Số 44.2007 (349) ngày 09/11/2007

 CHÍNH PHỦ


Chấn chỉnh công tác thu phí, lệ phí
(SMS: 501987)
- Ngày 01/11/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 24/2007/CT-TTg tăng cường chấn chỉnh việc thực hiện các quy định của pháp luật về phí, lệ phí, chính sách huy động và sử dụng các khoản đóng góp của nhân dân.
Thủ tướng chỉ thị: đến ngày 30/11/2007 nếu tỉnh, thành phố nào còn các khoản phí, lệ phí trái với quy định của pháp luật, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng.
Đối với các khoản phí, lệ phí có tên trong Danh mục chi tiết phí và lệ phí, nhưng chưa có văn bản của cấp có thẩm quyền hướng dẫn thì chưa được phép thu, không được vận dụng mức thu của các khoản phí, lệ phí khác có tính chất tương tự để thu. Trường hợp địa phương đã tổ chức thu thì phải dừng ngay…
Đối với các khoản huy động đóng góp tự nguyện để xây dựng cơ sở hạ tầng, huy động đóng góp mang tính chất xã hội, từ thiện, phải thực hiện theo đúng nguyên tắc tự nguyện. HĐND, UBND các cấp không được ra văn bản bắt buộc đóng góp, không được giao chỉ tiêu huy động cho cấp dưới, không gắn việc huy động đóng góp với việc cung cấp các dịch vụ công mà người dân được hưởng…
Bên cạnh đó, cần kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các khoản chi tiêu từ nguồn thu dịch vụ của các hợp tác xã, chỉ đạo thực hiện công khai các nguồn thu và nội dung chi tiêu để người dân được biết và tham gia giám sát…


