Số 45.2007 (350) ngày 16/11/2007

 QUỐC HỘI


Sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh thi hành án phạt tù
(SMS: 502039)
- Theo Pháp lệnh số 01/2007/PL-UBTVQH11 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 19/10/2007 thì kể từ ngày 01/01/2008 (ngày Pháp lệnh này có hiệu lực) người đang chấp hành hình phạt tù tại trại tạm giam có nghĩa vụ và quyền lợi như người đang chấp hành hình phạt tù tại trại giam.
Người bị kết án phạt tù là người chưa thành niên, người bị bệnh hiểm nghèo, bệnh truyền nhiễm, là phụ nữ được giam giữ riêng.
Kết quả lao động của người chấp hành hình phạt tù sau khi trừ chi phí hợp lý được sử dụng để chi trả bổ sung mức ăn cho người chấp hành hình phạt tù; bổ sung vào quỹ phúc lợi của trại giam và đầu tư trở lại cho trại giam, mua sắm trang thiết bị, phương tiện, công cụ lao động và xây dựng cơ sở vật chất phục vụ việc tổ chức lao động, dạy nghề cho người chấp hành hình phạt tù. Người đang chấp hành hình phạt tù được hưởng chế độ phòng, chống dịch bệnh, khám và chữa bệnh ở bệnh xá của trại giam…

Trường hợp mắc bệnh nặng phải điều trị tại cơ sở chữa bệnh khác của Nhà nước thì Giám thị trại giam thông báo cho thân nhân hoặc đại diện hợp pháp của người đó biết để phối hợp chăm sóc, điều trị. Khi người đang chấp hành hình phạt tù chết trong trại giam, sau 24 giờ kể từ khi thông báo cho cơ quan hữu quan và thân nhân người chết, Giám thị có trách nhiệm tổ chức an táng và tùy theo điều kiện địa lý, phong tục, tập quán để quyết định hỏa táng hay địa táng. Trong trường hợp thân nhân hoặc đại diện hợp pháp của người chết có đơn đề nghị được nhận thi thể để tự an táng thì tùy từng trường hợp cụ thể, Giám thị có thể xem xét, quyết định cho nhận thi thể, trừ trường hợp ảnh hưởng đến an ninh trật tự và vệ sinh môi trường. Người đang chấp hành hình phạt tù chết hoặc bị thương tật do tai nạn lao động thì được hưởng chế độ trợ cấp theo quy định của pháp luật...
 

