Số 44.2009 (451) ngày 10/11/2009

CHÍNH PHỦ

Quy chế mới về kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng (SMS: 103/2009/ND-CP) - Quy chế này vừa được Chính phủ ban hành kèm theo Nghị định số 103/2009/NĐ-CP ngày 06/11/2009, bao gồm các quy định về: lưu hành, kinh doanh băng, đĩa ca nhạc, sân khấu; biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; triển lãm văn hóa, nghệ thuật; tổ chức lễ hội; viết, đặt biển hiệu; hoạt động vũ trường, karaoke, trò chơi điện tử, các hoạt động văn hóa, dịch vụ văn hóa và các hình thức vui chơi giải trí khác. Theo Quy chế này, băng, đĩa ca nhạc, sân khấu được sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền duyệt và cấp giấy phép mới được lưu hành rộng rãi và phải dán nhãn kiểm soát do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cấp. Tổ chức, cá nhân kinh doanh băng, đĩa ca nhạc, sân khấu chỉ được nhân bản băng, đĩa đã được phép lưu hành, bán, cho thuê băng, đĩa đã dán nhãn kiểm soát.
Quy chế cũng quy định rõ các điều kiện để được kinh doanh karaoke là: phòng karaoke phải có diện tích sử dụng từ 20m2  trở lên, không kể công trình phụ, đảm bảo điều kiện về cách âm, phòng, chống cháy nổ; cửa phòng karaoke phải là cửa kính không màu, bên ngoài nhìn thấy toàn bộ phòng; không được đặt khóa, chốt cửa bên trong hoặc đặt thiết bị báo động để đối phó với hoạt động kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; địa điểm hoạt động karaoke phải cách trường học, bệnh viện, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, di tích lịch sử - văn hóa, cơ quan hành chính nhà nước từ 200m trở lên...Chủ cơ sở karaoke không được bán rượu hoặc để cho khách uống rượu trong phòng karaoke. Mỗi phòng karaoke chỉ được sử dụng một nhân viên phục vụ từ 18 tuổi trở lên. Cơ quan, tổ chức tổ chức hoạt động karaoke để đáp ứng nhu cầu nội bộ của cơ quan, tổ chức mình không phải xin cấp giấy phép nhưng khi hoạt động phải thực hiện quy định về đảm bảo cách âm và chỉ được sử dụng bài hát đã được phép phổ biến, băng đĩa đã dán nhãn kiểm soát.
Nghị định 103/2009/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2010 và thay thế Nghị định số 11/2006/NĐ-CP ngày 18/01/2006 của Chính phủ.

Quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin
(SMS: 102/2009/ND-CP) - Ngày 06/11/2009, Chính phủ ban hành Nghị định số 102/2009/NĐ-CP
về quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Nghị định này quy định việc quản lý và thực hiện đầu tư ứng dụng CNTT đối với: các dự án ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước do các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và cấp xã quản lý; các dự án ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhà nước; dự án ứng dụng CNTT sử dụng hỗn hợp nhiều nguồn vốn khác nhau trong đó vốn ngân sách nhà nước chiếm tỷ lệ từ 30% trở lên hoặc lớn nhất trong tổng mức đầu tư của dự án; phần ứng dụng CNTT sử dụng vốn ngân sách nhà nước trong các dự án đầu tư xây dựng công trình và các dự án đầu tư không có xây dựng công trình...Khuyến khích tổ chức, cá nhân liên quan đến quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng vốn khác áp dụng các quy định tại Nghị định này.
Nghị định này quy định, tùy theo tính chất của dự án và quy mô đầu tư, dự án ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước được phân loại thành các nhóm: dự án quan trọng quốc gia, nhóm A, nhóm B, nhóm C để quản lý. Thủ tư­ớng Chính phủ quyết định đầu tư các dự án ứng dụng CNTT quan trọng quốc gia đã được Quốc hội thông qua chủ trương và cho phép đầu tư; Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan quản lý tài chính của Trung ương Đảng, cơ quan Trung ương của tổ chức chính trị-xã hội, các tổ chức chính trị, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp, tổng công ty nhà nước, tập đoàn kinh tế nhà nước, công ty nhà nước độc lập, chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định đầu tư các dự án ứng dụng CNTT các nhóm A, B, C đã có trong kế hoạch ứng dụng CNTT được duyệt hoặc đã có quyết định chủ trương đầu tư.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2010. Tổ chức, cá nhân đang tham gia hoạt động đầu tư ứng dụng CNTT được tiếp tục hoạt động đến hết ngày 31/12/2010. Kể từ ngày 01/01/2011, các tổ chức, cá nhân hoạt động đầu tư ứng dụng CNTT phải có đủ điều kiện năng lực theo quy định tại Nghị định này.

