Số 45.2014 (708) ngày 02/12/2014

SỐ 45 (708) - THÁNG 12/2014

* LuatVietnam - website cung cấp dịch vụ tra cứu Văn bản pháp luật tiếng Việt và tiếng Anh, hoạt động từ tháng 10/2000 - nơi hỗ trợ Quý khách hàng tìm văn bản và các thông tin liên quan ĐẦY ĐỦ - CHÍNH XÁC - NHANH NHẤT!
* Thông tin chi tiết về dịch vụ của LuatVietnam, xin Quý khách vui lòng tham khảo tại địa chỉ: www.luatvietnam.vn
 

#

KÝ HIỆU

VĂN BẢN

 

Trong số này:

DOANH NGHIỆP

 

DOANH NGHIỆP

1

2139/QĐ-TTg

Quyết định 2139/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện và điều chỉnh nội dung các dự án của Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2010-2014

 

* Sẽ có Website hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp

Trang 2

ĐẤT ĐAI-NHÀ Ở

 

ĐẤT ĐAI-NHÀ Ở

 

2

18/2014/TT-BXD

Thông tư 18/2014/TT-BXD của Bộ Xây dựng sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư 02/2013/TT-BXD ngày 08/03/2013 điều chỉnh cơ cấu căn hộ các dự án nhà ở thương mại, dự án đầu tư xây dựng khu đô thị và chuyển đổi nhà ở thương mại sang làm nhà ở xã hội hoặc công trình dịch vụ

 

* Được chuyển đổi nhà ở thương mại đến hết năm 2015

Trang 2

TÀI CHÍNH-NGÂN HÀNG-TÍN DỤNG

 

TÀI CHÍNH-NGÂN HÀNG-TÍN DỤNG

 

3

37/2014/TT-NHNN

Thông tư 37/2014/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định việc thiết kế mẫu tiền, chế bản và quản lý in, đúc tiền Việt Nam

 

* Thiết kế tiền Việt Nam phải có khả năng chống giả cao

Trang 3

4

78/2014/QH13

Nghị quyết 78/2014/QH13 của Quốc hội về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2015

 

* Từ 2015, điều chỉnh tăng 8% lương hưu

Trang 3

5

2112/QĐ-TTg

Quyết định 2112/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố giai đoạn 2015-2020

 

* Thanh tra đối tượng có rủi ro rửa tiền cao ít nhất 1 lần/năm

Trang 3

TƯ PHÁP-HỘ TỊCH

 

TƯ PHÁP-HỘ TỊCH

 

6

113/2014/NĐ-CP

Nghị định 113/2014/NĐ-CP của Chính phủ về việc quản lý hợp tác quốc tế về pháp luật

 

* Hợp tác quốc tế trong xây dựng pháp luật

Trang 4

XUẤT NHẬP KHẨU

 

XUẤT NHẬP KHẨU

 

7

114/2014/NĐ-CP

Nghị định 114/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về đối tượng, điều kiện được phép nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng

 

* Nhập tàu biển để phá dỡ phải có vốn tối thiểu 50 tỷ đồng

Trang 4

KHOA HỌC-CÔNG NGHỆ

 

KHOA HỌC-CÔNG NGHỆ

 

8

66/2014/QĐ-TTg

Quyết định 66/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển

 

* Bổ sung công nghệ cao ưu tiên đầu tư phát triển

Trang 4

BẢO HIỂM

 

BẢO HIỂM

 

9

105/2014/NĐ-CP

Nghị định 105/2014/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế

 

* Ốm đau từ 14 ngày không phải đóng BHYT

Trang 5

THÔNG TIN-TRUYỀN THÔNG

 

THÔNG TIN-TRUYỀN THÔNG

 

10

17/2014/TT-BTTTT

Thông tư 17/2014/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc quy định chế độ báo cáo về hoạt động chứng thực chữ ký số

 

Tạm dừng cấp chứng thư số mới phải báo Bộ Thông tin và Truyền thông

Trang 5

CHÍNH SÁCH KINH TẾ-XÃ HỘI

 

CHÍNH SÁCH KINH TẾ-XÃ HỘI

 

11

77/2014/QH13

Nghị quyết 77/2014/QH13 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015

 

* Năm 2015, tổng sản phẩm trong nước tăng khoảng 6,2%

Trang 6

NÔNG NGHIỆP-LÂM NGHIỆP

 

