Số 46.2005 (249) ngày 25/11/2005

 CHÍNH PHỦ


Phối hợp công tác
(SMS: 201266)
- Ngày 16/11/2005, Chính phủ đa ban hành Nghị định số 144/2005/NĐ-CP quy định về công tác phối hợp giữa các cơ quan hành chính nhà nước trong xây dựng và kiểm tra việc thực hiện chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch.
Theo đó, công tác phối hợp giữa các cơ quan hành chính nhà nước trong xây dựng và kiểm tra việc thực hiện đề án phải bảo đảm thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan, tổ chức; đảm bảo chất lượng các đề án và kỷ luật, kỷ cương trong việc thực hiện đề án; nâng cao trách nhiệm và hiệu quả trong việc giải quyết các công việc liên ngành; bảo đảm hiệu quả hoạt động của hệ thống hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương. Kiểm tra việc thực hiện chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch được quy định trong Nghị định bao gồm: xác định cơ quan phối hợp kiểm tra; phối hợp trong việc thành lập và hoạt động của đoàn kiểm tra; xây dựng báo cáo kiểm tra; thông qua làm việc trực tiếp với các cơ quan được kiểm tra; cung cấp trong việc cung cấp và kiểm tra thông tin phục vụ hoạt động kiểm tra; thông qua việc sơ kết, tổng kết việc thực hiện đề án...
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ và báo cáo Thủ tướng theo định kỳ (6 tháng một lần) hoặc đột xuất bằng văn bản về tình hình thực hiện công tác phối hợp trong xây dựng và kiểm tra thực hiện đề án...
Nghị định có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Thu tiền thuê đất, thuê mặt nước
(SMS: 201265)
- Theo Nghị định số 142/2005/NĐ-CP ban hành ngày 14/11/2005 của Chính phủ, đơn giá thuê đất một năm được tính bằng 0,5% giá đất theo mục đích sử dụng đất thuê.
Chủ tịch UBND cấp tỉnh sẽ quyết định đơn giá thuê đất cao hơn hoặc thấp hơn đơn giá theo quy định trên tuỳ thuộc vào "địa lợi" của mảnh đất đó: cao hơn không quá 4 lần với các loại đất thuộc đô thị, trung tâm thương mại, dịch vụ, đầu mối giao thông, khu dân cư tập trung có khả năng sinh lời...; thấp hơn nhưng ít nhất phải bằng 0,5% đơn giá quy định với các loại đất ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo... thuộc lĩnh vực, địa bàn được khuyến khích đầu tư. Khung giá cho thuê mặt nước được quy định như sau: dự án sử dụng mặt nước cố định: từ 10-100 triệu đồng/km2/năm; dự án sử dụng mặt nước không cố định từ 50-205 triệu đồng/km2/năm...
Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm trong các trường hợp sau:
Hộ gia đình cá nhân: thuê đất để sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối; có nhu cầu tiếp tục sử dụng diện tích đất nông nghiệp vượt hạn mức được giao trước ngày 1/1/1999 mà thời hạn sử dụng đất đã hết; Sử dụng đất nông nghiệp vượt hạn mức giao đất từ ngày 1/1/1999 đến trước ngày Luật đất đai có hiệu lực thi hành, trừ diện tích đất do chuyển quyền sử dụng đất; Thuê đất làm mặt bằng xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh, hoạt động khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, làm đồ gốm; Sử dụng đất để xây dựng công trình công cộng có mục đích kinh doanh; Hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối được giao đất không thu tiền sử dụng đất phải chuyển sang thuê đất...
Nhà nước cho thuê đất, thuê mặt nước thu tiền  thuê hàng năm hoặc thu tiền một lần cho cả thời gian thuê đất, thuê mặt nước trong các trường hợp sau:  Người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức cá nhân nước ngoài thuê đất để thực hiện dự án đầu tư sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối; làm mặt bằng xây dựng cơ sở sản xuất kinh doanh; xây dựng công trình công cộng có mục đích kinh doanh; xây dựng kết cấu hạ tầng để chuyển nhượng hoặc cho thuê đất; hoạt động khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, làm đồ gốm; xây dựng nhà ở để bán hoặc cho thuê. Tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, tổ chức phi chính phủ thuê đất để xây dựng trụ sở làm việc. Tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài thuê mặt nước, mặt biển để thực hiện dự án đầu tư...
Nghị định  này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo.