Sở giao dịch chứng khoán được trích quỹ phúc lợi tối đa 03 tháng lương
(SMS: 1833/QD-TTg) - Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 1833/QĐ-TTg ngày 06/11/2009 về cơ chế trích lập, sử dụng quỹ khen thưởng, phúc lợi đối với Sở Giao dịch chứng khoán, Trung tâm lưu ký chứng khoán. Theo đó, Sở Giao dịch chứng khoán, Trung tâm lưu ký chứng khoán được trích tối đa không quá 03 tháng lương thực tế cho hai quỹ khen thưởng và phúc lợi nếu đạt cả hai tiêu chí: lợi nhuận thực hiện năm nay tăng hơn hoặc bằng năm trước; số lượng chứng khoán niêm yết, giao dịch, đăng ký, lưu ký năm nay tăng so với năm trước. Nếu đạt một trong hai tiêu chí trên thì được trích tối đa không quá 02 tháng lương thực tế; trường hợp không đạt cả hai tiêu chí trên nhưng hoạt động có lãi thì được trích tối đa không quá 01 tháng lương thực tế.
Cơ chế quản lý, sử dụng quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi tại Sở Giao dịch chứng khoán và Trung tâm lưu ký chứng khoán thực hiện theo các quy định tại Nghị định số 09/2009/NĐ-CP ngày 05/02/2009 của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý tài chính của công ty nhà nước và quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. 

Thí điểm thành lập tập đoàn kinh tế nhà nước
(SMS: 101/2009/ND-CP) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 101/2009/NĐ-CP ngày 05/11/2009 thí điểm thành lập, tổ chức, hoạt động và quản lý tập đoàn kinh tế nhà nước với mục tiêu tập trung đầu tư và huy động các nguồn lực hình thành nhóm công ty có quy mô lớn trong các ngành, lĩnh vực then chốt, cần phát triển, nâng cao khả năng cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế. Đối tượng áp dụng Nghị định này là các tập đoàn kinh tế nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập trong các ngành kinh doanh chính, gồm: bưu chính viễn thông và công nghệ thông tin; đóng mới, sửa chữa tàu thuỷ; sản xuất, truyền tải, phân phối và kinh doanh điện năng; khảo sát, thăm dò, khai thác, chế biến và phân phối dầu khí; khảo sát, thăm dò, khai thác, chế biến than và khoáng sản; dệt may; trồng, khai thác, chế biến cao su; sản xuất, kinh doanh phân bón và các sản phẩm hóa chất; đầu tư và kinh doanh bất động sản; công nghiệp xây dựng và cơ khí chế tạo; tài chính, ngân hàng, bảo hiểm.
Tập đoàn kinh tế nhà nước thí điểm thành lập theo Nghị định này là nhóm công ty có quy mô lớn liên kết dưới hình thức công ty mẹ - công ty con và các hình thức khác, tạo thành tổ hợp các doanh nghiệp gắn bó chặt chẽ và lâu dài với nhau về lợi ích kinh tế, công nghệ, thị trường và các dịch vụ kinh doanh khác. Việc quản lý, điều hành tập đoàn kinh tế nhà nước thực hiện theo một hoặc một số phương thức sau: quản lý, điều hành thông qua công ty mẹ; quản lý, điều hành thông qua các hình thức đầu tư, liên kết; quản lý, điều hành thông qua thỏa thuận, hợp tác sử dụng dịch vụ chung trong tập đoàn, thực hiện các quy chế, tiêu chuẩn, định mức chung trong tập đoàn không trái với quy định của pháp luật, sử dụng sản phẩm, dịch vụ của nhau theo nguyên tắc thị trường hoặc các phương thức khác theo quy định của pháp luật và phù hợp với điều lệ của các doanh nghiệp thành viên.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/12/2009.

