Số 45.2005 (248) ngày 18/11/2005

 CHÍNH PHỦ


Thu phí bảo vệ môi trường
(SMS: 18847)
- Ngày 09/11/2005, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 137/2005/NĐ-CP về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản.
Theo đó, áp dụng mức thu 2000 đồng/m3 đối với việc khai thác đá làm xi măng, khoáng chất công nghiệp, vật liệu xây dựng, cát xây dựng (cát, san lấp), cát vàng (cát xây tô), nước khoáng thiên nhiên...; Đối với đá ốp lát, làm mỹ nghệ (granit, gabro, đá hoa...) là 50.000 đồng...
Khai thác thạch cao là 1500 đồng/tấn; Sa kháng Titan (ilmenit): 30.000 đồng; Than bùn: 2000 đồng; Than đá: 6000 đồng...
Ngân sách địa phương được hưởng 100% loại phí này để hỗ trợ công tác bảo vệ môi trường tại địa phương nơi có hoạt động khai thác...
Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày
01/01/2006.

Tổ chức bộ máy
(SMS: 18846)
- Ngày 8/11/2005, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 136/2005/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Nghị định đã quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Văn phòng UBND cấp tỉnh. Văn phòng UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là cơ quan chuyên môn, bộ máy giúp việc của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Văn phòng UBND cấp tỉnh có chức năng giúp UBND cấp tỉnh điều hòa, phối hợp các hoạt động chung của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; tham mưu, giúp UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh trong chỉ đạo, điều hành các hoạt động ở địa phương; bảo đảm các điều kiện vật chất, kỹ thuật cho hoạt động của UBND và Chủ tịch UBND cấp tỉnh. Văn phòng UBND cấp tỉnh có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng và được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước theo quy định của pháp luật...
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Khoán đất nông nghiệp, đất rừng, đất có mặt nước (SMS: 18845) - Ngày 08/11/2005, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 135/2005/NĐ-CP về việc giao khoán đất nông nghiệp,đất rừng sản xuất và đất có mặt nước nuôi trồng thuỷ sản trong các nông trường quốc doanh, lâm trường quốc doanh.
Theo đó, bên nhận khoán được nuôi, trồng xen cây phụ trợ dưới các loại cây trồng chính, dưới tán rừng theo hướng dẫn của bên giao khoán và được hưởng 100% sản pgẩn nuôi, trồng xen đó...
Khi chuyển đi khỏi nông, lâm trường quốc doanh, chuyển sang làm nghề khác hoặc chỉ đủ khả năng thực hiện một phần diện tích hợp đồng thì trả lại toàn bộ hoặc một phần đất, rừng cho bên giao khoán và được hoàn trả hoặc đền bù tài sản đã đầu tư trên đất theo phương án khoán...
Trong trường hợp bị thiên tai, rủi ro được xem xét miễn, giảm các khoản phải nộp...
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Chính sách đói với đối tượng tham gia kháng chiến chống Mỹ
(SMS: 201260)
- Ngày 8/11/2005, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 290/2005/QĐ-TTg về chế độ, chính sách đối với một số đối tượng trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước nhưng chưa được hưởng chính sách của Đảng và Nhà nước.
Theo đó, quân nhân, công an nhân dân, công nhân, viên chức trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở các chiến trường B, C, K về gia đình từ ngày 31/12/1976 trở về trước nhưng chưa được hưởng một trong các chế độ phục viên, xuất ngũ, chế độ thôi việc, chế độ bệnh binh, mất sức lao động hàng tháng và chế độ hưu trí hàng tháng, nay được hưởng trợ cấp một lần theo số năm thực tế công tác, chiến đấu tại chiến trường cứ mỗi năm được hưởng 600.000 đồng. Mức chi trả trợ cấp một lần thấp nhất  bằng 1.200.000 đồng...

Hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội, công an tham gia chiến đấu ở các chiến trường B, C, K sau đó trở thành người hưởng lương, thanh niên xung phong hưởng lương từ ngân sách nhà nước, cán bộ dân chính Đảng hoạt động cách mạng ở các chiến trường B, C, K từ ngày 30/4/1975 trở về trước không có thân nhân chủ yếu phải trực tiếp nuôi dưỡng ở miền Bắc để nhận trợ cấp B, C, K nay được hưởng chế độ một lần theo số năm thực tế công tác, chiến đấu tại chiến trường, cứ mỗi năm thuộc diện hưởng lương ở chiến trường được hưởng 500.000 đồng. Mức chi trả chế độ một lần thấp nhất  bằng 1.000.000 đồng...
Dân quân tập trung ở miền Bắc từ ngày 27/01/1973 trở về trước, du kích tập trung ở miền Nam (bao gồm cả lực lượng mật) từ ngày 30/4/1975 trở về trước do cấp có thẩm quyền quản lý đã về gia đình, được hưởng trợ cấp một lần theo số năm thực tế tham gia dân quân, du kích tập trung, cứ mỗi năm được hưởng 400.000 đồng. Mức chi trả trợ cấp một lần thấp nhất bằng 800.000 đồng...

Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Tiền lương và phụ cấp
(SMS: 18859)
- Ngày 8/11/2005, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 289/2005/QĐ-TTg về tiền lương và phụ cấp đối với sĩ quan, hạ sĩ quan hưởng lương thuộc Công an nhân dân chuyển ngành.
Theo đó, sĩ quan và hạ sĩ quan hưởng lương thuộc CAND khi chuyển ngành sang làm việc trong biên chế tại các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp của Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội hưởng lương từ ngân sách Nhà nước và Công ty Nhà nước, được xếp lương theo công việc mới kể từ ngày có quyết định chuyển ngành.
Trường hợp hệ số lương được xếp theo công việc mới, thấp hơn so với hệ số lương cấp quân hàm sĩ quan và hạ sĩ quan đã được hưởng tại thời điểm chuyển ngành, thì được bảo lưu hệ số chênh lệch giữa hệ số lương cấp bậc quân hàm sĩ quan và hạ sĩ quan, so với hệ số lương được xếp theo công việc mới trong thời gian tối thiểu là 18 tháng, kể từ khi có quyết định chuyển ngành và do cơ quan, đơn vị mới chi trả...
Trong thời gian được bảo lưu, nếu hệ số lương được xếp theo công việc mới được nâng bậc (kể cả phụ cấp thâm niên vượt khung nếu có) bằng hoặc cao hơn so với hệ số lương cấp bậc quân hàm sĩ quan và hạ sĩ quan, tại thời điểm chuyển ngành thì không được hưởng hệ số bảo lưu từ khi có quyết định nâng bậc...

Quyết này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ TÀI CHÍNH


Lệ phí cấp giấy xác nhận không có tiền án cho người lao động
(SMS: 201257)
- Ngày 14/11/2005, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 99/2005/TT-BTC quy định chế độ thu, nộp và quản lý sử dụng lệ phí cấp giấy xác nhận không có tiền án cho người lao động đi làm việc có thời hạn tại nước ngoài.
Theo đó, công dân Việt Nam có nhu cầu đi làm việc có thời hạn tại nước ngoài được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy xác nhận không có tiền án theo quy định của pháp luật phải nộp lệ phí cấp giấy xác nhận không có tiền án cho người lao động đi làm việc có thời hạn tại nước ngoài. Mức thu lệ phí cấp giấy xác nhận không có tiền án là 50.000 đồng/lần/người...
Cơ quan thu lệ phí được trích 60% tổng số tiền lệ phí cấp giấy xác nhận không có tiền án thực thu được để chi phục vụ cho công tác thu lệ phí...
Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Thông tin lưu động
(SMS: 18865)
- Ngày 10/11/2005, Bộ Tài chính và Bộ Văn hoá-Thông tin đã ban hành Thông tư liên tịch số 98/2005/TTLT-BTC-BVHTT hướng dẫn chế độ quản lý tài chính đối với Đội Thông tin lưu động cấp tỉnh, thành phố, quận, huyện, thị xã.
Theo đó, mức bồi dưỡng biểu diễn đối với các tuyên truyền viên thực hiện theo quy định sau: bồi dưỡng vai chính các chương trình biểu diễn lưu động: từ 15.000 đồng đến 30.000 đồng cho một buổi diễn. Giám đốc Trung tâm Văn hoá - Thông tin cấp tỉnh, huyện quyết định cụ thể về số lượng tuyên truyền viên đóng vai chính trong các chương trình biểu diễn lưu động...
Bồi dưỡng cho các tuyên truyền viên đóng các vai còn lại phục vụ chương trình biểu diễn lưu động: từ 10.000 đồng đến 20.000 đồng cho một buổi diễn.
Tuyên truyền viên trong biên chế thuộc các Đội Thông tin lưu động khi luyện tập xây dựng các chương trình mới được hưởng chế độ bồi dưỡng luyện tập theo cùng mức 10.000 đồng cho một buổi luyện tập. Mức bồi dưỡng luyện tập tối đa cho một chương trình biểu diễn mới đối với một tuyên truyền viên thuộc các Đội Thông tin lưu động là 50.000 đồng...

Thông tư liên tịch này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ Y TẾ


Điều trị bệnh viêm phổi
(SMS: 201259)
- Ngày 11/11/2005, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 37/2005/QĐ-BYT về việc hướng dẫn chẩn đoán, xử trí và phòng lây nhiễm viêm phổi do virút.
Theo đó, những người nuôi, buôn bán, vận chuyển, giết mổ, ăn thịt gia cầm bị bệnh, ăn tiết canh hoặc sống ở vùng có dịch gia cầm; tiếp xúc với người bệnh đã xác định cúm hoặc người tử vong vì viêm phổi chưa rõ nguyên nhân đều có thể nghi ngờ...
Nhân viên y tế và những người trực tiếp chăm sóc bệnh nhân nhiễm H5N1 đều được dự phòng bằng thuốc kháng vi-rút Tamiflu. Người bệnh nghi hoặc đã khẳng định H5N1 phải được cách ly, điều trị ngay từ tuyến xã...

Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 TỔNG CỤC THUẾ


Thuế đối với khoản tiền nhận được từ công ty nước ngoài
(SMS: 201258)
- Theo Công văn số 4127/TCT-ĐTNN ra ngày 14/11/2005, Tổng cục Thuế hướng dẫn: đối với khoản tiền công ty tại Việt Nam nhận được của công ty nước ngoài để thực hiện các dịch vụ quảng cáo, tiếp thị, bảo hành và các hoạt động khác phục vụ việc bán sản phẩm do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất hoặc nhập khẩu vào Việt Nam là khoản doanh thu của doanh nghiệp Việt Nam, công ty phải xuất hoá đơn GTGT, tính thuế GTGT và tính vào doanh thu khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN theo qui định...
Các khoản tiền khác (nếu có) không liên quan đến các hoạt động hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm như nêu trên được coi là một khoản thu nhập của công ty Việt Nam, công ty không phải tính thuế GTGT, nhưng phải viết phiếu thu và tính vào thu nhập chịu thuế TNDN theo qui định...