Số 46.2008 (402) ngày 21/11/2008

 CHÍNH PHỦ


Phòng thủ dân sự
(SMS: 507000)
- Theo Nghị định số 117/2008/NĐ-CP, ban hành ngày 14/11/2008, Chính phủ quy định: Phòng thủ dân sự (PTDS) được tổ chức từ Trung ương đến địa phương, cơ sở và theo vùng lãnh thổ. Người đứng đầu các cơ quan, tổ chức chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện phòng thủ dân sự. Thủ tướng chỉ đạo PTDS trong phạm vi cả nước.
Lực lượng PTDS gồm lực lượng nòng cốt (dân quân, công an cấp xã; tự vệ cơ quan; tổ chức; lực lượng phòng thủ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm của Quân đội nhân dân và các Bộ, ngành); lực lượng rộng rãi (toàn dân tham gia).
Lực lượng PTDS có trách nhiệm tuyên truyền, huấn luyện kiến thức về phòng thủ dân sự; dự báo các nguy cơ, quy mô, mức độ thiệt hại của khu vực có thể xảy ra thảm họa. Thông báo, truyền lệnh báo động kịp thời khi xảy ra thảm họa; triển khai thực hiện các biện pháp cần thiết khi có thảm họa (sơ tán nhân dân, phân tán tài sản của Nhà nước và nhân dân đến nơi an toàn, tiến hành cứu sập, tìm kiếm, cứu nạn, khôi phục các hoạt động công cộng...).
Việc xây dựng hệ thống công trình PTDS ở từng cấp khi có chiến tranh phải gắn với quy hoạch thế trận quân sự khu vực phòng thủ. Kết hợp phát triển kinh tế-xã hội với xây dựng các công trình PTDS. Bên cạnh đó, Nhà nước có chính sách khuyến khích các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài xây dựng các công trình ngầm để bảo đảm tính lưỡng dụng.
Chế độ đối với người được huy động huấn luyện và làm nhiệm vụ PTDS được quy định như sau: người không hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong thời gian được huy động huấn luyện và thực hiện nhiệm vụ PTDS được trợ cấp ngày công lao động. Đối với lao động phổ thông, mức trợ cấp thấp nhất bằng 0,04 so với mức lương tối thiểu tại thời điểm đó; đối với lao động liên quan trực tiếp tới chất phóng xạ, hóa chất độc hại,... mức trợ cấp thấp nhất là 0,1 so với mức lương tối thiểu.
Người tham gia lực lượng PTDS nếu bị ốm đau, tai nạn trong khi huấn luyện, làm nhiệm vụ, kể cả trong và ngoài giờ hành chính theo quyết định của cấp có thẩm quyền sẽ được hưởng chế độ về ốm đau, tai nạn lao động; nếu có hành động dũng cảm cứu người, tài sản của nhà nước và nhân dân mà bị thương, hy sinh thì được xem xét để hưởng các chế độ, chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật.
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Phí thuỷ lợi
(SMS: 506993)
- Ngày 14/11/2008, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 115/2008/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 143/2003/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi.
Theo đó, mức thu thủy lợi phí đối với đất trồng lúa được tính trên ha/vụ. Mức thấp nhất là 566.000 đồng/ha/vụ đối với vùng miền núi tưới tiêu bằng trọng lực và cao nhất là 1.097.000 đồng đối với đồng bằng sông Hồng tưới tiêu bằng động lực.
Trường hợp tưới, tiêu chủ động một phần thì thu bằng 60% mức phí quy định (quy định cũ là từ 50 - 70%); chỉ tạo nguồn tưới, tiêu bằng trọng lực
thu bằng 40%
, động lực: 50% (quy định cũ là 40 - 60%).
Đối với diện tích trồng mạ, rau, màu, cây công nghiệp ngắn ngày kể cả cây vụ Đông thì mức thu thủy lợi phí bằng 40% mức thủy lợi phí đối với đất trồng lúa (mức cũ là từ 30 - 50%).
Mức thủy lợi phí sản xuất muối vẫn giữ nguyên mức cũ là 2% giá trị muối thành phẩm.
Khung mức tiêu nước đối với tổ chức, cá nhân sử dụng nước hoặc làm dịch vụ từ công trình thủy lợi để phục vụ cho các mục đích không phải sản xuất lương thực tăng gấp đôi so với mức cũ.
Điểm mới của Nghị định này là miễn thủy lợi phí cho nông dân và quy định rất rõ việc miễn thủy lợi phí đối với diện tích mặt đất, mặt nước trong hạn mức giao đất nông nghiệp của các hộ gia đình, cá nhân dùng vào sản xuất nông, ngư, lâm nghiệp và làm muối, bao gồm đất do Nhà nước giao, được thừa kế, cho, tặng... kể cả phần diện tích đất 5% công ích do địa phương quản lý mà các hộ gia đình, cá nhân được giao hoặc đấu thầu quyền sử dụng.
Đối với các hộ gia đình, cá nhân tại địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn cũng được miễn thủy lợi phí cho toàn bộ diện tích đất, mặt nước dùng vào sản xuất nông, ngư, lâm nghiệp và làm muối.
Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2009.


