Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 năm 2008 (SMS: 506914) - Theo Nghị quyết số 25/2008/NQ-CP ra ngày 05/11/2008, Chính phủ đánh giá: căn cứ vào tình hình hiện nay và triển vọng 2 tháng cuối năm, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2008 có thể đạt khoảng 6,7%, trong đó, nông nghiệp tăng 3,6%, công nghiệp và xây dựng tăng 7,5%, dịch vụ tăng 7,3%. Kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 64 tỷ USD, nhập siêu cả năm 19 tỷ USD, bằng khoảng 29,7% tổng kim ngạch xuất khẩu; dự báo tốc độ tăng giá tiêu dùng cả năm tăng khoảng 22%. Trong các tháng còn lại của năm 2008 và năm 2009, các Bộ, ngành, địa phương cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp sau: thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, linh hoạt, một mặt đảm bảo kiểm soát được lạm phát, mặt khác chủ động ngăn ngừa khả năng suy giảm kinh tế, đồng thời thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và góp phần duy trì tăng trưởng kinh tế hợp lý. Trước mắt, cần tiếp tục tiến hành giảm lãi suất tín dụng hợp lý theo nguyên tắc vừa đảm bảo mục tiêu chống lạm phát, vừa bảo đảm nguồn vốn, lợi ích và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu, doanh nghiệp tạo nhiều việc làm. Có biện pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo quy định hiện hành cho doanh nghiệp, cho nông dân, nhằm khắc phục khó khăn, khôi phục và duy trì sản xuất kinh doanh. Điều hành tỷ giá ngoại tệ linh hoạt, bảo đảm vừa ổn định kinh tế vĩ mô vừa khuyến khích xuất khẩu. Kiên quyết thực hiện điều hành giá cả theo cơ chế thị trường, cân nhắc thời điểm hợp lý để thực hiện cơ chế giá thị trường đối với mặt hàng than và điện trong năm 2009, hoàn thiện thích hợp cơ chế điều hành giá… Tiếp tục thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội và các lĩnh vực xã hội khác, giữ vững mức sống của nhân dân. Sớm ban hành và đưa vào thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện có tỷ lệ nghèo cao, chính sách bảo hiểm thất nghiệp từ năm 2009. Chính phủ thống nhất lùi thời điểm thực hiện điều chỉnh lương tối thiểu chung (mức 650.000/đồng/tháng) khoảng một tháng so với dự kiến đã trình Quốc hội, đồng thời chưa thực hiện chế độ phụ cấp công vụ… Mục tiêu tổng quát về phát triển kinh tế-xã hội năm 2009 là tiếp tục kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; chủ động ngăn ngừa suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng hợp lý, bền vững; bảo đảm an sinh xã hội; đẩy mạnh hợp tác và hội nhập kinh tế quốc tế một cách chủ động và có hiệu quả; giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội…
Phá sản doanh nghiệp (SMS: 506878) - Ngày 03/11/2008, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 114/2008/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Phá sản đối với doanh nghiệp (DN) hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực bảo hiểm, chứng khoán và tài chính khác. Theo đó, trong lĩnh vực bảo hiểm, chứng khoán, Nghị định này được áp dụng cho các DN kinh doanh bảo hiểm, các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán được thành lập và hoạt động tại Việt Nam theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Chứng khoán (ngoại trừ các công ty môi giới bảo hiểm). Riêng đối với lĩnh vực tài chính khác, chỉ áp dụng đối với các công ty Xổ số kiến thiết hoạt động kinh doanh xổ số. Trong trường hợp đặc biệt, Bộ Tài chính sẽ công bố bổ sung danh mục DN hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực tài chính khác được áp dụng theo Nghị định này sau khi có ý kiến chấp thuận của Thủ tướng. Các nhóm đối tượng có quyền và nghĩa vụ nộp đơn đề nghị tòa án tuyên bố phá sản DN bao gồm: chủ nợ không có bảo đảm hoặc có bảo đảm một phần của DN; đại diện người lao động hoặc đại diện Công đoàn DN; chủ DN hoặc đại diện hợp pháp của DN; đại diện chủ sở hữu vốn (đối với DN nhà nước); các cổ đông (công ty cổ phần) và thành viên hợp danh (DN hoạt động dưới hình thức công ty hợp danh). Bộ Tài