Số 45.2010 (503) ngày 16/11/2010

CHÍNH PHỦ

Sinh viên được vay tối đa 900 ngàn đồng/tháng (SMS: 2077/QD-TTg) - Ngày 15/11/2010, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 2077/QĐ-TTg về điều chỉnh mức cho vay đối với học sinh, sinh viên. Theo đó, điều chỉnh mức cho vay tối đa quy định tại khoản 1 Điều 5 Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên lên 900 ngàn đồng/tháng/học sinh, sinh viên.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 1344/QĐ-TTg ngày 26/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh mức cho vay đối với học sinh, sinh viên.
 
Thành lập ngay các đoàn kiểm tra về giá (SMS: 44/NQ-CP) - Đó là một trong những nội dung chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 44/NQ-CP ngày 09/11/2010 về phiên họp thường kỳ tháng 10/2010. Tại Nghị quyết này, Chính phủ thống nhất nhận định: tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng đầu năm tiếp tục xu hướng phát triển tích cực. Nền kinh tế đã có mức tăng trưởng khá cao. Kinh tế vĩ mô có bước được cải thiện, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm; thu ngân sách đạt khá, đáp ứng kịp thời các nhu cầu chi và góp phần giảm bội chi; đầu tư phát triển tiếp tục đẩy mạnh, giải ngân các nguồn vốn có chuyển biến tích cực; xuất khẩu tăng trưởng cao, tỷ lệ nhập siêu tiếp tục giảm. Sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ tăng trưởng khá cao. An sinh xã hội tiếp tục được bảo đảm; các lĩnh vực văn hóa, thông tin, giáo dục, y tế, khoa học công nghệ và bảo vệ môi trường… được quan tâm và đạt những kết quả tích cực. Tuy nhiên, nền kinh tế đang có những khó khăn, thách thức: thiên tai, lũ lụt ở miền Trung gây thiệt hại lớn về người, tài sản và còn tiếp tục tiềm ẩn nhiều bất ổn, khó lường; dịch bệnh có nguy cơ lây lan ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống nhân dân; tình hình thiếu điện vẫn chưa được khắc phục căn bản; giá cả trên thị trường thế giới biến động phức tạp tác động đến tỷ giá hối đoái, giá cả thị trường có xu hướng tăng cao gây sức ép lạm phát trong các tháng cuối năm 2010.
Trong hai tháng còn lại của năm 2010, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát những biến động phức tạp của tình hình thị trường thế giới, đề xuất chính sách, giải pháp phù hợp, kịp thời; tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt các giải pháp đã được đề ra. Bộ Tài chính, Bộ Công thương căn cứ chức năng, nhiệm vụ quy định, phối hợp với các địa phương tăng cường công tác bình ổn giá, kiểm soát tốc độ tăng giá tiêu dùng; chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo cơ quan chức năng thực hiện có kết quả các nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao tại Chỉ thị số 1875 ngày 11/10/2010, đồng thời thành lập ngay các đoàn kiểm tra, kiểm tra việc tuân thủ các quy định về đăng ký giá, kê khai giá, niêm yết giá và bán hàng theo giá niêm yết, bảo đảm mọi tổ chức, cá nhân phải thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các quy định về quản lý giá, tất cả các loại hàng hóa, trước hết là các mặt hàng quan trọng, thiết yếu đối với sản xuất, đời sống đều phải được niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, kiên quyết xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng các trường hợp vi phạm quy định về quản lý giá.
 
