Số 46.2007 (351) ngày 23/11/2007

 QUỐC HỘI


Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2008
(SMS: 502192)
- Theo Nghị quyết số 07/2007/NQ-QH12 được Quốc hội thông qua ngày 12/11/2007, tổng sản phẩm trong nước (GDP) sẽ tăng 8,5-9%; tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chiếm 42% tổng sản phẩm trong nước…
Giá trị tăng thêm của ngành nông - lâm -ngư nghiệp đạt khoảng 3,5-4%; công nghiệp và xây dựng đạt 10,6-11%; dịch vụ tăng 8,7-9,2%. Chỉ số giá tiêu dùng được khống chế thấp hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 20-22%, chỉ tiêu đào tạo cao đẳng nghề và trung cấp nghề tăng 18,5%...
Một số chỉ tiêu quan trọng khác: Giảm tỷ lệ sinh xuống 0,3%, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống 11-12%; nâng tỷ lệ che phủ rừng lên 40%, xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường đạt 60%; tỷ lệ chất thải rắn được thu gom đạt 80%...
Nghị quyết còn yêu cầu Chính phủ "gộp" giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền trên đất thành một và giao cho một cơ quan làm đầu mối thực hiện…

Chính phủ còn có trách nhiệm chỉ đạo đơn giản hoá hồ sơ, thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; phấn đấu đến năm 2010 toàn quốc hoàn thành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với tất cả các loại đất…
 

 CHÍNH PHỦ


Chứng minh thư mẫu mới
(SMS: 502209)
- Ngày 19/11/2007, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 170/2007/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 05/1999/NĐ-CP về Chứng minh nhân dân (CMND).
Theo đó, mẫu CMND mới sẽ như sau: hình chữ nhật, dài 85,6 mm, rộng 53,98 mm, hai mặt in hoa văn màu xanh trắng nhạt; có giá trị sử dụng 15 năm kể từ ngày cấp.Mặt trước, ở bên trái từ trên xuống có hình Quốc huy đường kính 14 mm (theo quy định cũ là 19 mm); ảnh của người được cấp CMND cỡ 20x30 mm thay vì 30x40 mm như quy định cũ; có giá trị đến (ngày, tháng, năm).
Bên phải, từ trên xuống: chữ "Chứng minh nhân dân" (màu đỏ); số; họ và tên khai sinh; họ và tên gọi khác; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; dân tộc; quê quán; nơi thường trú…
Mặt sau: trên cùng là mã vạch 2 chiều. Bên trái, có 2 ô: ô trên, vân tay ngón trỏ trái; ô dưới, vân tay ngón trỏ phải. Bên phải, từ trên xuống: đặc điểm nhận dạng; họ và tên cha; họ và tên mẹ; ngày, tháng, năm cấp CMND; chức danh người cấp; ký tên và đóng dấu.
Thủ tục xin đổi, cấp lại CMND phải có đơn trình bày nêu rõ lý do. Trường hợp cấp lại thì đơn phải có xác nhận của công an nơi thường trú.
CMND hiện đang sử dụng vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn theo quy định.
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Hoạt động khoa học công nghệ phục vụ ngành công an
(SMS: 502204)
- Theo Nghị định số 169/2007/NĐ-CP ban hành ngày 19/11/2007 về huy động tiềm lực khoa học và công nghệ phục vụ công tác công an, Chính phủ quy định: trong thời gian được huy động, cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ là cán bộ, công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước được hưởng nguyên lương, các chế độ, chính sách như khi làm việc tại cơ quan, tổ chức của nhà nước, do cơ quan quản lý cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ chi trả. Ngoài ra được hưởng phụ cấp do cơ quan công an huy động chi trả theo mức sau đây: bằng 30% mức tiền lương đang hưởng và phụ cấp chức vụ (nếu có) trước khi được huy động, các chế độ trợ cấp khác trong trường hợp thời gian được huy động dưới 6 tháng; Bằng 50% trong trường hợp thời gian được huy động từ 6 tháng đến dưới 1 năm; Bằng 80% trong trường hợp thời gian được huy động từ 1 năm trở lên…
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Mức lương tối thiểu vùng trong các doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài
(SMS: 502201)
- Ngày 16/11/2007, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 168/2007/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng đối với lao động Việt Nam làm việc cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế và cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam.
Theo đó, mức lương tối thiểu vùng dùng để trả công đối với người lao động làm công việc đơn giản nhất trong điều kiện lao động bình thường cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế và cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam được thực hiện từ ngày 01/01/2008 với các mức tương ứng với vùng như sau:
Mức 1 triệu đồng/tháng áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn các quận thuộc thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh.
Mức 900.000 đồng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn các huyện thuộc thành phố Hải Phòng; thành phố Hạ Long thuộc tỉnh Quảng Ninh; thành phố Biên Hòa, thị xã Long Khánh, các huyện Nhơn Trạch, Long Thành, Vĩnh Cửu, Trảng Bom thuộc tỉnh Đồng Nai; thị xã Thủ Dầu Một, các huyện: Thuận An, Dĩ An, Bến Cát, Tân Uyên thuộc tỉnh Bình Dương; thành phố Vũng Tàu thuộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Mức 800.000 đồng đối với các doanh nghiệp hoạt động trên các địa bàn còn lại.
Ngoài ra, người lao động đã qua học nghề (kể cả lao động do doanh nghiệp tự dạy nghề) mức tiền lương thấp nhất trả phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng nói trên. Nhà nước khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện mức lương tối thiểu cao hơn mức lương tối thiểu vùng…


