Hỗ trợ dịch vụ viễn thông (SMS: 17480) - Ngày 8/11/2004, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 191/2004/QĐ-TTg về thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ Dịch vụ Viễn thông công ích Việt Nam. Theo Quyết định này, việc thành lập Quỹ nhằm hỗ trợ việc cung cấp dịch vụ viễn thông công ích trên phạm vi cả nước. Quỹ là tổ chức tài chính nhà nước, trực thuộc Bộ Bưu chính, Viễn thông, có tư cách pháp nhân, có con dấu, có vốn điều lệ và có bảng cân đối kế toán riêng. Quỹ được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và các ngân hàng trong nước. Quỹ đặt trụ sở chính tại thành phố Hà Nội và có chi nhánh tại một số khu vực (nếu cần thiết) trong nước... Nhiệm vụ của Quỹ là tiếp nhận, huy động các nguồn tài chính theo quy định và thực hiện việc tài trợ cho các chương trình, dự án cung cấp dịch vụ viễn thông công ích; Thực hiện các nhiệm vụ do Bộ BCVT giao về phối hợp xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch, dự án về cung cấp dịch vụ viễn thông công ích; Tổ chức tuyển chọn, thẩm định các dự án cung cấp dịch vụ viễn thông công ích do Quỹ tài trợ theo các quy định của Nhà nước... Trong phạm vi của mình, Quỹ hỗ trợ phát triển và cung cấp dịch vụ viễn thông công ích ở các khu vực mà theo cơ chế thị trường doanh nghiệp cung ứng các dịch vụ này không có khả năng bù đắp chi phí; hỗ trợ thực hiện các giải pháp về đẩy mạnh phổ cập dịch vụ viễn thông ở Việt Nam. Khu vực cung cấp dịch vụ viễn thông công ích được xác định theo đơn vị hành chính, phù hợp với từng loại dịch vụ viễn thông công ích và từng hoạt động hỗ trợ của Quỹ... Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Quản lý giao thông đường bộ (SMS: 17479 - Không gửi qua fax) - Ngày 5/11/2004, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 186/2004/NĐ-CP qui định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Nghị định qui định rõ việc phân loại, đặt tên hoặc số hiệu đường bộ, tiêu chuẩn kỹ thuật của các cấp đường bộ; trình tự, thủ tục lập, phê duyệt và công bố quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; phạm vi đất dành cho đường bộ; sử dụng, khai thác đất hành lang an toàn đường bộ và việc xây dựng các công trình thiết yếu trong phạm vi đất dành cho đường bộ; trách nhiệm quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ... Mạng lưới đường bộ được chia thành 6 hệ thống: quốc lộ, đường tỉnh, đường đô thị, đường huyện, đường xã và đường chuyên dùng. Giới hạn hành lang an toàn đối với đường cao tốc, đường cấp I, cấp II là 20m, đường cấp III là 15 m..., các giới hạn cũng được qui định cụ thể cho cầu, cống, hầm, bến phà, cầu phao, bến xe, bãi đỗ, đường dây thông tin, tải điện... Đặc biệt, các công trình tồn tại trong phạm vi hành lang an toàn đường bộ được xác định theo mốc thời gian trước ngày 21/12/1982 đến nay, để giải quyết theo nguyên tắc dỡ bỏ ngay các công trình gây nguy hại đến sự ổn định của đường bộ và an toàn của hoạt động giao thông vận tải... Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 30/11/2004.
Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán (SMS: 17491 - Không gửi qua fax) - Theo Nghị định số 185/2004/NĐ-CP ban hành ngày 4/11/2004, Chính phủ quy định: 10 hành vi vi phạm trong lĩnh vực này, như vi phạm quy định về chứng từ kế toán, vi phạm quy định về sổ kế toán, vi phạm quy định về kiểm tra kế toán, vi phạm quy định về kiểm kê tài sản... Với mỗi hành vi vi phạm, tổ chức, cá nhân phải chịu một trong 2 hình thức xử phạt là cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200 nghìn đến 20 triệu đồng... Bên cạnh đó, hành vi tẩy xoá, sửa chữa chứng từ kế toán bị phạt tiền từ 200 nghìn đến 1 triệu đồng. Mức phạt từ 5 - 20 triệu đồng được áp dụng đối với hành vi giả mạo, khai man chứng từ kế toán, bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ không lập hóa đơn bán hàng, hủy bỏ hoặc cố ý làm hư hỏng chứng từ kế toán... Trường hợp lập báo cáo tài chính không đầy đủ nội dung theo quy định; nộp báo cáo tài chính chậm từ 1- 3 tháng; công khai tài chính chậm từ 1- 3 tháng... thì bị phạt từ 5- 10 triệu đồng... Nếu người có trách nhiệm quản lý, điều hành đơn vị kiêm làm kế toán, thủ kho, thủ quỹ sẽ bị phạt từ 10- 20 triệu đồng. Mức phạt này còn áp dụng cho hành vi bố trí (hoặc thuê) người làm kế toán trưởng không đủ tiêu chuẩn, điều kiện quy định... Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 29/11/2004.
|
Kiểm soát hoạt động buôn bán hàng hoá qua biên giới (SMS: 200290) - Ngày 16/11/2004, Bộ trưởng Bộ Thương mại đã ban hành Quyết định số 1684/2004/QĐ-BTM ban hành Quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo hoạt động buôn bán hàng hoá qua biên giới giữa Việt Nam với các nước có chung biên giới. Theo Quy chế này, Ban chỉ đạo có trách nhiệm: thông tin kịp thời cho các bộ ngành, các tỉnh biên giới và các chủ thể kinh doanh buôn bán hàng hóa qua biên giới về tình hình thị trường biên giới, các chính sách, cơ chế quản lý hoạt động buôn bán hàng hóa qua biên giới của các nước có chung biên giới. Hướng dẫn các chủ thể kinh doanh điều tiết hàng hóa trong hoạt động buôn bán hàng hóa qua biên giới. Phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, kiểm soát thị trường đối với các chủ thể buôn bán hàng hóa qua biên giới... Vào ngày 20 hàng tháng, các thành viên Ban Chỉ đạo thuộc các tỉnh có đường biên giới phải báo cáo nhanh về tình hình buôn bán hàng hoá qua các cửa khẩu; hoạt động của các chợ biên giới, chợ trong Khu kinh tế cửa khẩu. Những động thái về buôn lậu, gian lận thương mại. Những vướng mắc khó khăn trong quản lý và kiến nghị giải pháp xử lý... Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
|
Đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp (SMS: 200288 - Không gửi qua fax) - Ngày 05/11/2004, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Quyết định số 24/2004/QĐ-BGTVT ban hành Quy chế giám sát và đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Giao thông vận tải. Theo đó, nội dung giám sát bao gồm: việc tổ chức hoạt động kinh doanh và thực hiện nhiệm vụ của bộ máy quản lý, điều hành doanh nghiệp; Việc thực hiện mục tiêu, chiến lược, kế hoạch sản xuất, kinh doanh hàng năm và dài hạn của doanh nghiệp; Kết quả hoạt động kinh doanh, hiệu quả sử dụng vốn và khả năng thanh toán nợ đối với doanh nghiệp... Hình thức giám sát có thể được thực hiện gián tiếp, bằng cách thực hiện theo dõi và kiểm tra hoạt động của doanh nghiệp thông qua các báo cáo tài chính, thống kê và báo cáo khác... Trường hợp cần thiết Bộ Giao thông vận tải sẽ sử dụng hình thức giám sát trực tiếp, bằng cách tổ chức các đoàn kiểm tra để thực hiện việc kiểm tra, nắm bắt tình hình trực tiếp tại doanh nghiệp... Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
|