 CHÍNH PHỦ


Giám sát hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước
(SMS: 502075)
- Ngày 08/11/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 169/2007/QĐ-TTg về việc ban hành Quy chế giám sát đối với doanh nghiệp nhà nước kinh doanh thua lỗ, hoạt động không hiệu quả.
Theo đó, doanh nghiệp sau 2 năm thực hiện giám sát theo Quy chế này mà vẫn thua lỗ thì phải chuyển đổi sở hữu hoặc giải thể, phá sản theo quy định...
Có 7 nhóm chỉ tiêu giám sát, gồm: Sản lượng, giá trị sản lượng sản phẩm, hàng hóa dịch vụ chủ yếu sản xuất, tiêu thụ, tồn kho; doanh thu hoạt động kinh doanh, thu nhập khác; chi phí hoạt động kinh doanh, hoạt động khác, chi phí tiền lương, khấu hao tài sản cố định, chi phí trả lãi vay, chi phí quản lý doanh nghiệp; lợi nhuận thực hiện và tỷ suất lợi nhuận thực hiện trên vốn Nhà nước; hiệu quả sử dụng vốn và tài sản; nợ và khả năng thanh toán nợ; công tác quản lý, điều hành của Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc, Giám đốc.
Hằng quý, năm, doanh nghiệp nhà nước thuộc đối tượng giám sát phải lập báo cáo theo các chỉ tiêu quy định và báo cáo tài chính gửi cho đại diện chủ sở hữu và cơ quan tài chính cùng cấp. Trên cơ sở báo cáo này, đại diện chủ sở hữu phối hợp với cơ quan tài chính cùng cấp phân tích, đánh giá kết quả hoạt động kinh doanh, công tác quản lý của doanh nghiệp và kịp thời đưa ra các khuyến nghị đối với doanh nghiệp…
Doanh nghiệp không thực hiện chế độ báo cáo giám sát hoặc không thực hiện các khuyến nghị, giải pháp của chủ sở hữu dẫn đến tiếp tục thua lỗ thì người quản lý, điều hành doanh nghiệp bị cách chức, thay thế…
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Chương trình hành động của Chính phủ
(SMS: 502040)
- Ngày 07/11/2007, Chính phủ đã ra Nghị quyết số 53/2007/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Bộ máy nhà nước.
Theo đó, các cơ quan chức năng có trách nhiệm tham mưu cho cấp ủy đảng cùng cấp để ban hành các nghị quyết, chỉ thị về các chủ trương, biện pháp, chương trình, kế hoạch cụ thể đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính, tăng cường công tác kiểm tra, đề cao trách nhiệm người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước trước cấp uỷ đảng trong triển khai cải cách hành chính…
Xây dựng chương trình xây dựng pháp luật dài hạn và ngắn hạn. Xác định rõ những văn bản luật cần thiết phải có để đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập kinh tế quốc tế; không nhất thiết mỗi lĩnh vực, mỗi ngành phải có một luật riêng…
Tập trung chỉ đạo rà soát và cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi nhất cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và nhu cầu chính đáng của người dân, đặc biệt trong các lĩnh vực trọng điểm sau: thành lập, giải thể, phá sản doanh nghiệp; đăng ký kinh doanh và chứng nhận đầu tư; đầu tư xây dựng công trình, dự án và nhà ở; quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản; xuất, nhập khẩu; nộp thuế; hộ tịch, hộ khẩu, giấy chứng minh nhân dân, hộ chiếu, thị thực nhập cảnh; công chứng, chứng thực; thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp...

Công bố công khai các thủ tục (các loại giấy tờ, biểu mẫu) và quy trình giải quyết công việc, thời gian giải quyết, phí và lệ phí theo quy định để tổ chức, công dân biết và thực hiện thuận lợi. Tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện có hiệu quả cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại các cơ quan hành chính nhà nước và mở rộng áp dụng tại các đơn vị sự nghiệp dịch vụ công như bệnh viện, trường học…

