Số 43.2007 (348) ngày 02/11/2007

 CHÍNH PHỦ


Giải pháp điều hành giá cả
(SMS: 501973)
- Ngày 31/10/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 23/2007/CT-TTg về việc tăng cường thực hiện các giải pháp điều hành giá cả, bình ổn thị trường trong những tháng cuối năm 2007 và phục vụ Tết Nguyên đán Mậu Tý 2008.
Theo đó, các Bộ, ngành, địa phương, các thành phố lớn và các doanh nghiệp cần có kế hoạch chuẩn bị đủ lượng hàng hóa cần thiết như lương thực, thực phẩm, xăng dầu, phân bón, sắt thép, xi măng, thuốc chữa bệnh... với giá ổn định và đảm bảo chất lượng…
Ngoài ra, cần chủ động thực hiện các biện pháp dự trữ hàng hóa thiết yếu để tránh xảy ra mất cân đối cung cầu, không gây đột biến giá cả vào dịp trước và sau Tết Nguyên đán; quan tâm và làm tốt việc cung ứng hàng hóa cho nhân dân các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người và các vùng bị hậu quả nặng nề của bão, lũ với giá ổn định trong dịp Tết Nguyên đán…
Các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống gian lận thương mại những ngày giáp Tết và sau Tết, xử lý nghiêm các trường hợp lưu thông buôn bán các mặt hàng cấm như pháo, đồ chơi nguy hiểm; kiểm tra bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm…
Chuẩn bị tốt lực lượng phương tiện vận chuyển để phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng hóa và đi lại của nhân dân; tập trung triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông, kiềm chế tai nạn và ùn tắc cũng là những yêu cầu mà Thủ tướng đề ra.
Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thực hiện đồng bộ, hài hòa các giải pháp rút tiền từ lưu thông về, cơ cấu lại tín phiếu Ngân hàng Nhà nước bán ra có kỳ hạn ngắn, mua ngoại tệ ở mức độ thích hợp nhằm tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước, không để tăng giá hoặc mất giá quá mức đồng tiền Việt Nam…


Chuyển đổi công tác
(SMS: 501958)
- Ngày 27/10/2007, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 158/2007/NĐ-CP quy định danh mục các vị trí công tác và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức.
Theo đó. việc thực hiện định kỳ chuyển đổi này là quy định bắt buộc, thường xuyên. Khi thực hiện việc chuyển đổi phải khách quan, công tâm, khoa học và hợp lý phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ; chống chủ nghĩa bè phái, chủ nghĩa cá nhân; không gây mất đoàn kết và không làm xáo trộn sự ổn định trong cơ quan, tổ chức, đơn vị. Thời hạn chuyển đổi vị trí công tác là 3 năm.
Những trường hợp cán bộ, công chức, viên chức đang trong thời gian bị xem xét kỷ luật, khởi tố hoặc liên quan đến công việc đang bị thanh tra, kiểm tra, đang điều trị bệnh hiểm nghèo, đi học dài hạn hoặc cử đi biệt phái, cán bộ, công chức nữ đang trong thời gian mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi thì chưa thực hiện việc định kỳ chuyển đổi vị trí công tác…
Việc chuyển đổi được thực hiện bằng các hình thức như định kỳ chuyển đổi công tác từ bộ phận này sang bộ phận khác cùng chuyên môn, nghiệp vụ trong từng cơ quan, tổ chức; định kỳ chuyển đổi vị trí công tác giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Việc định kỳ chuyển đổi này chỉ được thực hiện bằng việc ban hành quyết định điều động, bố trí cán bộ, công chức, viên chức bị chuyển đổi.
Nghiêm cấm việc lợi dụng các quy định này đối với cán bộ, công chức, viên chức vì mục đích vụ lợi hoặc để trù dập cán bộ, công chức, viên chức; không thực hiện chuyển vị trí công tác trái với chuyên môn nghiệp vụ đang làm hoặc đang phụ trách. Việc chuyển đổi đối với cán bộ, công chức, viên chức phải được thông báo công khai cho cán bộ bị chuyển đổi đó biết trước 30 ngày tính từ khi bắt đầu chuyển đổi…
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Phòng chống tham nhũng và trách nhiệm người đứng đầu
(SMS: 501957)
- Ngày 27/10/2007, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 157/2007/NĐ-CP quy định chế độ trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước trong thi hành nhiệm vụ, công vụ.
Theo đó, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Nhà nước sẽ bị xử lý trách nhiệm nếu để cấp phó, cán bộ, viên chức thuộc quyền quản lý tham nhũng, lãng phí. Ngoài ra, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm khi để tình trạng đơn, thư khiếu nại, tố cáo vượt cấp, kéo dài, khi xử lý không nghiêm minh hoặc bao che cho hành vi vi phạm pháp luật của cấp dưới…
Những trường hợp người đứng đầu bị xử lý trách nhiệm còn bao gồm không giao nhiệm vụ hoặc giao nhiệm vụ cho cấp dưới không rõ; không kiểm tra hoặc thiếu kiểm tra, đôn đốc cấp dưới thực hiện.
Tùy theo tính chất mức độ vi phạm chế độ trách nhiệm, người đứng đầu hoặc cấp phó phải chịu một hoặc nhiều hình thức trách nhiệm như trách nhiệm kỷ luật, trách nhiệm dân sự, hình sự, trách nhiệm vật chất và các trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, người đứng đầu và cấp phó được miễn, giảm nhẹ trách nhiệm nếu không thể biết hoặc đã làm hết trách nhiệm, áp dụng các biện pháp cần thiết để phòng ngừa, ngăn chặn hành vi tham nhũng, lãng phí hoặc hành vi vi phạm pháp luật khác.
Mặt khác, người đứng đầu hoặc cấp phó sẽ bị tăng nặng trách nhiệm nếu báo cáo sai sự thật về tình hình thực hiện, kết quả thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao, hoặc thiếu trung thực trong báo cáo, tường trình, tiếp thu phê bình, kiểm điểm hay cố tình né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngàyg đăng Công báo.