NÔNG NGHIỆP-LÂM NGHIỆP

 

12

43/2014/TT-BNNPTNT  

Thông tư 43/2014/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành Danh mục sản phẩm nông lâm thủy sản, sản phẩm phụ trợ, sản phẩm cơ khí để bảo quản, chế biến nông lâm thủy sản được hỗ trợ theo Nghị định 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 của Chính phủ

 

* Danh mục sản phẩm nông nghiệp được hỗ trợ

Trang 6

 

Nếu chưa sử dụng dịch vụ thuê bao của LuatVietnam, để nhận được văn bản yêu cầu, Quý khách cần soạn tin theo cấu trúc:
VB
  Sốvănbản gửi 6689

VD: Muốn xem nội dung Quyết định số 11/2014/QĐ-TTg, soạn tin: VB 11/2014/QD-TTg gửi 6689.

Hiện chúng tôi đã có Danh sách văn bản mới tháng 11/2014, để nhận được danh sách này qua email, bạn cần soạn tin nhắn theo cấu trúc: VB DS 11/2014 Emailnhận gửi đến 6689.

TÓM TẮT VĂN BẢN:

 

Ü Doanh nghiệp:

SẼ CÓ WEBSITE HỖ TRỢ PHÁP LÝ CHO DOANH NGHIỆP

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 2139/QĐ-TTg ngày 28/11/2014 về việc tiếp tục thực hiện và điều chỉnh nội dung các dự án của Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2010 - 2014. Theo điều chỉnh của Quyết định này, có 03 dự án sẽ được triển khai nhằm hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong thời gian tới.

Dự án 01 có nội dung tăng cường năng lực cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Trong đó, sẽ tổ chức hoạt động nâng cao năng lực cho người làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; hỗ trợ báo cáo viên, hỗ trợ công tác tổ chức hội nghị, tọa đàm, trao đổi kinh nghiệm, các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng cho các cơ quan, tổ chức hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; hỗ trợ các hoạt động bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng hỗ trợ pháp lý, cung cấp thông tin pháp lý thường xuyên cho người làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

Dự án 02 là hỗ trợ nâng cao chất lượng hoạt động thông tin pháp lý cho doanh nghiệp, cụ thể là việc duy trì, vận hành, quảng bá cho Trang thông tin điện tử chính

 

thức hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; phối hợp tổ chức xây dựng và phát sóng các Chương trình phổ biến pháp luật kinh doanh cho doanh nghiệp trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức các hội nghị đối thoại với doanh nghiệp về các vấn đề pháp lý liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp…

Dự án 03 hướng tới việc hỗ trợ pháp lý trực tiếp cho doanh nghiệp trên một số hoạt động cụ thể, như: Bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh mới cho cán bộ pháp chế của doanh nghiệp; thiết lập mạng lưới tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, ưu tiên địa bàn khó khăn và đặc biệt khó khăn.

Trong giai đoạn 2015 - 2017, tập trung thực hiện cả 03 dự án nêu trên; giai đoạn 2018 - 2020 chỉ triển khai các hoạt động của Dự án 02 và Dự án 03; năm 2020, thực hiện công tác tổng kết, đánh giá các hoạt động của Chương trình và báo cáo Thủ tướng.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Ü Đất đai-Nhà ở:

ĐƯỢC CHUYỂN ĐỔI NHÀ Ở THƯƠNG MẠI ĐẾN HẾT NĂM 2015

Ngày 26/11/2014, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 18/2014/TT-BXD sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư số 02/2013/TT-BXD ngày 08/03/2013 hướng dẫn việc điều chỉnh cơ cấu căn hộ các dự án nhà ở thương mại, dự án đầu tư xây dựng khu đô thị và chuyển đổi nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội hoặc công trình dịch vụ, quyết định gia hạn hiệu lực Thông tư số 02/2013/TT-BXD thêm 01 năm, đến hết năm 2015 thay vì năm 2014 như trước đây.