Mức lương tối thiểu theo vùng
(SMS: 502200)
- Ngày 16/11/2007, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 167/2007/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức khác của Việt Nam có thuê mướn lao động.
Theo đó, kể từ ngày 01/01/2008, mức lương tối thiểu vùng để trả công đối với người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường ở các doanh nghiệp thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp (không bao gồm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài); công ty TNHH một thành viên do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ và các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức khác có thuê mướn lao động được chia thành các vùng như sau: mức 620.000 đồng/tháng áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn các quận thuộc thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh.
Mức 580.000 đồng áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn các huyện thuộc thành phố Hải Phòng; thành phố Hạ Long thuộc tỉnh Quảng Ninh; thành phố Biên Hòa, thị xã Long Khánh, các huyện Nhơn Trạch, Long Thành, Vĩnh Cửu, Trảng Bom thuộc tỉnh Đồng Nai; thị xã Thủ Dầu Một, các huyện: Thuận An, Dĩ An, Bến Cát, Tân Uyên thuộc tỉnh Bình Dương; thành phố Vũng Tàu thuộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Mức 540.000 đồng áp dụng đối với các doanh nghiệp hoạt động trên các địa bàn còn lại.


Mức lương tối thiểu chung
(SMS: 502199)
- Theo Nghị định số 166/2007/NĐ-CP ban hành ngày 16/11/2007, Chính phủ quy định: từ ngày 01/01/2008, mức lương tối thiểu chung để trả công cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường là 540.000 đồng/tháng…
Mức lương này không áp dụng đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế và cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam mà chỉ áp dụng đối với: Cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội; đơn vị sự nghiệp của Nhà nước; công ty được thành lập, tổ chức và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp nhà nước...


