Số 43.2008 (399) ngày 31/10/2008

 CHÍNH PHỦ


Chương trình điều tra thống kê quốc gia
(SMS: 506830)
- Theo Quyết định số 144/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ban hành ngày 29/10/2008, quy định: Chương trình điều tra thống kê quốc gia là căn cứ để các Bộ, ngành chủ động xây dựng kế hoạch các cuộc điều tra, phương án điều tra, kế hoạch thực hiện, dự toán kinh phí và quyết định các cuộc điều tra thống kê, tạo sự ổn định cho hoạt động thống kê.
Kết quả của các cuộc điều tra phải được công bố công khai, theo đúng các quy định của Luật Thống kê và các quyết định hiện hành của Nhà nước về điều tra thống kê.
Trong những năm có tiến hành các cuộc tổng điều tra hoặc điều tra toàn bộ, căn cứ vào Chương trình, các cơ quan chủ trì có thể thực hiện việc lồng ghép một số cuộc điều tra nhằm tránh sự trùng lặp thông tin và bảo đảm mục tiêu tiết kiệm kinh phí điều tra.
Chương trình có 3 cuộc tổng điều tra: Tổng điều tra dân số và nhà ở (chu kỳ 10 năm vào ngày 1/4 và tiến hành vào các năm có số tận cùng là 9); Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản (chu kỳ 5 năm vào ngày 1/7 và tiến hành vào các năm có số tận cùng là 1 và 6); Tổng điều tra cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp (chu kỳ 5 năm vào ngày 1/7 và tiến hành vào các năm có số tận cùng là 2, 7).
Ngoài ra, Chương trình còn có 8 cuộc điều tra thống kê, gồm: Điều tra về đất đai, dân số, lao động, việc làm; điều tra về đầu tư, tài khoản quốc gia, tài chính tiền tệ; điều tra về nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; điều tra về công nghiệp, xây dựng; điều tra về thương mại, du lịch, giao thông vận tải, bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin; điều tra về giá cả; điều tra về khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường; điều tra về y tế, giáo dục, văn hóa, trật tự an toàn xã hội, mức sống dân cư.
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Quỹ tìm kiếm, thăm dò dầu khí
(SMS: 506829)
- Ngày 29/10/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 143/2008/QĐ-TTg về việc ban hành Quy chế trích lập, quản lý và sử dụng  Quỹ tìm kiếm, thăm dò dầu khí.
Quỹ được thành lập nhằm hỗ trợ kinh phí; bù đắp một phần rủi ro trong hoạt động tìm kiếm, thăm dò (trong nước và nước ngoài), thẩm lượng dầu khí. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thực hiện trích lập, quản lý và sử dụng Quỹ. Quỹ được trích lập hàng năm từ các nguồn sau: trích không quá 10% tiền lãi dầu khí nước chủ nhà để lại hàng năm cho Công ty mẹ-Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; trích 10% từ lợi nhuận sau thuế hàng năm của Công ty mẹ và các nguồn vốn khác (nếu có).
Khi số dư Quỹ bằng 10% vốn điều lệ của Công ty mẹ-Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thì không trích các khoản nêu trên vào Quỹ.
Dự án điều tra cơ bản, tìm kiếm thăm dò dầu khí được sử dụng nguồn đầu tư từ Quỹ phải đảm bảo đủ 2 điều kiện: Dự án đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định và có dự toán chi tiết đối với từng khối lượng công việc dự kiến thực hiện được Hội đồng quản trị Tập đoàn phê duyệt.
Những dự án được bảo đảm bằng các nguồn vốn khác và dự án nhằm mục đích gia tăng trữ lượng thuộc dự án khai thác hoặc dự án phát triển sau khi đã được cấp có thẩm quyền quyết định phát triển để khai thác dầu khí không thuộc đối tượng sử dụng Quỹ.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tạm ứng kinh phí từ Quỹ để tiến hành các Dự án điều tra cơ bản, tìm kiếm thăm dò dầu khí trên cơ sở kế hoạch, tiến độ thực hiện và dự toán chi tiết được phê duyệt. Mức tạm ứng cụ thể đối với từng hạng mục công việc của dự án do Tổng giám đốc Tập đoàn quyết định nhưng tối đa không quá 90% tổng dự toán của dự án.
Quy chế cho phép Tập đoàn được tạm thời sử dụng tiền nhàn rỗi của Quỹ cho các nhu cầu sản xuất kinh doanh khác của Tập đoàn theo nguyên tắc có hoàn trả, bảo đảm đủ nguồn chi của Quỹ khi có nhu cầu sử dụng.
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Chính sách đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn
(SMS: 506798)
