Số 45.2009 (452) ngày 17/11/2009

CHÍNH PHỦ


Bổ sung bệnh viện tuyến huyện được đầu tư từ nguồn trái phiếu Chính phủ (SMS: 1872/QD-TTg) - Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 1872/QĐ-TTg ngày 12/11/2009 phê duyệt bổ sung danh mục các bệnh viện tuyến huyện và phòng khám đa khoa khu vực vào danh mục các dự án được đầu tư từ nguồn trái phiếu Chính phủ theo Quyết định số 47/2008/QĐ-TTg ngày 02/4/2008 của Thủ tướng Chính phủ. Danh mục bổ sung gồm có:  Trung tâm y tế quận Dương Kinh, thành phố Hải Phòng; Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang; Bệnh viện Đa khoa huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu; Bệnh viện Nông nghiệp Mộc Châu, tỉnh Sơn La; Bệnh viện Đa khoa huyện Sông Lô và Bệnh viện Đa khoa khu vực Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc; Trung tâm Y tế thành phố Bắc Ninh; Trung tâm y tế huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An; các phòng khám đa khoa khu vực tỉnh Quảng Bình; Trung tâm y tế huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam; Bệnh viện Đa khoa huyện Phú Thiện và Bệnh viện Đa khoa huyện Đăk Pơ, tỉnh Gia Lai; Bệnh viện Đa khoa thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đăk Lăk; Bệnh viện Đa khoa thị xã Hồng Ngự và Bệnh viện Đa khoa huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp; Bệnh viện Đa khoa huyện Thoại Sơn và Bệnh viện Đa khoa thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang; Bệnh viện Đa khoa Tân Phú Đông và Bệnh viện Đa khoa thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang; Bệnh viện Đa khoa huyện Bình Tân và Bệnh viện Đa khoa khu vực kết hợp quân dân y Tân Thành - Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long; Trung tâm y tế huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang; Bệnh viện Đa khoa huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre; Bệnh viện Đa khoa huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng và Bệnh viện Đa khoa huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận.
Tỷ lệ hỗ trợ từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ thực hiện theo quy định tại Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 07/5/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phân bổ vốn thực hiện Đề án đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp bệnh viện đa khoa huyện và bệnh viện đa khoa khu vực liên huyện sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ và các nguồn vốn hợp pháp khác giai đoạn 2008-2010.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Năm 2010, dừng thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế (SMS: 54/NQ-CP) - Nội dung này được nêu tại Nghị quyết số 54/NQ-CP ngày 11/11/2009 của Chính phủ về phiên họp thường kỳ tháng 10/2009. Tại Nghị quyết này, Chính phủ thống nhất chỉ đạo thực hiện tốt các giải pháp, chính sách đã đề ra cho năm 2009 và trong năm 2010 cần tiếp tục các giải pháp, chính sách kích thích kinh tế nhằm phục hồi tăng trưởng kinh tế cao hơn, vững chắc hơn năm 2009; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, không để lạm phát cao trở lại; chính sách kích thích kinh tế phải gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, đồng thời bảo đảm an sinh xã hội. Trên cơ sở đó, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương liên quan nghiên cứu đề xuất việc tiếp tục thực hiện một cách phù hợp về cơ chế hỗ trợ lãi suất theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, theo hướng vừa hỗ trợ phục hồi tăng trưởng, vừa thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, thu hẹp đối tượng và giảm mức hỗ trợ hợp lý, trình Chính phủ thông qua và ban hành trong tháng 12 năm 2009; đồng thời giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn trong quý IV năm 2009, trong đó, có chính sách về nguồn vốn, giảm bớt thủ tục để tạo điều kiện cho hộ sản xuất, chủ trang trại và hợp tác xã vay vốn sản xuất, kinh doanh; giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục vay vốn hỗ trợ lãi suất theo Quyết định số 497/QĐ-TTg ngày 17/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn lại một số quy định cho phù hợp với điều kiện thực tế.
Chính phủ cũng giao Bộ Tài chính đề xuất các giải pháp phấn đấu giảm bội chi ngân sách nhà nước năm 2010 theo hướng tăng thu ngân sách, chống thất thu, triệt để tiết kiệm chi nhưng không cắt giảm chi ngân sách đối với các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã  hội đã được phê duyệt; năm 2010, dừng thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế đã áp dụng trong năm 2009; tiếp tục thực hiện giãn thời gian nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp sản xuất, gia công hàng dệt may, da, giày, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động trong quý I năm 2010; chủ trì, trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi cơ chế bảo lãnh tín dụng theo Quyết định số 14/2009/QĐ-TTg ngày 21/01/2009 về bảo lãnh vay vốn tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa để thực hiện trong dài hạn.

