Quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài (SMS: 202100) - Ngày 15/11/2006, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 138/2006/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành các quy định của Bộ luật dân sự về quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài. Theo đó, Trong trường hợp cá nhân là người nước ngoài cư trú tại Việt Nam, thì năng lực pháp luật dân sự của cá nhân đó được xác định trên cơ sở mọi cá nhân đều có năng lực pháp luật dân sự như nhau, có quyền tham gia quan hệ dân sự và có nghĩa vụ phát sinh từ quan hệ đó không bị hạn chế, trừ trường hợp do pháp luật quy định... Việc xác định một tài sản thuộc di sản thừa kế là bất động sản hoặc động sản được xác định theo pháp luật của nước nơi có di sản thừa kế đó. Trong trường hợp người để lại di sản thừa kế không có quốc tịch hoặc có hai hay nhiều quốc tịch nước ngoài, thì việc xác định pháp luật áp dụng về thừa kế theo pháp luật của nước mà người đó có quốc tịch và cư trú vào thời điểm phát sinh quan hệ dân sự; nếu người đó không cư trú tại một trong các nước mà người đó có quốc tịch thì áp dụng pháp luật của nước mà người đó có quốc tịch và có quan hệ gắn bó nhất về quyền và nghĩa vụ công dân... Đối với vấn đề thừa kế theo di chúc, hình thức của di chúc phải tuân theo pháp luật của nước nơi lập di chúc. Di chúc của người Việt Nam lập ở nước ngoài được công nhận là hợp thức tại Việt Nam, nếu tuân theo các quy định của pháp luật Việt Nam về hình thức của di chúc... Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước (SMS: 202099) - Ngày 15/11/2006, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 263/2006/QĐ-TTg ban hành Chương trình hành động của Chính phủ về đẩy mạnh sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2006 - 2010. Thủ tướng chỉ đạo: tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý, hoạt động, tăng cường đầu tư phát triển những tập đoàn kinh tế, tổng công ty, công ty nhà nước mà trước mắt Nhà nước giữ 100% vốn điều lệ để đáp ứng được vai trò là công cụ điều tiết kinh tế vĩ mô trong nền kinh tế thị trường, hoạt động có hiệu quả, có khả năng cạnh tranh trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế... Hoàn thành việc chuyển đổi toàn bộ các công ty thuộc diện Nhà nước giữ 100% vốn điều lệ sang hình thức công ty TNHH một hoặc nhiều thành viên hoặc công ty cổ phần của chủ sở hữu là Nhà nước vào năm 2009... Đẩy nhanh tiến độ, mở rộng diện cổ phần hoá công ty nhà nước. Tập trung chỉ đạo cổ phần hoá các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, công ty nhà nước quy mô lớn, các ngân hàng thương mại quốc doanh, công ty tài chính nhà nước; bảo đảm hiệu quả, đạt mục tiêu thu hút vốn và đổi mới quản trị, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Cổ phần hoá gắn với niêm yết, giao dịch trên thị trường chứng khoán phải tạo được hàng hoá có chất lượng cao cho thị trường chứng khoán... Hoàn thiện mô hình tổ chức và cơ chế hoạt động của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, công ty nhà nước hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con với các công ty con là công ty đa sở hữu để phát huy hiệu quả liên kết kinh tế của tổ hợp doanh nghiệp và tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các công ty tham gia liên kết. Cổ phần hoá tập đoàn kinh tế, tổng công ty, công ty mẹ với lộ trình phù hợp... Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Phân cấp quản lý tài sản nhà nước (SMS: 202091) - Ngày 14/11/2006, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 137/2006/NĐ-CP quy định phân cấp quản lý nhà nước đối với tài sản nhà nước tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập và tài sản được xác lập quyền sở hữu của Nhà nước giữa Chính phủ với UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương. Những tài sản phải đăng ký quyền quản lý, sử dụng bao gồm: Trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp; Xe ôtô các loại; Các tài sản khác có nguyên giá theo sổ sách kế toán từ 500 triệu đồng trở lên... Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương được phép quyết định việc thanh lý nhà, công trình xây dựng có nguyên giá theo sổ sách kế toán dưới 500 triệu đồng, bị hư hỏng không còn sử dụng được hoặc nếu tiếp tục sử dụng phải chi phí lớn, không có hiệu quả... Tất cả các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập được Nhà nước giao trực tiếp quản lý sử dụng tài sản phải thực hiện việc đăng ký quyền quản lý, sử dụng tài sản với cơ quan Tài chính. Trường hợp phát hiện đơn vị nào không đăng ký sẽ bị ngừng cấp kinh phí hoạt động cho tài sản đó và bị xử phát hành chính theo quy định của pháp luật... Trụ sở làm việc của các cơ quan nhà nước đang sử dụng không đúng mục đích hoặc vượt quá định mức sẽ bị thu hồi... Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đằn Công báo.
