Số 44.2010 (502) ngày 09/11/2010

 

CHÍNH PHỦ


Thí điểm thực hiện bảo hiểm tín dụng xuất khẩu (SMS:
2011/QD-TTg) - Ngày 05/11/2010, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 2011/QĐ-TTg về việc thực hiện thí điểm bảo hiểm tín dụng xuất khẩu trong giai đoạn 2011-2013 nhằm ngăn ngừa và giảm thiểu rủi ro trong tín dụng xuất khẩu, góp phần bảo đảm an toàn tài chính và thúc đẩy xuất khẩu. Theo Quyết định này, danh mục các nhóm hàng khuyến khích bảo hiểm tín dụng xuất khẩu bao gồm: thủy sản, gạo, cà phê, rau quả, cao su, hạt tiêu, nhân điều, chè, sắn và các sản phẩm từ sắn, dệt may, giày dép, điện tử và linh kiện máy tính, gốm sứ, thủy tinh, mây tre cói và thảm, sản phẩm gỗ, sản phẩm chất dẻo, dây điện và cáp điện, xe đạp và phụ tùng, máy móc thiết bị, phương tiện vận tải, sản phẩm từ sắt thép, túi xách, vali, mũ, ô dù.
Ngân sách nhà nước hỗ trợ triển khai thực hiện thí điểm bảo hiểm tín dụng xuất khẩu theo quy định của Bộ Tài chính. Nguồn hỗ trợ của ngân sách nhà nước hàng năm được bố trí trong Chương trình xúc tiến thương mại, đầu tư và du lịch quốc gia. Bộ Tài chính sẽ quy định tiêu chí để các doanh nghiệp bảo hiểm đăng ký triển khai thực hiện thí điểm bảo hiểm tín dụng xuất khẩu.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành và áp dụng từ năm ngân sách 2011.

Sửa đổi chính sách phát triển nhà ở cho sinh viên (SMS: 70/2010/QD-TTg) - Cơ chế, chính sách phát triển nhà ở cho sinh viên vừa được Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung tại Quyết định số 70/2010/QĐ-TTg ngày 05/11/2010. Theo đó, sửa đổi, bổ sung Điều 4 của Quyết định số 65/2009/QĐ-TTg ngày 24/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ quy định về nguồn vốn đầu tư xây dựng các dự án nhà ở sinh viên từ ngân sách nhà nước. Nguồn vốn này bao gồm vốn trái phiếu Chính phủ để chi phí xây dựng và thiết bị gắn liền với công trình nhà ở, chi phí quản lý dự án và chi phí tư vấn đầu tư xây dựng của dự án; vốn ngân sách hàng năm của các địa phương và các bộ, ngành hoặc vốn đầu tư phát triển của cơ sở đào tạo để chi phí thiết bị nội thất và chi phí dự phòng của dự án; vốn ngân sách địa phương từ nguồn thu tiền sử dụng đất, tiền cho thuê đất để lại cho địa phương…dùng để chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất xây dựng dự án nhà ở sinh viên trên địa bàn.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 23/12/2010 và được áp dụng cho các dự án đầu tư xây dựng phát triển nhà ở cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề thuê theo Quyết định số 65/2009/QĐ-TTg ngày 24/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ.

Có kho chứa 5.000 tấn trở lên mới được kinh doanh xuất khẩu gạo (SMS: 109/2010/ND-CP) - Ngày 04/11/2010, Chính phủ ban hành Nghị định số 109/2010/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo. Theo đó, thương nhân Việt Nam thuộc mọi thành phần kinh tế, nếu đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại Nghị định này và được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo (giấy chứng nhận), có quyền được kinh doanh xuất khẩu gạo. Thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo phải đáp ứng đủ các điều kiện sau: được thành lập, đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật; có ít nhất 01 kho chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn thóc và ít nhất 01 cơ sở xay, sát thóc, gạo với công suất tối thiểu 10 tấn thóc/giờ, phù hợp quy chuẩn chung do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành. Kho chứa, cơ sở xay, sát nói trên phải thuộc sở hữu của thương nhân và phải nằm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thóc, gạo hàng hóa xuất khẩu hoặc có cảng biển quốc tế có hoạt động xuất khẩu thóc, gạo tại thời điểm thương nhân đề nghị cấp giấy chứng nhận.
Hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo gồm có: đơn đề nghị; bản sao hợp lệ giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đầu tư; bản chính bản kê kho chứa, bản chính bản kê cơ sở xay, sát đã được sở công thương tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xác nhận theo quy định tại Nghị định này. Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Công thương xem xét, cấp giấy chứng nhận. Giấy chứng nhận có thời hạn hiệu lực là 05 năm kể từ ngày cấp. Khi giấy chứng nhận hết hiệu lực, thương nhân phải đề nghị cấp giấy chứng nhận mới để được tiếp tục xuất khẩu gạo. Thương nhân sẽ bị thu hồi giấy chứng nhận nếu không xuất khẩu gạo trong thời gian 12 tháng liên tục, trừ trường hợp đã thông báo tạm ngừng kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2011. Bãi bỏ khoản 1 Điều 10 Nghị định số 12/2006/NĐ-CP ngày 23/01/2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế.

