Số 44.2006 (298) ngày 10/11/2006

 CHÍNH PHỦ


Quản lý vốn đầu tư
(SMS: 202065)
- Ngày 09/11/2006, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 131/2006/NĐ-CP ban hành Quy chế quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức.
Theo đó, cơ quan chủ quản chủ động xây dựng danh mục yêu cầu tài trợ ODA có tính đến: Nhu cầu hỗ trợ của lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan chủ quản; năng lực tiếp nhận và quản lý ODA của các cơ quan chủ quản và của chủ dự án dự kiến được giao thực hiện chương trình, dự án ODA; hệ thống các tiêu chí ưu tiên phân bổ và sử dụng ODA theo lĩnh vực và địa phương; Chính sách, cam kết nguồn vốn ODA và các điều kiện tài trợ; danh mục chương trình, dự án trong báo cáo kết quả đàm phán thường niên với các nhà tài trợ có liên quan; chương trình tài trợ trung hạn của một số nhà tài trợ; lịch biểu xem xét tài trợ của từng nhà tài trợ...

Chủ dự án tuyển chọn tư vấn lập dự án đầu tư; kiểm tra đánh giá, chịu trách nhiệm toàn diện về hồ sơ dự án khi trình duyệt; xin ý kiến của các cơ quan liên quan để hoàn chỉnh dự án; trình cơ quan có thẩm quyền để tổ chức thẩm định và quyết định đầu tư dự án
. Trong trường hợp nhà tài trợ hỗ trợ phía Việt Nam chuẩn bị dự án đầu tư thông qua dự án hỗ trợ kỹ thuật còn phải tuân thủ những thoả thuận trong văn kiện hỗ trợ kỹ thuật...
Cơ quan chủ quản
tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện chương trình, dự án của chủ dự án trong quá trình thực hiện chương trình, dự án và chịu trách nhiệm về việc triển khai chậm, không đúng với quyết định đầu tư và quyết định phê duyệt văn kiện chương trình, dự án hỗ trợ kỹ thuật; về việc có sai phạm trong quá trình triển khai chương trình, dự án gây thất thoát, lãng phí và tham nhũng...
Trong quá trình thực hiện chương trình, dự án, Ban quản lý dự án phải xây dựng và gửi các báo cáo: Báo cáo tháng, chậm nhất 10 ngày sau khi hết tháng (chỉ áp dụng đối với chương trình, dự án đầu tư thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ); Báo cáo quý, chậm nhất 15 ngày sau khi hết quý; Báo cáo năm, chậm nhất vào ngày 31/01 năm sau; Báo cáo kết thúc, chậm nhất 6 tháng sau khi kết thúc thực hiện chương trình, dự án...
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Chế độ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc
(SMS: 202064)
- Theo Nghị định số 130/2006/NĐ-CP ban hành ngày 08/11/2006, Chính phủ quy định: cơ quan, tổ chức, cá nhân có cơ sở nguy hiểm về cháy, nổ bắt buộc phải tham gia bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc cho các loại tài sản như nhà, công trình kiến trúc, thiết bị máy móc...
Số tiền bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc tối thiểu là giá trị tính thành tiền theo giá trị thị trường của tài sản phải tham gia bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc tại thời điểm tham gia bảo hiểm. Trường hợp không xác định được giá thị trường của tài sản thì số tiền bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc do các bên thỏa thuận...
Bên mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc có quyền lựa chọn doanh nghiệp bảo hiểm được phép kinh doanh bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc để mua bảo hiểm; yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm giải thích, cung cấp thông tin có liên quan đến việc giao kết, thực hiện và chấm dứt hợp đồng bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc; yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường nhanh chóng, đầy đủ và chính xác theo quy định của hợp đồng bảo hiểm; khởi kiện dân sự đối với doanh nghiệp bảo hiểm nếu doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường không đúng thời hạn, không chính xác theo quy định của hợp đồng bảo hiểm...
Doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc có trách nhiệm trích 5% tổng số kinh phí bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc đã thu được để đóng góp kinh phí cho hoạt động phòng cháy và chữa cháy...
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Thương mại khu vực biên giới
(SMS: 202067)
- Ngày 07/11/2006, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 254/2006/QĐ-TTg về việc quản lý hoạt động thương mại biên giới với các nước có chung biên giới.
Theo đó, hàng hóa do cư dân nước có chung biên giới sản xuất nhập khẩu vào Việt Nam dưới hình thức mua, bán, trao đổi của cư dân biên giới được miễn thuế nhập khẩu nếu giá trị hàng hóa đó không quá 02 triệu đồng/người/ngày...
Đối với hàng hóa nhập khẩu thuộc Danh mục phải kiểm tra chất lượng và kiểm dịch theo quy định hiện hành thì phải được kiểm tra về chất lượng trước khi thông quan; không được nhập khẩu qua những cửa khẩu không có các điểm kiểm dịch động thực vật, kiểm dịch y tế, kiểm tra chất lượng hàng hóa theo quy định của pháp luật Việt Nam...
Phương tiện và người điều khiển phương tiện vận tải hàng hóa của chủ thể kinh doanh của nước có chung biên giới khi ra vào chợ biên giới, chợ cửa khẩu và chợ trong Khu kinh tế cửa khẩu để vận chuyển hàng hóa được miễn thị thực nhập cảnh, xuất cảnh Việt Nam và chịu sự kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cửa khẩu; khi có nhu cầu đi ra khỏi phạm vi chợ biên giới, chợ cửa khẩu và chợ trong Khu kinh tế cửa khẩu để vào sâu nội địa Việt Nam thì phải thực hiện các thủ tục về xuất cảnh, nhập cảnh cho người và phương tiện theo các quy định của pháp luật Việt Nam.
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Quy định đối với Khu kinh tế mở Chu Lai
(SMS: 202066)
- Ngày 06/11/2006, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 253/2006/QĐ-TTg về việc ban hành Quy chế hoạt động của Khu kinh tế mở Chu Lai, tỉnh Quảng Nam.
Quy chế này quy định: tất cả các dự án đầu tư của các tổ chức và cá nhân trong nước và nước ngoài trong KKTM Chu Lai được: áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong 15 năm, kể từ khi dự án đầu tư bắt đầu hoạt động kinh doanh; miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm, kể từ khi có thu nhập chịu thuế; giảm 50% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp cho 9 năm tiếp theo; hưởng các ưu đãi khác về thuế áp dụng đối với địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về thuế, pháp luật khác liên quan...
Các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài được miễn thuế nhập khẩu trong thời hạn 55 năm, kể từ ngày bắt đầu hoạt động sản xuất đối với hàng hoá là nguyên liệu, vật tư, linh kiện, bán thành phẩm thuộc diện hàng hoá trong nước chưa sản xuất được, được nhập khẩu để phục vụ sản xuất trong KKTM Chu Lai.
Giảm 50% thuế thu nhập đối với người có thu nhập thuộc diện chịu thuế thu nhập, kể cả người Việt Nam và người nước ngoài làm việc tại KKTM Chu Lai.
Áp dụng chính sách một giá đối với hàng hóa, dịch vụ và tiền thuê đất đối với các tổ chức, cá nhân, không phân biệt trong nước và nước ngoài, có hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh tại KKTM Chu Lai.

Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ XÂY DỰNG


Hướng dẫn thực hiện Luật Nhà ở
(SMS: 202056)
- Ngày 01/11/2006, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 05/2006/TT-BXD hư­­ớng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 90/2006/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở.
Theo đó, chủ nhà có thể tự đo vẽ hoặc thuê tổ chức có tư cách pháp nhân về hoạt động xây dựng, đo đạc thực hiện đo vẽ hoặc do cơ quan cấp giấy chứng nhận đo vẽ. Trong trường hợp chủ nhà tự đo vẽ thì bản vẽ phải có chữ ký của chủ nhà và có kiểm tra xác nhận của Sở Xây dựng nếu là nhà ở của tổ chức; có kiểm tra xác nhận của cơ quan quản lý nhà ở cấp huyện nếu là nhà ở của cá nhân tại đô thị; có kiểm tra xác nhận của UBND xã nếu là nhà ở của cá nhân tại nông thôn. Các bản vẽ đã có kiểm tra xác nhận của cơ quan có thẩm quyền nêu tại điểm này là căn cứ để cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở (không phải thẩm tra lại)...
Trường hợp người thuộc diện được thuê, thuê mua nhà ở xã hội phải có đơn kê khai trung thực, đầy đủ các nội dung theo mẫu hướng dẫn tại Phụ lục số 12 ban hành kèm theo Thông tư này, trong đó có xác nhận của cơ quan, đơn vị nơi người đó đang làm việc về đối tượng, mức thu nhập, điều kiện nhà ở và gửi cho Sở Xây dựng...
UBND cấp tỉnh quy định cụ thể tiêu chí xét duyệt đối tượng được thuê, thuê mua nhà ở xã hội theo hình thức chấm điểm. Trên cơ sở thang điểm tối đa là 100, trong đó ưu tiên các trường hợp chưa có nhà ở; cả hai vợ chồng đều là cán bộ, công chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước; người mới tốt nghiệp đại học; công nhân có tay nghề từ bậc 5 trở lên; cán bộ, công chức thuộc diện được ở nhà ở công vụ nhưng đã trả lại nhà ở công vụ cho Nhà nước và những trường hợp khác cần ưu tiên theo nhu cầu thực tế của địa phương. Đối tượng nào có tổng số điểm cao hơn sẽ được ưu tiên giải quyết trước...
Việc xác định mức thu nhập bình quân trong hộ gia đình làm cơ sở để xét duyệt đối tượng đủ điều kiện được thuê, thuê mua nhà ở xã hội như sau: Mức thu nhập bình quân hàng tháng của hộ gia đình là tổng số thu nhập hàng tháng của các thành viên có thu nhập thường xuyên trong hộ gia đình đó; Mức thu nhập của hộ gia đình được tính trên cơ sở tiền lương, tiền công, các khoản phụ cấp, các khoản thu nhập thường xuyên khác của các thành viên trong hộ gia đình đó (nếu có).
Người thuộc diện được thuê nhà ở công vụ phải kê khai đầy đủ các nội dung trong đơn đề nghị thuê nhà ở công vụ theo mẫu quy định tại Phụ lục số 13 ban hành kèm theo Thông tư này kèm theo bản sao có công chứng Quyết định bổ nhiệm hoặc điều động công tác và gửi cho cơ quan nơi đang công tác. Cơ quan nơi người có đơn đang công tác có trách nhiệm kiểm tra và xác nhận vào đơn các nội dung: nơi cư trú, thực trạng về chỗ ở, điều kiện về đối tượng (đủ điều kiện hay không đủ điều kiện được thuê nhà ở công vụ). Nếu đủ điều kiện thì gửi đơn đến UBND cấp tỉnh để giải quyết...