Đơn giản hóa điều kiện kinh doanh nhập khẩu sách (SMS: 110/2010/ND-CP) - Điều kiện và hồ sơ xin cấp giấy phép hoạt động kinh doanh nhập khẩu xuất bản phẩm vừa được Chính phủ quy định lại tại Nghị định số 110/2010/NĐ-CP ngày 09/11/2010 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 111/2005/NĐ-CP ngày 26/8/2005 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xuất bản đã được sửa đổi, bổ sung bằng Nghị định số 11/2009/NĐ-CP ngày 10/02/2009 của Chính phủ. Theo đó, điều kiện để được cấp giấy phép hoạt động kinh doanh nhập khẩu xuất bản phẩm quy định tại khoản 2 Điều 38 Luật Xuất bản bao gồm: có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đầu tư theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, về đầu tư; người đứng đầu cơ sở kinh doanh phải thường trú tại Việt Nam, có văn bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành phát hành xuất bản phẩm, nếu tốt nghiệp đại học các chuyên ngành khác thì phải có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ phát hành xuất bản phẩm do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp. Trường hợp kinh doanh nhập khẩu sách, ngoài các điều kiện nói trên còn phải có ít nhất 05 nhân viên thẩm định nội dung sách. Nhân viên thẩm định nội dung sách phải có thâm niên công tác trong lĩnh vực xuất bản từ 05 năm trở lên, có kiến thức chuyên môn nghiệp vụ và có bằng đại học trở lên chuyên ngành ngoại ngữ phù hợp với phần lớn số sách nhập khẩu. Như vậy, so với quy định cũ thì Nghị định này đã bỏ quy định đòi hỏi điều kiện về mặt bằng kinh doanh và vốn chủ sở hữu đối với doanh nghiệp kinh doanh nhập khẩu sách.
Nghị định này cũng quy định đơn giản hơn về hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động kinh doanh nhập khẩu xuất bản phẩm. Hồ sơ lập thành 01 bộ, nộp qua dịch vụ bưu chính hoặc trực tiếp tại Cục Xuất bản gồm có: đơn đề nghị cấp giấy phép; bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đầu tư, văn bằng, chứng chỉ của người đứng đầu cơ sở kinh doanh; danh sách nhân viên thẩm định nội dung sách đối với trường hợp kinh doanh nhập khẩu sách.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 31/12/2010.
 
Quy chế đầu tư theo hình thức công - tư (SMS: 71/2010/QD-TTg) - Quy chế thí điểm đầu tư theo hình thức công - tư đã Thủ tướng Chính phủ ban hành theo Quyết định số 71/2010/QĐ-TTg ngày 09/11/2010. Quy chế này quy định điều kiện, thủ tục và nguyên tắc áp dụng thí điểm đối với một số dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, cung cấp dịch vụ công theo hình thức đối tác công - tư trong các lĩnh vực: đường bộ, cầu đường bộ, hầm đường bộ, bến phà đường bộ; đường sắt, cầu đường sắt, hầm đường sắt; giao thông đô thị; cảng hàng không, cảng biển, cảng sông; hệ thống cung cấp nước sạch; nhà máy điện; y tế (bệnh viện); môi trường (nhà máy xử lý chất thải) và các dự án phát triển kết cấu hạ tầng, cung cấp dịch vụ công khác theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Dự án thực hiện thí điểm đầu tư theo hình thức đối tác công - tư phải đáp ứng được một trong các tiêu chí sau: dự án quan trọng, quy mô lớn, có yêu cầu cấp thiết cho nhu cầu phát triển kinh tế theo Quyết định số 412/QĐ-TTg ngày 11/4/2007 của Thủ tướng Chính phủ; dự án có khả năng hoàn trả vốn cho nhà đầu tư từ nguồn thu hợp lý từ người sử dụng; dự án có khả năng khai thác được lợi thế về công nghệ, kinh nghiệm quản lý, vận hành và sử dụng hiệu quả năng lực tài chính của khu vực tư nhân; các tiêu chí khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Việc thí điểm đầu tư theo hình thức đối tác công - tư được dựa trên các nguyên tắc: bảo đảm mục tiêu thu hút nguồn vốn của khu vực tư nhân trong nước và nước ngoài đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng để cung cấp dịch vụ công; vốn của khu vực tư nhân tham gia dự án gồm vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư, các nguồn vốn thương mại trong nước và quốc tế và các nguồn vốn khác được huy động theo nguyên tắc không dẫn đến nợ công; vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư trong dự án phải đảm bảo tối thiểu bằng 30% phần vốn của khu vực tư nhân tham gia dự án, nhà đầu tư có thể huy động vốn vay thương mại và các nguồn vốn khác (không có bảo lãnh của Chính phủ) tới mức tối đa bằng 70% phần vốn của khu vực tư nhân tham gia dự án; lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án trên cơ sở cạnh tranh, công bằng, minh bạch, hiệu quả kinh tế, phù hợp với pháp luật Việt Nam, theo tập quán và thông lệ quốc tế.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/01/2011.
 