Thu phụ thu đối với nhà thầu dầu khí
(SMS: 100/2009/NĐ-CP) - Được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 100/2009/NĐ-CP ngày 03/11/2009 của Chính phủ về phụ thu đối với phần dầu lãi được chia của nhà thầu dầu khí khi giá dầu thô biến động tăng. Theo đó, việc tính phụ thu được áp dụng khi giá bán dầu thô trung bình của quý thực tế biến động tăng cao hơn giá cơ sở của năm tương ứng trên 20%. Mức phụ thu cụ thể như sau: mức 50% áp dụng đối với sản lượng dầu lãi được chia theo quý của nhà thầu khi giá bán dầu thô trung bình của quý thực tế biến động tăng cao hơn giá cơ sở của năm tương ứng trên 20% đến 50%; mức 60% áp dụng đối với sản lượng dầu lãi được chia theo quý của nhà thầu khi giá bán dầu thô trung bình của quý thực tế biến động tăng cao hơn giá cơ sở của năm tương ứng trên 50%. Đối với dự án dầu khí khuyến khích đầu tư, mức phụ thu là 30% áp dụng đối với sản lượng dầu lãi được chia theo quý của nhà thầu khi giá bán dầu thô trung bình của quý thực tế biến động tăng cao hơn giá cơ sở tương ứng trên 20%. Trường hợp đặc biệt cần khuyến khích đầu tư cao hơn, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ quyết định miễn thu phụ thu đối với từng trường hợp cụ thể.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2010. Đối với các hợp đồng dầu khí đã ký hoặc chưa được ký nhưng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước ngày Nghị định này có hiệu lực thì không áp dụng thu phụ thu theo quy định tại Nghị định này.

Quy chế dự báo thiên tai trên biển
(SMS: 133/2009/QD-TTg) - Ngày 03/11/2009, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 133/2009/QĐ-TTg ban hành Quy chế thông tin cảnh báo, dự báo thiên tai trên biển. Quy chế này quy định việc ra bản tin và truyền phát bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai trên khu vực Biển Đông và vùng phụ cận. Các loại thiên tai trên biển được cảnh báo, dự báo gồm áp thấp nhiệt đới, bão, sóng thần, gió mạnh, dông mạnh, sương mù, sóng lớn. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm ra và cung cấp các bản tin cảnh báo, dự báo áp thấp nhiệt đới bão, gió mạnh, dông mạnh, sương mù, sóng lớn; Viện Khoa học công nghệ Việt Nam có trách nhiệm ra và cung cấp các bản tin cảnh báo sóng thần. UBND các tỉnh và thành phố ven biển trực thuộc trung ương có trách nhiệm chỉ đạo đài phát thanh, truyền hình và các cơ quan liên quan kịp thời đưa tin cảnh báo, dự báo thiên tai trên biển để các cơ quan, đơn vị và nhân dân chủ động phòng, tránh.
Quy chế này cũng quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có phương tiện hoạt động trên biển phải trang bị đầy đủ các thiết bị thông tin để tiếp nhận tin cảnh báo, dự báo thiên tai và các thiết bị an toàn khác cho thuyền viên, tàu thuyền khi hoạt động trên biển. Khi có thiên tai, thông báo ngay số lượng người, phương tiện, vị trí hoạt động của tàu, thuyền trên biển cho hệ thống các đài thông tin duyên hải và hệ thống thông tin của bộ đội biên phòng và các hệ thống thông tin khác để kịp thời nhận hướng dẫn di chuyển, phòng tránh.
Quyết định
133/2009/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/12/2009.

