Số 45.2008 (401) ngày 14/11/2008

 CHÍNH PHỦ


Chính sách kinh tế-xã hội
(SMS: 506968)
- Ngày 13/11/2008, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có Báo cáo số 177/BC-CP giải trình và trả lời chất vấn trước Quốc hội về tình hình kinh tế-xã hội năm 2008, mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2009 như sau:
Về chính sách tiền tệ, tài khoá, giá cả: Tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt nhưng phải rất linh hoạt trong điều hành. Chính phủ sẽ định lượng cụ thể và triển khai khẩn trương yêu cầu linh hoạt này. Tiếp tục giảm lãi suất cho vay phù hợp với yêu cầu của tình hình mới.
Hoàn thiện cơ chế quản lý, các quy định về sáp nhập và mua lại; tăng cường giám sát hoạt động của các ngân hàng và các dịch vụ tài chính, kinh doanh bất động sản; nắm chắc tình trạng nợ trong mỗi tổ chức tín dụng để có phương án chủ động xử lý, giữ an toàn hệ thống và bảo đảm tiền gửi tiết kiệm của các cá nhân tại các tổ chức tín dụng.
Xoá bao cấp, bù lỗ qua giá, thực hiện giá thị trường những mặt hàng nhà nước định giá, kể cả lãi suất, để việc phân bổ và sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn; bảo đảm hạch toán đúng kết quả hoạt động, không chỉ trong từng doanh nghiệp mà cả nền kinh tế. Trong năm 2009, Chính phủ chủ trương điều chỉnh giá điện, giá than, tăng mức lương tối thiểu theo lộ trình…
Về định hướng đầu tư năm 2009: Tiếp tục đình hoãn các công trình dự án chưa thực sự cần thiết, kém hiệu quả; tập trung vốn ngân sách, vốn trái phiếu Chính phủ và vốn doanh nghiệp nhà nước cho các công trình điện, các dự án sản xuất quan trọng, kết cấu hạ tầng giao thông (cảng biển, các tuyến đường bộ) ở những vùng có khối lượng hàng hoá lớn nhằm giải toả nhanh các điểm nghẽn tăng trưởng; đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn; tăng đầu tư cho lĩnh vực giáo dục và đào tạo, khoa học công nghệ và một số lĩnh vực xã hội cấp bách. Kiểm soát chặt chẽ đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước; khuyến khích các thành phần kinh tế khác đầu tư phát triển nguồn điện, xây dựng kết cấu hạ tầng, đầu tư vào các ngành công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến, phát triển sản xuất và kinh doanh dịch vụ ở nông thôn…
Chính phủ sẽ khẩn trương xác định các tiêu chí cụ thể để giảm thuế và tiếp tục thực hiện việc hoãn, giãn tiến độ nộp thuế cho các doanh nghiệp. Tập trung giải quyết dứt điểm những thủ tục còn phiền hà, giảm đến mức thấp nhất thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Khẩn trương điều chỉnh mô hình và cơ chế để đưa vào hoạt động và phát huy hiệu quả Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ; khuyến khích, hỗ trợ khu vực này phát triển mạnh sản xuất kinh doanh, tạo thêm nhiều việc làm. Các doanh nghiệp phải lập chương trình tiết kiệm nguyên liệu, năng lượng, hoàn thiện công nghệ sản xuất và quản lý để tăng năng suất lao động, giảm chi phí trên từng công đoạn của quá trình sản xuất, lưu thông, bảo đảm chất lượng, hạ giá thành sản phẩm đi đôi với việc thiết lập và hoàn thiện các kênh phân phối để chiếm lĩnh và mở rộng thị trường nội địa.

Trong thời gian tới tập trung khắc phục tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng, xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm; kiên quyết không cấp phép cho các dự án, công trình có nguy cơ gây ra ô nhiễm môi trường. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý nghiêm các vi phạm, kể cả việc đình chỉ hoạt động, rút giấy phép kinh doanh hoặc truy tố trước pháp luật. Tăng cường lực lượng cán bộ cả về chất lượng và số lượng, đầu tư thêm trang thiết bị, cơ sở vật chất kỹ thuật để công tác kiểm tra, thanh tra và xử phạt vi phạm đạt hiệu quả cao hơn...
 

 BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG


Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về dịch vụ bưu chính công ích
(SMS: 506973)
- Theo Quyết định số 50/2008/QĐ-BTTTT của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, ban hành ngày 12/11/2008, Quy chuẩn này quy định mức giới hạn các chỉ tiêu chất lượng đối với dịch vụ bưu chính công ích bao gồm dịch vụ bưu chính phổ cập và dịch vụ phát hành một số loại báo qua mạng bưu chính công cộng.
Chỉ tiêu của Quy chuẩn là: Bán kính phục vụ bình quân trên một điểm phục vụ: tối đa 3 km; Số dân phục vụ bình quân trên một điểm phục vụ: tối đa 8.000 người; Số điểm phục vụ trong một xã: tối thiểu 1 điểm phục vụ, tỷ lệ đạt chuẩn là 100% tổng số xã; Thời gian phục vụ tại các bưu cục giao dịch trung tâm tỉnh: tối thiểu 8 giờ/ngày làm việc, tỷ lệ đạt chuẩn là 100% tổng số bưu cục; Thời gian phục vụ tại các điểm phục vụ khác: tối thiểu 4 giờ/ngày làm việc, tỷ lệ đạt chuẩn là 100% tổng số điểm phục vụ…
Số điểm phục vụ trong một xã được xác định dựa trên việc kiểm tra thực tế. Việc kiểm tra được thực hiện tối thiểu tại 12 tỉnh. Mỗi tỉnh kiểm tra 10% tổng số xã của tỉnh đó.
Thời gian toàn trình đối với thư trong nước là khoảng thời gian tính từ khi thư gửi trong nước được nhận gửi cho tới khi được phát đến địa chỉ nhận. Thời gian toàn trình đối với thư trong nước được xác định dựa trên việc kiểm tra thực tế. Việc kiểm tra thời gian toàn trình đối với thư trong nước được thực hiện tối thiểu tại 12 tỉnh.Tổng số thư trong một đợt kiểm tra tối thiểu là 2.000 thư…
Thời gian xử lý trong nước đối với thư quốc tế đến: tối đa 6 ngày, tỷ lệ đạt chuẩn là 70% tổng số thư.

Quyết định này có hiệu lực sau 06 tháng, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ TÀI CHÍNH