Hướng dẫn thi hành Luật Khiếu nại tố cáo (SMS: 202093) - Ngày 14/11/2006, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 136/2006/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo và các Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo. Theo đó, Thủ trưởng cơ quan nhà nước có trách nhiệm định kỳ tiếp công dân, lịch tiếp phải được thông báo công khai. Đối với những vụ việc rõ ràng, cụ thể, có cơ sở giải quyết phải trả lời ngay cho công dân biết; nếu vụ việc phức tạp cần nghiên cứu, xem xét thì phải nói rõ thời hạn giải quyết, người cần liên hệ tiếp để biết kết quả giải quyết... Chậm nhất trong thời hạn 5 ngày, kể từ ngày ký quyết định giải quyết khiếu nại, người giải quyết phải công khai quyết định đó qua các hình thức sau: niêm yết tại trụ sở làm việc hoặc nơi tiếp công dân của cơ quan đã ban hành quyết định; thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng... Sẽ không xem xét, giải quyết những tố cáo giấu tên, mạo tên, không rõ địa chỉ, không có chữ ký trực tiếp mà sao chụp chữ ký... Trong trường hợp hành vi bị tố cáo gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích của Nhà nước, của tập thể, tính mạng, tài sản của công dân thì cơ quan nhận được đơn phải thông báo ngay cho cơ quan chức năng để có biện pháp ngăn chặn... Đồng thời, đối với những người đến khiếu nại, tố cáo có hành vi gây rối, làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự công cộng cần yêu cầu cơ quan Công an có biện pháp xử lý. Trong trường hợp cần thiết, thì áp dụng các biện pháp theo thẩm quyền đối với những người lợi dụng việc khiếu nại, tố cáo có hành vi vi phạm pháp luật tại nơi tiếp công dân... Thủ trưởng cơ quan nhà nước nếu thiếu trách nhiệm, nhiều lần để xảy ra vi phạm pháp luật về khiếu nại, tố cáo trong cơ quan do mình quản lý thì bị xử lý kỷ luật; nếu gây hậu quả nghiêm trọng thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự... Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đằn Công báo.
Chính sách về giáo dục đào tạo (SMS: 202090) - Ngày 14/11/2006, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 134/2006/NĐ-CP quy định chế độ cử tuyển vào các cơ sở giáo dục trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân để đào tạo cán bộ, công chức, viên chức cho các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và các dân tộc thiểu số chưa có hoặc có rất ít cán bộ trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp. Theo đó, đối tượng cử tuyển là công dân Việt Nam không quá 25 tuổi, thuộc các dân tộc thường trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từ 5 năm liên tục trở lên hoặc là người dân tộc thiểu số mà dân tộc đó chưa có hoặc có rất ít cán bộ đạt trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp... Chỉ tiêu cử tuyển được xác định theo từng năm, trong kế hoạch tuyển sinh vào đại học, cao đẳng, trung cấp của Nhà nước và được cơ quan có thẩm quyền giao theo từng ngành nghề, trình độ đào tạo... UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào định hướng phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu của địa phương đề xuất chỉ tiêu cử tuyển theo ngành nghề, trình độ đào tạo; tổ chức tuyển chọn và cử người đi học theo đúng quy định. Khi được cử tuyển để đào tạo trình độ đại học, cao đẳng, người được cử tuyển phải học 1 năm dự bị. Sau khi kết thúc dự bị và được học chính thức tại các cơ sở giáo dục, người được cử tuyển được đào tạo trong hệ thống giáo dục chính quy. Sau khi tốt nghiệp, người được cử đi học theo chế độ cử tuyển sẽ được UBND cấp tỉnh tiếp nhận và phân công công tác... Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đằn Công báo.