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ TÀI CHÍNH


Hướng dẫn xử phạt trong lĩnh vực thực hành tiết kiệm
(SMS: 202058)
- Ngày 31/10/2006, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 101/2006/TT-BTC hướng dẫn việc xử phạt vi phạm hành chính và bồi thường thiệt hại trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Theo đó, nguyên tắc phân định thẩm quyền xử phạt như sau: vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền xử phạt của nhiều người thì việc xử phạt do người thụ lý đầu tiên thực hiện; Trường hợp một trong các hình thức xử phạt hoặc biện pháp khắc phục hậu quả không thuộc thẩm quyền hoặc vượt quá thẩm quyền thì người đang thụ lý vụ việc vi phạm phải kịp thời chuyển vụ việc vi phạm đó đến người có thẩm quyền xử phạt; Hành vi vi phạm có dấu hiệu cấu thành tội phạm thì người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính lập hồ sơ chuyển cho cơ quan có thẩm quyền để điều tra, giải quyết theo quy định của pháp luật.
Chỉ được áp dụng một trong hai hình thức xử phạt chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền đối với một hành vi vi phạm.
Về xác định số tiền bồi thường thiệt hại được thực hiện như sau: Đối với những nội dung chi đã có định mức, tiêu chuẩn, chế độ hoặc dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt, số tiền phải bồi thường bao gồm số tiền chi vượt hoặc chi sai định mức, tiêu chuẩn, chế độ, dự toán được duyệt và chi phí khắc phục hậu quả (nếu có). Số tiền chi vượt hoặc chi sai định mức, tiêu chuẩn, chế độ, dự toán được duyệt được tính bằng chênh lệch giữa số tiền thực chi và số tiền được chi theo định mức, tiêu chuẩn, chế độ, dự toán được duyệt. Chi phí khắc phục hậu quả là các chi phí phát sinh liên quan đến việc giải quyết hậu quả của hành vi lãng phí gây thiệt hại; Đối với những trường hợp khác, số tiền bồi thường thiệt hại bao gồm chi phí thực tế do hành vi lãng phí gây ra và chi phí khắc phục hậu quả (nếu có); Chi phí cho việc xác định số tiền bồi thường thiệt hại được tính vào chi phí khắc phục hậu quả bao gồm chi thuê chuyên gia tư vấn về kinh tế, kỹ thuật và các chi phí hợp lý khác phục vụ trực tiếp cho việc xác định số tiền bồi thường...

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN


Hướng dẫn quản lý rừng
(SMS: 202061)
- Ngày 06/11/2006, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư số 99/2006/TT-BNN hướng dẫn thực hiện một số điều của Quy chế quản lý rừng ban hành kèm theo Quyết định số 186/2006/QĐ-TTg.
Theo đó, tiêu chí rừng phòng hộ đạt tiêu chuẩn như sau: Rừng phòng hộ đầu nguồn: Phải tạo thành vùng tập trung, có cấu trúc hỗn loài, nhiều tầng tán, có độ tàn che từ 0,6 trở lên. Đảm bảo duy trì, điều tiết nguồn nước, bảo vệ đất, giảm xói mòn; Rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển: Phải có ít nhất một đai rừng rộng tối thiểu 30 mét, gồm nhiều hàng cây khép tán. Các đai rừng có cửa so le nhau theo hướng sóng chính; cây rừng đã khép tán, hệ rễ phát triển đảm bảo phát huy tác dụng chắn sóng, ổn định đất, tăng khả năng bồi lấp bờ biển, ngăn chặn hoặc giảm sạt lở...
Các chủ rừng thực hiện sản xuất lâm, nông, ngư nghiệp kết hợp trong rừng phòng hộ, không được thực hiện những hoạt động gây ảnh hưởng xấu tới quá trình sinh trưởng và phát triển của khu rừng phòng hộ, hoặc làm đảo lộn quá trình sinh thái tự nhiên của khu rừng, như đắp đê cản trở lưu thông của thủy triều ở vùng ven biển, hoặc đắp đập gây tích đọng nước ở vùng đồi núi. Chủ rừng vi phạm các quy định về quản lý bảo vệ rừng, làm tổn hại tới tài nguyên rừng thì sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật...
Động vật hoang dã bị bắt giữ do vi phạm pháp luật: Nếu còn khoẻ mạnh, không có bệnh tật phải khẩn trương xử lý để thả chúng về môi trường thiên nhiên phù hợp với vùng sinh cảnh, nguồn thức ăn của từng loài. Trong trường hợp động vật hoang dã không được khoẻ mạnh (bị ốm, bị thương) lập biên bản chuyển giao về các Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã (nếu có điều kiện) để chăm sóc, cứu hộ rồi thả về môi trường tự nhiên...