chính, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và các cơ quan quản lý nhà nước nếu nhận thấy DN lâm vào tình trạng phá sản, có trách nhiệm thông báo cho các đối tượng trên xem xét việc nộp đơn yêu cầu toà án tiến hành các thủ tục phá sản và phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông báo đó. Ngoài ra, toà án chỉ thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với DN hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm, chứng khoán và tài chính khác khi đã nhận được văn bản của các cơ quan quản lý Nhà nước hoặc chủ sở hữu thông báo không áp dụng hoặc chấm dứt áp dụng các biện pháp phục hồi khả năng thanh toán của DN. Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Đào tạo nhân lực theo nhu cầu xã hội (SMS: 506879) - Ngày 03/11/2008, Văn phòng Chính phủ đã ra Thông báo số 311/TB-VPCP về ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về đào tạo theo nhu cầu xã hội giai đoạn 2008 - 2015 tại phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo. Phó Thủ tướng kết luận: cần tăng nhanh tỷ lệ người lao động qua đào tạo theo mục tiêu phấn đấu đạt tỷ lệ 50% lao động qua đào tạo vào năm 2010, đạt 70% vào năm 2015 và đạt khoảng 90% vào năm 2020; tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng và hiệu quả của công tác đào tạo nhân lực; góp phần làm thay đổi về nhận thức và cách làm trong công tác đào tạo nguồn nhân lực, phù hợp với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước; tạo điều kiện thuận lợi cho sự nghiệp giáo dục-đào tạo và dạy nghề không ngừng phát triển… Trong năm 2009, hai Bộ: Giáo dục và Đào tạo, Lao động, Thương binh và Xã hội có trách nhiệm giới thiệu một số mẫu hợp đồng, các thoả thuận hợp tác đào tạo giữa các doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo, trong đó cần chú ý các nội dung đề cập đến trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong việc hỗ trợ thực hiện các hợp đồng và thoả thuận. Phương thức hợp đồng đào tạo nhân lực trọn gói cần được nhân rộng áp dụng đối với doanh nghiệp mới thành lập hoặc chuẩn bị đầu tư vào Việt Nam. Các Bộ, ngành khác cần khẩn trương xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo ngắn hạn và dài hạn, gắn chặt với nhu cầu của ngành mình. Mỗi Bộ cần có bộ phận thường trực để tập trung chăm lo cho công tác đào tạo nhân lực theo nhu cầu xã hội của ngành mình. Ngay trong năm 2009, các Bộ, ngành phải hoàn thành việc xây dựng chương trình đào tạo nhân lực theo nhu cầu xã hội trong giai đoạn đến năm 2015, trình Chính phủ để tạo điều kiện cho việc cân đối nhu cầu tài chính đầu tư cho việc triển khai thực hiện…
|
Hỗ trợ đầu tư hạ tầng (SMS: 506915) - Ngày 05/11/2008, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 13/2008/TT-BCT về việc hướng dẫn thực hiện hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tại các vùng Tây Nguyên, vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ. Theo đó, các dự án xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp được xem xét hỗ trợ vốn đầu tư phải đáp ứng điều kiện: Dự án do các doanh nghiệp hoặc tổ chức Việt Nam làm chủ đầu tư; Tính đến thời điểm lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ đầu tư, cụm công nghiệp đã có các doanh nghiệp cam kết đăng ký thuê đất ít nhất đạt 30% diện tích đất công nghiệp của cụm công nghiệp… Nội dung hỗ trợ bao gồm các hạng mục, công trình sau: Đền bù, giải phóng và san lấp mặt bằng; Đường giao thông nội bộ, hệ thống cấp thoát nước nội bộ; Hệ thống các công trình xử lý nước thải, chất thải tập trung. Tổng mức hỗ trợ đầu tư xây dựng các hạng mục, công trình hạ tầng cụm công nghiệp không quá 6 tỷ đồng/cụm và không quá 70 tỷ đồng cho một tỉnh đến năm 2010. Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
|