Điều chỉnh chính sách thực hiện Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư vùng ngập lũ (SMS: 1998/QD-TTg) - Ngày 03/11/2010, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1998/QĐ-TTg điều chỉnh cơ chế, chính sách thực hiện các dự án đầu tư thuộc Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long (Chương trình) ban hành tại các Quyết định: số 1151/QĐ-TTg ngày 26/8/2008, số 1403/QĐ-TTg ngày 31/8/2009, số 1600/QĐ-TTg ngày 15/10/2009 của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể, điều chỉnh số hộ dân tại Quyết định số 1151/QĐ-TTg ngày 26/8/2008 như sau: số hộ di dời vào ở trong các cụm, tuyến dân cư tỉnh Kiên Giang là 1.540 hộ (giảm 880 hộ), tỉnh Tiền Giang là 734 hộ (giảm 362 hộ); số hộ ở trong các dự án bờ bao, tỉnh Vĩnh Long là 8.692 hộ (tăng 3.122 hộ), tỉnh Tiền Giang là 12.233 hộ (giảm 1.043 hộ). Các hộ dân thuộc đối tượng giai đoạn 1 của Chương trình nhưng chưa xây dựng nhà ở và các hộ dân thuộc đối tượng giai đoạn 2 được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để xây dựng nhà ở với mức tối đa là 20 triệu đồng/hộ. Các hộ dân thuộc đối tượng giai đoạn 2 của Chương trình được vay vốn từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam để mua trả chậm nền nhà ở với mức vay tối đa là 28 triệu đồng/hộ đối với khu vực ngập sâu trên 3m và 26 triệu đồng/hộ đối với các khu vực khác.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Quy định về Hội có tính chất đặc thù (SMS: 68/2010/QD-TTg) - Theo quy định tại Quyết định số 68/2010/QĐ-TTg ngày 01/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ, có 28 Hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi cả nước, bao gồm: Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam, Liên minh hợp tác xã Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Hội Sinh viên Việt Nam, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Điện ảnh Việt Nam, Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, Hội Người cao tuổi Việt Nam, Hội Người mù Việt Nam, Hội Đông y Việt Nam, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, Tổng hội Y học Việt Nam, Hội Cựu thanh niên xung phong Việt Nam, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam, Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam, Hội Khuyến học Việt Nam.
Quyết định này cũng nêu rõ các cơ sở để xác định hội có tính chất đặc thù. Đối với hội là tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, việc xác định tính chất đặc thù dựa trên cơ sở: được cơ quan có thẩm quyền của Đảng công nhận là tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp; đã được Nhà nước giao biên chế, hỗ trợ về kinh phí, điều kiện hoạt động trước ngày Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội có hiệu lực. Đối với hội là tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế: có vai trò quan trọng trong việc đóng góp cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; có khó khăn trong việc huy động nguồn lực tài chính phục vụ cho hoạt động của hội; đã được Nhà nước giao biên chế, hỗ trợ về kinh phí, điều kiện hoạt động trước ngày Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ có hiệu lực. Đối với hội là tổ chức xã hội: hoạt động vì mục tiêu xã hội, nhân đạo; là hội của những đối tượng chịu nhiều khó khăn, thiệt thòi cần được xã hội, Nhà nước quan tâm, giúp đỡ, tạo điều kiện hoạt động; đã được Nhà nước hỗ trợ về kinh phí, điều kiện hoạt động trước ngày Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ có hiệu lực.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/12/2010.