Tiêu chuẩn thanh tra xây dựng
(SMS 501959)
- Ngày 27/10/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 165/2007/QĐ-TTg quy định tạm thời tiêu chuẩn thanh tra viên chuyên ngành xây dựng quận, huyện và xã, phường, thị trấn và tiêu chuẩn cán bộ, công chức công tác trong các tổ chức thanh tra xây dựng cấp quận, cấp phường tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
Theo đó, cán bộ, công chức được tuyển dụng, bổ nhiệm thanh tra viên chuyên ngành xây dựng cấp quận và cấp phường phải đáp ứng đủ tiêu chuẩn bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ chuyên môn theo đúng yêu cầu của công việc, có chứng chỉ đào tạo pháp luật về xây dựng và nghiệp vụ thanh tra. Đối với công chức làm việc tại thanh tra xây dựng cấp quận phải có trình độ đại học trở lên (thanh tra cấp phường có trình độ trung học chuyên nghiệp trở lên) các chuyên ngành: xây dựng, kiến trúc quy hoạch, luật, kinh tế hoặc đất đai…
Người mới tuyển dụng phải có ít nhất 2 năm công tác thanh tra chuyên ngành xây dựng (không kể thời gian tập sự) thì mới đủ tiêu chuẩn làm thanh tra viên chuyên ngành này ở cấp quận, cấp phường. Trường hợp cán bộ, công chức ở các cơ quan, tổ chức khác chuyển sang tổ chức thanh tra xây dựng thì phải có ít nhất 1 năm công tác thanh tra chuyên ngành xây dựng…
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tư nhân (SMS: 501956) - Ngày 26/10/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 22/2007/CT-TTg về phát triển doanh nghiệp dân doanh.
Theo đó, người đứng đầu cơ quan, các tỉnh, thành phố theo thẩm quyền, chủ động bãi bỏ ngay hoặc trình cấp có thẩm quyền bãi bỏ, bổ sung hoặc sửa đổi những quy định không còn phù hợp với tư tưởng đổi mới của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của Luật Doanh nghiệp, yêu cầu quản lý nhà nước và lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng tạo mọi điều kiện thuận lợi trong khuôn khổ pháp luật cho việc thành lập doanh nghiệp và phát triển sản xuất, kinh doanh, kịp thời giải quyết các vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp theo thẩm quyền. Tổ chức chỉ đạo thực hiện nghiêm cơ chế phối hợp liên thông giữa các cơ quan giải quyết đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế và khắc dấu đối với doanh nghiệp.