Định mức sử dụng trụ sở làm việc (SMS: 202092) - Ngày 14/11/2006, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 260/2006/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung Quyết định số 147/1999/QĐ-TTg quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc tại các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp. Theo quy định mới này, tổng diện tích nhà làm việc của mỗi cơ quan được tính theo định mức diện tích phòng làm việc của tổng số lượng cán bộ, công chức trong biên chế và hợp đồng làm việc không thời hạn của cơ quan đó cộng với định mức diện tích bộ phận công cộng và bộ phận phụ trợ. Chức danh Bộ trưởng và tương đương được sử dụng tối đa 50m2 cho 1 chỗ làm việc; Phó Trưởng ban của Đảng ở Trung ương, và các chức danh tương đương Thứ trưởng... và các chức vụ có hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo từ 1,25 trở lên được tiêu chuẩn diện tích 30 - 40m2; Vụ trưởng, Cục trưởng, Trưởng ban của Đảng tại địa phương... và các chức vụ có hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo từ 0,9 đến dưới 1,05 được tiêu chuẩn diện tích 20 - 25m2... Chuyên viên và các chức danh tương đương được tiêu chuẩn diện tích 8 - 10m2... Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền sẽ căn cứ vào tổng diện tích nhà làm việc hiện có, tổng biên chế hợp đồng làm việc không có thời hạn, chức danh được duyệt của các cơ quan đơn vị để quyết định việc xây mới, xây dựng bổ sung trụ sở làm việc cho từng cơ quan, đơn vị theo quy định của Nhà nước... Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Đấu thầu sản phẩm, dịch vụ công ích (SMS: 202083) - Ngày 09/11/2006, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 256/2006/QĐ-TTg ban hành Quy chế đấu thầu, đặt hàng, giao kế hoạch thực hiện sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích. Theo đó, tất cả các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế (kể cả hợp tác xã) đều có thể tham gia sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích theo các phương thức đấu thầu, đặt hàng. Nguồn kinh phí thanh toán cho các sản phẩm và dịch vụ công ích thuộc dự toán chi ngân sách. Phương thức đấu thầu được ưu tiên lựa chọn và được thực hiện theo Luật Đấu thầu. Doanh nghiệp trúng thầu phải tự bù đắp chi phí theo giá thực hiện thầu. Trường hợp doanh nghiệp được Nhà nước đặt hàng sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích, nếu giá tiêu thụ theo quy định của Nhà nước thấp hơn chi phí thực tế hợp lý thì được ngân sách nhà nước trợ giá hoặc trợ cấp theo khối lượng sản phẩm, dịch vụ công ích mà doanh nghiệp đó tiêu thụ trên thực tế. Chỉ các công ty nhà nước mới được giao kế hoạch thực hiện sản xuất và cung ứng sản phẩm dịch vụ công ích và phải căn cứ vào kế hoạch của doanh nghiệp nhà nước đã lập từ năm trước với đầy đủ tiêu chí về số lượng, chất lượng và thời gian giao nộp sản phẩm. Công ty nhà nước thực hiện phương thức giao kế hoạch sản xuất dịch vụ công ích cũng có thể được xem xét để hưởng trợ cấp và trợ giấ dịch vụ trên cơ sở tính toán hợp lý... Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
|