Hướng dẫn Luật Thanh tra
(SMS: 501994)
- Ngày 31/10/2007, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 161/2007/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 48 Nghị định số 41/2005/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thanh tra.
Theo đó, các cơ quan thanh tra nhà nước được trích một phần số tiền từ các khoản thu hồi phát hiện qua thanh tra thực nộp vào ngân sách nhà nước để hỗ trợ nâng cao năng lực hoạt động thanh tra, tăng cường cơ sở vật chất và khen thưởng, động viên tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác thanh tra. Trước đây, chỉ quy định chung chung "Qua thanh tra nếu thu hồi cho ngân sách nhà nước các khoản tiền bị tham ô, chiếm đoạt trái pháp luật thì cơ quan thanh tra nhà nước được trích một phần số tiền đã thu hồi để bổ sung kinh phí nghiệp vụ thanh tra"…
Bộ trưởng Bộ Tài chính và Tổng thanh tra hướng dẫn chi tiết việc trích, lập, quản lý, sử dụng kinh phí trên theo 3 nguyên tắc: xác định rõ các khoản thu hồi được trích; mức trích cụ thể phải bảo đảm các khoản thu hồi hoàn trả cho ngân sách nhà nước, đồng thời hỗ trợ cho công tác thanh tra theo đúng quy định…
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Xử phạt vi phạm hành chính về rừng
(SMS: 501985)
- Ngày 30/10/2007, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 159/2007/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản.
Theo đó, mức phạt cao nhất là 30 triệu đồng đ
ối với các hành vi vi phạm về quản lý, bảo vệ động vật rừng thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm nhóm IIB...
Ngoài ra, người có hành vi vi phạm các quy định chung của Nhà nước về bảo vệ rừng như đưa súc vật kéo, mang dụng cụ thủ công vào rừng để săn bắt chim thú, khai thác lâm sản trái phép; mang vào rừng các chất dễ cháy, nổ; tổ chức đưa người vào nghiên cứu khoa học trái phép... sẽ bị phạt tiền từ 100.000 - 1.000.000 đồng...
Vi phạm quy định về thiết kế khai thác gỗ, quy định về khai thác gỗ bị xử phạt từ 1 đến 10 triệu đồng. Người có hành vi phá rừng trái phép làm nương rẫy sẽ bị phạt tiền từ 1.000 đồng/m2 - 5.000 đồng/m2  tùy theo từng loại rừng bị phá. Phá rừng trái phép sẽ bị phạt tiền với mức tối đa 10.000 đ/m2 và buộc trồng lại rừng hoặc thanh toán chi phí trồng lại rừng...
Khai thác rừng trái phép đối với gỗ thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm từ nhóm I đến nhóm III sẽ bị phạt tiền tối đa đến 3,5 triệu đồng/m3 nếu khai thác trái phép đến 3m3 (Mức phạt này cũng áp dụng đối với nhóm gỗ  IIA khi khai thác trái phép từ 6 - 10m3). Nếu là rừng phòng hộ, mức phạt tăng lên 4,5 triệu đồng/m3...
Kiểm lâm viên đang thi hành công vụ có quyền phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 100.000 đồng. Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm có quyền phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 2 triệu; tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính có giá trị đến 10 triệu. Cục trưởng Cục Kiểm lâm có quyền phạt cảnh cáo, phạt tiền đến 30 triệu đồng...
Nhân viên Kiểm lâm được phép: Khám người, giữ người theo thủ tục hành chính; khám phương tiện vận tải, đồ đạc và được phép tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính...
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Hỗ trợ trồng rừng
(SMS: 501989)
- Ngày 30/10/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 166/2007/QĐ-TTg về việc ban hành chính sách hỗ trợ đầu tư và hưởng lợi đối với hộ gia đình, cộng đồng dân cư thôn và các tổ chức tham gia Dự án "Phát triển lâm nghiệp để cải thiện đời sống vùng Tây Nguyên".
Theo đó, Dự án được triển khai tại các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng và Phú Yên. Theo Dự án, việc bảo vệ rừng phòng hộ được hỗ trợ bình quân 7 USD/ha/năm. Khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng phòng hộ nhưng không trồng bổ sung được hỗ trợ 15 USD/ha/năm…
Đối với rừng sản xuất, nếu trồng tập trung bằng cây mọc nhanh, mỗi hộ gia đình, cộng đồng dân cư thôn được hỗ trợ bình quân 500 USD/ha (400 USD/ha đối với các tổ chức), còn trồng theo phương thức nông lâm kết hợp thì được hỗ trợ 300 USD/ha và cải tạo vườn tạp 70 USD/ha…
Ngoài ra, chủ từng được khai thác, tận dụng sản phẩm trong quá trình nuôi dưỡng rừng trồng (rừng sản xuất) và được hưởng 100% sản phẩm. Cụ thể, với rừng phòng hộ là rừng tự nhiên, chủ rừng chỉ được khai thác, tận dụng, tận thu những cây chết khô, cây sâu bệnh, cây gãy đổ và cây ở nơi có mật độ lớn hơn mật độ quy định, được khai thác lâm sản ngoài gỗ trừ những loài động, thực vật quý hiện mà Nhà nước quy định…
Còn trường hợp rừng phòng hộ là rừng trồng, chủ rừng được khai thác cây trồng xen, cây phụ trợ, tỉa thưa, tận thu, tận dụng gỗ, khai thác lâm sản ngoài gỗ và được hưởng 100% giá trị sản phẩm…
Tuy nhiên, trong vòng 1 năm sau khi khai thác, chủ rừng phải tự bỏ vốn trồng lại rừng hoặc thực hiện những biện pháp xúc tiến tái sinh để tái tạo rừng.

Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Cong báo.
 