Bộ Nội vụ cần nghiên cứu, trình Thủ tướng Đề án thí điểm giao cho một đến hai hiệp hội đủ điều kiện để thực hiện cấp chứng chỉ hành nghề kinh doanh; cấp giấy chứng nhận xuất xứ…
 

 BỘ TÀI CHÍNH


Lựa chọn doanh nghiệp kiểm toán
(SMS: 501926)
- Ngày 24/10/2007, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 89/2007/QĐ-BTC về việc ban hành Quy chế lựa chọn doanh nghiệp kiểm toán được chấp thuận kiểm toán cho tổ chức phát hành, tổ chức niêm yết và tổ chức kinh doanh chứng khoán.
Theo đó, doanh nghiệp, tổ chức có kế hoạch phát hành chứng khoán ra công chúng trong 3 năm tới thì phải thuê doanh nghiệp kiểm toán được chấp thuận kiểm toán báo cáo tài chính của 2 năm trước năm phát hành...
Doanh nghiệp kiểm toán được chấp thuận phải có đủ các tiêu chuẩn, điều kiện sau: có vốn điều lệ hoặc vốn chủ sở hữu từ 2 tỷ đồng trở lên đối với doanh nghiệp kiểm toán trong nước và tối thiểu là 300.000 USD đối với doanh nghiệp kiểm toán có vốn đầu tư nước ngoài; Có số lượng kiểm toán viên hành nghề từ 7 người trở lên và có đủ các tiêu chuẩn theo quy định; Có số lượng khách hàng kiểm toán hàng năm tối thiểu là 30 đơn vị trong 2 năm gần nhất...
Doanh nghiệp kiểm toán đã được chấp thuận không được thực hiện kiểm toán cho tổ chức phát hành, tổ chức niêm yết và tổ chức kinh doanh chứng khoán trong các trường hợp sau: có quan hệ về kinh tế như hùn vốn, liên doanh, góp vốn cổ phần… với tổ chức phát hành, tổ chức niêm yết, tổ chức kinh doanh chứng khoán hoặc ngược lại; Có cùng một tổ chức hoặc cá nhân sở hữu từ 5% vốn trở lên của mỗi bên; là khách hàng đang hưởng những điều kiện ưu đãi của tổ chức phát hành, tổ chức niêm yết, tổ chức kinh doanh chứng khoán được kiểm toán (như được cấp tín dụng với các điều kiện ưu đãi, bảo lãnh không có bảo đảm…)...
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Chính sách và ưu đãi thuế dự án ODA
(SMS: 501964)
- Ngày 23/10/2007, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 123/2007/TT-BTC hướng dẫn thực hiện chính sách thuế và ưu đãi thuế đối với các chương trình, dự án sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA).
Theo đó, chủ dự án ODA không hoàn lại, nhà thầu chính thực hiện dự án ODA không hoàn lại không phải nộp thuế NK, thuế TTĐB (nếu có), thuế GTGT đối với hàng hoá do Chủ dự án ODA, nhà thầu chính trực tiếp nhập khẩu hoặc uỷ thác nhập khẩu để thực hiện dự án ODA.
Chủ dự án ODA viện trợ không hoàn lại được hoàn lại số thuế GTGT đã trả khi mua hàng hoá, dịch vụ tại Việt Nam nếu hợp đồng ký với nhà thầu chính được phê duyệt bao gồm thuế GTGT và Chủ dự án không được Ngân sách Nhà nước cấp vốn để trả thuế GTGT.
Nhà thầu chính nước ngoài, nhà thầu phụ nước ngoài được miễn thuế NK và không phải trả thuế GTGT đối với máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải nhập khẩu vào Việt Nam theo phương thức tạm nhập, tái xuất để phục vụ thi công công trình của dự án ODA viện trợ không hoàn lại và được miễn thuế XK khi tái xuất.
Riêng đối với xe ôtô dưới 24 chỗ ngồi và xe ôtô có thiết kế vừa chở người, vừa chở hàng tương đương xe ôtô dưới 24 chỗ ngồi không áp dụng việc miễn thuế NK, thuế TTĐB theo hình thức tạm nhập, tái xuất. Các nhà thầu chính nước ngoài, nhà thầu phụ nước ngoài có nhu cầu nhập khẩu vào Việt Nam để sử dụng phải nộp thuế NK, thuế TTĐB theo quy định. Khi hoàn thành việc thi công công trình, dự án các nhà thầu chính nước ngoài, nhà thầu phụ nước ngoài phải tái xuất ra nước ngoài số xe đã nhập và được hoàn lại thuế NK, thuế TTĐB theo quy định...
Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán chứng khoán
(SMS: 501961)
- Ngày 22/10/2007, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 87/2007/QĐ-BTC về việc ban hành Quy chế đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán chứng khoán.
Theo đó, việc chuyển quyền sở hữu đối với chứng khoán đăng ký tại TTLKCK được thực hiện theo nguyên tắc sau: người sở hữu chứng khoán đã đăng ký tại TTLKCK nhưng chưa lưu ký muốn thực hiện chuyển quyền sở hữu chứng khoán phải lưu ký chứng khoán vào TTLKCK để giao dịch mua, bán qua SGDCK, TTGDCK; TTLKCK thực hiện chuyển quyền sở hữu chứng khoán chưa lưu ký không qua giao dịch chứng khoán tại SGDCK, TTGDCK trong các trường hợp sau: Biếu, tặng, cho, thừa kế chứng khoán theo qui định; Giao dịch chứng khoán lô lẻ theo qui định của pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán; Tổ chức phát hành mua lại cổ phiếu ưu đãi của cán bộ, công nhân viên khi chấm dứt hợp đồng lao động; Chia tách, sáp nhập, hợp nhất góp vốn bằng cổ phiếu thành lập doanh nghiệp hoặc phân định lại cơ chế quản lý tài chính của doanh nghiệp theo quy định…
Chỉ những người có tên trên sổ đăng ký người sở hữu do TTLKCK lập vào ngày đăng ký cuối cùng mới được nhận các quyền phát sinh liên quan đến chứng khoán…
Thành viên của TTLKCK phải mở tài khoản lưu ký chứng khoán tại TTLKCK để thực hiện các giao dịch đối với chứng khoán lưu ký tại TTLKCK. Mỗi thành viên của TTLKCK chỉ được mở một tài khoản lưu ký chứng khoán tại TTLKCK và không được mở tài khoản lưu ký tại thành viên lưu ký khác.
Công ty bảo hiểm 100% vốn nước ngoài phải mở hai tài khoản lưu ký chứng khoán tại một thành viên lưu ký để quản lý tách biệt các khoản đầu tư từ nguồn vốn chủ sở hữu và từ nguồn phí bảo hiểm khi thực hiện đầu tư trên thị trường chứng khoán.

Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO


Quy định về tuyển dụng giáo viên
(SMS: 501930)
- Ngày 26/10/2007, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo đã ban hành Quyết định số 62/2007/QĐ-BGDĐT ban hành Quy định về nội dung và hình thức tuyển dụng giáo viên trong các cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông công lập và trung tâm giáo dục thường xuyên.
Theo đó, việc tổ chức tuyển dụng phải đảm bảo dân chủ, công khai, công bằng, thực hiện chính sách ưu tiên theo đúng quy định. Người dự tuyển làm giáo viên (GV) phải đạt trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo theo quy định hiện hành tương ứng với ngạch GV dự tuyển…
Cụ thể, người dự tuyển làm GV mầm non, GV tiểu học phải có bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm; dự tuyển làm GV trung học cơ sở phải có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm hoặc có bằng tốt nghiệp cao đẳng và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm; dự tuyển làm GV trung học phổ thông phải có bằng tốt nghiệp đại học sư phạm hoặc có bằng tốt nghiệp đại học và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm. Trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm kỹ thuật tổng hợp-hướng nghiệp thực hiện như đối với cơ sở giáo dục phổ thông theo cấp học tương ứng…
Việc tuyển dụng GV thông qua 2 hình thức: thi tuyển hoặc xét tuyển và được thực hiện theo hình thức hợp đồng làm việc.
Nếu áp dụng hình thức xét tuyển, người trúng tuyển là người đạt yêu cầu về điều kiện, tiêu chuẩn nghiệp vụ của ngạch dự tuyển và có kết quả học tập trung bình toàn khóa cộng với điểm ưu tiên theo quy định tính từ người có kết quả cao nhất cho đến hết chỉ tiêu được tuyển dụng. Nếu nhiều người có kết quả xét bằng nhau ở chỉ tiêu cuối cùng thì Hội đồng tuyển dụng tiến hành phỏng vấn để lựa chọn người có kết quả cao nhất trúng tuyển.
Khi tuyển dụng giáo viên bằng thi tuyển, người dự thi bắt buộc phải tham gia 2 phần thi: thực hành và phỏng vấn. Điểm phần thi thực hành (soạn giáo án và giảng dạy) tính hệ số 3, điểm phần thi phỏng vấn tính hệ số 1. Người trúng tuyển tính từ người có tổng điểm cao nhất cho đến khi hết chỉ tiêu được tuyển và có số điểm thi của mỗi phần thi đạt từ 50 điểm trở lên.

Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.