Thủ tục hải quan hàng hoá dịch vụ chuyển phát (SMS: 506897) - Ngày 29/10/2008, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 93/2008/QĐ-BTC ban hành Quy định về thủ tục hải quan đối với hàng hoá, vật phẩm xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh đường bộ. Theo đó, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ chuyển phát nhanh là người khai và làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; Doanh nghiệp chịu trách nhiệm thực hiện về quản lý hàng hóa này về thuế, lệ phí đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh theo các quy định của pháp luật. Trường hợp chủ hàng đề nghị là người khai hải quan thì chủ hàng là người khai hải quan. Quy định về phân loại hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và kiểm tra hải quan như sau: Loại 1: bao gồm hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu là tài liệu, chứng từ thương mại, hàng ngoại giao, hàng không có thuế, hàng có thuế nhưng được miễn thuế theo quy định. Loại hàng này được miễn kiểm tra thực tế hàng hóa.Trường hợp xét thấy cần thiết thì lãnh đạo Chi cục Hải quan quyết định kiểm tra xác suất theo tỷ lệ từ 1 đến 5% của cả luồng hàng loại 1. Thực hiện kiểm tra qua thiết bị máy soi hàng hóa. Loại 2: bao gồm hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phải nộp thuế, có trị giá tính thuế dưới 5 triệu đồng. Loại hàng này được miễn kiểm tra thực tế hàng hóa. Trường hợp xét thấy cần thiết thì kiểm tra xác suất theo tỷ lệ từ 1 đến 5% của cả luồng hàng loại 2. Thực hiện kiểm tra qua thiết bị máy soi hàng hóa hoặc kiểm tra thủ công. Loại 3: bao gồm hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phải nộp thuế, có trị giá tính thuế trên 5 triệu đồng, mặt hàng có thuế suất từ 10% trở xuống. Loại hàng này kiểm tra thực tế 100% qua thiết bị máy soi hàng. Trong trường hợp xét thấy cần thiết thì kiểm tra xác suất theo tỷ lệ từ 1 đến 10% của cả luồng hàng loại 3. Thực hiện kiểm tra hàng hóa thủ công. Loại 4: bao gồm hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc danh mục quản lý chuyên ngành, hàng hóa xuất nhập khẩu có điều kiện, mặt hàng có thuế suất trên 10%, mặt hàng thuộc diện kiểm tra trọng điểm. Loại hàng này kiểm tra thực tế 100% bằng thủ công. Nhằm giảm thiểu tối đa thời gian xếp dỡ hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới, doanh nghiệp được trao đổi các phương tiện chứa hàng hóa như kệ sắt, túi chuyên dùng, container thay vì phải bốc dỡ từng kiện hàng nhập khẩu ra khỏi phương tiện vận tải. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo.
Hướng dẫn kế toán áp dụng đối với công ty chứng khoán (SMS: 506901) - Theo Thông tư số 95/2008/TT-BTC ban hành ngày 24/10/2008, Bộ Tài chính hướng dẫn: khi người mua chứng khoán trên thị trường sơ cấp chuyển tiền mua chứng khoán phát hành đến ngân hàng chỉ định nơi mở tài khoản Tiền gửi về bán chứng khoán bảo lãnh phát hành của tổ chức phát hành chứng khoán do công ty chứng khoán trực tiếp phát hành, thì ngân hàng chỉ định phải làm các thủ tục ghi nhận tiền vào tài khoản tiền gửi theo quy định và gửi giấy báo có, hoặc sổ phụ ngân hàng cho công ty bảo lãnh phát hành chứng khoán về số tiền nhận được. Khi đại lý bán chứng khoán phát hành chuyển tiền đến ngân hàng chỉ định mở tài khoản tiền gửi của tổ chức phát hành chứng khoán, thì ngân hàng chỉ định phải làm các thủ tục ghi nhận tiền vào tài khoản tiền gửi theo quy định và gửi giấy báo có, hoặc sổ phụ ngân hàng cho công ty chứng khoán bảo lãnh phát hành chứng khoán về số tiền nhận được của đại lý. Đối với các công ty chứng khoán thực hiện tổng hợp tiền của các nhà đầu tư vào ngày khớp lệnh thành công để chuẩn bị cho thanh toán bù trừ giao dịch chứng khoán thì tài khoản này vừa phản ánh số tiền sẵn sàng tham gia thanh toán bù trừ của chính công ty chứng khoán và các nhà đầu tư. Công ty chứng khoán phải mở chi tiết để theo dõi riêng biệt số hiện có và tình hình biến động của tiền gửi thanh toán bù trừ giao dịch chứng khoán của công ty chứng khoán và nhà đầu tư. Đối với các công ty chứng khoán thoả thuận với các ngân hàng chịu trách nhiệm về số dư tiền chờ thanh toán giao dịch chứng khoán đã khớp lệnh của nhà đầu tư thì Tài khoản này chỉ sử dụng để phản ánh số tiền sẵn sàng tham gia thanh toán bù trừ hoạt động mua bán chứng khoán của chính công ty chứng khoán mà không phản ánh số tiền thanh toán bù trừ chứng khoán của nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài. Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