Bổ sung dự án điều tra tài nguyên - môi trường biển (SMS: 2013/QD-TTg) - Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 2013/QĐ-TTg ngày 08/11/2010 phê duyệt bổ sung 04 dự án vào “Đề án tổng thể về điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên - môi trường biển đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 47/2006/QĐ-TTg ngày 01/3/2006. Đó là các dự án: điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường một số hải đảo, cụm đảo lớn, quan trọng phục vụ quy hoạch phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền lãnh hải; điều tra, đánh giá tích hợp và dự báo biến động điều kiện tự nhiên, tài nguyên, môi trường và tai biến thiên nhiên vùng biển từ Thanh Hóa đến Bình Thuận phục vụ phát triển kinh tế biển; giám sát tài nguyên - môi trường biển, hải đảo bằng công nghệ viễn thám; điều tra đặc điểm địa chất, địa động lực, địa chất khoáng sản, địa chất môi trường và dự báo tai biến địa chất vùng biển Thừa Thiên Huế - Bình Định (0-60m nước), tỷ lệ 1/100.000. Thời gian thực hiện các dự án từ năm 2011 đến năm 2015. Kinh phí thực hiện các dự án được ngân sách nhà nước bảo đảm, trên cơ sở từng dự án được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
 
BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

Tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch viên chức công tác xã hội
(SMS: 34/2010/TT-BLDTBXH) - Ngày 08/11/2010, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư số 34/2010/TT-BLĐTBXH quy định tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch viên chức công tác xã hội. Thông tư này quy định tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch viên chức công tác xã hội làm việc trong các loại hình đơn vị sự nghiệp công lập, bao gồm: cơ sở bảo trợ xã hội, trung tâm chữa bệnh-giáo dục-lao động xã hội, trung tâm điều dưỡng người có công, nhà xã hội, cơ sở trợ giúp trẻ em và cơ sở trợ giúp khác có liên quan đến cung cấp dịch vụ công tác xã hội (gọi chung là cơ sở trợ giúp xã hội công lập). Tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch viên chức công tác xã hội là căn cứ để thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý đội ngũ viên chức công tác xã hội làm việc trong các cơ sở trợ giúp xã hội công lập.
Theo Thông tư này, có 3 ngạch viên chức công tác xã hội là:
công tác xã hội viên chính (mã số 24.291), là viên chức chuyên môn nghiệp vụ làm công tác xã hội, giúp lãnh đạo đơn vị chủ trì tổ chức, chỉ đạo và thực hiện các nghiệp vụ công tác xã hội có yêu cầu phức tạp về lý thuyết, phương pháp và kỹ năng thực hành; công tác xã hội viên (mã số 24.292), là viên chức chuyên môn nghiệp vụ làm công tác xã hội, chịu trách nhiệm trực tiếp hoặc chỉ đạo thực hiện các nghiệp vụ công tác xã hội có yêu cầu cơ bản về lý thuyết, phương pháp và kỹ năng thực hành; nhân viên công tác xã hội (mã số 24.293), là viên chức chuyên môn nghiệp vụ làm công tác xã hội, chịu trách nhiệm thực hiện một số nghiệp vụ cụ thể trong quy trình công tác xã hội có yêu cầu đơn giản về lý thuyết, phương pháp và kỹ năng thực hành theo sự phân công.
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày, kể từ ngày ký ban hành.
 
NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM

Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng
(SMS: 23/2010/TT-NHNN) - Ngày 09/11/2010, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ra Thông tư số 23/2010/TT-NHNN quy định về việc quản lý, vận hành và sử dụng Hệ thống Thanh toán điện tử liên ngân hàng để thực hiện thanh toán và quyết toán bằng đồng Việt Nam giữa các đơn vị tham gia Hệ thống Thanh toán này (Hệ thống TTLNH). Hệ thống TTLNH là hệ thống tổng thể gồm: tiểu hệ thống thanh toán giá trị cao, tiểu hệ thống thanh toán giá trị thấp và tiểu hệ thống xử lý tài khoản tiền gửi thanh toán. Thanh toán giá trị cao có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên, thanh toán giá trị thấp có giá trị nhỏ hơn 500 triệu đồng. Chứng từ sử dụng trong TTLNH là Lệnh thanh toán bằng giấy hoặc dưới dạng chứng từ điện tử. Cơ sở để lập Lệnh thanh toán là các chứng từ sử dụng trong TTLNH theo chế độ hiện hành.
Thông tư quy định, chi phí xây dựng, lắp đặt, duy trì, phát triển và nâng cấp hoạt động của Hệ thống TTLNH phần thuộc Ngân hàng Nhà nước do Ngân hàng Nhà nước chi trả; phần thuộc các thành viên thì do các thành viên chi trả. Mức thu phí và các loại phí áp dụng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Các tài khoản sử dụng trong Hệ thống TTLNH gồm có: tài khoản tiền gửi thanh toán của các thành viên; tài khoản thanh toán bù trừ; tài khoản thu hộ, chi hộ; tài khoản thích hợp khác. Các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán muốn tham gia Hệ thống TTLNH phải gửi hồ sơ đến Ban điều hành; nếu được chấp thuận là thành viên thì tổ chức đó được thực hiện dịch vụ thanh toán giá trị cao. Thành viên muốn tham gia dịch vụ thanh toán giá trị thấp phải có đăng ký sử dụng dịch vụ thanh toán giá trị thấp và văn bản của Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước xác nhận đã thiết lập hạn mức nợ ròng.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2011 và thay thế các văn bản: Quyết định số 309/2002/QĐ-NHNN ngày 09/4/2002, Quyết định số 349/2002/QĐ-NHNN ngày 17/4/2002, Quyết định số 1571/2005/QĐ-NHNN ngày 31/10/2005, Quyết định số 1014/2005/QĐ-NHNN ngày 11/7/2005, Quyết định số 33/2006/QĐ-NHNN ngày 28/7/2006, Quyết định số 34/2006/QĐ-NHNN ngày 28/7/2006 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