Như vậy, chủ đầu tư các dự án nhà ở thương mại, dự án đầu tư xây dựng khu đô thị đã được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt nhưng chưa triển khai thi công xây dựng hoặc đã được triển khai thi công nhưng cơ cấu căn hộ hoặc mục đích sử dụng nhà ở thương mại không phù hợp với nhu cầu của thị trường, nếu muốn có thể điều chỉnh cơ cấu quy mô căn hộ thương mại có diện tích lớn sang căn hộ có diện tích nhỏ hoặc chuyển đổi các khối nhà chung cư, nhà ở thương mại thấp tầng sang làm nhà ở xã hội hoặc công trình dịch vụ như bệnh viện, trung tâm y tế,

 

trường học, khách sạn... đến hết ngày 31/12/2015.

Việc điều chỉnh cơ cấu căn hộ, chuyển đổi mục đích sử dụng nhà ở thương mại sang làm nhà ở xã hội hoặc công trình dịch vụ như trên chỉ được thực hiện đối với các hạng mục công trình xây dựng và căn hộ mà chủ đầu tư chưa ký hợp đồng góp vốn, hợp đồng mua bán với khách hàng. Trường hợp đã ký hợp đồng mua bán, góp vốn, thì trước khi điều chỉnh cơ cấu, mục đích sử dụng phải có sự đồng ý của tất cả các khách hàng đã ký hợp đồng.

Đặc biệt, việc điều chỉnh cơ cấu căn hộ phải đảm bảo an toàn, tiện lợi cho người sử dụng; căn hộ diện tích nhỏ sau khi chuyển đổi phải có đủ các không gian, diện tích sử dụng tối thiểu và không thấp hơn tiêu chuẩn tối thiểu thiết kế nhà ở thương mại theo quy định của pháp luật về nhà ở...

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 31/12/2014.

Ü Tài chính-Ngân hàng-Tín dụng:

THIẾT KẾ TIỀN VIỆT NAM PHẢI CÓ KHẢ NĂNG CHỐNG GIẢ CAO

Tại Thông tư số 37/2014/TT-NHNN ngày 26/11/2014 quy định về việc thiết kế mẫu tiền, chế bản và quản lý in, đúc tiền Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam yêu cầu mẫu thiết kế đồng tiền phải có tính thẩm mỹ cao, thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc; đảm bảo độ bền, khả năng chống giả cao và phù hợp với xu hướng thiết kế mẫu tiền trên thế giới; dễ nhận biết các mệnh giá và tính xác thực của đồng tiền; thuận tiện trong sử dụng, bảo quản và kiểm đếm, kiểm tra tiền thật, tiền giả, phân loại tiền bằng máy; phù hợp với vật liệu in, đúc tiền, công nghệ chế bản, in, đúc tiền và trang thiết bị của cơ sở in, đúc tiền.

Về việc chế tạo bản in gốc, khuôn đúc gốc của đồng tiền, Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu phải thể hiện trung thực, đầy đủ nội dung của mẫu thiết kế chính thức và đáp ứng yêu cầu của hồ sơ trình duyệt mẫu thiết kế đồng tiền đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trong quá trình chế tạo bản in gốc, khuôn đúc gốc, cơ sở in, đúc tiền phải thực hiện in, đúc thử nhằm xác định mẫu in, đúc chuẩn

 

có chất lượng cao nhất.

Việc in, đúc tiền tại cơ sở in, đúc tiền được thực hiện trên cơ sở hợp đồng in, đúc tiền được ký giữa Ngân hàng Nhà nước và cơ sở in, đúc tiền, đảm bảo phù hợp với kế hoạch in, đúc tiền; mẫu in chuẩn đa hình (đối với tiền giấy), mẫu đúc chuẩn đơn hình (đối với tiền kim loại) và tiêu chuẩn kỹ thuật của từng loại tiền đã được phê duyệt. Việc chế tạo bản in sản xuất, khuôn đúc sản xuất của cơ sở in, đúc tiền để thực hiện hợp đồng in, đúc tiền với Ngân hàng Nhà nước phải đảm bảo chính xác như bản in gốc, khuôn đúc gốc và phù hợp với số lượng tiền cần in, đúc quy định trong hợp đồng.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 12/01/2015; thay thế Thông tư số 23/2009/TT-NHNN ngày 02/12/2009.
 

TỪ 2015, ĐIỀU CHỈNH TĂNG 8% LƯƠNG HƯU

Thực hiện điều chỉnh tăng 8% đối với lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công và tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang có hệ số lương từ 2,34 trở xuống từ ngày 01/01/2015 là một trong những nhiệm vụ mà Quốc hội đề ra tại Nghị quyết số 78/2014/QH13 ngày 10/11/2014 về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2015.