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ BƯU CHÍNH, VIỄN THÔNG


Tiêu chuẩn sản phẩm bưu chính, viễn thông
(SMS: 202060)
- Ngày 03/11/2006, Bộ trưởng Bộ Bưu chính, Viễn thông đã ban hành Quyết định số 44/2006/QĐ-BBCVT quy định Chứng nhận và Công bố phù hợp tiêu chuẩn đối với sản phẩm thuộc quản lý chuyên ngành của Bộ Bưu chính, Viễn thông.
Theo đó, các đơn vị đo kiểm phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của các kết quả đo kiểm. Kết quả đo kiểm không có giá trị thay thế cho Giấy chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn và Bản công bố phù hợp tiêu chuẩn.
Sản phẩm thuộc "Danh mục sản phẩm thuộc quản lý chuyên ngành của Bộ Bưu chính, Viễn thông bắt buộc phải chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn" nhưng không phải chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn trong các trường hợp sau: Sản phẩm nhập khẩu theo người hoặc qua đường hàng hóa để sử dụng cho mục đích cá nhân gồm: sản phẩm điện tử, công nghệ thông tin, thiết bị đầu cuối cố định và di động đối với các dịch vụ viễn thông và Internet đã được phép cung cấp và sử dụng tại Việt Nam; Sản phẩm nhập khẩu hoặc sản xuất trong nước để trưng bày, triển lãm, trình diễn hoặc làm mẫu phục vụ cho việc đo kiểm chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn; Các thiết bị phát, thu - phát sóng vô tuyến điện của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của nước ngoài, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế tại Việt Nam...
Các thiết bị phát, thu - phát sóng vô tuyến điện nhập khẩu, sản xuất trong nước (trừ trường hợp sản xuất để xuất khẩu) phải phù hợp với quy hoạch phổ tần số vô tuyến điện quốc gia và bảo đảm các tiêu chuẩn kỹ thuật về tần số, bức xạ, tiêu chuẩn tương thích và miễn nhiễm điện từ trường...
Giấy chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn cấp cho từng chủng loại sản phẩm, có thời hạn tối đa 03 năm. Trong thời hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn, tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc nhập khẩu sản phẩm được phép công bố phù hợp tiêu chuẩn và cung cấp sản phẩm ra thị trường không hạn chế về số lượng...

Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI


Bồi dưỡng kiến thức pháp luật giao thông đường bộ
(SMS: 202059)
- Ngày 31/10/2006, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Quyết định số 36/2006/QĐ-BGTVT ban hành Quy chế bồi dưỡng kiến thức pháp luật giao thông đường bộ cho người điều khiển xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ.
Theo đó, Chương trình bồi dưỡng kiến thức pháp luật giao thông đường bộ bao gồm: Luật Giao thông đường bộ: 12 tiết học; Điều lệ báo hiệu đường bộ Việt Nam: 8; Quy định xử xử lý về vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ: 4; Quy định về cấp đăng ký, biển số; kiểm định xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ: 3; Ôn tập, kiểm tra: 5.
Người điều khiển xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ, ngoài việc phải có bằng hoặc chứng chỉ nghề điều khiển xe máy chuyên dùng do cơ sở đào tạo nghề cấp, còn phải có Chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật giao thông đường bộ. Chứng chỉ này có giá trị không thời hạn và được sử dụng trong phạm vi cả nước.
Người có Chứng chỉ bị mất hoặc bị hư hỏng và có tên trong hồ sơ lưu tại nơi cấp Chứng chỉ được xét cấp lại Chứng chỉ. Hồ sơ cấp lại bao gồm: Đơn xin cấp lại Chứng chỉ; Chứng chỉ bị hỏng hoặc đơn trình báo mất có xác nhận của UBND phường, xã, nơi cư trú hoặc thủ trưởng cơ quan, đơn vị; Thời hạn cấp lại sau 05 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Â