 BỘ XÂY DỰNG


Quản lý xây dựng nhà cao tầng
(SMS: 502010)
- Ngày 05/11/2007, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ra Chỉ thị số 07/2007/CT-BXD về tăng cường công tác quản lý xây dựng đối với các công trình xây dựng nhà cao tầng.
Theo đó, các tỉnh, thành tăng cường kiểm tra việc tuân thủ trình tự đầu tư xây dựng, quản lý chất lượng đối với các công trình xây dựng nhà cao tầng…
Cụ thể: Kiểm tra sự tuân thủ giấy phép xây dựng; Kiểm tra điều kiện năng lực, kinh nghiệm thi công tầng hầm của nhà hầu. Kiểm tra sự tuân thủ về trình tự thủ tục thẩm tra, thẩm định các bước thiết kế, hệ thống quan trắc biến dạng của công trình và công trình lân cận…
Trước khi cấp giấy phép xây dựng, cơ quan cấp phép phải tổ chức thực hiện khảo sát hiện trường và có biên bản xác nhận về hiện trạng của các công trình lân cận…
Trong hồ sơ xin phép xây dựng cần có ảnh chụp hiện trạng các công trình lân cận và công khai nội dung giấy phép xây dựng. Đối với nhà cao tầng có tầng hầm phải công khai trên biển báo số tầng hầm, phạm vi mặt bằng các tầng hầm…


Chi phí thuê tư vấn nước ngoài hoạt động xây dựng
(SMS: 502016)
- Ngày 02/11/2007, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 09/2007/TT-BXD hướng dẫn xác định và quản lý chi phí thuê tư vấn nước ngoài (TVNN) trong hoạt động xây dựng tại Việt Nam.
Theo đó, khi lập dự án đầu tư xây dựng công trình, lập nhiệm vụ quy hoạch xây dựng, chủ đầu tư, cơ quan tổ chức lập đồ án quy hoạch xây dựng phải xác định chi phí thuê TVNN trong tổng mức đầu tư của dự án, trong nhiệm vụ lập quy hoạch xây dựng trên cơ sở khối lượng và loại công việc tư vấn cần thuê TVNN thực hiện.
Chi phí thuê TVNN được tính theo chi phí của loại công việc tư vấn của các dự án đầu tư xây dựng công trình, các đồ án quy hoạch xây dựng tương tự do TVNN đã thực hiện; hoặc theo tỷ lệ % của chi phí xây dựng và chi phí thiết bị trong tổng mức đầu tư của dự án, theo đơn giá một đơn vị diện tích (hoặc dân số) của đồ án quy hoạch xây dựng; hoặc theo dự toán tháng-người (ngày-người, giờ-người).
Khi lựa chọn nhà thầu TVNN thông qua đấu thầu, chủ đầu tư xác định giá gói thầu thuê TVNN trên cơ sở chi phí thuê TVNN đã dự tính. Nhà thầu TVNN đề xuất chi phí thực hiện dịch vụ tư vấn xây dựng. Kết quả lựa chọn nhà thầu và kết quả thương thảo, đàm phán giữa chủ đầu tư với nhà thầu TVNN không vượt quá giá gói thầu được duyệt.
Trường hợp áp dụng hình thức chỉ định nhà thầu TVNN, chủ đầu tư, cơ quan tổ chức lập đồ án quy hoạch xây dựng xem xét, đánh giá chi phí do TVNN đề  xuất theo yêu cầu của hồ sơ. Nếu TVNN đề xuất chi phí thực hiện dịch vụ tư vấn theo dự toán tháng-người (ngày-người, giờ-người), chủ đầu tư sẽ tổ chức thẩm định dự toán, trình người quyết định đầu tư phê duyệt. Khi cần thiết, được thuê tổ chức tư vấn có đủ kinh nghiệm, năng lực thẩm tra dự toán trước khi trình duyệt.