Bên cạnh đó, trên cơ sở nhận định tổng số thu cân đối ngân sách Nhà nước, bao gồm cả số tiền thu chuyển nguồn từ năm 2014 sang năm 2015 là 921.100 tỷ đồng; tổng số chi cân đối và mức bội chi ngân sách Nhà nước lần lượt là 1.147.100 tỷ đồng và 226.000 tỷ đồng, Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách Nhà nước, có biện pháp tích cực để giảm bội chi, tăng chi trả nợ; ưu tiên dùng nguồn tăng thu ngân sách Nhà nước năm 2014 để trả nợ các cấp ngân sách; tính đúng, tính đủ nợ công, không để vượt mức trần 65% GDP; từ năm 2015 trở đi, phát hành trái phiếu Chính phủ kỳ hạn từ 05 năm trở lên, không thực hiện các khoản vay có kỳ hạn ngắn cho bù đắp bội chi ngân sách Nhà nước, giảm
 

 

mức vay đảo nợ.

Đồng thời nhấn mạnh yêu cầu mở rộng thực hiện cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập gắn với lộ trình thực hiện tính giá dịch vụ sự nghiệp công; từng bước chuyển phương thức hỗ trợ trực tiếp của Nhà nước đối với các đơn vị sự nghiệp công sang cơ chế đặt hàng; tiếp tục thu vào ngân sách Nhà nước 75% số tiền lãi dầu, khí nước chủ nhà được chia và tiền đọc tài liệu phát sinh trong năm 2015; số tiền còn lại để lại cho Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đầu tư theo quy định của pháp luật.

Về chi ngân sách Nhà nước, Quốc hội khẳng định, không cho phép ứng trước dự toán ngân sách Nhà nước năm sau; chỉ thực hiện chuyển nguồn đối với một số khoản chi còn nhiệm vụ và thực sự cần thiết; đặc biệt, cần tiếp tục thực hiện triệt để tiết kiệm trong chi thường xuyên, không mua xe công; giảm tối đa các khoản chi khánh tiết, hội nghị, hội thảo, lễ hội, khởi công, khánh thành công trình và đi công tác nước ngoài...

THANH TRA ĐỐI TƯỢNG CÓ RỦI RO RỬA TIỀN CAO ÍT NHẤT 1 LẦN/NĂM

Đây là một trong những nội dung Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố giai đoạn 2015 - 2020 được ban hành kèm theo Quyết định số 2112/QĐ-TTg ngày 25/11/2014 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, nhằm xây dựng một cơ chế phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố có hiệu quả ở Việt Nam và chuẩn bị cho vòng đánh giá đa phương về cơ chế phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố lần thứ hai của Nhóm châu Á - Thái Bình Dương về chống rửa tiền đối với Việt Nam diễn ra vào năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương, Bộ Nội vụ và các Bộ, ngành khác phối hợp với Thanh tra Chính phủ thực hiện thanh tra các đối tượng báo cáo được xác định có rủi ro rửa tiền và tài trợ khủng bố cao (qua đánh giá rủi ro) ít nhất 01 lần/năm từ năm 2015. Định kỳ 05 năm tiến hành đánh giá rủi ro quốc gia của Việt Nam về rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài

 

trợ phổ biến vũ khí. Dự kiến, đến tháng 12/2017, sẽ đưa nội dung xử phạt hành chính trong lĩnh vực phòng, chống rửa tiền, tài trợ cho khủng bố vào Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong từng lĩnh vực; đồng thời, thực hiện kết nối thông tin khai báo, chuyển tiền qua biên giới từ Tổng cục Hải quan đến Cơ quan phòng, chống rửa tiền...

Các Bộ, ngành liên quan chủ động lập dự toán chi phí thực hiện các công việc được giao, đưa vào dự toán kinh phí hoạt động hàng năm của đơn vị và phối hợp triển khai những nội dung liên quan của Kế hoạch; trước ngày 20/01 hàng năm thông báo cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để tổng hợp, báo cáo Chính phủ.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

 
Ü Tư pháp-Hộ tịch:

HỢP TÁC QUỐC TẾ TRONG XÂY DỰNG PHÁP LUẬT

Ngày 26/11/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 113/2014/NĐ-CP quản lý hợp tác quốc tế về pháp luật, quy định việc thực hiện hợp tác quốc tế của các cơ quan, tổ chức Việt Nam với các cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế trong công tác xây dựng pháp luật; đào tạo, bồi dưỡng về pháp luật; tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm về pháp luật trong khuôn khổ chương trình, dự án hoặc viện trợ phi dự án phải bảo đảm tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong thực hiện hoạt động.