Nghị quyết này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI


Quản lý đào tạo lái xe
(SMS: 502149)
- Ngày 07/11/2007, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Quyết định số 55/2007/QĐ-BGTVT ban hành Quy chế quản lý đào tạo lái xe cơ giới đường bộ.
Theo đó, tổ chức tuyển sinh theo hạng giấy phép lái xe phải thực hiện ký và thanh lý hợp đồng đào tạo với người học theo hạng giấy phép lái xe ôtô. Nội dung hợp đồng phải thể hiện rõ nội dung, chương trình, kế hoạch đào tạo; kỹ năng lái xe đạt được; thời gian hoàn thành khoá học; mức học phí và phương thức thanh toán học phí. Ngoài các nội dung chủ yếu trên, hai bên có thể thỏa thuận các nội dung khác phù hợp với điều kiện thực tế nhưng không được trái pháp luật và đạo đức xã hội...
Phòng học Luật Giao thông đường bộ trên máy tính bố trí riêng biệt gồm: máy chủ, máy in và ít nhất 10 máy tính được nối mạng, cài đặt phần mềm học lý thuyết do Cục Đường bộ Việt Nam chuyển giao. Cơ sở đào tạo có lưu lượng 500 học viên trở lên phải có ít nhất 20 máy tính để học sinh ôn luyện phần lý thuyết và phải bố trí thêm một phòng học chung bảo đảm đủ chỗ ngồi cho ít nhất 100 học viên...
Giáo viên dạy thực hành lái xe phải đeo phù hiệu "Giáo viên dạy lái xe" có tên và dán ảnh, ghi rõ tên cơ sở đào tạo, các hạng giấy phép lái xe được phép dạy lái. Phù hiệu do Thủ trưởng cơ sở đào tạo lái xe cấp, quản lý và được ép plastic. Giáo viên được phân công dạy các hạng giấy phép lái xe B1, B2 phải có thâm niên lái xe từ 03 năm trở lên; dạy các hạng giấy phép lái xe C, D, E, F phải có thâm niên lái xe từ 05 năm trở lên...
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Quản lý cấp giấy phép lái xe
(SMS: 502148)
- Ngày 07/11/2007, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Quyết định số 54/2007/QĐ-BGTVT ban hành Quy chế quản lý sát hạch, cấp giấy phép lái xe (GPLX) cơ giới đường bộ.
Theo đó, việc sát hạch để cấp GPLX ô tô phải được thực hiện tại các Trung tâm sát hạch lái xe. Việc sát hạch nâng hạng GPLX các hạng D, E thực hiện tập trung, định kỳ, có tổ chức giám sát chặt chẽ.
Việc sát hạch lý thuyết đối với các hạng A2, A3, A4, B1, B2, C, D, E và các hạng F, thực hiện trên máy vi tính. Riêng đối với hạng A1, thực hiện trắc nghiệm trên giấy hoặc máy vi tính. Sát hạch thực hành lái xe trong hình có gắn thiết bị chấm điểm tự động, không có sát hạch viên trên xe đối với các hạng B1, B2, C, D, E. Đối với các hạng A1, A2 và các hạng F, thực hiện sát hạch trong Trung tâm sát hạch hoặc sân sát hạch. Sát hạch thực hành lái xe trên đường giao thông công cộng áp dụng đối với các hạng: A3, A4, B1, B2, C, D, E và các hạng F.
Thời gian cấp GPLX chậm nhất không quá 10 ngày làm việc sau khi có quyết định trúng tuyển thay vì 15 ngày theo quy định trước đây. Trong thời hạn 60 ngày (quy định trước đây là 30 ngày) trước khi GPLX hết hạn, nếu có nhu cầu tiếp tục sử dụng, người có GPLX làm đơn đề nghị xét cấp lại. Người có GPLX hạng E đủ 55 tuổi đối với nam, 50 tuổi đối với nữ, có nhu cầu tiếp tục lái xe, nếu đủ sức khỏe theo quy định, được xét cấp lại GPLX từ hạng D trở xuống. Kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, GPLX được đổi chậm nhất là 5 ngày làm việc, thay vì 7 ngày như quy định  trước đây…
Người bị thu hồi GPLX không thời hạn, sau 1 năm kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền ra quyết định thu hồi (hoặc tước quyền sử dụng GPLX không thời hạn), nếu có nhu cầu, được dự học lại Luật Giao thông đường bộ, đạo đức người lái xe, được kiểm tra và có chứng nhận của cơ sở đào tạo thì được dự sát hạch lại lý thuyết và thực hành lái xe để được cấp GPLX…

Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI


Thời gian hưởng chế độ bảo hiểm
(SMS: 502072)
- Ngày 09/11/2007, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 24/2007/TT-BLĐTBXH về việc hướng dẫn tính thời gian để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội theo Quyết định số 107/2007/QĐ-TTg.
Theo đó, đối tượng áp dụng là cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, quân nhân và công an nhân dân thuộc biên chế của các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, doanh nghiệp nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang được cơ quan, đơn vị cử đi công tác, học tập, làm việc có thời hạn đã xuất cảnh hợp pháp ra nước ngoài, đã về nước trước ngày 01/01/2007 nhưng không đúng hạn, thuộc một trong các trường hợp: được đơn vị cử đi công tác, học tập, làm việc ở nước ngoài tiếp nhận trở lại làm việc; sau khi về nước được đơn vị khác tiếp nhận vào làm việc; sau khi về nước không được đơn vị cũ tiếp nhận trở lại làm việc, hiện vẫn nghỉ việc.
Thời gian được tính hưởng chế độ hưu trí, tử tuất của các đối tượng trên bao gồm: Thời gian làm việc ở trong nước; Thời gian công tác, học tập, làm việc ở nước ngoài trong thời hạn cho phép…
Trường hợp vi phạm pháp luật của nước ngoài bị trục xuất về nước hoặc bị kỷ luật buộc phải về nước hoặc bị tù giam trước ngày 01/01/1995 thì thời gian làm việc ở trong nước và thời gian công tác, học tập, làm việc ở nước ngoài trong thời hạn cho phép trước ngày 01/01/1995 không được tính hưởng chế độ hưu trí, tử tuất…
Mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu, trợ cấp một lần khi nghỉ hưu, bảo hiểm xã hội 1 lần và trợ cấp tuất của các đối tượng được tính theo quy định của pháp luật bảo hiểm xã hội hiện hành.

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ TÀI CHÍNH


Đấu thầu mua sắm hàng hoá
(SMS: 502054)
- Ngày 05/11/2007, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 131/2007/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Thông tư số 63/2007/TT-BTC hướng dẫn thực hiện đấu thầu mua sắm tài sản nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước bằng vốn nhà nước.
Theo đó, căn cứ kế hoạch mua sắm đã được bố trí trong dự toán chi ngân sách được cấp có thẩm quyền giao, cơ quan, đơn vị được thực hiện đối với gói thầu tư vấn có giá dưới 100 triệu đồng; gói thầu mua sắm tài sản thuộc đề án hoặc dự toán mua sắm thường xuyên có giá dưới 100 triệu đồng với điều kiện đó là các hàng hoá thông dụng, sẵn có trên thị trường để phục vụ cho các hoạt động có tính chất thường xuyên diễn ra hàng ngày của các cơ quan, đơn vị.
Trường hợp gói thầu có giá từ 20 đến dưới 100 triệu đồng, cơ quan, đơn vị mua sắm lấy báo giá của ít nhất 3 nhà thầu khác nhau (báo giá trực tiếp, bằng fax hoặc qua đường bưu điện) làm cơ sở để lựa chọn nhà thầu tốt nhất. Nếu gói thầu có giá gói thầu dưới 20 triệu đồng, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quyết định việc mua sắm cho phù hợp, hiệu quả và tự chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
Trường hợp cần lựa chọn nhà thầu để cung cấp dịch vụ tổ chức các hội nghị, hội thảo, đại hội, tập huấn... mà do yêu cầu thực tế phải bố trí địa điểm ăn, nghỉ tập trung cho tất cả đại biểu hoặc do yêu cầu cấp bách cần phải tổ chức ngay, đột xuất; tại thời điểm tổ chức, khả năng đáp ứng của các nhà cung cấp hạn chế thì thủ trưởng cơ quan, đơn vị quyết định lựa chọn cho phù hợp, hiệu quả và tự chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Quản lý, thanh toán vốn đầu tư
(SMS: 502050)
- Ngày 02/11/2007, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 130/2007/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điểm của Thông tư số 27/2007/TT-BTC hướng dẫn về quản lý, thanh toán vốn đầu tư và vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước.
Theo đó, đối với hợp đồng thi công xây dựng mà giá trị hợp đồng dưới 10 tỷ đồng thì mức tạm ứng vốn tối thiểu bằng 20% giá trị hợp đồng; từ 10 đến 50 tỷ đồng: 15%; trên 50 tỷ đồng: 10%...
Đối với hợp đồng mua sắm thiết bị, tuỳ theo giá trị hợp đồng, mức tạm ứng do nhà thầu và chủ đầu tư thoả thuận trên cơ sở tiến độ thanh toán trong hợp đồng nhưng tối thiểu bằng 10% giá trị hợp đồng…
Đối với hợp đồng thực hiện theo hình thức EPC, việc tạm ứng vốn để mua sắm thiết bị căn cứ vào tiến độ cung ứng trong hợp đồng. Các công việc khác, mức tạm ứng tối thiểu bằng 15% giá trị công việc đó trong hợp đồng…
Đối với hợp đồng tư vấn, mức vốn tạm ứng theo thoả thuận trong hợp đồng giữa chủ đầu tư với nhà thầu nhưng tối thiểu bằng 25% giá trị hợp đồng…
Đối với công việc giải phóng mặt bằng, mức vốn tạm ứng theo tiến độ thực hiện trong kế hoạch giải phóng mặt bằng. Đối với các dự án cấp bách như xây dựng và tu bổ đê điều, công trình vượt lũ, thoát lũ, công trình giống, các dự án khắc phục ngay hậu quả lũ lụt thiên tai, mức vốn tạm ứng tối thiểu bằng 50% giá trị hợp đồng…