Quản lý lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài
(SMS: 18878)
- Theo Nghị định số 141/2005/NĐ-CP ban hành ngày 11/11/2005, Chính phủ quy định trách nhiệm của doanh nghiệp đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, người bảo lãnh cho người lao động và của các cơ quan, tổ chức trong việc quản lý người lao động; xử lý các hành vi vi phạm về quản lý nhà nước trong lĩnh vực xuất khẩu lao động...
Các hành vi bị nghiêm cấm gồm: Đưa người lao động đi làm việc ở khu vực, nghề, công việc mà pháp luật Việt
Nam hoặc pháp luật nước tiếp nhận lao động cấm. Lợi dụng danh nghĩa để tổ chức đưa công dân Việt Nam ra nước ngoài trái pháp luật; tổ chức tuyển chọn, đào tạo, thu tiền của người lao động trái pháp luật. Tổ chức đưa người lao động ra nước ngoài làm việc mà không đăng ký hợp đồng theo quy định của pháp luật...
Người lao động bỏ trốn ngay sau khi nhập cảnh vào nước tiếp nhận lao động, tự ý bỏ nơi đang làm việc theo hợp đồng, không về nước khi chấm dứt hợp đồng. Tổ chức lôi kéo, kích động, ép buộc người lao động đình công trái pháp luật nước sở tại; môi giới, dụ dỗ, lừa gạt người lao động bỏ nơi làm việc...
Doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài phải chịu trách nhiệm qua các bước: Tuyển chọn, đào tạo, giáo dục định hướng, ký hợp đồng với người lao động và ký hợp đồng bảo lãnh, đưa người lao động đến nơi làm việc ở nước ngoài, quản lý và giải quyết các vấn đề phát sinh, thanh lý hợp đồng với người lao động... Người lao động và người bảo lãnh có trách nhiệm tham gia các khóa đào tạo, ký và thực hiện đúng hợp đồng...
Các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính có thể bị cảnh cáo đến phạt tiền tối đa 20 triệu đồng. Doanh nghiệp vi phạm bị cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 20 triệu đồng...
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi
(SMS: 18877)
- Theo Nghị định số 140/2005/NĐ-CP ban hành ngày 11/11/2005 của Chính phủ, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi là 20 triệu đồng đối với hành vi vi phạm quy định trong giấy phép cấp cho hoạt động sử dụng chất nổ trong phạm vi bảo vệ công trình thuỷ lợi...
Phạt tiền từ 500.000 đến 1.000.000 đồng đối với hành vi xả rác thải, chất thải vào công trình thuỷ lợi gây cản trở dòng chảy; Trồng cây lâu năm, chăn thả gia súc tập trung trong phạm vi bảo vệ công trình thuỷ lợi mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép...
Hành vi ngâm tre, nứa, lá, gỗ, cắm đăng đó, vó bè, trồng rau, thả bèo hoặc tạo các vật cản khác gây cản trở dòng chảy có thể bị phạt tiền từ 50.000 đến 100.000 đồng...
Hành vi xả nước thải vào công trình thuỷ lợi thuộc diện phải xin phép mà không có giấy phép; xả rác thải, chất thải vào công trình thuỷ lợi gây ô nhiễm nước trong công trình thuỷ lợi.có thể bị phạt từ 5 đến 10 triệu đồng...
Phạt tiền từ 6 đến 12 triệu đồng đối với hành vi khoan, đào điều tra, khảo sát địa chất; khoan, đào thăm dò, thi công công trình khai thác nước dưới đất; khoan, đào thăm dò, khai thác khoáng sản và khoan, đào thăm dò, khai thác vật liệu xây dựng trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi...

Nghị đinh này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ CÔNG AN


Đăng ký phương tiện giao thông
(SMS: 201270)
- Ngày 21/11/2005, Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 17/2005/TT-BCA(C11) sửa đổi, bổ sung Điểm 2 Thông tư số 02/2003/TT-BCA(C11) về hướng dẫn tổ chức đăng ký, cấp biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.
Theo đó bỏ quy định "Mỗi người chỉ được đăng ký 1 xe máy".
Cụ thể: bỏ quy định "Mỗi người chỉ được đăng ký 1 xe môtô hoặc xe gắn máy. Trong hồ sơ đăng ký xe không phải có bản phôtô giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới"...

Thông tư này sẽ có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ TÀI CHÍNH


