Số 46.2006 (300) ngày 24/11/2006

 CHÍNH PHỦ


Bảo vệ môi trường
(SMS: 20425)
- Ngày 22/11/2006, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 140/2006/NĐ-CP quy định việc bảo vệ môi trường trong các khâu lập, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình và dự án phát triển.
Chính phủ yêu cầu: việc bảo vệ môi trường nhất thiết phải được coi trọng, xem xét, cân nhắc ngay từ khi hình thành ý tưởng, định hướng phát triển và quán triệt xuyên suốt quá trình lập, thẩm định, phê duyệt, tổ chức thực hiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình và dự án nhằm bảo đảm phát triển bền vững đất nước cả về kinh tế, xã hội và môi trường; không vì lợi ích trước mắt mà để lại những hậu quả nghiêm trọng, lâu dài về môi trường...
Cơ quan được giao nhiệm vụ xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển phải đồng thời lập báo cáo đánh giá môi trường chiến lược. Đối với quy hoạch đô thị và nông thôn, khi nghiên cứu để lập báo cáo phải công bố công khai và trưng cầu ý kiến của nhân dân và HĐND sống trong vùng quy hoạch...
Thời gian thẩm định chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển không quá 45 ngày kể từ ngày cơ quan thẩm định nhận đủ hồ sơ hợp lệ, không kể thời gian sửa đổi, bổ sung hồ sơ. Sau khi chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển đã được phê duyệt, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phải công bố công khai, rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng cho nhân dân biết để kiểm tra, giám sát việc thực hiện...
Các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm giải quyết theo thẩm quyền hoặc trình Thủ tướng Chính phủ giải quyết các khiếu nại, xử lý các kiến nghị của tổ chức, cá nhân có liên quan đến bảo vệ môi trường trong quá trình thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển...
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Điều lệ hoạt động tập đoàn
(SMS: 20333)
- Ngày 17/11/2006, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 265/2006/QĐ-TTg phê duyệt Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam.
Theo Điều lệ, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam có tên giao dịch quốc tế là Vietnam Post and Telecommunications Group, tên viết tắt là VNPT, có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng, biểu tượng, tài khoản tiền đồng Việt Nam và ngoại tệ mở tại Kho bạc Nhà nước, các ngân hàng trong nước và nước ngoài; hoạt động theo quy định của pháp luật đối với công ty nhà nước và theo Điều lệ này. VNPT chịu sự quản lý nhà nước của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo quy định của pháp luật.
Quyết định nêu rõ quyền, nghĩa vụ của VNPT; quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với VNPT; tổ chức quản lý, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Tổng giám đốc VNPT; quan hệ của VNPT đối với các đơn vị trực thuộc, Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam và các công ty con, công ty liên kết; cơ chế hoạt động tài chính của VNPT...
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Quy định về báo tin động đất, cảnh báo sóng thần
(SMS: 20325)
- Ngày 16/11/2006, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 264/2006/QĐ-TTg về việc ban hành Quy chế báo tin động đất, cảnh báo sóng thần.
Quy chế này quy định: khi đưa tin động đất, tin cảnh báo sóng thần, Viện Vật lý Địa cầu có trách nhiệm kiểm tra để bảo đảm các tin trên đã đến được hệ thống báo động trực canh và các cơ quan nhà nước, cơ quan thông tin đại chúng, các tổ chức, cá nhân có liên quan. Khi truyền tin động đất, tin cảnh báo sóng thần, các đối tượng này phải theo đúng nội dung tin do Viện Vật lý Địa cầu cung cấp...
Khi động đất trên vùng biển Đông có cường độ lớn hơn 6,5 độ Richter, bên cạnh việc phát "Tin động đất", Viện Vật lý Địa cầu phải lập tức xem xét các kịch bản động đất gây sóng thần để đưa ra "Tin cảnh báo sóng thần" theo tin động đất, với 4 mức sau đây: "Không có sóng thần", khi động đất xảy ra nhưng không có khả năng gây ra sóng thần; "Sóng thần yếu", khi động đất có khả năng gây sóng thần và có độ cao tại bờ không quá 0,5m; "Sóng thần mạnh", khi động đất có khả năng gây sóng thần và có độ cao tại bờ từ 0,5m đến 1m; "Sóng thần nguy hiểm", khi động đất có khả năng gây sóng thần và có độ cao tại bờ lớn hơn 1m.
Khi phát hiện có khả năng xảy ra sóng thần mạnh hoặc sóng thần nguy hiểm thì phát ngay "Tin cảnh báo sóng thần" liên tục trên tất cả các phương tiện thông tin đại chúng ở vùng bờ biển có nguy cơ bị ảnh hưởng của sóng thần. Nếu sóng thần yếu thì phát tin 3 lần liên tục...

Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ XÂY DỰNG


Quản lý chất lượng công trình xây dựng
(SMS: 202102)
- Ngày 23/11/2006, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ra Chỉ thị số 13/2006/CT-BXD về việc tăng cường quản lý chất lượng các công trình xây dựng của chủ đầu tư là tư nhân.
Bộ trưởng yêu cầu: khi cấp giấy phép xây dựng, cơ quan cấp giấy phép phải kiểm tra hồ sơ khảo sát xây dựng, hồ sơ thiết kế xây dựng công trình. Đối với các công trình xây dựng mà tư nhân làm chủ đầu tư phải kiểm tra điều kiện năng lực của tổ chức, cá nhân khảo sát xây dựng và thiết kế xây dựng...
Đối với việc thiết kế xây dựng nhà ở riêng lẻ có tổng diện tích xây dựng sàn lớn hơn 250 m2, từ 3 tầng trở lên hoặc nhà ở trong các khu di sản văn hóa, di tích lịch sử - văn hóa, thì việc thiết kế phải do tổ chức, cá nhân thiết kế có đủ năng lực hoạt động thiết kế xây dựng hoặc năng lực hành nghề thiết kế xây dựng thực hiện. Nếu nhà ở riêng lẻ có quy mô nhỏ hơn quy định nêu trên thì cá nhân, hộ gia đình được tự tổ chức thiết kế nhưng phải phù hợp với quy hoạch xây dựng được duyệt và chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng thiết kế, tác động của công trình đến môi trường và an toàn của các công trình lân cận...
Trong giai đoạn thi công xây dựng, đối với các công trình xây dựng do tư nhân làm chủ đầu tư phải kiểm tra điều kiện năng lực hoạt động xây dựng của nhà thầu thi công xây dựng theo quy định. Đối với nhà ở riêng lẻ có tổng diện tích xây dựng sàn nhỏ hơn 250 m2, từ 2 tầng trở xuống thì cá nhân được tự tổ chức thi công xây dựng nhưng phải có năng lực hành nghề thi công xây dựng công trình và chịu trách nhiệm về chất lượng, an toàn và vệ sinh môi trường...

Mọi công trình xây dựng trong quá trình thi công phải được thực hiện chế độ giám sát. Đối với nhà ở riêng lẻ, chủ đầu tư cần thuê người có chuyên môn để thực hiện giám sát thi công xây dựng...
 

 BỘ Y TẾ - BỘ QUỐC PHÒNG


Khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự
(SMS: 202106)
- Theo Thông tư liên tịch số 14/2006/TTLT-BYT-BQP ban hành ngày 20/11/2006, Bộ Y tế và Bộ Quốc phòng hướng dẫn: Tổ kiểm tra sức khỏe NVQS do Phòng Y tế huyện (hoặc uỷ quyền cho UBND xã) thành lập trên cơ sở lực lượng y tế xã, khi cần thiết có thể được tăng cường thêm lực lượng của y tế huyện. Tổ kiểm tra sức khỏe gồm ít nhất 3 người: 01 bác sĩ (hoặc y sĩ) làm tổ trưởng và 02 nhân viên y tế khác...
Những công dân đến khám sức khỏe, kiểm tra sức khỏe phải tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc, thủ tục sau: Phải xuất trình: Giấy triệu tập đi khám sức khỏe hoặc kiểm tra sức khỏe của Ban CHQS huyện; Giấy chứng minh nhân dân; Mang theo các giấy tờ liên quan đến sức khỏe cá nhân (nếu có); Không được uống rượu, bia hoặc dùng chất kích thích trước khi khám sức khỏe hoặc kiểm tra sức khỏe...
Khi tiến hành kiểm tra sức khoẻ, nếu vẫn chưa kết luận được thì gửi công dân đó đến bệnh viện có chuyên khoa sâu gần nhất để khám với tính chất là ngoại chẩn và giám định sức khỏe. Thời gian tối đa từ 7-10 ngày phải có kết luận và chỉ thực hiện trong trường hợp thật cần thiết...
Trong vòng một tháng, kể từ ngày nhận quân, đơn vị nhận quân phải tổ chức khám phúc tra sức khỏe cho chiến sĩ mới để phân loại, kết luận lại sức khỏe, phát hiện những trường hợp không đủ sức khỏe trả về địa phương và có trách nhiệm thông báo cho Ban CHQS huyện...