 
BỘ TÀI CHÍNH

Hướng dẫn xác định chi phí tính thuế đối với khoản hỗ trợ huyện nghèo
(SMS: 176/2010/TT-BTC) - Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 176/2010/TT-BTC ngày 05/11/2010. Thông tư này hướng dẫn về việc tính vào chi phí hoặc trích trước vào chi phí khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN của doanh nghiệp để doanh nghiệp tài trợ hoặc tạo nguồn để doanh nghiệp tài trợ cho các huyện nghèo thực hiện Nghị quyết số 30a ngày 27/12/2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo (sau đây gọi là Nghị quyết số 30a). Theo Thông tư này, doanh nghiệp phải lập kế hoạch tài trợ cho huyện nghèo theo nội dung tài trợ (theo chế độ quy định) đã đăng ký với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Kế hoạch tài trợ này được gửi cho UBND huyện nơi doanh nghiệp đăng ký tài trợ để UBND huyện đó tổng hợp vào Đề án giảm nghèo cấp huyện trình UBND tỉnh phê duyệt. Căn cứ vào Đề án giảm nghèo đã được phê duyệt, UBND huyện có văn bản xác nhận cam kết tài trợ của doanh nghiệp, trong văn bản xác nhận nêu rõ tiến độ tài trợ, số tiền tài trợ và các hoạt động doanh nghiệp tài trợ cho huyện. Kế hoạch tài trợ cho huyện nghèo của doanh nghiệp và văn bản xác nhận của UBND huyện nơi nhận tài trợ là cơ sở để doanh nghiệp được tính vào chi phí hoặc trích trước vào chi phí khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN để chi hoặc để tạo nguồn chi hỗ trợ cho các huyện nghèo thực hiện Nghị quyết số 30a.
Căn cứ vào khả năng tài chính và các cam kết tài trợ, tiến độ tài trợ cho huyện nghèo, doanh nghiệp tự xác định mức hạch toán vào chi phí khi tính thuế TNDN, đảm bảo nguyên tắc: tổng số dư của tài khoản trích trước để tài trợ cho các huyện nghèo thực hiện Nghị quyết số 30a không được lớn hơn tổng số tiền doanh nghiệp đã cam kết tài trợ cho các huyện nghèo thực hiện Nghị quyết số 30a mà đến thời điểm lập báo cáo tài chính chưa thực hiện tài trợ. Khoản trích trước này doanh nghiệp chỉ sử dụng để tài trợ cho giáo dục, y tế, khắc phục hậu quả thiên tai và làm nhà tình nghĩa cho người nghèo theo quy định của pháp luật cho các huyện nghèo thực hiện Nghị quyết số 30a. Đối với những khoản doanh nghiệp thực chi trong kỳ tính thuế để tài trợ cho giáo dục, y tế, khắc phục hậu quả thiên tai và làm nhà tình nghĩa cho người nghèo theo quy định của pháp luật cho các huyện nghèo thuộc Danh sách huyện nghèo thực hiện Nghị quyết số 30a có đủ hoá đơn, chứng từ hợp pháp thì được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN theo quy định. Trường hợp các khoản tài trợ cho giáo dục, y tế, khắc phục hậu quả thiên tai và làm nhà tình nghĩa cho người nghèo, trong kỳ tính thuế doanh nghiệp đã lấy từ khoản trích trước để tạo nguồn hỗ trợ cho các huyện nghèo thực hiện Nghị quyết số 30a thì doanh nghiệp không được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.
Thông tư này có hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày ký. 