BỘ TÀI CHÍNH


Đấu thầu mua hàng dự trữ nhà nước (SMS: 211/2009/TT-BTC) - Được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính tại Thông tư số 211/2009/TT-BTC ngày 06/11/2009. Thông tư này quy định về hình thức lựa chọn nhà thầu, thẩm quyền và trách nhiệm trong đấu thầu mua hàng (trừ mua lương thực) dự trữ nhà nước. Theo đó, chủ đầu tư trong mua hàng dự trữ nhà nước là người sở hữu vốn hoặc thay mặt chủ sở hữu, người được giao nhiệm vụ quản lý, sử dụng vốn ngân sách nhà nước để mua hàng dự trữ nhà nước. Nguồn kinh phí bảo đảm để sử dụng cho quá trình đấu thầu của bên mời thầu được lấy từ nguồn tiền bán hồ sơ mời thầu, nếu thu không đủ chi thì sử dụng kinh phí hoạt động thường xuyên của đơn vị để bù đắp; trường hợp còn dư được chuyển sang năm sau để tiếp tục công tác đấu thầu.
Thông tư cũng quy định nguyên tắc xác định giá gói thầu, cụ thể là chủ đầu tư căn cứ vào chất lượng hàng hóa mua nhập kho dự trữ nhà nước, giá thị trường phố biển tại thời điểm mua của các hàng hóa cùng chủng loại hoặc tương tự trên thị trường thế giới, khu vực và trong nước hoặc tham khảo giá mua sắm những vật tư, thiết bị, hàng hóa cùng chủng loại hoặc tương tự của các cơ quan, đơn vị khác hoặc định mức kinh tế - kỹ thuật của hàng hóa mua (nếu có) để xác định giá gói thầu trong kế hoạch đấu thầu trình người có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Việc chỉ định thầu được áp dụng trong các trường hợp: mua xăng dầu dự trữ nhà nước để phục vụ cho nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, cơ yếu; mua bù ngay (khẩn cấp) những hàng hóa dự trữ nhà nước sau khi xuất để bình ổn thị trường, xuất cấp đáp ứng yêu cầu cứu hộ, cứu nạn, cứu trợ, viện trợ, khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh; hàng hóa dự trữ nhà nước có tính đặc thù, tính thời vụ cao, có yêu cầu kỹ thuật bảo quản đặc biệt gồm muối, giống cây trồng, thuốc y tế, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật;... Khi thực hiện chỉ định thầu, phải lựa chọn một nhà thầu được xác định là có đủ năng lực, kinh nghiệm đáp ứng các yêu cầu của gói thầu và phải tuân thủ theo quy định tại Điều 41 quy trình chỉ định thầu của Nghị định số 85/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ.
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký ban hành.

Hướng dẫn áp dụng Chuẩn mực kế toán quốc tế (SMS: 210/2009/TT-BTC) - Ngày 06/11/2009, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 210/2009/TT-BTC hướng dẫn áp dụng Chuẩn mực kế toán quốc tế về trình bày báo cáo tài chính và thuyết minh thông tin đối với công cụ tài chính, áp dụng cho tất cả các đơn vị thuộc mọi lĩnh vực, mọi thành phần kinh tế tại Việt Nam có các giao dịch liên quan đến công cụ tài chính. Các nội dung hướng dẫn áp dụng trong Thông tư này được căn cứ vào Chuẩn mực kế toán quốc tế và Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế được Uỷ ban Chuẩn mực kế toán quốc tế ban hành, công bố năm 2007. Cụ thể, Thông tư này quy định áp dụng Chuẩn mực kế toán quốc tế số 32 “Công cụ tài chính: trình bày” và Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế số 07 “Công cụ tài chính: thuyết minh”. Theo đó, Chuẩn mực kế toán quốc tế số 32 áp dụng cho: các hợp đồng mua hoặc bán các khoản mục phi tài chính được thanh toán thuần bằng tiền mặt hoặc các công cụ tài chính khác hoặc bằng cách trao đổi các công cụ tài chính; các hợp đồng quyền chọn về việc mua hoặc bán các khoản mục phi tài chính có thể thanh toán thuần bằng tiền mặt hoặc công cụ tài chính khác hoặc bằng cách trao đổi các công cụ tài chính.
Bên cạnh đó, việc quy định áp dụng Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế số 07 nhằm mục đích hướng dẫn thuyết minh về công cụ tài chính để giúp cho người sử dụng báo cáo tài chính đánh giá sự ảnh hưởng của công cụ tài chính đến tình hình tài chính và kết quả kinh doanh của đơn vị; đánh giá bản chất cũng như phạm vi của các rủi ro phát sinh từ công cụ tài chính và cách thức quản trị rủi ro của đơn vị.
Thông tư này có hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày ký, được áp dụng để trình bày và thuyết minh các công cụ tài chính trên báo cáo tài chính từ năm 2011 trở đi.