- Ngày 28/10/2008, Chính phủ đã ra Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Chương trình hướng tới mục tiêu nâng cao thu nhập của dân cư nông thôn tăng hơn 2,5 lần so với hiện nay. Đồng thời, xây dựng nông thôn mới bền vững, văn minh, giàu đẹp, bảo vệ môi trường sinh thái, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Yêu cầu của Chương trình là quán triệt sâu sắc quan điểm, mục tiêu và nội dung của Nghị quyết Trung ương để xây dựng các chương trình kinh tế-xã hội, các đề án chuyên ngành, cụ thể hóa thành các văn bản quy phạm pháp luật.
Một trong những nhiệm vụ chủ yếu của Chương trình đến năm 2020 là tiếp tục triển khai đồng bộ, có hiệu quả ở địa bàn nông thôn các chương trình mục tiêu quốc gia đã được phê duyệt, đồng thời sẽ triển khai xây dựng mới 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, về thích ứng với sự biến đổi khí hậu và về đào tạo nguồn nhân lực nông thôn, trình Thủ tướng Chính phủ trong quý IV/2008 và quý II/2009.
Bên cạnh công việc xây dựng 3 chương trình mới, các Bộ, ngành, địa phương được giao triển khai 45 công việc cụ thể về quy hoạch, xây dựng các chương trình, đề án.
Có 9 nhiệm vụ về quy hoạch cần phải hoàn thành trong năm 2009 như quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, điểm dân cư nông thôn, sử dụng đất lúa…
Bên cạnh đó, có 36 đề án cần được xây dựng đến năm 2020 với phần lớn trong số đó phải trình Thủ tướng Chính phủ trong năm 2009. Chỉ có 1 đề án trình Thủ tướng trong quý IV/2008 là về kiện toàn tổ chức, bộ máy quản lý nhà nước ngành Nông nghiệp.
Có 8 nhóm đề án về sửa đổi và xây dựng luật như sửa đổi Luật Đất đai, xây dựng các Luật về Thủy lợi, An toàn thực phẩm, Nông nghiệp, Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật, Thú y và Luật Tài nguyên nước.
Trong số các đề án, đáng chú ý là các đề án về bảo vệ, phát triển trồng trọt, nuôi trồng thủy sản, rừng, thương mại nông thôn, y tế nông thôn, nông nghiệp công nghệ cao, đề án thí điểm bảo hiểm nông nghiệp, xây dựng hệ thống an sinh xã hội cho dân cư nông thôn…
Chương trình hành động cũng đặt ra việc xây dựng chính sách thu hút cán bộ, thanh niên, trí thức về nông thôn.
Ngay sau khi Chương trình hành động được ban hành, các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố phải xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình, đề án, dự án chuyên ngành.
Nghị quyết có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Quy chế trại giam
(SMS: 506797)
- Theo Nghị định số 113/2008/NĐ-CP ban hành ngày 28/10/2008, Chính phủ quy định: căn cứ tính chất tội phạm, mức án của phạm nhân (PN), trại giam tổ chức thành khu giam giữ đối với người chịu án tù trên 15 năm, tù chung thân, người bị kết án tù thuộc loại tái phạm nguy hiểm; khu giam giữ đối với người bị kết án tù từ 15 năm trở xuống; PN là nữ, người chưa thành niên được giam giữ riêng.
Việc trích xuất phạm nhân ra khỏi trại giam phục vụ hoạt động điều tra, truy tố, xét xử... chỉ được thực hiện theo lệnh trích xuất của Cục trưởng Cục Quản lý trại giam Bộ Công an hoặc Cục trưởng Cục Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng.
PN chỉ được đưa vào buồng giam những đồ dùng cần thiết cho cá nhân theo quy định. Nếu có tư trang chưa dùng đến phải gửi lưu ký của trại giam. Trong trại giam, PN không được phép dùng tiền mặt.
PN được ở theo buồng tập thể, trừ PN đang bị phạt giam ở buồng kỷ luật. PN có dấu hiệu bị bệnh tâm thần hoặc bệnh truyền nhiễm, bệnh làm mất khả năng nhận thức hành vi được giam tại phòng cách ly. Tiêu chuẩn chỗ nằm, định lượng ăn, uống được quy định chi tiết trong Quy chế. PN lao động nặng nhọc, độc hại theo quy định của pháp luật, định lượng ăn trong tháng có thể tăng thêm 15% so với tiêu chuẩn chung.
Trong trại giam, PN được hoạt động thể dục, thể thao, văn hóa, văn nghệ phù hợp với quy định hiện hành. Mỗi phân trại được thành lập thư viện, khu vui chơi, sân thể thao và 1 hệ thống truyền thanh. Mỗi buồng giam tập thể được trang bị 1 máy vô tuyến truyền hình màu.
Trường hợp PN ốm đau, sẽ được khám và điều trị tại bệnh xá của trại giam. Chế độ ăn, cấp phát thuốc, bồi dưỡng do y tế của trại giam chỉ định theo bệnh lý. Nếu bệnh nặng, giám thị trại giam quyết định chuyển PN đến các bệnh viện Nhà nước để điều trị. Đối với các PN nghiện ma túy sẽ được tổ chức cai nghiện tại trại giam.