|
Hoạt động văn hoá cho học sinh, sinh viên (SMS: 506909) - Ngày 05/11/2008, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quyết định số 60/2008/QĐ-BGDĐT ban hành Quy định tổ chức hoạt động văn hóa cho học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục đại học và trung cấp chuyên nghiệp. Theo đó, việc tổ chức hoạt động văn hóa cho học sinh, sinh viên trong các trường phải bảo đảm các nguyên tắc sau: Phù hợp với đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, điều kiện cụ thể của Việt Nam và lứa tuổi của học sinh, sinh viên; đảm bảo tính giai cấp, tính dân tộc và tính nhân loại trong tổng thể hoạt động văn hóa của trường; Bảo đảm thực hiện hài hoà các chức năng cơ bản của văn hoá; Kết hợp chặt chẽ với các hoạt động khác của trường; Không tổ chức các hoạt động, tuyên truyền nội dung trái với đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, không phù hợp với định hướng giáo dục; Tăng cường xã hội hóa các hoạt động văn hóa. Nội dung các hoạt động văn hóa cho học sinh, sinh viên phải mang tính giáo dục đạo lý làm người, ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ công dân, lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, đạo đức, lối sống, nếp sống văn hóa, lịch sử, bản sắc dân tộc và tinh hoa văn hóa nhân loại; Phản ánh tâm tư, nguyện vọng, tình cảm, trách nhiệm của tuổi trẻ học sinh, sinh viên đối với tình bạn, tình yêu, gia đình, thầy giáo, cô giáo, nhà trường và cộng đồng; Ca ngợi những biểu hiện tích cực và phê phán những khuynh hướng tiêu cực trong mối quan hệ giữa con người với con người, với di sản của nhân loại và với môi trường xung quanh… Các trường xây dựng kế hoạch tổ chức hoạt động văn hoá cho học sinh, sinh viên theo từng năm học, học kỳ, hoặc theo từng quý nhưng phải đảm bảo có ít nhất có 02 hoạt động được tổ chức trong một học kỳ hoặc ít nhất 01 hoạt động trong một quý. Mỗi học sinh, sinh viên được tham gia ít nhất 04 hoạt động văn hóa trong một năm học do trường tổ chức hoặc phối hợp tổ chức. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Biên chế trường chuyên biệt công lập (SMS: 506849) - Ngày 31/10/2008, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 59/2008/TT-BGDĐT hướng dẫn định mức biên chế sự nghiệp giáo dục ở các trường chuyên biệt công lập. Theo đó, trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh được bố trí biên chế cán bộ quản lý mỗi trường có Hiệu trưởng và có không quá 03 Phó hiệu trưởng; Biên chế giáo viên: mỗi lớp được bố trí không quá 2,4 biên chế… Trường phổ thông dân tộc nội trú huyện có Hiệu trưởng và có không quá 02 Phó hiệu trưởng; Mỗi lớp được bố trí không quá 2,2 biên chế… Số tiết giảng dạy trong một tuần của cán bộ quản lý và giáo viên được quy định như sau: Hiệu trưởng dạy 2 tiết; Phó hiệu trưởng dạy 4 tiết; Giáo viên trường phổ thông dân tộc nội trú cấp trung học cơ sở dạy 17 tiết, cấp trung học phổ thông dạy 15 tiết; Giáo viên trường phổ thông dân tộc bán trú cấp tiểu học dạy 21 tiết; cấp trung học cơ sở dạy 17 tiết; Giáo viên trường chuyên dạy 17 tiết; riêng đối với giáo viên dạy môn chuyên, 01 tiết môn chuyên được tính bằng 1,5 tiết môn không chuyên để quy đổi thành định mức giờ dạy; Giáo viên trường, lớp dành cho người tàn tật, khuyết tật cấp tiểu học dạy 21 tiết; cấp trung học cơ sở dạy 17 tiết… Đối với nữ giáo viên ở cấp tiểu học còn trong độ tuổi sinh con (chưa sinh từ 1 đến 2 con), số thời gian nghỉ thai sản được tính để bổ sung thêm quỹ lương (nếu còn thiếu) của trường để trả cho người trực tiếp dạy thay… Nhân viên làm công tác văn phòng ngoài việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ theo các chức danh còn phải kiêm nhiệm thêm công việc khác do nhà trường phân công… Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
|