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ TÀI CHÍNH


Điểu chỉnh thuế nhập khẩu ôtô cũ
(SMS: 502004)
- Ngày 01/11/2007, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 92/2007/QĐ-BTC về việc sửa đổi mức thuế tuyệt đối thuế nhập khẩu xe ôtô đã qua sử dụng nhập khẩu.
Theo đó, mức thuế nhập khẩu tuyệt đối áp dụng đối với xe ôtô dưới 5 chỗ ngồi có dung tích dưới 1.000cc là 2700 USD/chiếc; Từ 1.000 đến dưới 1.500cc: 6300 USD; Từ 1.500 đến 2.000cc: 8000 USD; trên 4.000cc đến 5.000cc: 26.400 USD…
Xe chở từ 6 đến 9 người có dung tích từ 2.000cc trở xuống là 7200 USD/chiếc; Trên 2.000 đến 3.000cc: 11.200 USD; Trên 4.000cc: 24.000 USD…
Xe chở từ 10 đến 15 người có dung tích từ 2.000cc trở xuống là 6400 USD; Trên 2.000 đến 3.000cc: 9600 USD; Trên 3.000cc: 13.500 USD.
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi thực hiện dự án xây dựng công trình giao thông
(SMS: 502007)
- Ngày 30/10/2007, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 126/2007/TT-BTC hướng dẫn việc lập dự toán, sử dụng và quyết toán kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với dự án xây dựng công trình giao thông trên địa bàn các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn.
Theo đó, trường hợp phải triển khai thực hiện ngay các công việc về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư mà dự toán kinh phí cho công tác thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của dự án chưa được phê duyệt, thì Tổ chức được giao thực hiện nhệm vụ bồi thường, hỗ trợ và tái định cư được phép tạm ứng kinh phí từ chủ đầu tư dự án để sử dụng chi phục vụ cho các công việc thực tế phải thực hiện.
Trường hợp dự toán đã được duyệt nhưng không đủ để chi theo thực tế thì Tổ chức được giao thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư phải lập dự toán kinh phí bổ sung, gửi Sở Tài chính thẩm định trình UBND cấp tỉnh phê duyệt bổ sung kinh phí; đồng thời thông báo cho Chủ đầu tư dự án để phối hợp thực hiện.
Việc sử dụng, hạch toán khoản kinh phí này phải thực hiện đúng quy định hiện hành về quản lý, sử dụng kinh phí của ngân sách nhà nước. Nghiêm cấm việc chi khống và chi trùng trong các nội dung công việc thực hiện.

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC


Điều kiện thành lập công ty tài chính
(SMS: 502021)
- Ngày 02/11/2007, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyêt định số 40/2007/QĐ-NHNN ban hành Quy chế cấp giấy phép thành lập và hoạt động Tổ chức tín dụng phi ngân hàng cổ phần.
Cụ thể, về cổ đông sáng lập, đối với cá nhân phải là người am hiểu về hoạt động ngân hàng, có đạo đức nghề nghiệp, không vi phạm các quy định pháp luật, đồng thời phải có đủ khả năng tài chính để góp vốn và cam kết hỗ trợ tổ chức tín dụng phi ngân hàng cổ phần trong trường hợp khó khăn về vốn hoặc thiếu khả năng chi trả…
Cổ đông sáng lập là tổ chức phải chứng minh có đủ khả năng tài chính và có cam kết hỗ trợ Tổ chức tín dụng phi ngân hàng cổ phần trong trường hợp khó khăn về vốn hoặc thiếu khả năng chi trả, thiếu khả năng thanh khoản…
Cổ đông sáng lập tổ chức là doanh nghiệp phải có vốn chủ sở hữu tối thiểu 200 tỷ đồng, tổng tài sản có 500 tỷ đồng; kinh doanh có lãi trong năm liền kề trước năm xin thành lập tổ chức tín dụng phi ngân hàng cổ phần…
Trường hợp là tổ chức tín dụng phải đảm bảo tổng tài sản có tối thiểu 3.000 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu nhỏ hơn 3% tổng dư nợ tại thời điểm xin góp vốn thành lập tổ chức tín dụng phi ngân hàng cổ phần; không vi phạm các qui định về an toàn trong hoạt động ngân hàng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; kinh doanh có lãi trong năm liền kề trước năm xin thành lập…

Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.