Từ 01/01/2011, tăng lương tối thiểu vùng tới 1,35 triệu đồng/tháng (SMS: 108/2010/ND-CP) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định mới quy định về mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động làm việc ở công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức khác của Việt Nam có thuê mướn lao động (gọi chung là doanh nghiệp). Đó là Nghị định số 108/2010/NĐ-CP ngày 29/10/2010. Theo Nghị định này, mức lương tối thiểu vùng để trả công đối với người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường ở các doanh nghiệp nói trên theo vùng như sau: mức 1.350.000 đồng/tháng áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I; mức 1.200.000 đồng/tháng áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II; mức 1.050.000 đồng/tháng áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III và mức 830.000 đồng/tháng áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên các địa bàn thuộc vùng IV. Địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu vùng được quy định tại Phụ lục I và Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này.
Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu được lựa chọn mức lương tối thiểu cao hơn so với mức lương tối thiểu vùng để tính đơn giá tiền lương, quỹ tiền lương của thành viên chuyên trách hội đồng thành viên hoặc chủ tịch công ty chuyên trách, tổng giám đốc (giám đốc), phó tổng giám đốc (phó giám đốc), kế toán trưởng và kiểm soát viên chuyên trách nhưng phải bảo đảm đủ các điều kiện theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 4 của Nghị định số 86/2007/NĐ-CP ngày 28/5/2007 của Chính phủ quy định quản lý lao động và tiền lương trong công ty TNHH nhà nước một thành viên do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ. Các doanh nghiệp còn lại áp dụng mức lương tối thiểu vùng theo quy định nói trên để tính các mức lương trong thang lương, bảng lương, các loại phụ cấp lương, tính các mức lương ghi trong hợp đồng lao động và thực hiện các chế độ khác do doanh nghiệp xây dựng và ban hành theo thẩm quyền do pháp luật lao động quy định. Mức tiền lương thấp nhất trả cho người lao động đã qua học nghề (kể cả lao động do doanh nghiệp tự dạy nghề) phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng. Khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện mức lương tối thiểu cao hơn mức lương tối thiểu vùng quy định tại Nghị định này.
Mức lương tối thiểu vùng mới được áp dụng như sau: các địa bàn quy định tại Phụ lục I kèm theo Nghị định này thực hiện từ ngày 01/01/2011; các địa bàn được điều chỉnh vùng áp dụng mức lương tối thiểu vùng quy định tại Phụ lục II kèm theo Nghị định này thực hiện từ ngày 01/7/2011. Bãi bỏ Nghị định số 97/2009/NĐ-CP ngày 30/10/2009 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức khác của Việt Nam có thuê mướn lao động.

Quy định mới về lương tối thiểu của lao động Việt Nam tại doanh nghiệp nước ngoài (SMS: 107/2010/ND-CP) - Cùng với việc quy định mức lương tối thiểu vùng mới cho người lao động làm việc tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước, ngày 29/10/2010 Chính phủ cũng ra Nghị định số 107/2010/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng mới đối với lao động Việt Nam làm việc cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế và cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam (gọi chung là doanh nghiệp). Theo đó, mức lương tối thiểu vùng để trả công đối với lao động Việt Nam làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường cho các doanh nghiệp nói trên theo vùng như sau: mức 1.550.000 đồng/tháng áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I; mức 1.350.000 đồng/tháng áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II; mức 1.170.000 đồng/tháng áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III và mức 1.100.000 đồng/tháng áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng IV. Địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu vùng được quy định tại Phụ lục I và Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này. Mức lương tối thiểu vùng được dùng làm căn cứ tính các mức lương trong thang lương, bảng lương, các loại phụ cấp lương, tính các mức lương ghi trong hợp đồng lao động, thực hiện các chế độ khác do doanh nghiệp xây dựng và ban hành theo thẩm quyền do pháp luật lao động quy định. Mức tiền lương thấp nhất trả cho người lao động đã qua học nghề (kể cả lao động do doanh nghiệp tự dạy nghề) phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng quy định tại Nghị định này. Khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện mức lương tối thiểu cao hơn mức lương tối thiểu vùng quy định.
Mức lương tối thiểu vùng mới được áp dụng như sau: các địa bàn quy định tại Phụ lục I kèm theo Nghị định này thực hiện từ ngày 01/01/2011; các địa bàn được điều chỉnh vùng áp dụng mức lương tối thiểu vùng quy định tại Phụ lục II kèm theo Nghị định này thực hiện từ ngày 01/7/2011. Bãi bỏ Nghị định số 98/2009/NĐ-CP ngày 30/10/2009 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng đối với lao động Việt Nam làm việc cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế và cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam.
 