Dự án nước sạch nông thôn được miễn tiền sử dụng đất
(SMS: 131/2009/QD-TTg) - Theo quy định tại Quyết định số 131/2009/QĐ-TTg ngày 02/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư và quản lý, khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn, các dự án, công trình cấp nước sạch nông thôn phục vụ cho cộng đồng được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất và được miễn tiền sử dụng đất, hoặc được Nhà nước cho thuê đất và được miễn tiền sử dụng đất. Các tổ chức, cá nhân đầu tư các dự án, công trình cấp nước nông thôn được hưởng mức hỗ trợ từ nguồn vốn ngân sách nhà nước theo tổng dự toán của dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, cụ thể: không quá 45% đối với vùng thị trấn, thị tứ; không quá 60% đối với vùng đồng bằng, vùng duyên hải; không quá 75% đối với các vùng nông thôn khác và không quá 90% đối với các xã đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc và miền núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, xã biên giới.
Ngoài ra, các tổ chức, cá nhân đầu tư các dự án, công trình cấp nước sạch nông thôn còn được vay vốn tín dụng ưu đãi theo quy định hiện hành, được ưu tiên vay lại từ nguồn vốn của các tổ chức quốc tế cho Chính phủ Việt Nam vay ưu đãi, được phép huy động vốn dưới dạng góp cổ phần, góp vốn từ người lao động trong đơn vị, cộng đồng, huy động các nguồn vốn hợp pháp khác thông qua hợp tác, liên doanh liên kết với các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức tài chính, cá nhân trong và ngoài nước. Các tổ chức, cá nhân có thu nhập từ hoạt động quản lý, khai thác các dự án, công trình cấp nước sạch nông thôn được áp dụng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định tại Điều 8 Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hoá, thể thao, môi trường.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2010.

Nghị định mới về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ rừng
(SMS: 99/2009/ND-CP) - Ngày 02/11/2009, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 99/2009/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản trên lãnh thổ Việt Nam, không áp dụng đối với gỗ và các lâm sản khác từ nước ngoài nhập khẩu hợp pháp vào Việt Nam. Theo đó, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 01 năm kể từ ngày hành vi vi phạm hành chính được thực hiện; quá thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính thì không xử phạt vi phạm hành chính đối với người vi phạm mà chỉ áp dụng biện pháp buộc khắc phục hậu quả. Ngoài các hình thức xử phạt chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền, người vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả như trồng lại rừng bị thiệt hại hoặc thanh toán chi phí trồng lại rừng, buộc tháo dỡ hoặc thanh toán chi phí tháo dỡ các công trình xây dựng trái phép trong rừng, buộc thanh toán chi phí chữa cháy rừng hoặc chi phí khắc phục hậu quả do sinh vật hại rừng gây ra...
Theo Nghị định này, một số hành vi vi phạm được quy định cụ thể như sau: phạt tiền từ 100 ngàn đồng đến 01 triệu đồng đối với hành vi mang dụng cụ thủ công, cơ giới vào rừng để săn bắt động vật rừng (chim, thú, các loài thủy sinh) hoặc săn bắt động vật trong mùa sinh sản; người có hành vi vi phạm các quy định của Nhà nước về phòng cháy, chữa cháy rừng gây cháy rừng bị phạt tiền từ 03 triệu đồng đến 05 triệu đồng nếu gây hậu quả cháy rừng đặc dụng dưới 1.000m2 hoặc cháy rừng phòng hộ dưới 1.500m2 hoặc cháy rừng sản xuất dưới 2.000m2; người chăn thả gia súc trong những khu rừng đã có quy định cấm thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100 ngàn đồng đến 01 triệu đồng nếu chăn thả gia súc trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của khu rừng đặc dụng; nếu chăn thả gia súc trong rừng trồng dặm cây con, rừng trồng mới dưới ba năm, rừng khoanh nuôi tái sinh thì phạt tiền từ 01 triệu đồng đến 03 triệu đồng; những người này còn có thể bị buộc trồng lại rừng hoặc thanh toán chi phí để trồng lại rừng bị thiệt hại do gia súc gây ra.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2010 và thay thế Nghị định số 159/2007/NĐ-CP ngày 30/10/2007 của Chính phủ.