PN lao động 8 tiếng/ngày, được nghỉ các ngày lễ, Tết, Chủ nhật và tổ chức học tập vào ngày thứ 7. PN chưa biết chữ được học văn hóa để xóa mù chữ; là người chưa thành niên được phổ cập tiểu học; là người nước ngoài, dân tộc thiểu số khuyến khích học tiếng Việt. Hàng tháng, PN được gặp thân nhân 1 lần tại nhà gặp của trại giam và chấp hành đúng các quy định về thăm gặp, thăm nuôi.
Đúng ngày hết hạn thời hạn chấp hành hình phạt tù, người chấp hành xong hình phạt tù phải được trả tự do và được trả lại đầy đủ những đồ vật, tiền đã gửi lưu ký tại trại giam và tiền thưởng lao động trong thời gian chấp hành án (nếu có).
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Chế độ đối với quân nhân phục viên, xuất ngũ
(SMS: 506799)
- Ngày 27/10/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg về thực hiện chế độ đối với quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước có dưới 20 năm công tác trong quân đội đã phục viên, xuất ngũ về địa phương.
Theo đó, quân nhân (QN) có từ đủ 15 đến dưới 20 năm công tác trong quân đội đã phục viên, xuất ngũ về địa phương (bao gồm cả số tiếp tục công tác sau đó thôi việc), được thực hiện chế độ trợ cấp hàng tháng theo số năm công tác thực tế trong quân đội, đủ 15 năm được trợ cấp 600.000 đồng/người/tháng; sau đó cứ thêm 1 năm được tính thêm 5% trên mức trợ cấp khởi điểm.
Khi QN chết thì thôi hưởng trợ cấp hàng tháng từ tháng tiếp theo. Thân nhân của họ được hưởng trợ cấp một lần bằng 3 tháng trợ cấp hiện hưởng.
QN có dưới 15 năm công tác trong quân đội đã phục viên, xuất ngũ về địa phương (bao gồm cả số tiếp tục công tác sau đó thôi việc), được hưởng chế độ trợ cấp một lần tính theo số năm công tác thực tế trong quân đội. Cụ thể, có đủ 2 năm công tác thực tế trong quân đội trở xuống, mức trợ cấp bằng 2 triệu đồng; từ năm thứ 3 trở đi, mỗi năm được tính hưởng trợ cấp bằng 600.000 đồng (khi thời gian hưởng chế độ trợ cấp 1 lần, nếu có tháng lẻ thì đủ 6 tháng trở lên được tính tròn 1 năm, dưới 6 tháng được tính 1/2 năm)...
QN có đủ từ 15 đến 20 năm công tác đã chết trước ngày 01/01/2009 và QN có dưới 15 năm công tác mà chết trước ngày quy định này có hiệu lực thi hành thì một trong những thân nhân hợp pháp của họ được hưởng chế độ trợ cấp một lần bằng 3 triệu đồng...
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Dự toán cho năm ngân sách 2009
(SMS: 506782)
- Ngày 23/10/2008, Văn phòng Chính phủ đã ra Thông báo số 302/TB-VPCP về kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng về đánh giá lại việc thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2008, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2009 do biến động giảm giá dầu thô xuất khẩu.
Theo đó, về phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2009, Chính phủ nhất trí lựa chọn phương án giá dầu thô xuất khẩu năm 2009 ở mức 70 USD/thùng để làm căn cứ xác định dự toán ngân sách nhà nước năm 2009. Với phương án này, Chính phủ sẽ phải điều chỉnh giảm chi đầu tư phát triển nhưng sẽ tăng chi từ nguồn trái phiếu Chính phủ, giảm chi thường xuyên; các khoản chi cho các lĩnh vực xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội, chi trả nợ, viện trợ và dự phòng ngân sách cố gắng giữ mức như đã báo cáo Quốc hội…
Bộ Tài chính cũng cần xây dựng và báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2009 theo phương án giá dầu thô xuất khẩu ở mức 65 USD/thùng và 75 USD/thùng; đồng thời, nói rõ phương án giá dầu thô ở mức 70 USD/thùng là phương án Chính phủ lựa chọn để báo cáo Quốc hội và đề nghị Quốc hội giao cho Chính phủ chủ động điều hành nếu giá dầu thô ở mức 65 USD/thùng hoặc 75 USD/thùng. Trong trường hợp phải điều hành theo phương án giá dầu thô ở mức 65 USD/thùng hoặc 75 USD/thùng, Chính phủ có trách nhiệm báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Đối với chi cải cách tiền lương: báo cáo Quốc hội 2 phương án (phương án chọn là phương án 1). Phương án 1: thực hiện điều chỉnh tiền lương năm 2009 vào thời điểm 01 tháng 4 năm 2009 nhưng mức tiền lương tối thiểu giảm xuống mức 630.000 đồng/tháng, chưa thực hiện phụ cấp công vụ và một số khoản chi khác. Phương án 2: lùi thời điểm thực hiện điều chỉnh tiền lương năm 2009 sáng quý III năm 2009, tiếp tục thực hiện trợ cấp khó khăn và giãn một số chính sách chi có liên quan đến tiền lương.