Phòng, chống ma tuý
(SMS: 506992)
- Ngày 11/11/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 32/2008/CT-TTg về việc tổ chức triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma tuý và Nghị quyết số 16/2008/NQ-NQ12.
Thủ tướng chỉ đạo: UBND các tỉnh phải củng cố Ban chỉ đạo và lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy các cấp. Người đứng đầu chính quyền các cấp, Thủ trưởng các ngành, đơn vị phải chịu trách nhiệm về việc để xảy ra tệ nạn ma túy phức tạp, nghiêm trọng, kéo dài trong cơ quan, đơn vị.
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan chỉ đạo, hướng dẫn việc tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình, tại cộng đồng; cai nghiện ma túy tập trung tại cơ sở cai nghiện và hỗ trợ người đã cai nghiện trở về tái hòa nhập cộng đồng.
Bộ Công an khẩn trương hoàn thành xây dựng Chiến lược phòng, chống ma túy đến năm 2015, tầm nhìn 2020 để trình Chính phủ phê duyệt, đồng thời chủ trì kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các ngành, các cấp, các lực lượng tổ chức triển khai thực hiện công tác phòng, chống ma túy.
Bên cạnh đó, Bộ Quốc phòng chỉ đạo các lực lượng chức năng xây dựng kế hoạch cụ thể để nâng cao năng lực và hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy ở khu vực biên giới trên đất liền, biển, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.
Bộ Y tế có trách nhiệm hướng dẫn cụ thể trình tự, thủ tục xác định người nghiện ma túy và chỉ đạo các cơ sở y tế có trách nhiệm phối hợp xét nghiệm, tham gia chữa trị, cai nghiện cho người nghiện ma túy; quy định việc nghiên cứu thuốc và phương pháp cai nghiện ma túy; kiểm soát chặt chẽ tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần trong lĩnh vực y tế.