Kiểm định phương tiện giao thông
(SMS: 506976)
- Ngày 11/11/2008, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 101/2008/QĐ-BTC sửa đổi, bổ sung Quyết định số 10/2003/QĐ-BTC về việc ban hành mức thu phí kiểm định an toàn kỹ thuật và chất lượng xe cơ giới và các loại thiết bị, xe máy chuyên dùng.
Theo đó, áp dụng mức thu phí kiểm định an toàn kỹ thuật xe cơ giới đang lưu hành như sau: ôtô tải, đoàn ôtô (ôtô đầu kéo + sơ mi rơ moóc), có trọng tải trên 20 tấn và các loại ôtô chuyên dùng, máy kéo áp dụng mức thu 400.000 đồng/xe, trọng tải trên 7 tấn đến 20 tấn: 250.000 đồng; ôtô tải có trọng tải trên 2 tấn đến 7 tấn, ôtô khách từ 25 đến 40 ghế (kể cả lái xe): 230.000 đồng,
ôtô có
trọng tải đến 2 tấn, ôtô khách từ 10 đến 24 ghế (kể cả lái xe): 200.000 đồng; Xe lam, xích lô máy loại 3 bánh: 70.000 đồng…
Phí kiểm định an toàn kỹ thuật và chất lượng xe cơ giới, xe máy chuyên dùng trong cải tạo như sau: Thay đổi tính chất sử dụng của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng (thay đổi công dụng nguyên thuỷ của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng) đối với chiếc thứ nhất xuất xưởng là 650.000 đồng/xe, từ chiếc thứ hai trở đi: 200.000 đồng; Thay đổi hệ thống, tổng thành của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng chiếc thứ nhất: 400.000 đồng, từ chiếc thứ hai: 130.000 đồng...
Đối với xe cơ giới và các thiết bị, xe máy chuyên dùng phải duyệt thiết kế, phí duyệt thiết kế được tính bằng 8% giá thiết kế, mức thu phí tối thiểu là 1.000.000 đồng/1 thiết kế…
Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Lệ phí cấp Giấy chứng nhận chất lượng phương tiện giao thông vận tải
(SMS: 506978)
- Ngày 11/11/2008, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 102/2008/TT-BTC hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí cấp giấy chứng nhận bảo đảm chất lượng, an toàn kỹ thuật đối với máy móc, thiết bị, phương tiện giao thông vận tải.
Theo đó, áp dụng mức lệ phí cấp Giấy chứng nhận cấp theo quy định của công ước quốc tế hoặc theo tiêu chuẩn, quy phạm Việt Nam cho tàu biển, công trình biển là 50.000 đồng/giấy; Giấy chứng nhận xét duyệt thiết kế phương tiện thuỷ nội địa; Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cấp cho phương tiện thuỷ nội địa: 20.000 đồng; Giấy chứng nhận hoạt động kiểm định xe cơ giới (cấp cho các Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới): 100.000 đồng; Giấy chứng nhận thẩm định thiết kế; Giấy chứng nhận chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với phương tiện, thiết bị giao thông đường sắt: 50.000 đồng...
Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Phí, lệ phí cảng đường thuỷ nội địa
(SMS: 506977)
- Ngày 11/11/2008, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 101/2008/TT-BTC hướng dẫn chế độ thu, nộp và quản lý sử dụng phí, lệ phí áp dụng tại Cảng vụ đường thủy nội địa.
Theo đó, áp dụng mức thu phí trọng tải lượt vào và lượt ra các phương tiện thuỷ (kể cả có tải, không tải): 165 đồng/tấn trọng tải toàn phần.
Lệ phí ra, vào cảng, bến thủy nội địa phương tiện chở hàng có trọng tải toàn phần từ 10 đến 50 tấn: 5.000 đồng/chuyến; từ 51 đến 200 tấn hoặc chở khách có sức chở từ 13 đến 50 ghế: 10.000 đồng; Phương tiện chở hàng, đoàn lai có trọng tải  toàn phần từ 201 đến 500 tấn hoặc chở khách có sức chở từ 51 đến 100 ghế: 20.000 đồng; từ 501 tấn trở lên hoặc chở khách từ 101 ghế trở lên: 30.000 đồng…
Phương tiện vào, ra cảng không nhằm mục đích bốc dỡ hàng hóa, không nhận trả khách áp dụng mức thu phí trọng tải bằng 70%...
Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Lệ phí hàng hải
(SMS: 506965)
- Ngày 04/11/2008, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 98/2008/QĐ-BTC ban hành Quy định về phí, lệ phí hàng hải và Biểu mức thu phí, lệ phí hàng hải.
Theo đó, khi xin hoa tiêu, chủ tàu phải báo cho hoa tiêu trước 6 giờ; đối với phân cảng xuất dầu thô là 24 giờ. Trường hợp thay đổi giờ hoặc hủy bỏ việc xin hoa tiêu phải báo trước 3 giờ; đối với phân cảng xuất dầu thô là 8 giờ. Quá thời hạn trên chủ tàu phải trả tiền chờ đợi với mức thu 10 USD/người-giờ. Tàu thủy xin hoa tiêu đột xuất áp dụng mức thu bằng 110%. Hoa tiêu chỉ chờ đợi tại địa điểm đón tàu không quá 4 giờ, quá thời gian trên việc xin hoa tiêu coi như đã hủy bỏ; nếu hoa tiêu đã lên tàu nhưng chủ tàu hủy bỏ yêu cầu thì phải trả tiền hoa tiêu theo luồng đã xin dẫn đường…
Phí sử dụng cầu bến, phao neo thuộc khu vực cảng biển thực hiện như sau: đối với hàng hoá là phương tiện vận tải: Xe bảo ôn, xe xích, gầu ngoạm, xe lăn đường, xe nâng hàng, cần cẩu trả phí theo mức 2,7 USD/chiếc; Xe ôtô 15 chỗ ngồi trở xuống, xe có trọng tải 2,5 tấn trở xuống là 0,9 USD/chiếc; Các loại ôtô khác là 1,8 USD/chiếc… Trường hợp tàu thủy đậu tại khu vực neo đậu được phép sử dụng phương tiện vận tải thủy khác để đưa đón khách vào tham quan du lịch tại đất liền hoặc các đảo, phí cầu bến áp dụng đối với hành khách là 1 USD/người (bao gồm cả lượt vào và lượt rời)…
Ngoài ra, tàu thủy vào, rời cảng biển Việt Nam phải thực hiện các thủ tục quản lý Nhà nước theo quy định của pháp luật Việt Nam và phải nộp lệ phí vào, rời cảng biển như sau: Tàu thủy có dung tích toàn phần dưới 200GT, đoàn sà lan vận tải đường sông (gồm tàu lai, kéo, đẩy) áp dụng mức thu 30.000 đồng/chuyến; từ 200 đến dưới 1000GT: 50.000 đồng; từ 1000 đến 5000GT: 100.000 đồng; trên 5000GT: 200.000 đồng… Lệ phí chứng thực (kháng nghị hàng hải) thu: 100.000 đồng/lần…
Trường hợp trong một chuyến tàu thủy nhận, trả hàng xuất nhập khẩu tại nhiều cảng biển Việt Nam đồng thời có kết hợp nhận, trả hàng nội địa thì được coi là hoạt động vận tải quốc tế và áp dụng theo Biểu mức thu phí, lệ phí hàng hải đối với hoạt động hàng hải quốc tế.

Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và được áp dụng từ ngày 01/01/2009.
 

 BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI


Bổ sung chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội
(SMS: 506955)
- Theo Thông tư số 26/2008/TT-BLĐTBXH ban hành ngày 10/11/2008, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội hướng dẫn sửa đổi, bổ sung một số điểm của Thông tư số 09/2007/TT-BLĐTBXH hướng dẫn một số điều của Nghị định số 67/2007/NĐ-CP như sau: người từ 85 tuổi trở lên đang hưởng chính sách đối với người có công với cách mạng mà không có lương hưu hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội thuộc đối tượng bảo trợ xã hội theo diện trợ cấp hàng tháng do xã, phường, thị trấn quản lý khi chết chỉ được hưởng một chế độ mai táng phí cao nhất.
Ngoài ra, mức trợ cấp xã hội cho các đối tượng xã hội có hoàn cảnh khó khăn sẽ không tính vào thu nhập khi rà soát để xác định hộ nghèo hàng năm.
Đối tượng đang hưởng trợ cấp xã hội từ ngày 01/01/2007 thì thời điểm hưởng mức trợ cấp theo diện bảo trợ xã hội cũng được tính luôn từ ngày 01/01/2007.
Kể từ ngày 01/01/2007 trở về sau, đối tượng thuộc diện hưởng trợ cấp xã hội ở thời điểm nào thì được hưởng trợ cấp xã hội ở thời điểm đó.
Nếu đối tượng đã nộp đủ hồ sơ theo quy định, nhưng chết trước khi có quyết định hưởng trợ cấp xã hội thì thân nhân được truy lĩnh trợ cấp xã hội tính từ khi đủ điều kiện đến khi chết…

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 LIÊN BỘ: TƯ PHÁP - NỘI VỤ


Tổ chức và biên chế của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước
(SMS: 506937)
- Theo Thông tư liên tịch số 08/2008/TTLT-BTP-BNV ban hành ngày 07/11/2008, Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ hướng dẫn: biên chế của Trung tâm được xác định theo vị trí công tác của các chức danh nhưng phải phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức, phù hợp với đặc điểm, nhu cầu thực tế công tác trợ giúp pháp lý ở địa phương trên cơ sở nhiệm vụ, quyền hạn được giao và khả năng ngân sách, gồm: Giám đốc và không quá 02 Phó Giám đốc.
Phòng Hành chính-Tổng hợp gồm Trưởng phòng, 01 Phó Trưởng phòng, 01 kế toán viên và 01 chuyên viên pháp lý kiêm văn thư, thủ quỹ; Các Phòng nghiệp vụ gồm Trưởng phòng, không quá 02 Phó Trưởng phòng, tối thiểu 02 Trợ giúp viên pháp lý và 01 chuyên viên pháp lý. Số lượng Trợ giúp viên pháp lý của mỗi Phòng nghiệp vụ được xác định theo vị trí công tác và khối lượng công việc thực tế phải đảm nhiệm; Chi nhánh của Trung tâm gồm Trưởng Chi nhánh, tối thiểu 01 Trợ giúp viên pháp lý và 01 chuyên viên pháp lý.
Định mức biên chế của Trung tâm không bao gồm các chức danh hợp đồng.

Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng và Trưởng Chi nhánh của Trung tâm được thực hiện theo phân cấp của UBND cấp tỉnh.

Trung tâm có các Chi nhánh được thành lập tại một hoặc nhiều đơn vị hành chính cấp huyện để thực hiện chức năng trợ giúp pháp lý trong phạm vi địa bàn được phân công. Ưu tiên thành lập Chi nhánh ở các huyện vùng sâu, vùng xa, hải đảo, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nơi chưa có tổ chức hành nghề luật sư, tư vấn pháp luật đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý. Số lượng, địa điểm đặt Chi nhánh do Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định.
Sở Tư pháp và các cơ quan có liên quan có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra Trung tâm trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về cơ chế quản lý biên chế, tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, viên chức, bảo đảm đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý có điều kiện chuyên môn hoá và tích luỹ kinh nghiệm, hạn chế điều chuyển không cần thiết; phân cấp cụ thể để Trung tâm thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập.