Cơ cấu của tổ chức tài chính quy mô nhỏ
(SMS: 502187)
- Ngày 15/11/2007, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 165/2007/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều Nghị định số 28/2005/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của tổ chức tài chính quy mô nhỏ tại Việt Nam.
Theo đó, Tổ chức tài chính quy mô nhỏ là doanh nghiệp được thành lập dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn có vốn pháp định là 05 tỷ đồng.
Tiết kiệm bắt buộc: là khoản tiền mà khách hàng tài chính quy mô nhỏ phải gửi tại tổ chức tài chính quy mô nhỏ để được quyền vay vốn của chính tổ chức này. Tiết kiệm bắt buộc là một khoản tiền nhỏ gửi định kỳ hoặc là một số tiền tương ứng với một tỷ lệ phần trăm nhất định trên giá trị của khoản vay được giữ lại theo quy định của tổ chức tài chính quy mô nhỏ. Tổ chức tài chính quy mô nhỏ được sử dụng tiết kiệm bắt buộc để bảo đảm khoản vay của khách hàng tài chính quy mô nhỏ tại tổ chức tài chính quy mô nhỏ...
Nhiệm kỳ của Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát là 05 năm; nhiệm kỳ của thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát không quá 05 năm. Trường hợp có thành viên được bầu bổ sung hoặc thay thế thành viên bị miễn nhiệm, bãi nhiệm trong thời hạn nhiệm kỳ thì nhiệm kỳ của thành viên đó là thời gian còn lại của nhiệm kỳ Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát. Thành viên Hội đồng quản trị và thành viên Ban kiểm soát có thể được bầu lại...
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Tín dụng đối với học sinh, sinh viên
(SMS: 502202)
- Ngày 15/11/2007, Văn phòng Chính phủ đã ra Thông báo số 239/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân về tín dụng đối với học sinh, sinh viên.
Theo đó, áp dụng thống nhất một mức cho vay tối đa đối với tất cả các vùng trong toàn quốc. Giảm 50% lãi suất cho vay đối với trả nợ trước hạn…

UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo UBND cấp dưới căn cứ tiêu chí và hướng dẫn của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, điều tra lập danh sách và xác nhận đúng đối tượng hộ gia đình được vay vốn; trường hợp các hộ gia đình đang sinh sống thường xuyên tại địa phương nhưng chưa có hộ khẩu hoặc đăng ký tạm trú dài hạn thì cần hướng dẫn và tạo điều kiện thuận lợi để họ làm ngay đăng ký tạm trú dài hạn hoặc đăng ký hộ khẩu và thực hiện việc xác nhận tại địa phương để các hộ này được vay vốn…
 

 BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI


Ưu đãi người có công với cách mạng
(SMS: 502156)
- Ngày 15/11/2007, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 25/2007/TT-BLĐTBXH hướng dẫn bổ sung việc thực hiện ưu đãi đối với người có công với cách mạng (NCC).
Theo đó, công nhân viên chức có thời gian công tác thực tế từ 20 năm trở lên hoặc chưa đủ nhưng có đủ 15 năm công tác liên tục trong quân đội, công an đồng thời là thương binh có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động do thương tật từ 21% trở lên; hoặc có dưới 20 năm công tác, nhưng tỷ lệ suy giảm khả năng lao động do ốm đau, bệnh tật còn từ 61% trở lên (sau khi đã trừ tỷ lệ suy giảm khả năng lao động do thương tật) thì được hưởng 2 chế độ trợ cấp: mất sức lao động và thương tật; nếu sau khi trừ tỷ lệ này còn dưới 61% thì được chọn hưởng 1 trong 2 chế độ trợ cấp nêu trên.
Bệnh binh có thời gian công tác liên tục trong quân đội, công an từ 15 năm trở lên hoặc chưa đủ nhưng cộng thời gian công tác thực tế trước đó có đủ 20 năm trở lên đồng thời là thương binh có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động do thương tật từ 21% trở lên; hoặc có dưới 15 năm, nhưng  tỷ lệ suy giảm khả năng lao động do ốm đau, bệnh tật còn từ 41% trở lên (sau khi đã trừ tỷ lệ suy giảm khả năng lao động do thương tật) thì được hưởng 2 chế độ trợ cấp: bệnh binh và thương tật; nếu sau khi trừ còn dưới 41% thì được chọn hưởng 1 trong 2 chế độ trợ cấp này.
Bên cạnh đó, NCC được Nhà nước trao tặng Huân Huy chương kháng chiến đã chết mà chưa được hưởng chế độ thì thân nhân sẽ được hưởng trợ cấp 1 lần như quy định đối với thân nhân NCC chết trước ngày 01/01/1995.
Ngoài ra, Nhà nước sẽ xem xét, giải quyết cho hưởng lại chế độ ưu đãi đối với NCC đang hưởng chế độ ưu đãi mà bị kết án tù trên 5 năm có thời gian chấp hành hình phạt tù quy định tại bản án đã tuyên kéo dài đến sau 30/9/2005.

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.