Ngoài ra, việc thực hiện hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật còn phải bảo đảm tính hiệu quả, thiết thực, không trùng lặp; bình đẳng, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; tuân thủ Hiến pháp, pháp luật Việt Nam, phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đảm bảo độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và đề cao trách nhiệm

 

của thủ trưởng cơ quan chủ quản, bảo đảm đúng pháp luật, hiệu quả trong việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ, viện trợ phi Chính phủ nước ngoài trong hợp tác quốc tế về pháp luật...

Việc hợp tác xây dựng pháp luật được thực hiện thông qua các hình thức cung cấp chuyên gia, hỗ trợ thông tin và tài liệu, tổ chức khảo sát phục vụ việc xây dựng pháp luật, tổ chức hội nghị, hội thảo về xây dựng pháp luật có sử dụng ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, viện trợ phi Chính phủ nước ngoài.

Nghị định này thay thế Nghị định số 78/2008/NĐ-CP ngày 17/07/2008 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/03/2015.

Ü Xuất nhập khẩu:

NHẬP TÀU BIỂN ĐỂ PHÁ DỠ PHẢI CÓ VỐN TỐI THIỂU 50 TỶ ĐỒNG

Theo Nghị định số 114/2014/NĐ-CP ngày 26/11/2014 của Chính phủ quy định về đối tượng, điều kiện được phép nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng, tàu biển đã qua sử dụng nhập khẩu để phá dỡ phải được đưa vào cơ sở phá dỡ trong vòng 30 ngày kể từ ngày hoàn thành thủ tục hải quan nhưng không vượt quá 90 ngày kể từ ngày tàu đến cảng biển đầu tiên của Việt Nam; thời gian phá dỡ tàu biển không được kéo dài quá 180 ngày kể từ ngày đưa tàu vào cơ sở phá dỡ.

Cũng theo Nghị định này, việc nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng phải đảm bảo an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, an toàn lao động, bảo vệ sức khỏe con người và môi trường; chỉ được phá dỡ tàu biển tại cơ sở đã được phép hoạt động; đặc biệt, tàu biển đã qua sử dụng nhập khẩu để phá dỡ không được hoán cải, nâng cấp, chuyển đổi mục đích sử dụng và không được chuyển nhượng, mua, bán lại. 

Trong đó, tàu biển phải không trong tình trạng thế chấp hoặc khiếu nại hàng hải và

 

thuộc các trường hợp được phép nhập khẩu để phá dỡ, bao gồm: Tàu chở hàng khô (hàng tổng hợp, hàng rời, hàng thiết bị, gỗ cây, ngũ cốc, hàng sắt thép...); tàu công-ten-nơ; tàu chở quặng; tàu chở hàng lỏng (dầu thô, dầu sản phẩm, dầu thực vật); tàu chở gas, khí hóa lỏng; tàu Ro-ro, tàu khách, xà lan biển; giàn khoan nổi; giàn khoan tự nâng; tàu chứa nổi; phương tiện chứa nổi và chuyển tải sản phẩm và các loại tàu biển khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định theo đề nghị của Bộ Giao thông Vận tải.

Để được nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ, doanh nghiệp phải có đăng ký ngành nghề kinh doanh này; có các bộ phận chuyên trách thực hiện nghiệp vụ về nhập khẩu; pháp luật hàng hải; an toàn lao động và bảo vệ môi trường; có vốn pháp định tối thiểu 50 tỷ đồng và có Giấy phép nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ có hiệu lực thực hiện trong 05 năm kể từ ngày cấp.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/01/2015.

Ü Khoa học-Công nghệ:

BỔ SUNG CÔNG NGHỆ CAO ƯU TIÊN ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN

Ngày 25/11/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 66/2014/QĐ-TTg phê duyệt Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển.