Chỉ thị này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ TÀI CHÍNH


Lệ phí đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại
(SMS: 507021)
- Ngày 17/11/2008, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 106/2008/QĐ-BTC về việc quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại.
Theo đó, áp dụng mức thu lệ phí cấp mới Thông báo chấp thuận điều kiện hoạt động nhượng quyền thương mại đối với Thương nhân nước ngoài vào Việt Nam là 16,5 triệu đồng/giấy; Sửa đổi, bổ sung thông báo: 6 triệu đồng; Cấp lại thông báo: 0,5 triệu đồng.
Mức thu cấp mới thông báo đối với Thương nhân Việt Nam nhượng quyền thương mại ra nước ngoài là 4 triệu đồng/giấy; Sửa đổi, bổ sung và cấp lại thông báo: 0,5 triệu đồng.
Thương nhân nhượng quyền thương mại trong nước cấp mới thông báo là 4 triệu đồng/giấy; Sửa đổi, bổ sung và cấp lại thông báo: 0,5 triệu đồng.
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Đấu thầu dịch vụ công
(SMS: 507004)
- Ngày 13/11/2008, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 105/2008/TT-BTC hướng dẫn một số điều của Quyết định số 39/2008/QĐ-TTg ban hành Quy chế đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước.
Theo đó, dịch vụ sự nghiệp công thực hiện đấu thầu cung cấp dịch vụ khi đảm bảo các điều kiện sau: Có kế hoạch đấu thầu và được phân bổ dự toán kinh phí cho dịch vụ sự nghiệp công phải đấu thầu; Xác định được đối tượng sử dụng dịch vụ sự nghiệp công; Xác định được tiêu chuẩn và chất lượng dịch vụ sự nghiệp công; Dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước có tổng trị giá từ 500 triệu đồng trở lên...
Đối với dịch vụ sự nghiệp công có tổng trị giá dưới 500 triệu đồng nhưng đủ điều kiện để đấu thầu thì Thủ trưởng cơ quan ở trung ương, Chủ tịch UBND cấp tỉnh tuỳ tình hình cụ thể để quyết định hình thức đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ...
Tùy theo tính chất và trình tự thực hiện, có thể chia dịch vụ sự nghiệp công thành các gói thầu. Việc phân chia thành các gói thầu phải bảo đảm tính đồng bộ của dịch vụ. Nội dung của từng gói thầu trong kế hoạch đấu thầu bao gồm: Tên gói thầu: tên gói thầu thể hiện tính chất, nội dung và phạm vi công việc của gói thầu, phù hợp với nội dung nêu trong dịch vụ; Tiêu chuẩn và mục tiêu của gói thầu; Giá gói thầu: giá gói thầu do cơ quan tổ chức đấu thầu xây dựng dựa trên các định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí hiện hành do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành; Hình thức lựa chọn nhà cung cấp; phương thức đấu thầu; Nguồn vốn: đối với mỗi gói thầu phải nêu rõ nguồn vốn và phương thức thanh toán cho nhà cung cấp; Thời gian lựa chọn nhà cung cấp: thời gian tổ chức thực hiện việc lựa chọn nhà cung cấp thực hiện gói thầu để bảo đảm tiến độ của gói thầu theo đúng quy định của Luật đấu thầu; Thời gian thực hiện hợp đồng: thời gian thực hiện hợp đồng phải bảo đảm việc thực hiện gói thầu phù hợp với tiến độ thực hiện dịch vụ sự nghiệp công...
Cơ quan tổ chức đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước được thu các khoản sau: bán hồ sơ mời thầu tối đa là 1 triệu đồng/bộ đối với gói thầu trong nước. Đối với đấu thầu quốc tế, mức giá bán theo thông lệ quốc tế; Thu phí thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu kể cả trường hợp không lựa chọn được nhà thầu được tính bằng 0,01% giá gói thầu nhưng tối thiểu là 500.000 đồng và tối đa là 30 triệu đồng…
Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Chính sách bình ổn giá
(SMS: 506996)
- Ngày 13/11/2008, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 104/2008/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 170/2003/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Giá và Nghị định 75/2008/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 170/2003/NĐ-CP.
Theo đó, khi giá thị trường trong nước của hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục bình ổn giá có biến động bất thường như: Tăng cao, giảm thấp không hợp lý khi có thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, khủng hoảng kinh tế hoặc tổ chức cá nhân lạm dụng liên kết độc quyền về giá, đầu cơ, găm hàng, tin đồn thất thiệt không... làm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế-xã hội và đời sống của nhân dân thì Nhà nước sẽ áp dụng chính sách này.
Danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá: xăng, dầu; xi măng; thép xây dựng; khí hóa lỏng; phân bón hóa học; thuốc bảo vệ thực vật; thuốc thú y: Một số loại kháng sinh; muối do diêm dân sản xuất; sữa; đường ăn; thóc, gạo; thuốc phòng, chữa bệnh cho người bao gồm các loại thuốc thuộc danh mục thuốc chữa bệnh chủ yếu sử dụng tại các cơ sở khám chữa bệnh theo quy định của Bộ Y tế; cước vận chuyển hành khách bằng đường sắt loại ghế ngồi cứng; thức ăn chăn nuôi gia súc: ngô, đậu tương, khô dầu đậu tương; hàng hóa, dịch vụ khác theo quy định của UBND cấp tỉnh.
Điều kiện cụ thể để bình ổn giá được căn cứ: Nếu các mặt hàng nằm trong danh mục bình ổn giá tăng trong 15 ngày liên tục; giá bán lẻ trên thị trường tăng bình quân từ 15% trở lên so với giá thị trường trước khi có biến động. Bộ Tài chính có trách nhiệm công bố và áp dụng biện pháp bình ổn giá, trong đó chính sách bao gồm: Điều chỉnh cung-cầu hàng hóa; mua vào hoặc bán ra hàng dự trữ quốc gia; các biện pháp tài chính, tiền tệ...
Các DN vi phạm có thể bị đình chỉ các mức giá hàng hóa; bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, thu phần chênh lệch giá tăng bất hợp lý vào ngân sách nhà nước; nếu vi phạm nghiêm trọng chính sách bình ổn giá có thể bị xử phạt hành chính, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Khi thực hiện chính sách bình ổn giá, các tập đoàn kinh tế, Tổng công ty, công ty cổ phần, công ty TNHH có trên 50% vốn sở hữu nhà nước trong vốn điều lệ sẽ phải thực hiện đăng ký giá. Bộ Tài chính có quyền quyết định bổ sung các DN phải thực hiện đăng ký giá…
Thông tư này có hiệu lực sau 15, kể từ ngày đăng Công báo.