Thương mại Việt Nam, Hoa Kỳ và EU
(SMS: 18882)
- Ngày 18/11/2005, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 81/2005/QĐ-BTC về việc thực hiện cam kết Hiệp định về thương mại Hàng dệt, may ký giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.
Theo đó, thuế nhập khẩu các mặt hàng may sẵn như chăn, khăn trải giường, khăn trải bàn, sản phẩm trang trí nội thất... đã hoàn thiện có xuất xứ từ Mỹ đã giảm khá mạnh, từ mức 30% năm 2003, xuống 25% năm 2004; 20% năm 2005 và tới năm 2006 chỉ còn 12%.
Không chỉ giảm thuế nhập khẩu đối với hàng may sẵn có xuất xứ từ Mỹ, Bộ Tài chính cũng đã quyết định áp mức thuế nhập khẩu 12% đối với hàng may sẵn có giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá từ những quốc gia thuộc EU và
Australia.
Các mặt hàng may sẵn đã hoàn thiện trong diện giảm thuế lần này thuộc nhóm từ 6301 đến 6307 ghi trong "Danh mục hàng hoá và thuế suất thuế nhập khẩu để thực hiện lộ trình giảm thuế nhập khẩu theo Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ cho giai đoạn 2003 - 2005" được ban hành kèm theo Quyết định số 19/2004/QĐ-BTC trước đây...
Quyết định này có hiệu lực thi hành và áp dụng cho các Tờ khai hàng hoá nhập khẩu đăng ký với cơ quan Hải quan sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Phí quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm
(SMS: 201269)
- Ngày 17/11/2005, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 80/2005/QĐ-BTC về việc quy định mức thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Theo đó, lệ phí cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, Giấy chứng nhận công bố tiêu chuẩn sản phẩm, Giấy tiếp nhận hồ sơ đăng ký quảng cáo... là 50.000 đồng/1 lần cấp (1 sản phẩm)...
Phí thẩm định, kiểm tra định kỳ cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm: có sản lượng nhỏ hơn 20 tấn/năm: 200.000 đồng/lần/cơ sở; từ 20 đến nhỏ hơn 100 tấn/năm:  300.000 đồng; từ 100 đến nhỏ hơn 500 tấn/năm: 400.000 đồng; có sản lượng hơn 1000 tấn/năm trở lên: 500.000 đồng (nếu cứ tăng thêm 20 tấn/năm thì cộng thêm 100.000 đồng)...
Phí thẩm định, kiểm tra định kỳ: Khách sạn, Nhà hàng ăn uống, bếp ăn tập thể, cửa hàng kinh doanh thực phẩm: 200.000 đồng/cơ sở; Quán ăn uống bình dân: 50.000 đồng...
Phí kiểm tra chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm nhập khẩu thu bằng 0,1% giá trị lô sản phẩm, nhưng mức thu tối thiểu không dưới 500.000 đồng/lần/lô hàng và tối đa không qúa 10 triệu đồng...
Phí thẩm định, xét duyệt hồ sơ đăng ký quảng cáo thực phẩm: 300.000 đồng/sản phẩm...


Quyết toán ngân sách
(SMS: 201268)
- Ngày 17/11/2005, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 101/2005/TT-BTC hướng dẫn công tác khoá sổ kế toán cuối năm và lập, báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước hàng năm.
Theo đó, vốn đầu tư xây dựng cơ bản thuộc nguồn công trái giáo dục để kiên cố hoá trường, lớp học; nguồn trái phiếu Chính phủ để đầu tư các công trình giao thông, thủy lợi... trọng điểm còn lại của năm trước chưa chi hết trong thời hạn được chuyển sang năm sau để tiếp tục thực hiện theo mục tiêu quy định...
Tồn quỹ tiền mặt phải nộp trả ngân sách tại Kho bạc nhà nước nơi đơn vị giao dịch chậm nhất hết ngày 10/1 năm sau; trừ các khoản phải chi theo chế độ nhưng chưa chi (tiền lương, phụ cấp lương, các khoản trợ cấp cho các đối tượng theo chế độ, học bổng học sinh, sinh viên)...
Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Ngân sách nhà nước năm 2006
(SMS: 201267)
- Ngày 17/11/2005, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 100/2005/TT-BTC hướng dẫn một số điểm về tổ chức thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2006.
Theo đó, tiếp tục thực hiện cơ chế cân đối nguồn thu tiền sử dụng đất trong cân đối ngân sách địa phương để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội do ngân sách nhà nước đảm bảo...
Trường hợp tổ chức, cá nhân ứng trước kinh phí để thực hiện đền bù, hỗ trợ người có đất bị thu hồi để đầu tư các công trình cơ sở hạ tầng thuộc đối tượng đầu tư của ngân sách, sau đó mới thực hiện đấu giá thu tiền sử dụng đất thì khoản thu sử dụng đất để hoàn trả cho các tổ chức, cá nhân đã ứng trước phải thực hiện hạch toán thu, chi đầy đủ vào ngân sách nhà nước (ghi thu tiền sử dụng đất tương ứng số vốn đã ứng trước; ghi chi đầu tư xây dựng cơ bản)...
Về cơ chế hỗ trợ từ ngân sách trung ương cho ngân sách các địa phương có khó khăn để thực hiện chế độ phụ cấp đối với cán bộ không chuyên trách cấp xã, thôn, tổ dân phố, riêng đối tượng là trưởng thôn, từ năm 2005 về trước ngân sách trung ương đã hỗ trợ 40.000 đồng/người/tháng, nay điều chỉnh mức hỗ trợ là 120.000 đồng...
Điều chỉnh mức chi ngân sách nhà nước khám chữa bệnh miễn phí, từ năm 2006 bố trí kinh phí thực hiện khám chữa bệnh cho người nghèo theo chuẩn nghèo mới với mức 60.000 đồng/người/năm; kinh phí khám chữa bệnh miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi theo Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em với mức 90.000 đồng/em/năm...

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.