Theo đó, từ ngày 15/01/2015, Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển sẽ bao gồm 58 công nghệ cao thay vì 46 công nghệ cao như trước đây; trong đó, có các công nghệ mới như: Công nghệ trí tuệ nhân tạo; công nghệ dữ liệu lớn và xử lý dữ liệu lớn; công nghệ truyền hình tương tác, công nghệ truyền hình lai ghép; công nghệ điện tử linh hoạt (FE); công nghệ khoan thế hệ mới trong thăm dò dầu khí và công nghệ thiết kế, chế tạo máy nông nghiệp thế hệ mới...

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng nâng số sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển từ 76 sản phẩm lên 114 sản phẩm, bao gồm: Hệ điều hành cho máy tính, các thiết bị di động; hệ quản trị cơ sở dữ liệu; phần mềm nền tảng cung

 

cấp dịch vụ giá trị gia tăng; phần mềm đảm bảo an ninh, an toàn mạng và bảo mật thông tin ở mức cao; phần mềm nhận dạng chữ viết, hình ảnh, âm thanh, cử chỉ, chuyển động, ý nghĩ và sinh trắc học; hệ thống thiết bị ngôi nhà thông minh; hệ thống thiết bị điều khiển giao thông thông minh; vật liệu và sản phẩm cấy ghép, can thiệp vào cơ thể con người...

Đối với các công nghệ cao và sản phẩm công nghệ cao không nằm trong các Danh mục nêu trên nhưng thuộc trường hợp cấp thiết phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội thì Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ có liên quan trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Quyết định này thay thế Quyết định số 49/2010/QĐ-TTg ngày 19/07/2010 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/01/2015.
 

Ü Bảo hiểm:

  ỐM ĐAU TỪ 14 NGÀY KHÔNG PHẢI ĐÓNG BẢO HIỂM Y TẾ

Đây là một trong những nội dung đáng chú ý tại Nghị định số 105/2014/NĐ-CP ngày 15/11/2014 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT).

Cụ thể, theo Nghị định này, kể từ ngày 01/01/2015, trong thời gian nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau từ 14 ngày trở lên trong tháng, người lao động không phải đóng BHYT, vẫn được hưởng các quyền lợi BHYT. Tương tự, người lao động trong thời gian được cử đi học tập hoặc công tác tại nước ngoài cũng không phải đóng BHYT; thời gian này được tính là thời gian tham gia BHYT cho đến ngày có quyết định trở lại làm việc của cơ quan, tổ chức cử đi. Đối với người lao động đang nghỉ thai sản, mức đóng BHYT hàng tháng bằng 4,5% tiền lương tháng trước khi nghỉ thai sản, do tổ chức bảo hiểm xã hội đóng.

Ngoài các trường hợp đặc biệt nêu trên, mức đóng BHYT hàng tháng của người lao động, cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp… vẫn duy trì như trước đây, cụ thể bằng 4,5% mức lương hàng tháng.

Nghị định cũng quy định cụ thể về mức hỗ trợ đóng BHYT cho một số đối tượng.

 

Trong đó, người thuộc hộ gia đình cận nghèo mới thoát nghèo sẽ được hỗ trợ 100% mức đóng BHYT trong thời gian 05 năm sau khi thoát nghèo; trường hợp người thuộc hộ cận nghèo đã thoát nghèo trước ngày 01/01/2015 nhưng thời gian thoát nghèo tính đến ngày 01/01/2015 chưa đủ 01 năm thì thời gian còn lại được hỗ trợ thấp nhất là 01 năm; học sinh, sinh viên được hỗ trợ 30% mức đóng BHYT…

Cũng theo Nghị định, người có thẻ BHYT đang điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhưng thẻ đã hết hạn sử dụng vẫn được Quỹ BHYT thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi quyền lợi và mức hưởng theo chế độ quy định cho đến khi ra viện hoặc hết đợt điều trị ngoại trú; người tham gia BHYT vào viện điều trị trước ngày 01/01/2015 nhưng ra viện kể từ ngày 01/01/2015 thì được thanh toán trong phạm vi quyền lợi và mức hưởng được quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung Luật BHYT.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2015; thay thế Nghị định số 62/2009/NĐ-CP ngày 27/07/2009.



