tích luỹ của Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam cho trẻ em của ba tỉnh thuộc các gia đình có nhà bị sập, trôi, hư hỏng, bố hoặc mẹ mất do cơn bão số 11 gây ra; mỗi em 500 ngàn đồng để mua quần áo, sách vở, đồ dùng học tập. Cụ thể, tỉnh Phú Yên hỗ trợ 120 triệu đồng, tỉnh Khánh Hòa 50 triệu đồng và tỉnh Đắc Lắc 30 triệu đồng. Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ba tỉnh nói trên có trách nhiệm duyệt đối tượng hỗ trợ và phối hợp với Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam triển khai thực hiện.
|