 

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM


Ngân hàng Nhà nước nâng lãi suất tái cấp vốn (SMS: 2620/QD-NHNN) - Ngày 05/11/2010, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ký Quyết định số 2620/QĐ-NHNN nâng mức lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu và lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với các ngân hàng thêm 1% so với hiện hành. Cụ thể, từ ngày 05/11/2010, lãi suất tái cấp vốn là 9,0%/năm, lãi suất tái chiết khấu là 7,0%/năm và lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với các ngân hàng là 9,0%/năm.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 05/11/2010 và thay thế Quyết định số 2664/QĐ-NHNN ngày 25/11/2009 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
 

 

BỘ TÀI CHÍNH


Bưu phẩm được miễn thuế xuất nhập khẩu không phải nộp lệ phí hải quan (SMS: 172/2010/TT-BTC) - Đó là một trong những điểm mới về chế độ thu lệ phí hải quan được quy định tại Thông tư số 172/2010/TT-BTC ngày 02/11/2010 của Bộ Tài chính thay thế cho Thông tư số 43/2009/TT-BTC ngày 29/3/2009. Theo Thông tư này, các trường hợp không thu lệ phí hải quan bao gồm: hàng viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại; quà tặng cho cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân và cá nhân; đồ dùng của tổ chức, cá nhân nước ngoài theo quy chế miễn trừ ngoại giao; hành lý mang theo người; hàng bưu phẩm, bưu kiện được miễn thuế xuất nhập khẩu theo quy định hiện hành; hàng đang làm thủ tục hải quan phải lưu kho hải quan để ngày hôm sau hoàn thành thủ tục hải quan; hàng xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ (kể cả hàng hóa trao đổi giữa doanh nghiệp chế xuất với nội địa và giữa doanh nghiệp chế xuất với nhau).
Lệ phí làm thủ tục hải quan là 20 ngàn đồng/01 tờ khai và lệ phí hàng hóa, phương tiện vận tải quá cảnh Việt Nam là 200 ngàn đồng/01 tờ khai. Cơ quan hải quan được sử dụng toàn bộ tiền thu lệ phí trong lĩnh vực hải quan để trang trải chi phí cho việc thực hiện công việc, dịch vụ thu lệ phí. Lệ phí hải quan thu bằng đồng Việt Nam, trường hợp đối tượng nộp lệ phí có nhu cầu nộp bằng ngoại tệ thì được thu bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi và được quy đổi từ đồng Việt Nam ra ngoại tệ tự do chuyển đổi theo tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm thu lệ phí.
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2011.

Chế độ thu phí, lệ phí trong lĩnh vực hàng không (SMS: 169/2010/TT-BTC) - Ngày 01/11/2010, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 169/2010/TT-BTC quy định về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí trong lĩnh vực hàng không. Đối tượng nộp phí, lệ phí là các tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài khi được cơ quan quản lý nhà nước về hàng không thực hiện các công việc quy định thu phí, lệ phí tại Biểu mức thu ban hành kèm theo Thông tư này. Phí, lệ phí trong lĩnh vực hàng không thu bằng đồng Việt Nam. Trường hợp đối tượng nộp phí, lệ phí có nhu cầu nộp bằng ngoại tệ thì số ngoại tệ nộp phí, lệ phí được quy đổi sang đồng Việt Nam theo tỷ giá ngoại tệ do Ngân hàng nhà nước công bố có hiệu lực tại thời điểm thu phí, lệ phí. Cơ quan thu phí, lệ phí được trích 90% trên tổng số tiền thu về phí, lệ phí để trang trải chi phí cho việc thực hiện công việc, dịch vụ thu phí, lệ phí theo chế độ quy định. Tổng số tiền phí, lệ phí thực thu được, sau khi trừ số tiền được trích theo tỷ lệ quy định, số còn lại (10%) cơ quan thu phí, lệ phí phải nộp vào ngân sách nhà nước theo chương, loại, khoản, mục, tiểu mục tương ứng của Mục lục ngân sách nhà nước hiện hành.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2011thay thế Quyết định số 69/2006/QĐ-BTC ngày 07/12/2006 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí trong lĩnh vực hàng không.