Bổ sung quy định về thời hạn cấp mã số thuế cá nhân (SMS: 175/2010/TT-BTC) - Thông tư số 175/2010/TT-BTC ngày 05/11/2010 của Bộ Tài chính đã sửa đổi, bổ sung Thông tư số 84/2008/TT-BTC ngày 30/9/2008 hướng dẫn thi hành Nghị định số 100/2008/NĐ-CP ngày 08/9/2008 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân. Thông tư 175/2010/TT-BTC bổ sung thêm quy định về thời hạn giải quyết hồ sơ đăng ký thuế. Theo đó, đối với hồ sơ đăng ký thuế nộp trực tiếp tại cục thuế, thời hạn cấp mã số thuế không quá 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ đăng ký thuế đã được kê khai đầy đủ các chỉ tiêu; trường hợp nhận hồ sơ đăng ký thuế qua hệ thống bưu điện, thời hạn cấp mã số thuế không quá 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận (theo sổ đăng ký công văn đến) hồ sơ đăng ký thuế đã được kê khai đầy đủ các chỉ tiêu. Đối với hồ sơ đăng ký thuế nộp trực tiếp tại chi cục thuế, thời hạn cấp mã số thuế không quá 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ đăng ký thuế đã được kê khai đầy đủ các chỉ tiêu; trường hợp nhận hồ sơ đăng ký thuế qua hệ thống bưu điện, thời hạn cấp mã số thuế không quá 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận (theo sổ đăng ký công văn đến) hồ sơ đăng ký thuế đã được kê khai đầy đủ các chỉ tiêu.
Quy định tại điểm 2.3 mục I phần D về hồ sơ đăng ký thuế thu nhập cá nhân cũng được sửa đổi tại Thông tư này. Nội dung sửa đổi nêu rõ: cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công, thu nhập từ đầu tư vốn, chuyển nhượng vốn (bao gồm cả chuyển nhượng chứng khoán) và các cá nhân có thu nhập chịu thuế khác nộp 01 bộ hồ sơ đăng ký thuế, thành phần hồ sơ gồm: tờ khai đăng ký thuế theo mẫu số 01/ĐK-TNCN ban hành kèm theo Thông tư này (thay thế mẫu cũ); bản sao (không cần công chứng) chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn sử dụng.
Thông tư này có hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày ký.

 

BỘ Y TẾ

Hoạt động của Hội đồng tư vấn chuyên môn về HIV (SMS: 40/2010/TT-BYT) - Ngày 09/11/2010, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 40/2010/TT-BYT
quy định tổ chức, trách nhiệm và hoạt động của Hội đồng tư vấn chuyên môn thẩm định hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận bị phơi nhiễm với HIV, giấy chứng nhận bị nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp (gọi tắt là Hội đồng tư vấn chuyên môn). Thông tư này áp dụng đối với Hội đồng tư vấn chuyên môn do thủ trưởng các cơ quan sau đây thành lập: Cục Quân y thuộc Bộ Quốc phòng; Cục Y tế  thuộc Bộ Công an; Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Cục Y tế thuộc Bộ Giao thông vận tải; Cục Phòng, chống HIV/AIDS thuộc Bộ Y tế và sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Hội đồng tư vấn chuyên môn làm việc theo chế độ tập thể, quyết định theo đa số về các vấn đề liên quan đến hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận bị phơi nhiễm với HIV, giấy chứng nhận bị nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp. Các thành viên của Hội đồng tư vấn chuyên môn làm việc theo chế độ kiêm nhiệm. Kinh phí phục vụ cho các hoạt động của Hội đồng tư vấn chuyên môn gồm kinh phí do ngân sách nhà nước cấp cho các cơ quan, đơn vị liên quan đến hoạt động về phòng, chống HIV/AIDS và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.
Hội đồng tư vấn chuyên môn gồm những thành phần tối thiểu theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 5 Quyết định số 120/2008/QĐ-TTg ngày 29/8/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định điều kiện xác định người bị phơi nhiễm với HIV, bị nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp. Tùy theo chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị và điều kiện cụ thể, thủ trưởng cơ quan, đơn vị nói trên có thể bổ sung đại diện đơn vị xác nhận tai nạn rủi ro nghề nghiệp, đại diện cơ quan trực tiếp quản lý người bị phơi nhiễm với HIV, người bị nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp hoặc các thành phần phù hợp khác làm ủy viên Hội đồng tư vấn chuyên môn nhưng số lượng thành viên của Hội đồng tư vấn chuyên môn không được vượt quá 07 người.
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2011.