 
Ü Thông tin-truyền thông

TẠM DỪNG CẤP CHỨNG THƯ SỐ MỚI
 PHẢI BÁO BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

Theo Thông tư số 17/2014/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông ngày 26/11/2014 quy định chế độ báo cáo về hoạt động chứng thực chữ ký số, từ ngày 10/01/2015, khi tạm dừng cung cấp chứng thư số mới, tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng, chữ ký số chuyên dùng và tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số nước ngoài phải làm báo cáo đột xuất, trong đó nêu rõ lý do, ngày dừng cung cấp, dự kiến ngày tiếp tục cung cấp dịch vụ và đề xuất (nếu có) gửi đến Bộ Thông tin và Truyền thông hoặc địa chỉ [email protected] đối với báo cáo bằng thư điện tử.

Ngoài việc tạm dừng cung cấp chứng thư số mới, các tổ chức nêu trên cũng phải thực hiện báo cáo đột xuất khi có thay đổi về đại diện theo pháp luật; nhân sự chịu trách nhiệm quản trị hệ thống, vận hành hệ thống, cấp phát chứng thư số; địa chỉ, thông tin liên lạc của tổ chức; thay đổi về tính năng kỹ thuật của hệ thống cung cấp chứng thư số có ảnh hưởng đến điều kiện đảm bảo an toàn chữ ký số; khi bị

 

lộ khóa; hệ thống cấp phát chứng thư số bị xâm nhập; hệ thống cấp phát chứng thư số không hoạt động hoặc khi có các sự cố kỹ thuật khác.

Đối với các thuê bao được cấp Giấy phép sử dụng chứng thư số nước ngoài được chấp nhận tại Việt Nam, Thông tư quy định phải thực hiện báo cáo đột xuất khi bị lộ khóa bí mật; khi phát hiện hiện tượng giả mạo hoặc khi mất, hỏng thiết bị lưu trữ khóa bí mật.

Báo cáo có thể gửi bằng văn bản hoặc thư điện tử; được gửi chậm nhất sau 03 ngày làm việc kể từ khi xảy ra hoặc phát hiện các trường hợp nêu trên. Trường hợp báo cáo bằng thư điện tử, phải có chữ ký số của đại diện theo pháp luật của tổ chức báo cáo.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/01/2015.

Ü Chính sách kinh tế-xã hội

NĂM 2015, TỔNG SẢN PHẨM TRONG NƯỚC TĂNG KHOẢNG 6,2%

Trước tình hình kinh tế nước ta còn chưa ổn định; tái cơ cấu kinh tế còn khó khăn; tổng cầu tăng chậm; năng suất lao động, hiệu quả và sức cạnh tranh thấp; nợ xấu còn cao..., ngày 10/11/2014, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 77/2014/QH13 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015.

Tại Nghị quyết, Quốc hội đã đề ra một số nhiệm vụ chủ yếu nhằm mục đích tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, sao cho đến năm 2015, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,2%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%; tỷ lệ nhập siêu so với kim ngạch xuất khẩu khoảng 5%; tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 5%; tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,7% - 2%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4% và tạo việc làm được cho khoảng 1,6 triệu lao động...

Theo đó, Chính phủ và các đơn vị liên quan được yêu cầu thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các đột phá chiến lược, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô

 

hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp và nền kinh tế; cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, đặc biệt là thủ tục đầu tư, xây dựng, đất đai, thuế, hải quan và tín dụng ngân hàng; tăng dư nợ tín dụng phù hợp và bảo đảm chất lượng tín dụng, tạo điều kiện để doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình sản xuất kinh doanh tiếp cận vốn tín dụng có hiệu quả và đáp ứng các yêu cầu thực tiễn; phấn đấu đến cuối năm 2015, đưa tỷ lệ nợ xấu dưới 3%.

Đồng thời, Quốc hội khẳng định sẽ tiếp tục bảo đảm chính sách an sinh xã hội; bảo đảm lộ trình tăng lương tối thiểu theo quy định của Bộ luật Lao động đối với khu vực sản xuất, kinh doanh; tiếp tục thực hiện đồng bộ các biện pháp giảm quá tải bệnh viện tuyến Trung ương và tuyến dưới, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, nhất là ở các cơ sở y tế tuyến tỉnh, tuyến huyện; đặc biệt, Nghị quyết cũng nhấn mạnh sẽ ưu tiên kinh phí cho các dự án cấp bách, ổn định dân cư và tạo sinh kế thuận lợi hơn cho người dân...