Thông tư liên tịch này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ TÀI CHÍNH


Các ưu đãi áp dụng trong Khu kinh tế Vân Phong
(SMS: 20424)
- Ngày 15/11/2006, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 105/2006/TT-BTC hướng dẫn chế độ tài chính và thủ tục hải quan áp dụng tại Khu kinh tế Vân Phong, tỉnh Khánh Hoà.
Theo đó, các dự án đầu tư của các tổ chức và cá nhân trong nước và nước ngoài để hình thành cơ sở sản xuất kinh doanh mới được hưởng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong 15 năm, kể từ khi dự án đầu tư bắt đầu hoạt động kinh doanh; được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 04 năm, kể từ khi có thu nhập chịu thuế; được giảm 50% số thuế phải nộp cho 09 năm kế tiếp.
Các dự án đầu tư của các tổ chức và cá nhân trong nước và nước ngoài thuộc các lĩnh vực công nghệ cao được hưởng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong suốt thời gian thực hiện dự án...
Trong quá trình hoạt động, sau khi quyết toán với cơ quan thuế mà bị lỗ, doanh nghiệp được chuyển khoản lỗ sang những năm sau để trừ vào thu nhập chịu thuế. Thời gian chuyển lỗ không quá 5 năm...
Người lao động được giảm 50% số thuế thu nhập phải nộp cho phần thu nhập, gồm cả thu nhập thường xuyên và không thường xuyên...

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ


Quy định về việc phê duyệt mẫu phương tiện đo
(SMS: 202105)
- Theo Quyết định số 22/2006/QĐ-BKHCN ban hành ngày 10/11/2006, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định: tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu phương tiện đo thuộc Danh mục phương tiện đo phải kiểm định phải đăng ký phê duyệt mẫu với cơ quan quản lý nhà nước về đo lường có thẩm quyền.
Trách nhiệm của cơ sở được quy định như sau: Sản xuất, nhập khẩu phương tiện đo theo mẫu đã được phê duyệt; Lập báo cáo tình hình sản xuất, nhập khẩu phương tiện đo mỗi năm một lần và gửi về Tổng cục trước ngày 15 tháng 12; Chấp hành việc thanh tra, kiểm tra và các quy định khác của pháp luật có liên quan về đo lường.
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Cấp thẻ kiểm đinh viên
(SMS: 202104)
- Ngày 10/11/2006, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Quyết định số 21/2006/QĐ-BKHCN ban hành Quy định về việc chứng nhận và cấp thẻ kiểm định viên đo lường.
Theo đó, người có đủ các điều kiện sau đây được chứng nhận kiểm định viên và cấp thẻ: Được tổ chức kiểm định đề nghị; Có giấy chứng nhận hoàn thành khoá đào tạo kiểm định viên theo quy định; Có bằng tốt nghiệp phổ thông trung học hoặc tương đương trở lên.
Trách nhiệm của kiểm định viên: Thực hiện kiểm định phương tiện đo trong phạm vi kiểm định được chứng nhận và theo đúng Quy trình kiểm định hiện hành; Không được dùng thẻ kiểm định viên vào các mục đích khác; Tuân thủ pháp luật và các quy định khác về đo lường.
Thời hạn hiệu lực của Quyết định chứng nhận lần đầu hoặc chứng nhận lại là 5 năm kể từ ngày ký.
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Kiểm định phương tiện đo
(SMS: 202103)
- Ngày 10/11/2006, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Quyết định 20/2006/QĐ-BKHCN ban hành Quy định về việc công nhận khả năng kiểm định phương tiện đo.
Theo đó, trường hợp công nhận lần đầu, hồ sơ của tổ chức đề nghị bao gồm: Đề nghị công nhận khả năng kiểm định phương tiện đo; Báo cáo khả năng kiểm định phương tiện đo.
Trường hợp công nhận lại hoặc công nhận mở rộng, hai tháng trước khi Quyết định công nhận hết thời hạn hiệu lực, tổ chức kiểm định lập hồ sơ bao gồm: Đề nghị công nhận khả năng kiểm định phương tiện đo; Báo cáo khả năng kiểm định phương tiện đo; Các biên bản kiểm tra, thanh tra của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền trong thời gian được công nhận (nếu có); Bản sao chứng chỉ công nhận hoặc chứng nhận.

Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.