Thông tư liên tịch này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 LIÊN TỊCH: BỘ TÀI CHÍNH - BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI - BỘ CÔNG AN - BỘ TƯ PHÁP - NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC


Nộp tiền phạt qua tài khoản
(SMS: 506938)
- Ngày 06/11/2008, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an, Bộ Tư pháp và Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư liên tịch số 100/2008/TTLT-BTC-BGTVT-BCA-BTP-NHNNVN hướng dẫn thi hành Khoản 2 Điều 47 Nghị định số 146/2007/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
Theo đó, điều kiện áp dụng hình thức nộp tiền phạt bằng cách trừ vào tài khoản của người vi phạm như sau:
Người vi phạm có tài khoản mở tại ngân hàng, tài khoản đang hoạt động bình thường và có đủ tiền để thi hành quyết định xử phạt tự nguyện nộp; Người vi phạm bị xử phạt với mức tiền phạt trên 200.000 đồng…
Nguyên tắc thu, nộp tiền phạt: việc nộp tiền phạt bằng cách trừ vào tài khoản phải thực hiện trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày người vi phạm được giao quyết định xử phạt; Khi nhận được uỷ nhiệm chi hợp lệ do người vi phạm ký, nếu trong tài khoản của người vi phạm có đủ tiền để chấp hành quyết định xử phạt thì ngân hàng nơi người vi phạm mở tài khoản có trách nhiệm tiến hành ngay các thủ tục thanh toán để chuyển tiền nộp phạt vào tài khoản tạm giữ của cơ quan tài chính được ghi trên quyết định xử phạt.

Trong trường hợp chỉ áp dụng hình thức phạt tiền đối với người vi phạm, thì người ra quyết định xử phạt có quyền tạm giữ giấy phép lưu hành phương tiện hoặc giấy phép lái xe hoặc giấy tờ cần thiết khác có liên quan cho đến khi người vi phạm chấp hành xong quyết định xử phạt. Nếu người vi phạm không có những giấy tờ nói trên, thì người ra quyết định xử phạt có thể tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm.

Ngay khi người vi phạm xuất trình được chứng từ để chứng minh đã chuyển đủ số tiền nộp phạt vào đúng tài khoản ghi trên quyết định xử phạt, cơ quan của người ra quyết định xử phạt có trách nhiệm hoàn trả cho người vi phạm toàn bộ giấy tờ hoặc phương tiện vi phạm đã bị tạm giữ để đảm bảo thi hành quyết định xử phạt, trừ những tang vật, phương tiện bị tịch thu hoặc trường hợp bị áp dụng hình thức tước quyền sử dụng giấy phép lái xe, đình chỉ lưu hành phương tiện có thời hạn.
Ngân hàng nơi người vi phạm mở tài khoản có trách nhiệm chuyển tiền nộp phạt đúng thời hạn theo yêu cầu của người vi phạm, chịu trách nhiệm trước người vi phạm nếu chậm trễ tiến hành các thủ tục thanh toán dẫn đến việc người vi phạm không thể chấp hành quyết định xử phạt đúng thời hạn; cung cấp đủ thông tin về khoản nộp phạt trên chứng từ nộp phạt cho Kho bạc Nhà nước theo quy định hiện hành.

Thông tư liên tịch này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC


Hỗ trợ vốn kinh doanh, sản xuất
(SMS: 506936)
- Ngày 03/11/2008, Ngân hàng Nhà nước đã ra Công văn số 9776/NHNN-CSTT về việc thực hiện một số biện pháp về tín dụng và lãi suất.
Ngân hàng nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện: điều chỉnh lãi suất kinh doanh bằng đồng Việt Nam, phù hợp với các quy định của Ngân hàng Nhà nước và bảo đảm khả năng huy động vốn, hoạt động kinh doanh an toàn, hiệu quả.
Tập trung vốn tín dụng cho các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và nông thôn, nhất là các hộ nông dân sản xuất vụ mùa Đông xuân, xuất khẩu, nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, các dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh và kể cả các dự án đầu tư bất động sản khả thi, có hiệu quả và có khả năng trả nợ đúng hạn.

Thực hiện việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với các khoản vay không trả nợ đúng hạn do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới làm cho sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, chậm tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm, ứ đọng tồn kho hàng hoá như gạo, xi măng, sắt…