Ü Nông nghiệp-Lâm nghiệp:

DANH MỤC SẢN PHẨM NÔNG NGHIỆP ĐƯỢC HỖ TRỢ

Ngày 18/11/2014, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ra Thông tư số 43/2014/TT-BNNPTNT  ban hành Danh mục sản phẩm nông, lâm, thủy sản, sản phẩm phụ trợ, sản phẩm cơ khí để bảo quản, chế biến nông, lâm, thủy sản được hỗ trợ theo Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 của Chính phủ.

Danh mục này quy định các sản phẩm được hỗ trợ bao gồm: Sản phẩm sơ chế, chế biến từ cây lương thực có hạt, cây có củ, cây rau, đậu và các loại hoa màu, cây ăn quả, cây công nghiệp; sản phẩm giống gia súc, gia cầm, ong, tằm; sản phẩm gỗ được chế biến, lắp ráp bằng máy hoặc thủ công; gỗ nhân tạo; sản phẩm thủy sản đông lạnh, thủy sản khô, đồ hộp thủy sản, bột cá, dầu cá; nước mắm; sản phẩm thủy sản ăn liền… Ngoài ra, còn có các sản phẩm phụ trợ như bao bì dùng trong bảo quản, chế biến nông, lâm, thủy sản; phụ gia và thuốc thành phẩm bảo quản; chế phẩm sinh học… và các sản phẩm cơ khí như động cơ Diezen; máy kéo, máy làm đất các loại; máy gieo cấy, máy thu hoạch; máy sấy; máy chế biến gỗ; máy, thiết bị làm lạnh, cấp đông…

 

Theo Nghị định số 210/2013/NĐ-CP của Chính phủ, doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm nêu trên tại địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn sẽ được miễn tiền sử dụng đất; tại địa bàn khó khăn được giảm 70% tiền sử dụng đất và tại vùng nông thôn được giảm 50% tiền sử dụng đất. Ngoài ra, các doanh nghiệp này còn được hỗ trợ 70% kinh phí đào tạo nghề trong nước; 50% chi phí quảng cáo doanh nghiệp và sản phẩm… Riêng doanh nghiệp có dự án đầu tư cơ sở chăn nuôi gia súc có quy mô nuôi tập trung được hỗ trợ 03 tỷ đồng/dự án; 70% chi phí xây dựng đường giao thông, hệ thống điện, cấp thoát nước; dự án đầu tư nuôi trồng hải sản tập trung trên biển hoặc ven hải đảo cũng được hỗ trợ đến 100 triệu đồng/100m3 lồng nuôi…

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05/01/2015.


 
 

 

  • Chi tiết của bản tin này được đăng tải đầy đủ trên website LuatVietnam www.luatvietnam.vn    
  • Quý khách sẽ nhận được nội dung toàn văn các văn bản trong bản tin và nhiều văn bản khác khi tham gia dịch vụ Tra cứu văn bản mới của LuatVietnam, hoặc sử dụng dịch vụ LuatVietnam-SMS gửi tin nhắn đến 6689.
  • Mọi yêu cầu cung cấp văn bản, xin liên hệ với [email protected]
  • Quý khách có thể tham khảo mọi thông tin về dịch vụ LuatVietnam tại địa chỉ: www.luatvietnam.vn

Cảm ơn Quý khách đã dành thời gian đọc bản tin của chúng tôi!

Mọi chi tiết xin liên hệ:

TRUNG TÂM LUẬT VIỆT NAM - CÔNG TY CP TRUYỀN THÔNG QUỐC TẾ INCOM
Tại Hà Nội: Tầng 3, Tòa nhà TechnoSoft, phố Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội - Tel: 04.37833688 - Fax: 04.37833699
Tại TP.HCM:
Tòa nhà Hà Phan, số 456 Phan Xích Long, P.2, Q.Phú Nhuận, Tp. HCM - Tel: 08. 39950724
Email: [email protected]

 

Lưu ý:

* Bản tin tóm tắt nội dung văn bản chỉ mang tính tổng hợp, không có giá trị áp dụng vào các trường hợp cụ thể. Để hiểu đầy đủ và chính xác quy định pháp luật, khách hàng cần tìm đọc nội dung chi tiết toàn văn văn bản.

* Nếu không muốn tiếp tục nhận bản tin, phiền Quý khách hàng vui lòng click vào đường link dưới đây https://luatvietnam.vn/huy-dang-ky-nhan-ban-tin.html. Quý vị sẽ nhận được yêu cầu xác nhận lần cuối cùng trước khi huỷ bỏ địa chỉ email của mình khỏi danh sách.