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI


Hướng dẫn thực hiện mức lương tối thiểu vùng mới (SMS: 36/2009/TT-BLDTBXH) - Ngày 13/11/2009, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có Thông tư số 36/2009/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện mức lương tối thiểu vùng đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức khác của Việt Nam có thuê mướn lao động (gọi chung là doanh nghiệp) theo quy định tại Nghị định số 97/2009/NĐ-CP ngày 30/10/2009 của Chính phủ. Theo Thông tư này, doanh nghiệp có đơn vị, chi nhánh hoạt động trên các địa bàn có mức lương tối thiểu vùng khác nhau thì đơn vị, chi nhánh hoạt động ở địa bàn nào áp dụng mức lương tối thiểu vùng theo địa bàn đó. Mức tiền lương tối thiểu vùng được dùng làm cơ sở tính các mức lương trong thang lương, bảng lương, phụ cấp lương, mức lương ghi trong hợp đồng lao động và các chế độ khác theo quy định của pháp luật lao động trong các doanh nghiệp tự xây dựng thang lương, bảng lương, phụ cấp lương; đối với các doanh nghiệp nhà nước chuyển đổi đang vận dụng thang lương, bảng lương và chế độ phụ cấp lương do Nhà nước quy định đối với công ty nhà nước thì áp dụng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng để trả lương cho người lao động.
Khi áp dụng các quy định tại Thông tư này, doanh nghiệp không được xóa bỏ hoặc cắt giảm các chế độ tiền lương trả khi làm thêm giờ, tiền lương làm việc vào ban đêm, tiền lương hoặc phụ cấp làm việc trong điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật đối với các chức danh nghề nặng nhọc, độc hại và các chế độ khác theo quy định của pháp luật lao động. Các khoản phụ cấp, trợ cấp, tiền thưởng do doanh nghiệp quy định thực hiện theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động hoặc thỏa ước lao động tập thể hoặc trong quy chế của doanh nghiệp. Kinh phí thực hiện mức lương tối thiểu vùng mới được hạch toán vào giá thành hoặc chi phí sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2010. Bãi bỏ Thông tư số 24/2008/TT-BLĐTBXH ngày 20/10/2008 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
 

BỘ TƯ PHÁP


07 văn bản hướng dẫn Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước (SMS: 3193/QD-BTP) - Trên cơ sở Chỉ thị số 1565/CT-TTg ngày 06/10/2009 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, ngày 09/11/2009, Bộ Tư pháp đã có Quyết định số 3193/QĐ-BTP ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị này, với mục đích kịp thời xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (Luật), chuẩn bị nội dung và các biện pháp cần thiết để thi hành có hiệu quả Luật ngay từ khi có hiệu lực pháp luật; tổ chức tốt việc quán triệt, tuyên truyền, phổ biến các nội dung của Luật đến cán bộ, công chức và nhân dân, thống nhất nhận thức trong đội ngũ cán bộ, công chức và nhân dân về các nội dung của Luật; xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong ngành tư pháp chủ trì hoặc phối hợp thực hiện các hoạt động, tiến độ thực hiện để bảo đảm hoàn thành đúng thời hạn, có hiệu quả nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ đã chỉ thị.
Để triển khai thực hiện Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, một loạt các văn bản sẽ được ban hành trong năm 2009, bao gồm: nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật, thông tư liên tịch hướng dẫn về giải quyết bồi thường trong hoạt động thi hành án dân sự, thông tư liên tịch hướng dẫn về giải quyết bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính, thông tư liên tịch hướng dẫn về giải quyết bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự, thông tư liên tịch hướng dẫn về giải quyết bồi thường trong hoạt động thi hành án dân sự, thông tư hướng dẫn về giải quyết bồi thường trong hoạt động tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thông tư hướng dẫn việc quản lý, sử dụng và quyết toán ngân sách nhà nước về bồi thường.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
 

BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG


Quy định về thăm dò các mỏ đá sét (SMS: 22/2009/TT-BTNMT) - Ngày 11/11/2009, Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư số 22/2009/TT-BTNMT quy định về thăm dò, phân cấp trữ lượng và tài nguyên các mỏ đá sét. Thông tư này được áp dụng đối với các cơ quan quản lý nhà nước về khoáng sản; tổ chức thực hiện công tác điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản; tổ chức, cá nhân khảo sát, thăm dò, khai thác khoáng sản và tổ chức, cá nhân khác có liên quan. Theo đó, tất các công trình thăm dò, công trình khai thác ở mỏ gặp đá sét phải được lấy mẫu để nghiên cứu chất lượng; kết quả lấy mẫu phải được đưa vào tài liệu nguyên thuỷ và phải được kiểm tra đối chiếu với mô tả địa chất. Nhiệm vụ của công tác thăm dò các mỏ đá sét là xác định chi tiết đặc điểm cấu trúc địa chất mỏ, nguồn gốc tạo thành, đặc điểm phân bố, hình dạng, điều kiện thế nằm của thân sét; đánh giá được trữ lượng, tài nguyên và đặc điểm chất lượng, tính chất công nghệ của đá sét; đánh giá chi tiết điều kiện địa chất thủy văn, địa chất công trình và điều kiện khai thác mỏ, xác định rõ các khoáng sản và thành phần có ích đi kèm trong thân đá sét và lớp phủ, khả năng khai thác, thu hồi chúng; đánh giá khối lượng đất bóc và các yếu tố tác động đến môi trường sinh thái.
Thông tư quy định, việc tiến hành điều tra cơ bản, khảo sát, thăm dò đá sét phải tuân thủ nguyên tắc tuần tự các bước điều tra địa chất về khoáng sản; phải thu thập đầy đủ các số liệu, tài liệu địa chất và điều kiện khai thác cần thiết, tin cậy phục vụ cho việc nghiên cứu đầu tư xây dựng công trình mỏ. Địa hình mỏ phải được đo vẽ chi tiết ở tỷ lệ 1: 5000 - 1: 1000 tuỳ thuộc vào kích thước, mức độ phức tạp về địa hình và mục đích sử dụng.  Bản đồ địa hình phải được thành lập theo quy định hiện hành về công tác trắc địa trong thăm dò khoáng sản. Tất cả các công trình thăm dò đều phải được xác định tọa độ, độ cao và phải liên hệ với mạng lưới tọa độ quốc gia theo quy định trắc địa địa chất hiện hành.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2010 và thay thế Quy phạm sử dụng phân cấp trữ lượng các mỏ đá sét ban hành kèm theo Quyết định số 28/QĐHĐ ngày 21/12/1978 của Chủ tịch Hội đồng Xét duyệt trữ lượng khoáng sản.

TỔNG CỤC  HẢI QUAN


Hướng dẫn xử phạt hành chính trong lĩnh vực hải quan (SMS: 2238/QD-TCHQ) - Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan vừa ký Quyết định số 2238/QĐ-TCHQ ngày 10/11/2009 ban hành Bản hướng dẫn trình tự xử phạt vi phạm hành chính, giải quyết khiếu nại các quyết định hành chính liên quan đến việc xử phạt vi phạm hành chính trong ngành Hải quan và Bản hướng dẫn sử dụng mẫu biên bản, quyết định trong xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong ngành Hải quan. Theo hướng dẫn này, trường hợp người có thẩm quyền xử phạt quyết định áp dụng hình thức xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 200 ngàn đồng thì ra quyết định xử phạt tại chỗ mà không cần lập biên bản vi phạm và thu tiền phạt do cá nhân, tổ chức bị xử phạt nộp hoặc hướng dẫn cá nhân, tổ chức bị xử phạt nộp tiền phạt tại kho bạc nhà nước theo quy định.
Trường hợp quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan đã đến thời hạn bị cưỡng chế thi hành, người ra quyết định xử phạt phải báo cáo thủ trưởng trực tiếp của mình là người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế để ra quyết định cưỡng chế và tổ chức thi hành quyết định cưỡng chế. Đối với tang vật, phương tiện bị tạm giữ theo thủ tục hành chính, trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày tạm giữ, người ra quyết định tạm giữ phải xử lý tang vật, phương tiện bị tạm giữ. Trường hợp cần có thêm thời gian xác minh để ra quyết định xử lý thì người ra quyết định tạm giữ ban hành quyết định kéo dài thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Thời hạn tạm giữ được kéo dài tối đa không quá 60 ngày kể từ ngày tạm giữ tang vật, phương tiện.
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký. Bãi bỏ Quyết định số 1426/QĐ-TCHQ ngày 17/8/2007 của Tổng cục Hải quan.