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC


Quy định đối với hoạt động tín dụng
(SMS: 502053)
- Ngày 06/11/2007, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 06/2007/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư số 08/2005/TT-NHNN hướng dẫn thực hiện Nghị định số 48/2001/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Quỹ tín dụng nhân dân và Nghị định số 69/2005/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 48/2001/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Quỹ tín dụng nhân dân.
Theo đó, giới hạn góp vốn đối với Quỹ tín dụng cơ sở được quy định lại như sau: Thành viên được góp vốn theo quy định của Điều lệ; Mức góp vốn để xác lập tư cách thành viên tối thiểu là 50.000 đồng; Tổng mức vốn góp (Vốn góp xác lập tư cách thành viên và Vốn góp thường xuyên) tối đa của mỗi thành viên (kể cả vốn nhận chuyển nhượng) không vượt quá 30% so với tổng số Vốn điều lệ của Quỹ tại thời điểm góp vốn và nhận chuyển nhượng…
Đại hội toàn thể thành viên hoặc Đại hội đại biểu thành viên Quỹ tín dụng cơ sở có nhiệm vụ, quyền hạn như nhau. Căn cứ vào thực tế tại mỗi Quỹ tín dụng cơ sở, Hội đồng quản trị quyết định về cách thức tổ chức Đại hội, cách thức bầu đại biểu đi dự Đại hội và số lượng đại biểu (tối thiểu phải có 30 đại biểu) đi dự trong từng kỳ Đại hội. Đại hội được coi là hợp lệ khi có ít nhất hai phần ba tổng số thành viên hoặc đại biểu thành viên được triệu tập tham dự. Đại biểu không đi dự thì không được uỷ quyền cho người khác đi thay…
Trưởng Ban kiểm soát và các thành viên khác trong Ban kiểm soát của Quỹ tín dụng cơ sở do Đại hội bầu trực tiếp theo thể thức bỏ phiếu kín. Ban kiểm soát có tối thiểu là 03 người, trong đó ít nhất phải có một kiểm soát viên chuyên trách (Trưởng Ban kiểm soát có thể kiêm nhiệm chức danh kiểm soát viên chuyên trách); Đối với những Quỹ tín dụng cơ sở có dưới 1.000 thành viên và nguồn vốn hoạt động từ 8 tỷ đồng) trở xuống thì việc bầu Ban kiểm soát hoặc chỉ bầu một kiểm soát viên chuyên trách mà không phải bầu Ban kiểm soát do Đại hội quyết định…
Quỹ tín dụng Trung ương được mua, đầu tư vào tài sản cố định phục vụ trực tiếp cho hoạt động nghiệp vụ, theo nguyên tắc giá trị còn lại của tài sản cố định không vượt quá 50% vốn cấp 1 nằm trong cơ cấu Vốn tự có của Quỹ…

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.