Bán đấu giá hàng dự trữ quốc gia
(SMS: 507020)
- Ngày 12/11/2008, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 103/2008/QĐ-BTC về việc ban hành Quy chế bán đấu giá hàng dự trữ quốc gia do Cục Dự trữ quốc gia trực tiếp quản lý.
Theo đó, nguyên tắc bán đấu giá hàng dự trữ quốc gia được thực hiện như sau: Việc bán đấu giá được thực hiện công khai, liên tục và không hạn chế số vòng đấu, bình đẳng, trung thực, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bên tham gia; Cuộc bán đấu giá chỉ được tiến hành khi có từ hai tổ chức, cá nhân trở lên đăng ký tham gia đấu giá; Hàng dự trữ quốc gia được đấu giá theo một đơn vị tài sản bán đấu giá...
Trước thời điểm cuộc bán đấu giá, nếu giá thị trường có biến động (tăng hoặc giảm) so với giá khởi điểm đã thông báo thì phải thực hiện điều chỉnh giá khởi điểm. Nếu người đã đăng ký tham gia đấu giá không chấp nhận việc điều chỉnh giá khởi điểm của một đơn vị tài sản bán đấu giá thì được hoàn trả lại tiền mua hồ sơ đấu giá và khoản tiền đã đặt trước (nếu đã nộp)…
Tùy theo từng loại hàng dự trữ xuất bán, người bán đấu giá sẽ quy định bước giá cụ thể áp dụng cho từng cuộc bán đấu giá, nhưng tối đa không quá 1% của giá khởi điểm của vòng đấu đầu tiên...
Cơ quan, đơn vị và cán bộ công chức thuộc, trực thuộc Cục Dự trữ quốc gia không được tham gia đấu giá mua hàng dự trữ quốc gia dưới bất kỳ hình thức nào.
Đấu giá được thực hiện dưới hình thức bỏ phiếu kín theo vòng. Vòng đấu giá cuối cùng là vòng đấu khi tất cả những người tham gia đấu giá tự nguyện từ chối bỏ phiếu vòng đấu tiếp theo. Người trả giá cao nhất nhưng phải đảm bảo mức giá đã trả ít nhất bằng giá khởi điểm tại vòng đấu cuối cùng là người mua được hàng dự trữ quốc gia bán đấu giá.
Trong trường hợp có từ hai người trở lên cùng trả một giá cao nhất thì những người này phải tiếp tục tham gia đấu giá cho đến khi có một người trả giá cao nhất và đảm bảo mức giá đã trả thấp nhất phải bằng giá khởi điểm của vòng đấu, vòng đấu đó là vòng đấu cuối cùng; người trả giá cao nhất đó là người mua được hàng dự trữ quốc gia bán đấu giá. Trong trường hợp những người này từ chối tiếp tục tham gia trả giá, thì người điều hành cuộc bán đấu giá tổ chức việc rút thăm giữa những người đó và công bố người rút trúng thăm là người mua được hàng dự trữ quốc gia bán đấu giá…
Người đã đăng ký mua hàng dự trữ quốc gia bán đấu giá phải nộp một khoản tiền đặt trước cho người bán đấu giá tài sản và không được tính lãi trong thời gian ký đặt. Mức tiền đặt trước của tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá do người bán đấu giá tài sản quy định cụ thể nhưng tối đa không quá 5% giá khởi điểm của đơn vị tài sản hàng dự trữ quốc gia bán đấu giá…

Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 LIÊN BỘ: TÀI CHÍNH - GIAO THÔNG VẬN TẢI