Trường hợp giá dầu thô xuất khẩu năm 2009 cao hơn 70 USD/thùng, Chính phủ tiếp tục ưu tiên đầu tư cho các lĩnh vực xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội và đầu tư cơ sở hạ tầng và tăng dự phòng ngân sách.
 

 BỘ TÀI CHÍNH


Hỗ trợ kinh phí học tập cộng đồng
(SMS: 506795)
- Ngày 27/10/2008, Bộ tài chính đã ban hành Thông tư số 96/2008/TT-BTC hướng dẫn việc hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước cho các Trung tâm học tập cộng đồng.
Theo đó, Nhà nước có chính sách hỗ trợ kinh phí đối với các Trung tâm khi mới thành lập và trong quá trình hoạt động; ưu tiên hỗ trợ kinh phí đối với các Trung tâm thành lập ở các xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi…
Cụ thể, Ngân sách nhà nước hỗ trợ 1 lần cho các Trung tâm mới thành lập để mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác quản lý, trang thiết bị, đồ dùng, sách giáo khoa tài liệu phục vụ công tác giảng dạy và học tập. Mức hỗ trợ kinh phí ban đầu tối thiểu là 30 triệu đồng đối với một Trung tâm mới thành lập.
Ngoài ra, hỗ trợ kinh phí đối với các Trung tâm thuộc các xã khu vực I, mức tối thiểu 20 triệu đồng/năm/Trung tâm; các xã khu vực II và III, mức hỗ trợ tối thiểu là 25 triệu đồng…

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Đào tạo nghiệp vụ thẩm định giá
(SMS: 506762)
- Ngày 22/10/2008, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 87/2008/QĐ-BTC về việc ban hành Quy chế đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên ngành thẩm định giá.
Theo đó, việc tổ chức khóa đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên ngành thẩm định giá có thể được tổ chức tập trung một kỳ liên tục hoặc nhiều kỳ cho một khóa đào tạo, bồi dưỡng nhưng thời gian của một khoá đào tạo, bồi dưỡng tối đa không quá 3 tháng và phải đảm bảo dạy và học đủ thời gian và đủ nội dung chương trình theo quy định...
Đơn vị được phép tổ chức khóa đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên ngành thẩm định giá được chiêu sinh theo đúng đối tượng quy định; được phát hành và cấp Chứng chỉ đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên ngành thẩm định giá; được phép thu học phí của những học viên tham gia khóa đào tạo, bồi dưỡng. Mức thu học phí do Thủ trưởng đơn vị tổ chức khóa đào tạo, bồi dưỡng quyết định trên cơ sở bảo đảm bù đắp được chi phí hợp lý của khóa đào tạo, bồi dưỡng và phù hợp với quy định của Nhà nước về học phí giáo dục.
Không được cấp chứng chỉ đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên ngành thẩm định giá cho những người không có tên trong danh sách học, những người có tham gia học nhưng không đủ tiêu chuẩn theo quy định...
Kết thúc mỗi môn học trong chương trình của khóa đào tạo, bồi dưỡng, đơn vị tổ chức khóa đào tạo, bồi dưỡng phải tổ chức thi kiểm tra. Học viên tham dự khóa đào tạo, bồi dưỡng phải bảo đảm tối thiểu 90% thời gian học tại lớp theo quy định cho một môn học mới được dự thi kiểm tra về môn học đó.
Chứng chỉ đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên ngành thẩm định giá được sử dụng để đăng ký dự thi cấp thẻ thẩm định viên về giá. Đối tượng đủ điều kiện dự thi lấy thẻ thẩm định viên về giá có quy định riêng.

Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ CÔNG THƯƠNG


Mua bán điện với nước ngoài
(SMS: 506780)
- Theo Thông tư số 11/2008/TT-BCT ban hành ngày 22/10/2008, Bộ Công Thương hướng dẫn trình tự, thủ tục như sau: việc mua bán điện với nước ngoài phải được phê duyệt về chủ trương; phương án mua bán điện với nước ngoài phải phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực được phê duyệt.
Đối với việc mua bán điện với nước ngoài từ cấp điện áp 110kV trở lên hoặc từ 35kV trở xuống, đơn vị điện lực nộp Hồ sơ trình duyệt chủ trương mua bán điện với nước ngoài cho Cục Điều tiết điện lực để thẩm định.
Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ, Cục Điều tiết điện lực phải thông báo bằng văn bản cho đơn vị điện lực về tính hợp lệ của Hồ sơ mua bán điện với nước ngoài.
Đối với việc mua bán điện với nước ngoài từ cấp điện áp 110kV trở lên, trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cục Điều tiết điện lực phải lấy ý kiến của các Bộ, ngành có liên quan và trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ khi nhận được ý kiến chính thức bằng văn bản, Cục Điều tiết điện lực phải hoàn thành báo cáo thẩm định trình Bộ trưởng Bộ Công Thương xem xét và trình Thủ tướng phê duyệt.
Trường hợp từ cấp điện áp 35kV trở xuống, trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cục Điều tiết điện lực phải hoàn thành báo cáo thẩm định và trình Bộ trưởng Bộ Công Thương xem xét, phê duyệt.

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO


Hoạt động y tế trong các cơ sở giáo dục mầm non
(SMS: 506761)
- Theo Quyết định số 58/2008/QĐ-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, ban hành ngày 17/10/2008, quy định: mỗi trường mầm non, trường mẫu giáo, nhà trẻ có một phòng làm việc của nhân viên làm công tác y tế (Phòng Y tế) trong khu vực hành chính đảm bảo các yêu cầu về vệ sinh, diện tích từ 12m2 trở lên, thuận tiện cho công tác sơ cứu, cấp cứu, chăm sóc sức khoẻ ban đầu và vận chuyển trẻ em bị tai nạn và ốm đau đột xuất đến cơ sở y tế.
Phòng Y tế được trang bị các trang thiết bị chuyên môn, thuốc thiết yếu theo quy định của Bộ Y tế. Có giường khám bệnh và lưu trẻ em cần chăm sóc y tế để theo dõi. Có bảng theo dõi tiêm chủng, uống vắc xin và khám sức khoẻ định kỳ cho trẻ em; Phác đồ sơ cứu, cấp cứu một số bệnh và tai nạn thương tích thường gặp ở trẻ em; Tranh ảnh, tài liệu tuyên truyền về chăm sóc sức khoẻ, phòng bệnh cho trẻ em.
Nhân viên làm công tác y tế có trình độ chuyên môn từ trung cấp y trở lên; Được tham gia các cuộc hội thảo, lớp tập huấn, lớp đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về công tác y tế do ngành giáo dục, ngành y tế và địa phương tổ chức.
Nhân viên làm kiêm nhiệm công tác y tế tại các cơ sở giáo dục mầm non nhất thiết phải qua bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về công tác y tế trường học.
Nhân viên làm công tác y tế thuộc biên chế Tổ Văn phòng theo quy định tại Điều lệ trường mầm non, ngoài việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ theo chức danh còn phải kiêm nhiệm các công việc khác theo quy định; Được hưởng lương, các chế độ, chính sách theo quy định hiện hành của Nhà nước.

Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.