 
BỘ CÔNG THƯƠNG

Hàm lượng formaldehyt cho phép trên sản phẩm dệt may (SMS: 32/2009/TT-BCT) - Bộ Công thương vừa ban hành Thông tư số 32/2009/TT-BCT ngày 05/11/2009 quy định tạm thời về giới hạn cho phép đối với hàm lượng formaldehyt, các amin thơm có thể giải phóng ra từ thuốc nhuộm azo trong các điều kiện khử trên sản phẩm dệt may được sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh trên thị trường Việt Nam. Cụ thể, hàm lượng formaldehyt tồn dư trên sản phẩm dệt may không được vượt quá 30mg/kg đối với sản phẩm dệt may dành cho trẻ em dưới 36 tháng tuổi, không quá 75mg/kg đối với sản phẩm dệt may tiếp xúc trực tiếp với da và không quá 300mg/kg đối với sản phẩm dệt may không tiếp xúc trực tiếp với da. Các amin thơm có thể giải phóng ra từ thuốc nhuộm azo trong các điều kiện khử trên sản phẩm dệt may cũng không được vượt quá giới hạn cho phép nêu trong phụ lục 2 của Thông tư này.
Đối với vải dùng trong công nghiệp xây dựng, vải lót dùng trong công nghiệp sản xuất lốp ô tô và xe máy, quần áo chống cháy dùng theo yêu cầu đặc biệt, vải bạt công nghiệp, sản phẩm với mục đích sử dụng đặc biệt khác và vải nhập khẩu để gia công hàng xuất khẩu không phải là đối tượng được áp dụng tại Thông tư này.
Thông tư này có hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày ký và được thực hiện cho đến khi có Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng thay thế.
 
LIÊN BỘ

Phối hợp quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường đối với doanh nghiệp (SMS: 31/2009/TTLT-BCT-BTNMT) - Liên bộ Công thương - Tài nguyên và Môi trường vừa ban hành Thông tư số 31/2009/TTLT-BCT-BTNMT ngày 04/11/2009 hướng dẫn việc phối hợp giữa sở công thương với sở tài nguyên và môi trường thực hiện nội dung quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường đối với các doanh nghiệp ngành công thương (bao gồm cả các doanh nghiệp nằm trong cụm công nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế); cụm công nghiệp; các loại hình phân phối thuộc phạm vi quản lý của sở công thương trên địa bàn. Theo Thông tư này, nội dung phối hợp gồm có: tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức pháp luật về bảo vệ môi trường; tổ chức, xây dựng kế hoạch bảo vệ môi trường ngành công thương; đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường; tổ chức thực hiện các chương trình, đề án, dự án; thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường...
Quan hệ phối hợp giữa hai cơ quan nói trên được thực hiện trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, đảm bảo hiệu quả của công tác bảo vệ môi trường, tránh hình thức, chồng chéo, cản trở hoạt động bình thường của mỗi bên. Việc trao đổi thông tin về công tác bảo vệ môi trường phải được tiến hành thường xuyên nhằm hỗ trợ việc thực hiện các nội dung quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực công thương theo đúng quy định của pháp luật và hướng dẫn tại Thông tư này.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 26/12/2009.