Quản lý cước dịch vụ hàng không
(SMS: 507022)
- Ngày 12/11/2008, Bộ Tài chính và Bộ Giao thông vận tải số 103/2008/TTLT/BTC-BGTVT hướng dẫn về quản lý giá cước vận chuyển hàng không nội địa và giá dịch vụ hàng không tại cảng hàng không, sân bay Việt Nam.
Theo đó, giá cước vận chuyển hàng không nội địa (hàng hoá, hành khách); giá dịch vụ hàng không tại cảng hàng không, sân bay Việt Nam được quản lý theo các hình thức sau: Nhà nước quyết định giá, khung giá đối với các dịch vụ thuộc danh mục Nhà nước định giá; Đơn vị thực hiện đăng ký giá, kê khai giá đối với các dịch vụ thuộc thẩm quyền của mình với cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền; Hiệp thương giá đối với các dịch vụ không thuộc hai trường hợp trên...
Khi giá nhiên liệu biến động vượt trên 20% mức giá đã tính trong khung giá cước, trường hợp không điều chỉnh khung giá, Bộ Tài chính chủ trì xem xét, quy định mức tối đa phụ thu xăng dầu nội địa áp dụng có thời hạn.
Việc tổ chức hiệp thương giá được thực hiện đối với các dịch vụ đáp ứng các điều kiện sau đây: Dịch vụ không thuộc danh mục do Nhà nước định giá; Dịch vụ quan trọng được sản xuất, cung ứng trong điều kiện đặc thù, có tính chất độc quyền mua, độc quyền bán và các bên mua, bán phụ thuộc lẫn nhau không thể thay thế được, thị trường cạnh tranh hạn chế; Theo đề nghị của một trong hai bên mua, bán khi các bên này không thỏa thuận được giá mua, giá bán để ký hợp đồng...
Kết quả hiệp thương giá do các bên thỏa thuận được cơ quan có thẩm quyền quản lý nhà nước về giá ban hành để thi hành. Trường hợp đã tổ chức hiệp thương giá mà hai bên mua và bán không thống nhất được mức giá thì Bộ Tài chính quyết định mức giá tạm thời để hai bên thi hành, Quyết định giá tạm thời này có hiệu lực thi hành tối đa là 06 tháng. Trong thời gian thi hành quyết định giá tạm thời các bên được quyền thỏa thuận giá mua, giá bán. Nếu các bên thỏa thuận được giá thì thực hiện theo giá thỏa thuận và có trách nhiệm báo cáo cho cơ quan có thẩm quyền tổ chức hiệp thương biết mức giá đã thỏa thuận, thời gian thực hiện. Hết thời hạn 06 tháng, nếu các bên không thỏa thuận được giá thì Bộ Tài chính sẽ tổ chức hiệp thương giá lại theo quy định và trong thời gian tổ chức hiệp thương, các bên vẫn tiếp tục thực hiện theo Quyết định giá tạm thời...

Thông tư liên tịch này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG


Quản lý dịch vụ Internet
(SMS: 506997)
- Ngày 12/11/2008, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư số 05/2008/TT-BTTTT hướng dẫn một số điều của Nghị định số 97/2008/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên Internet.
Theo đó, các tổ chức, cá nhân không được in, phát hành, bán thẻ và bán lại dịch vụ điện thoại Internet của doanh nghiệp không có giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông loại hình dịch vụ điện thoại Internet do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp dưới bất kỳ hình thức nào…
Việc triển khai các trang thiết bị và phương án kỹ thuật, nghiệp vụ đảm bảo an toàn thông tin phải có phương án dự phòng cho kênh truyền dẫn, hệ thống máy chủ, thiết bị mạng, sao lưu dữ liệu, nguồn điện đảm bảo các dịch vụ được cung cấp một cách liên tục và thông suốt; Cung cấp đầu mối liên lạc trong các hoạt động ứng cứu sự cố mạng máy tính cho Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam và đảm bảo đầu mối này có khả năng liên lạc 24 giờ trong ngày và 7 ngày trong tuần…
UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định cụ thể thời gian mở, đóng cửa của đại lý Internet tại địa phương mình quản lý trên cơ sở phù hợp với đặc điểm tình hình kinh tế, văn hoá, xã hội của địa phương.
Tất cả các doanh nghiệp đã được cấp phép cung cấp dịch vụ Intemet theo quy định trước đây phải tiến hành làm thủ tục đổi giấy phép trong thời hạn 06 tháng kể từ thời điểm Thông tư này có hiệu lực…

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.